TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo

Thứ hai - 31/05/2021 05:35 | Tác giả bài viết: Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm |   1000

Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo

  •  

  • 1. Năm nay, 2018, Đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae) mừng kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam. Năm 2018 lại là Năm tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mừng kỷ niệm 117 Vị Tử đạo tại Việt Nam được tuyên phong hiển thánh cách đây 30 năm. