TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những hình thức “có tâm linh mà không có đạo” khác nhau

Thứ sáu - 03/09/2021 04:44 |   802
Không gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng im lặng
Những hình thức “có tâm linh mà không có đạo” khác nhau

Những hình thức “có tâm linh mà không có đạo” khác nhau

 

Ronald Rolheiser, 2021-08-30

 

Không gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng im lặng, nhà thần học Đức Meister Eckhart đã nói như thế.

Một trong những hàm ý của ngài là một hoạt động nội tâm sâu sắc nào đó chỉ có thể thực hiện trong thinh lặng, một mình, riêng tư.

Dĩ nhiên ngài đúng, nhưng chuyện này còn có một khía cạnh khác. Dù có một số hoạt động nội tâm sâu sắc chỉ có thể được thực hiện trong thinh lặng, nhưng cũng có một số hoạt động tâm linh, trọng yếu và sâu sắc chỉ có thể được thực hiện khi cùng làm với người khác, khi ở trong một mối quan hệ, gia đình, giáo hội và xã hội. Sự thinh lặng có thể là con đường đặc biệt để đi đến chiều sâu của linh hồn. Nhưng nó cũng có thể là một con đường nguy hiểm. Ted Kaczynski, hay còn gọi là kẻ khủng bố Unabomber, đã sống trong thinh lặng, cô độc, và nhiều người bị rối loạn tâm thần sâu sắc khác cũng thế. Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho chúng ta biết, để giữ mình tỉnh táo thì phải có tương tác với người khác. Sự tương tác xã hội giúp chúng ta đứng vững, cân bằng và tỉnh táo. Tôi nhìn vào một vài người trẻ thời nay đang tương tác với người khác (trực tiếp hoặc qua mạng xã hội), liên tu bất tận khi họ không ngủ, và dù không lo lắng về sự tỉnh táo thì cũng đáng lo cho chiều sâu của họ.

Chúng ta cần nhau. Triết gia Pháp Jean-Paul Sartre từng nói câu lừng danh “tha nhân là địa ngục”. Ông không thể sai hơn. Xét cho cùng, tha nhân là thiên đàng, là cứu rỗi mà chúng ta được định cho. Tuyệt đối cô độc mới là địa ngục. Hơn nữa, sự cô độc hiểm ác này có thể lẻn vào chúng ta dưới lớp vỏ tôn giáo và vị tha tốt đẹp nhất.

Tôi xin đưa ra một ví dụ. Tôi lớn lên trong một gia đình gắn bó với cộng đồng nông thôn nhỏ, nơi gia đình, hàng xóm, giáo xứ giao tiếp với người khác là tất cả, nơi mà mọi thứ đều được chia sẻ và hiếm khi chúng tôi ở một mình. Tôi đã sợ ở một mình, tránh né và thậm chí tôi chỉ thoải mái khi ở bên người khác.

Tốt nghiệp trung học, tôi vào Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ, và trong tám năm ở đó, tôi sống trong một cộng đồng lớn và cũng là nơi mọi thứ đều được chia sẻ và hiếm khi chúng tôi ở một mình. Khi sắp khấn trọng và khấn vĩnh viễn với đời sống tu trì và chức linh mục, điều tôi sợ nhất là lời sống độc thân khiết tịnh và sự cô đơn đi kèm. Không vợ, không con, không gia đình và sự cô lập của đời sống độc thân.

Hóa ra mọi chuyện lại không phải thế. Dĩ nhiên đời sống độc thân có những cái giá của nó, và nó cũng không phải là cuộc sống bình thường mà Thiên Chúa dự định cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, sự cô đơn mà tôi đã e sợ (dù chỉ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi) lại hiếm khi xảy ra, thực tế ngược lại thì đúng hơn. Tôi thấy cuộc đời của tôi đầy ắp các mối quan hệ, tương tác, bận rộn, áp lực thường nhật và những cam kết lấp đầy mọi giờ trong ngày. Thay vì cảm giác cô đơn, tôi thấy mình lại thường khao khát được cô tịch, được tĩnh lặng, được ở một mình, và tôi dần cảm thấy khá thoải mái với chuyện ở một mình. Thật sự là quá thoải mái với nó.

Trong hầu hết những năm đời linh mục, tôi sống trong cộng đồng dòng tu lớn, và cộng đồng cũng như bất kỳ một gia đình nào, luôn có những đòi hỏi. Tuy nhiên, khi tôi làm Viện trưởng Trường Thần học, tôi được phân ở ngôi nhà dành riêng cho Viện trưởng và trong một thời gian, tôi ở một mình. Mới đầu, tôi hơi hoang mang vì chưa hề ở một mình, nhưng sau một thời gian, tôi quen dần. Tôi lại thích thế. Tôi không có trách nhiệm phải ở nhà vì ai cả ngoài chính tôi.

Nhưng tôi sớm nhận ra những nguy cơ của chuyện này. Sau một năm, tôi bỏ đặc quyền này. Một trong những nguy cơ của sống một mình và một trong những nguy cơ của đời sống độc thân, kể cả khi chúng ta trung thành sống với nó, là chúng ta không có người khác để nhắc nhở và đòi hỏi chúng ta. Chúng ta phải tự nhắc bản thân và có thể tránh cái mà Dorothy Day gọi là “sự khổ hạnh của sống trong một gia đình”. Khi sống một mình, chúng ta dễ dàng lên kế hoạch và sống theo ý mình, tự do kén chọn giao thiệp, chọn người nào trong gia đình, cộng đồng nào chúng ta thích, tránh những người gây khó khăn cho mình.

Có những chuyện ban đầu là nhân đức rồi dễ dàng biến thành thói xấu. Như bận rộn chẳng hạn. Chúng ta hy sinh thì giờ ở bên gia đình để đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình, nhưng rồi nó làm chúng ta xa sinh hoạt gia đình. Mới đầu, đây là hy sinh, nhưng cuối cùng nó lại thành lối thoát, một miễn trừ cố hữu để chúng ta khỏi phải đương đầu với những chuyện nào đó trong đời sống gia đình. Đời sống độc thân theo lời khấn và đời linh mục cũng có cùng nguy cơ đó.

Chúng ta đều biết câu, ‘chúng tôi có đời sống tâm linh nhưng không có đạo’ (dùng cho những người cởi mở với chuyện có Chúa nhưng không cởi mở với chuyện liên quan đến Giáo hội). Tuy nhiên, với hình thức này, chúng ta chật vật hơn là chúng ta nghĩ. Ít nhất là với tôi. Là một linh mục đã khấn sống đời độc thân, tôi cũng có thể sống kiểu như vậy với những lý do cao đẹp nhất, tôi có thể tránh được những khổ hạnh thường nhật vốn có nơi những người sống trong gia đình. Tuy nhiên, đây là nguy cơ cho tất cả chúng ta, dù là độc thân hay lập gia đình. Khi chúng ta, dù với những lý do tốt đẹp, có thể kén chọn phần nào trong gia đình và cộng đồng mà chúng ta thích để giao thiệp và phần nào gây khó khăn cho chúng ta để tránh né, thì đó chính là kiểu có đời sống tâm linh mà không có đạo.

J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2021/09/02/nhung-hinh-thuc-co-tam-linh-ma-khong-co-dao-khac-nhau/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây