Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 01/11/2022 22:49 |
Tác giả bài viết: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ |
1184
Sống thế nào để “Ki-tô hữu có thể là Ki-tô hữu đúng nghĩa”?
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO Bài 63: KITÔ HỮU LÀ AI?
Hỏi: Sống thế nào để “Ki-tô hữu có thể là Ki-tô hữu đúng nghĩa”?
Trả lời:
“Ki-tô hữu là người luôn ở trên đường trở nên Ki-tô hữu đích thật”, triết gia hiện sinh người Đan Mạch, Søren Kierkegaard đã trả lời vậy. Nhưng con đường chúng ta bước đi là con đường nào vậy? Đó chính là Chúa Giêsu Ki-tô, Đấng đã nói với chúng ta rằng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Như thế, Chúa Giêsu chính là chuẩn mực cho hành trình trở nên Ki-tô hữu thật sự và đúng nghĩa.
Bạn có là Ki-tô hữu đúng nghĩa, khi bạn chọn bàn tiệc nhậu nhẹt với bạn bè, thay vì bạn chọn Chúa Ki-tô và chạy đến với Ngài trong Thánh Lễ?
Mang danh Ki-tô hữu, nghĩa là người có Chúa Ki-tô trong lòng, người thuộc về Chúa Ki-tô, mà bạn lại “trốn tránh” Chúa để bước vào một thế giới chỉ lo vui chơi, ăn uống, say xỉn, chơi bời và hưởng thụ thôi sao? Kiểu lý luận “đời người chỉ có một lần, hàng ngày đã đi làm, cuối tuần phải tranh thủ đi chơi, đi tiệc, đi để hưởng đời, không thôi sẽ trễ”, là kiểu lý luận của cách sống quy về mình toả ra mùi vị ích kỷ, chỉ thích hưởng thụ và thiếu trưởng thành.
Đấng đáng kính, Đức cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã phê phán kiểu sống đạo hời hợt chỉ đi tìm mình như sau: “Công giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy” (Mười căn bệnh làm băng hoại người Công giáo).
Theo lối sống hưởng thụ, quy về cái tôi và quên Chúa là lúc Ki-tô hữu đang “thiếu Chúa Ki-tô” trong lòng. Vì thế, điều quan trọng và cấp thiết là phải trở về với Chúa, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Trở về luôn là một hành trình gay cấn, vì trở về đòi hỏi “ra khỏi cái tôi ích kỷ” cứng ngắc, để trở nên mềm mại cho Chúa. Không bao giờ trễ để trở về cả. Trở về để rồi trở nên người Ki-tô hữu đúng nghĩa. Đó là hình ảnh của người con hoang đàng. Sau một thời đi hoang với bạn bè bên bàn tiệc với kết cục đau thương là không được dự “bàn tiệc” với đàn heo, anh đã trở về với Cha. Với tấm lòng thương xót Cha đã mở rộng vòng tay đón nhận, tha thứ, trao lại phẩm giá cao quý của người con. Rồi Cha còn mở tiệc ăn mừng con mình trở về nữa chứ. Ôi bữa tiệc của Cha chuẩn bị trong chính ngôi nhà của Cha, ngập tràn bầu khí và hương thơm của lòng thương xót Cha dành cho con, sao mà cao quý đến vậy!
Bữa tiệc Lòng Thương Xót của Cha là chính Thánh Lễ chúng ta cử hành. Trong mỗi Thánh Lễ bàn tiệc tình yêu được dọn ra với lương thực cao quý là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. Lương thực từ trời cao trao tặng quý thế nào, đôi khi chúng ta là người Ki-tô hữu chưa hiểu và chưa nhận ra.
Ngồi ăn sáng với một anh trung niên tại một quán ăn ở Sài-gòn. Anh kể cho tôi câu truyện đời anh với những thăng trầm, điểm tối và điểm sáng. Trước đây, là người làm ra rất nhiều tiền, nên anh chìm mình trong hưởng thụ. Hết bạn này đến bạn khác, bàn nhậu này đến bàn tiệc kia, rồi còn biết bao đam mê xấu xa khác nữa. Là người Công giáo đấy, nhưng có biết gì về Chúa đâu, có biết chi về giá trị của Thánh Lễ. Lâu lâu đi dựa cột “nghe Thánh Lễ” cho xong bổn phận, để vợ con không cằn nhằn, để ít nhất “tâm hồn cũng ổn”. Một thời gian dài “hưởng thụ” đời này, bỗng chợt anh được Chúa “vặn cổ” qua biến cố quan trọng đời anh. Từ đó, anh đã thay đổi hướng đi. Anh trở về. Từng bước anh đến với Chúa trong Thánh Lễ, anh khám phá ra món ăn Lời Chúa và Thánh Thể sao mà tuyệt vời đến vậy. Từ từ anh quyết tâm học hỏi trau dồi Lời Chúa và sống bí tích Thánh Thể một cách thật sống động trong cuộc sống hằng ngày. Anh không còn dựa cột ngoài khuôn viên nhà thờ để “nghe Thánh Lễ”, mà giờ đây anh ngồi đàng hoàng trên ghế trong nhà thờ và chú tâm để nghe Lời Chúa.
