TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI về Phán xét và Luyện ngục

Thứ tư - 02/11/2022 10:25 |   1097
Tháng 11 thường được gọi là Tháng Các Linh Hồn. Nhưng thực ra nó dành để chúng ta không những tưởng nhớ những người đã ra đi trước chúng ta về cõi vĩnh hằng, nhưng cũng để chúng ta nhớ đến thân phận đời người với các sự thật liên quan tới tứ chung của nó.
Giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI về Phán xét và Luyện ngục

Giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI về Phán xét và Luyện ngục

Vu Van An
 
Tháng 11 thường được gọi là Tháng Các Linh Hồn. Nhưng thực ra nó dành để chúng ta không những tưởng nhớ những người đã ra đi trước chúng ta về cõi vĩnh hằng, nhưng cũng để chúng ta nhớ đến thân phận đời người với các sự thật liên quan tới tứ chung của nó. Nhân dịp này, chúng tôi mời qúy độc giả đọc lại Thông điệp Spe Salvi của Đức Bênêđíctô XVI nói về hy vọng, trong đó, có 8 đoạn nói về việc phán xét, “như một khung cảnh để học hỏi và thực hành đức cậy”. Ngài viết: “phán xét của Thiên Chúa là đức cậy, bởi vì nó vừa là công lý vừa là ân sủng của Người”.



Sau đây là 8 đoạn đó, theo bản dịch của Bùi Hữu Thư đăng trên Vietcatholic ngày 6 tháng 12 năm 2007 (https://vietcatholic.net/News/Home/Article/49607)

III. Ngày Phán Xét Như Bối Cảnh Cho Việc Học Hỏi và Thực Hành Hy Vọng.

41. Vào phần cuối của đoạn giữa của Kinh Tin Kính của Giáo Hội - đoạn kể lại mầu nhiệm Chúa Kitô, từ lúc sinh ra hằng hữu từ Chúa Cha và lúc sinh ra hữu hạn từ Đức Maria Đồng Trinh, qua Thập Giá và Phục Sinh đến khi trở lại lần thứ hai - chúng ta thấy câu: “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Từ thời xa xưa, viễn ảnh của sự Phán Xét đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu trong đời sống hàng ngày như một tiêu chuẩn để sắp xếp trật tự cho đời sống hiện tại của họ, như một sự thức tỉnh lương tâm của họ, và đồng thời như niềm hy vọng vào công lý của Thiên Chúa. Đức tin vào Chúa Kitô không bao giờ chỉ nhìn lui lại phía sau hay nhìn lên trên, mà cũng luôn luôn nhìn về phía trước về cái giờ phán xét mà Chúa luôn luôn tuyên phán. Việc nhìn về phía trước làm cho K itô hữu thấy được tầm quan trọng của hiện tại. Trong việc thiêt kế các nơi thờ tự của Giáo Hội, với mục đích làm biểu hiệu tính cách lịch sử và vũ trụ của đức tin nơi Đức Kitô, thông thường người ta muốn trình bầy Chúa Kitô trở lại như một vị vua - một biểu tượng của hy vọng - ở đầu phía đông; trong khi bức tường phía tây thường trình bầy cuộc Chung Thẩm như một biểu tượng của trách nhiệm của chúng ta đối với đời sống mỗi người - một hình ảnh đi theo và đi cùng tín hữu trong khi họ rời thánh đường để tiếp tục công việc hàng ngày. Tuy nhiên, khi hình ảnh của cuộc Chung Thẩm được phát triển, càng ngày sắc thái ghê tởm và kinh hoàng càng trở nên quan trọng hơn, điều này hiển nhiên khiến cho các họa sĩ bị thu hút hơn là vẻ huy hoàng của hy vọng, thường bị chôn dấu bên dưới những sự kinh hoàng.

42, Trong thời đại mới, ý tưởng Chung Thẩm đã bị lu mờ và bị đẩy vào hậu trường: đức tin Kitô đã được cá nhân hóa và hướng nhiều về sự cứu rỗi của chính linh hồn người tín hữu, trong khi sự suy tư về lịch sử thế giới lại bị lấn át bởi ý tưởng của thuyết tiến bộ. Tuy nhiên, nội dung căn bản của việc chờ đợi ngày Chung Thẩm vẫn chưa mất đi: nó chỉ đơn thuần nhận lấy một hình thức khác. Thuyết vô thần của thế kỷ 19 và 20 - trong nguồn gốc và mục đích - là một học thuyết luân lý: một sự phản đối chống lại những bất công của thế giới và của lịch sử thế giới. Một thế giới đầy rẫy những bất công, những đau khổ của người vô tội, và quyền lực bạo tàn, không thể nào là công trình của một Thiên Chúa tốt lành. Một Thiên Chúa chịu trách nhiệm về một thế giới như vậy không thể là một Thiên Chúa công chính, và càng không phải là một Thiên Chúa tốt lành. Vì vấn đề luân lý, Thiên Chúa này cần được thách đố. Vì không có một Thiên Chúa để tạo ra công lý, nên dường như con người bây giờ được mời gọi để thiết lập công lý. Trước những đau khổ của thế giới này, sự thách đố Thiên Chúa có thể hiểu được; điều cho rằng nhân loại có thể và phải làm việc không có Chúa nào đã làm hay có thể làm, là quá tự cao và hiển nhiên sai lầm. Không phải ngẫu nhiên mà tư tưởng này đã đưa đến những hình thức ghê gớm nhất của sự bạo tàn và chà đạp công lý; trái lại nó đã được đặt căn bản trên sự sai lầm của điều con người tự cho phép mình làm. Một thế giới phải tự tạo ra công lý là một thế giới không có hy vọng. Không ai và không có gì có thể trả lời cho bao nhiêu thế kỷ đau thương. Không ai và không có gì có thể bảo đảm rằng sự hoài nghi các quyền lực - bất kể nó mang mặt nạ lý tưởng giả mạo nào - sẽ không còn tiềm tàng trong thế giới này. Chính vì vậy mà những tư tưởng gia nổi tiếng của Trường Phái Frankfurt, như Max Horkheimer và Theodore Adorno đã chỉ trích cả thuyết vô thần lẫn hữu thần. Horkheimer loại trừ thẳng tay việc khả dĩ tìm được một cái gì trong trần thế có thể thay thế được Thiên Chúa, trong khi cũng chối bỏ hình ảnh của một Thiên Chúa tốt lành và công chính. Đề cập đến việc Cựu Ước kêu gọi loại trừ triệt để những ngẫu tượng, ông ta đã coi “sự khao khát một Đấng toàn năng khác” dù không tiếp cận được – như một tiếng kêu đòi hướng đến lịch sử thế giới. Adorno cũng cam đoan duy trì sự chối bỏ hoàn toàn những ảnh tượng, dĩ nhiên có nghĩa là có sự loại trừ bất cứ “hình ảnh” nào của một Thiên Chúa nhân lành. Mặt khác, ông cũng thường xuyên nhấn mạnh cái biện chứng “tiêu cực” này và cho rằng công lý - một công lý chân chính - đòi hỏi một thế giới trong đó, “không những các đau khổ hiện tại phải được tiêu tan, mà cả quá khứ bất khả biến cũng phải được phục hồi.” (30) Tuy nhiên, điều này có nghĩa là - để trình bầy một cách tích cực, nhưng đối với ông lại không đủ các biểu tượng - là không thể nào có công lý khi không có sự sống lại của kẻ chết. Tuy nhiên, điều này phải liên quan đến “sự sống lại của thân xác, một điều hoàn toàn xa lạ đối với thuyết duy tâm và lãnh vực của sự tinh thầnTuyệt Đối.” (31)

43. Kitô hữu cũng thế, có thể và phải thường xuyên học hỏi từ sự từ bỏ hoàn toàn những ảnh tượng chứa đựng trong điều răn thứ nhất của Thiên Chúa (xem Xh 20:4). Sự thật của thần học tiêu cực được nhấn mạnh trong Công Đồng Latêranô thứ Tư, và nói rõ rằng dù cho có sự giống nhau đến đâu đã được thiết lập giữa Tạo Hóa và tạo vật, sự dị biệt luôn luôn lớn hơn (32). Dù sao chăng nữa, đối với tín hữu, sự từ bỏ các ảnh tượng không thể được quá độ khiến cho người ta phải trở nên giống như Horkheimer và Adorno, là chối bỏ cả hai học thuyết - hữu thần và vô thần. Chúa đã tự cho mình một “hình ảnh” trong Đức Kitô xuống thế làm người. Trong Người, Đấng bị đóng đinh vào thập giá, sự chối bỏ những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa đã bị đưa đến chỗ quá đáng. Chúa ngày nay mạc khải bộ mặt thật của Người trong hình ảnh của những kẻ khổ đau đang chia sẻ thân phận bị Thiên Chúa chối bỏ của con người bằng cách tự gánh chịu lấy nó. Kẻ vô tôi chịu đau khổ này đã đạt được niềm hy vọng chắc chắn là có một Thiên Chúa, và Thiên Chúa có thể tạo dựng công lý theo cách thức chúng ta không thể hình dung ra được, nhưng lại có thể bắt đầu hiểu được qua đức tin. Phải, có sự sống lại của thân xác (33). Có công lý (34). Có một sự “giải trừ” các đau khổ trong quá khứ, một sự sửa sai giúp cho mọi sự được đúng trở lại. Vì lý do này, đức tin vào cuộc Chung Thẩm là niềm hy vọng trước hết và trên hết - nhu cầu phải có hy vọng đã được biểu hiệu rõ ràng qua các cuộc nổi loạn trong các thế kỷ gần đây. Tôi tin rằng vấn đề công lý là luận cứ thiết yếu, hay trong bất cứ trường hợp nào cũng là luận cứ mạnh mẽ nhất, thiên về đức tin vào đời sống vĩnh cửu. Nhu cầu hoàn toàn cá nhân của chúng ta là đạt được sự viên mãn bị chối từ trong đời này, nhu cầu có một tình yêu vĩnh cửu mà chúng ta hằng mong chờ, chắc chắn là một thúc đẩy quan trọng để chúng ta tin rằng con người được sinh ra cho thế giới vĩnh hằng; nhưng, chỉ khi chúng ta không cho rằng những bất công của lịch sử, phải là quan yếu, thì sự cần thiết cho việc Đức Kitô trở lại và sự cần thiết có một đời sống mới, mới trở nên hoàn toàn đáng tin tưởng.

44. Chống lại Thiên Chúa dưới danh nghĩa của công lý không ích lợi gì. Một thế giới không có Thiên Chúa là một thế giới không có hy vọng (xem Ep 2:12). Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tạo ra công lý. Và đức tin cho chúng ta biết chắc là Người đã làm như vậy. Hình ảnh của Cuộc Chung Thẩm không phải là một hình ảnh của sự khiếp sợ, nhưng là hình ảnh của hy vọng: đối với chúng ta có thể chính là hình ảnh chắc chắn của sự hy vọng. Đó không phải là một hình ảnh đáng khiếp sợ sao? Tôi phải nói: đây là một hình ảnh gợi ra trách nhiệm, do đó, một hình ảnh của sự hãi sợ mà Thánh Hilary đã đề cập đến khi ngài nói là tất cả mọi sự sợ hãi của chúng ta đều có chỗ trong tình yêu (35). Thiên Chúa là công lý và tạo ra công lý. Đây là niềm an ủi và niềm hy vọng của chúng ta. Và trong công lý của Chúa cũng có ân sủng. Điều này chúng ta biết được bằng cách ngắm nhìn Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Cả hai điều này - công lý và ân sủng - phải được xem xét trong mối tương quan nội tại đúng đắn của chúng. Ân sủng không xóa bỏ công lý. Ân sủng không biến sự sai trái thành phải. Đó không phải là một miếng bọt biển để tẩy xóa mọi sự, khiến cho bất kể điều gì một cá nhân làm dưới thế đều có cùng một giá trị như nhau. Chẳng hạn, Dostoevsky hành động đúng khi ông chống thể loại thiên đàng này, và loại ân sủng này trong tập truyện Anh Em Karamazov. Các kẻ dữ, cuối cùng, không được ngồi vào bàn của bữa tiệc vĩnh cửu bên cạnh những nạn nhân, như là không có gì đã xẩy ra. Ở đây, tôi muốn trích một đoạn của Platông trình bầy một tiên đoán về sự phán quyết công bình mà trong nhiều khía cạnh vẫn trung thực và tốt đẹp đối với các Kitô hữu. Dù không dùng đến các hình ảnh huyền thoại, ông trình bầy sự thật với một sáng suốt vững chắc; ông nói rằng cuối cùng các linh hồn sẽ phải trần truồng đứng trước vị thẩm phán. Bất kể đến trong lịch sử người đó đã làm gì, nhưng chỉ kể đến việc họ là ai trong chân lý: “Thông thường, khi một vị thẩm phán phải xử tội một nhà vua hay một vị nguyên thủ quốc gia nào khác, ngài không thấy linh hồn này có một cái gì tốt lành cả; chỉ thấy linh hồn này hằn lên những vết sẹo bởi những hành động gian trá và sai trái”; linh hồn ấy bị méo mó vì những lừa dối và kiêu căng, và không có gì ngay thẳng, vì sự thật không có chỗ trong sự phát triển của linh hồn ấy. Quyền hành, xa hoa, kiêu ngạo, và trụy lạc khiến cho linh hồn ấy đầy những sự bất cân xứng và ghê gớm đến nổi khi vị thẩm phán xem xét nó phải tống nó ngay vào ngục, nơi nó đến để chịu những hình phạt tương xứng”. Nhưng, đôi khi, mắt vị thẩm phán dừng lại trên một linh hồn khác đã sống trong sạch và chân thật, “thì ngài kính phục và cho gửi ngay đến những hòn đảo của những linh hồn được chúc phúc” (36). Trong dụ ngôn người giầu có và Lazarô (xem Lk 16: 19-31), Chúa Giêsu răn dậy chúng ta qua hình ảnh của một linh hồn bị thiêu hủy bởi sự cao ngạo và giầu có; người này đã tạo nên một hố sâu không vượt qua được giữa hắn và người nghèo khó; hố sâu của việc tự giam mình trong những thú vui vật chất; hố sâu của việc làm ngơ người khác, của việc thiếu khả năng yêu thương, nó đã trở nên một nỗi khát khao thiêu đốt và không thể nào thỏa mãn. Chúng ta phải ghi nhận rằng trong dụ ngôn này Chúa Giêsu không đề cập đến định mệnh cuối cùng sau cuộc Chung Thẩm, nhưng lại đưa ra một quan niệm mới, inter alia[giữa những điều khác], được thấy trong Do Thái giáo xưa cổ, đó là một trạng thái trung gian giữa cái chết và sự sống lại, một trạng thái trong đó phán quyết cuối cùng chưa được ban hành.

45. Ý tưởng xưa cổ của Do Thái giáo này về một trạng thái trung gian bao gồm quan niệm các linh hồn không chỉ đang bị tạm giam, nhưng theo dụ ngôn của người giầu có trình bầy, đã bị trừng phạt hay đang được hưởng một hạnh phúc tạm thời. Cũng có ý tưởng cho rằng trạng thái này có thể bao gồm sự thanh tẩy và chữa lành làm cho linh hồn trưởng thành để có thể hiệp thông với Thiên Chúa. Giáo Hội sơ khai tiếp nhận các quan điểm này, và trong Giáo Hội Tây Phương chúng dần dần phát triển thành học thuyết về Luyện Ngục. Chúng ta không cần xem xét ở đây đường lối lịch sử của sự phát triển ấy; mà chỉ muốn hỏi xem nó có ý nghĩa gì. Với cái chết, sự chọn lựa cuộc đời của chúng ta trở thành bất biến - đó là đời sống chúng ta đứng trước vị thẩm phán. Sự chọn lựa của chúng ta, trong suốt cuộc đời có một hình thức nào đó và có thể có nhiều dạng thức khác nhau. Có thể có những người đã hoàn toàn hủy diệt ước muốn về sự thật và sẵn sàng yêu thương, những người đối với họ mọi sự trở nên một dối trá, những người chỉ sống cho thù hận và đã dập tắt mọi tình yêu bên trong họ. Đây là một ý tưởng ghê sợ, nhưng nhiều hình ảnh báo động về loại người này có thể được thấy trong một số nhân vật trong lịch sử chúng ta. Trong những người này mọi sự đã hết thuốc chữa và sự tiêu hủy những gì tốt lành không thể nào được phục hồi: đây là ý nghĩa của Hỏa Ngục (37). Về mặt khác, có thể có những người hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn thấm nhuần bởi Thiên Chúa, và do đó hoàn toàn cởi mở cho tha nhân- những người mà sự hiệp thông với Thiên Chúa giúp cho họ có hướng đi cho mình và hành trình của họ đến với Chúa chỉ mang lại sự viên mãn họ đã có sẵn (38).

46. Vậy mà chúng ta, qua kinh nghiệm, được biết là cả hai trường hợp đều không bình thường trong đời sống nhân loại. Vì đa số người ta - chúng ta giả dụ - hãy còn có trong đáy sâu của con người họ, một sự cởi mở tối hậu cho chân lý, cho tình yêu, cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, những lựa chọn cụ thể của đời sống đều bị bao phủ bởi những mưu toan mới với sự dữ - có nhiều dơ bẩn bao trùm sự trong sạch, nhưng sự khát khao được trong sạch vẫn còn đó và vẫn thường xuyên tái xuất hiện từ tất cả những gì là căn bản và vẫn hiện diện trong linh hồn. Cái gì sẽ xẩy ra cho các linh hồn này khi họ đến trước vị thẩm phán? Liệu tất cả những dơ bẩn họ thâu lượm trong suốt cuộc đời có bỗng nhiên trở nên không quan trọng không? Còn điều gì khác có thể xẩy ra? Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi Côrintô, cho chúng ta một ý niệm về ảnh hưởng của sự phán quyết của Thiên Chúa tùy theo trường hợp riêng biệt của mỗi người. Ngài không dùng những hình ảnh này bằng cách nào đó để cố gắng diễn tả sự vô hình, mà không cho chúng ta hình dung ra được những hình ảnh ấy - chỉ vì chúng ta không thể nhìn được thế giới bên kia sự chết, và cũng không thể có kinh nghiệm về thế giới đó. Thánh Phaolô bắt đầu bằng cách nói rằng đời sống Kitô hữu được xây dựng trên một nền tảng chung: là Đức Giêsu Kitô. Nền tảng này tồn tại. Nếu chúng ta đã đứng vững trên nền tảng này và xây dựng đời sống chúng ta trên đó, chúng ta biết rằng nó không thể nào bị cất đi khỏi chúng ta ngay cả trong cái chết. Rồi ngài tiếp: “Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Cor 3:12-15). Trong bản văn này, hiển nhiên trong bất cứ trường hợp nào, sự cứu rỗi của chúng ta có thể có nhiều hình thức khác nhau, một số những gì đã được xây lên có thể bị thiêu hủy, để cho được cứu chuộc chính chúng ta phải đi qua “lửa” hầu được trở nên hoàn toàn cởi mở để tiếp nhận Thiên Chúa và có thể ngồi vào chỗ của chúng ta tại bàn tiệc cưới vĩnh cửu.

47. Một vài nhà thần học mới đây có ý kiến là lửa vừa thiêu đốt vừa cứu chuộc là chính Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Thế. Sự gặp gỡ Người là hành động phán xết quyết định. Trước ánh mắt người tất cả những gì là giả trá sẽ tan biến. Sự gặp gỡ Người trong khi thiêu đốt chúng ta, lại cải biến chúng ta, giải thoát chúng ta, khiến cho chúng ta trở nên con người chính thật của mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong đời có thể chỉ là rơm rạ, rỗng tuếch và sụp đổ. Vậy mà trong cái đau đớn của cuộc gặp gỡ này, khi những dơ bẩn, và bệnh hoạn của đời sống chúng ta trở nên hiện thực đối với chúng ta, thì sự cứu rỗi nằm ngay ở đó. Cái nhìn của Chúa, sự va chạm của trái tim Người chữa lành chúng ta qua một một biến cải chắc chắn là đau đớn “như bị lửa thiêu đốt”. Nhưng đó là một sự đau đớn được chúc lành, trong đó quyền lực cực thánh của tình yêu Người đốt cháy như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn thành chính mình và nhờ đó thuộc hoàn toàn về Chúa. Bằng cách này sự tương quan giữa công lý và ân sủng cũng trở nên rõ ràng; cách thức chúng ta sống đời sống không phải là không quan trọng, nhưng sự xấu xa của chúng ta không gây tì ố trên chúng ta mãi mãi nếu chúng ta ít ra đã tiếp tục vươn ra để đến với Chúa Kitô, đến với sự thật và tình yêu. Thật vậy, những xấu xa của chúng ta đã bị thiêu hủy qua cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Vào lúc chung thẩm chúng ta cảm nhận và hấp thụ quyền lực vô biên của tình yêu Người trên tất cả sự dữ trong thế gian và trong chúng ta. Nỗi đau của tình yêu trở nên sự cứu rỗi và niềm vui của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không thể đo lường “thời gian” của sự thiêu đốt biến cải bằng những phương tiện của thế gian này. “Giờ phút” biến cải của sự gặp gỡ này không thể được đo bằng các đơn vị dùng nơi trần thế - đó là thời khắc của con tim, đó là thời gian của sự “đi qua”, để hiệp thông với Thiên Chúa qua Mình Thánh Chúa Kitô (39). Phán quyết của Chúa là niềm hy vọng, vì đó vừa là công lý, vừa là ân sủng. Nếu chỉ có ân sủng mà thôi, khiến cho tất cả mọi sự thế gian không còn quan hệ, Thiên Chúa vẫn mắc nợ chúng ta một câu trả lời về công lý - câu hỏi thiết yếu chúng ta đặt với lịch sử và với Thiên Chúa. Nếu chỉ là công lý, thì cuối cùng chỉ có thể đem lại cho chúng ta sự sợ hãi. Việc Chúa nhập thể trong Đức Kitô đã nối kết công lý và ân sủng với nhau - cho công lý được thiết lập vững chắc: chúng ta đều phải lo liệu cho sự cứu rỗi của chúng ta “trong lo âu và run sợ” (Pl 2:12). Tuy nhiên ân sủng cho phép tất cả chúng ta hy vọng, và để vững tin đi gặp vị Thẩm Phán chúng ta được biết là “đấng bào chữa” chúng ta hay đấng parakletos (xem 1 Ga 2:1).