“Đó là Lời Chúa”. Anh đã đến với bạn bè, với tất cả mọi người anh quen biết, và đi khắp mọi nơi ở Sài-gòn cùng những miền đất khác, để rao giảng Lời Chúa, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Anh say mê kể câu chuyện đời Anh đã được món ăn Lời Chúa biến đổi thế nào, được Chúa chạm đến, xóa tội và yêu thương ra sao.
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng Xoá Tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Anh mừng vui “vẽ lên” dung mạo tràn đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể cho mọi người cùng chiêm ngắm. Hơn nữa, anh còn mở lòng để sống bí tích Thánh Thể và lòng thương xót của Chúa cách cụ thể, qua việc giúp đỡ người nghèo khổ, bất hạnh. Những chuyến đi nhân ái đến với bà con cô bác ở vùng sâu vùng xa đã làm hiển lộ sống động “bữa tiệc Thánh Thể” trong đời sống anh.
Ôi hồng phúc biết bao cho mỗi người chúng ta, khi ý thức đón nhận cao lương mỹ vị từ trời cao, là Lời Chúa và Thánh Thể. Vì vậy, mong sao đừng có Ki-tô hữu nào tự loại mình ra khỏi bữa tiệc cao quý này, như lời thánh I-rê-nê đã nói rằng: “Vì Ngài đã sai nhiều người đi mời khách tới dự tiệc cưới, nhưng những kẻ đã không nghe Ngài, chính họ đã tự ý nhịn bữa tiệc Nước Trời”.
Đừng “tự ý nhịn bữa tiệc Nước Trời, vì lo mất bữa tiệc đất thấp”. Đó chỉ là cái lo lắng hão huyền, là sự cám dỗ tinh vi của sự dữ, của thế gian. Hơn nữa, khi bàn tiệc thiêng liêng và bàn tiệc trần thế hoà điệu với nhau, thì bạn càng “được lời” hơn nữa.
“Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta chuẩn bị cho Bí Tích Thánh Thể. Trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống thường ngày. Qua đó Thánh Thể và cuộc sống hằng ngày của chúng ta hoà quyện lại và trở nên lời tạ ơn Thiên Chúa luôn mãi” (Thánh Edith Stein).
Lời của thánh Edith Stein cho chúng ta nhận ra, bàn tiệc nuôi sống linh hồn trong Thánh Lễ ở nhà thờ và bàn tiệc nuôi sống thân xác ở gia đình và với bạn bè không bao giờ là hai mảnh tách rời nhau.Sự hoà quyện của bí tích Thánh Thể, của Thánh Lễ với từng nhịp chân, với từng hơi thở của chúng ta trong đời sống thường ngày là điều rất giá trị.
Chính khi Chúa Giêsu Thánh Thể có mặt trong từng khoảnh khắc sống của chúng ta, thì cuộc sống thường ngày của chúng ta là Ki-tô hữu được sống động và mang một giá trị đích thật hơn.
Giá trị đích thật đó mang hương vị của lời tạ ơn, của lòng biết ơn. Chúng ta có gì mà không bởi ơn Thiên Chúa ban? Dù là chén rượu ngon với bạn bè hay là giây phút sốt sắng bên Chúa trong nhà thờ, đều là ân ban của Thiên Chúa.
Giá trị đích thật đó mang tâm tình của người Ki-tô hữu luôn đi tìm Chúa trong mọi sự. Tìm Chúa trong thánh đường với bầu khí thật linh thiêng, và tìm Chúa ngay trong câu chuyện của bàn cơm gia đình và bàn tiệc với bạn bè. Tìm Chúa cũng là cầu nguyện, là sống thân mật với Chúa đó. Mà sống thân mật với Chúa thì hồng phúc biết bao nhiêu. “Có Chúa là có tất cả” và “được sống thân mật với Chúa là một diễm phúc”, thánh Tê-rê-sa Avila đã chia sẻ như vậy.
Giá trị đích thật đó được hiển lộ trong đời sống của người tín hữu ngập tràn Lòng thương xót. “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng thương xót” (Lc 6,36). “Con giống cha là nhà có phúc”. Câu châm ngôn của cha ông như là lời hướng dẫn chúng ta biết sống thế nào để đẹp lòng Cha trên trời: “Cha trên trời sống thương xót ra sao, chúng ta từng bước học sống thương xót như Ngài vậy”. Khi thương xót người khác, tôi tìm thấy giá trị đời mình. Khi anh chị em được thương xót, anh chị em tìm thấy phẩm giá cao quý của anh chị em.
Giá trị đích thật đó còn đưa lại niềm hy vọng tràn ngập niềm tin. Tin vào Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu đời sau, để rồi không bao giờ ngu ngơ chỉ bám vào những điều thuộc về đời này, là vật chất, là cái ăn và cái uống, là tiền bạc và của cải... Của ăn và nước uống đưa lại sự sống trường sinh và kho tàng vĩnh cửu không bao giờ bị mối mọt đục khoét luôn ở nơi Chúa. Hồng phúc cho ai ý thức hướng về chính cuộc sống đời sau với Chúa, để nhờ đó có thể sống ngày hôm nay như là ngày cuối cùng cho thật chất lượng, cái chất lượng mang “hồn Chúa”.
“Hãy sống mỗi ngày hôm nay như là ngày cuối cùng của đời mình!”
Lời thánh hiền nhắc nhớ thật chí lý. Ý thức điều này, mỗi người chúng ta tỉnh táo sống như thể Chúa gọi mỗi người về với Chúa ngay hôm nay.
Đồng hành với một số anh chị em bỗng chợt bị trọng bệnh và đối diện với cái chết, tôi khám phá ra điều mà anh chị em ao ước. Ai ai cũng ao ước được thanh thoát nhẹ nhàng và không còn bị bất cứ điều gì ám ảnh và làm nặng lòng, nặng người anh chị em cả. Hành trang anh chị em muốn đưa theo để về với Chúa là “tâm hồn trong sạch”. Vì thế, ai ai cũng xin được đón nhận bí tích Hoà Giải và bí tích Xức Dầu. Trong chiều sâu của bí tích Hoà Giải, mặt nạ được tháo xuống, xấu hổ “không có chỗ” trong lúc này. Trải lòng và trải lòng với Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Tha thứ và được tha thứ là ân ban lớn lao để “quét sạch” mọi rác rưởi trong căn nhà tâm hồn, để rồi tâm hồn của mỗi hối nhân được Chúa yêu thương trở thành Cung Thánh thật đẹp cho Chúa ngự.
Làm sao để tâm hồn chúng ta mỗi ngày luôn là Cung Thánh cho Chúa ngự đây?
Hãy sống mỗi ngày hôm nay như là ngày cuối cùng của đời mình, bằng cách chạy đến với Chúa trong Lời Chúa, trong bí tích Thánh Thể, bằng cách tập yêu Chúa mãi và bám chặt vào Chúa như cành nho bám vào thân cây nho, như trẻ thơ được Chúa ôm ấp trong lòng.Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu chia sẻ như sau: “Đừng sợ nói với Chúa Giêsu rằng bạn yêu thương Người, cho dù không cảm thấy gì, đó là cách để buộc Người giúp đỡ bạn, và bồng lấy bạn như một em nhỏ quá yếu không thể bước đi”.
Hãy sống mỗi ngày hôm nay như là ngày cuối cùng của đời mình, bằng cách sống mỗi giây, mỗi phút cho thật tốt, thật chất lượng, cái chất của Tin Mừng, cái chất của “hồn Chúa Giêsu”, là theo gương Chúa Giêsu mở vòng tay đến với Anh Chị Em. Bên Anh Chị Em cùng chia sẻ lòng thương xót, cùng tha thứ và cảm thông, cùng ủi an và nâng đỡ. Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta để lại lời thật đẹp: “Những gì chúng ta cần làm là yêu thương không mệt mỏi. Nhờ đâu ngọn đèn cháy lên? Nhờ những giọt dầu không ngừng đổ vào. Những giọt dầu ấy là gì trong ngọn đèn của chúng ta? Chúng là những điều rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày: chút lòng thành, đôi lời tử tế, một ý nghĩ hướng về người khác, cách chúng ta thinh lặng, cách chúng ta nhìn, nói và hành động”.
Để kết những hàng chia sẻ này, xin mời bạn cùng tôi sống mỗi ngày hôm nay như là ngày cuối cùng của đời mình, bằng cách chúng ta luôn bắt đầu ngày sống với Chúa Giêsu và kết thúc ngày sống trong Ngài, như lời nhắn nhủ của thánh nữ Edith Stein: “Tận đáy lòng, tôi chỉ nói về một thực tế đơn giản và nhỏ bé: ta có thể bắt đầu sống bằng cách nắm tay Chúa”. “Dù là ngày hôm nay hay ngài mai, và cả ngày hôm qua đã qua đi. Trong tay Cha, con xin phó thác hồn con”.