48. Cần đề cập thêm một điều nữa ở đây, vì quan trọng cho việc thực hành niềm hy vọng Kitô giáo. Các tư tưởng Do Thái thời xưa bao gồm điều cho rằng người ta có thể giúp đỡ người quá cố trong trạng thái trung gian bằng lời cầu nguyện (chẳng hạn xem 2 Mcb 12: 38-45; thế kỷ thứ nhất trước Thiên Chúa). Sự thực hành tương đồng được các kitô hữu tiếp nhận và được áp dụng trong giáo hội Đông Phương và Tây Phương. Đông Phương không công nhận sự thanh tẩy và chuộc lỗi qua sự đau khổ của các linh hồn ở đời sau, nhưng có công nhận một vài trình độ hạnh phúc và đau khổ trong trạng thái trung gian. Tuy nhiên, linh hồn của người chết có thể nhận được “sự an ủi và ấm áp” qua việc rước Mình Thánh, cầu nguyện và bố thí. Người ta tin rằng tình yêu có thể vươn tới đời sống mai sau, và có thể có sự ban cho và nhận lãnh, trong đó tình yêu dành cho nhau tiếp tục bên kia ranh giới của sự chết - điều này đã trở nên một xác tín của Kitô Giáo qua nhiều thời đại và ngày nay vẫn còn là một nguồn suối ủi an. Ai mà không cảm thấy cần thiết phải bầy tỏ cho người thân yêu đã ra đi một dấu chỉ của tình thương, một cử chỉ biết ơn hay ngay cả một lời cầu xin tha thứ? Đến đây, một câu hỏi khác được đặt ra: nếu “Luyện Ngục” chỉ là sự thanh tẩy trong lửa qua việc gặp gỡ Chúa Kitô, đấng Phán Xét và Cứu Chuộc, thì làm sao một người ngoài lại có thể can thiệp, dù cho người ấy có thân cận đến đâu? Khi chúng ta đặt câu hỏi này, chúng ta phải nhớ rằng không một ai là một ốc đảo sống hoàn toàn độc lập. Đời sống chúng ta có liên quan đến người khác, qua biết bao nhiêu lần giao tiếp, các đời sống được nối kết với nhau. Đời sống của người khác tiếp tục lan sang đời sống của tôi: dù tốt hay xấu. Do đó, lời cầu nguyện tôi dâng cho người khác không phải là một cái gì không dính líu đến người ấy, một cái gì ở bên ngoài, dù cho cả sau cái chết. Trong sự liên kết của các đời sống, lòng biết ơn đối với người khác - lời kinh dâng cho họ - có thể đóng một vai trò nhỏ trong sự thanh tẩy họ. Và do đó không cần phải hoán đổi thời giờ thế gian thành thời giờ của Chúa: trong sự hiệp thông của các linh hồn thời giờ trần thế bị thay thế. Không bao giờ được coi là quá trễ để chạm đến trái tim của người khác, và cũng không bao giờ vô ích. Bằng cách này chúng ta giải thích thêm một yếu tố quan trọng của quan niệm Kitô Giáo về hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta luôn luôn thiết yếu là niềm hy vọng của người khác: chỉ như thế nó mới thật sự là niềm hy vọng của cả tôi nữa (40). Là Kitô hữu chúng ta không bao giờ được tự giới hạn mình để chỉ biết hỏi: làm sao để tôi được cứu rỗi? Chúng ta cũng phải hỏi: tôi phải làm gì để cho người khác có thể được cứu chuộc, và để cho đối với họ ngôi sao hy vọng có thể tỏa sáng trên trời? Như thế tôi cũng đã làm hết sức mình cho việc cứu rỗi của chính tôi.
________________________________________________________________________________________

Ghi chú

[30] Negative Dialektik (1966), Phần III, 11, trong Gesammelte Schriften VI, Frankfurt am Main 1973, tr.395.

[31] Sđd., Phần II, tr.207.

[32] DS 806.

[33] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 988-1004.

[34] Xem Sđd., 1040.

[35] Xem Tractatus super Psalmos, Ps 127, 1-3: CSEL 22, 628-630.

[36] Gorgias 525a-526c.

[37] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1033-1037.

[38] Xem Sđd., 1023-1029.

[39] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1030-1032.

[40] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1032.
 
Vietcatholic News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây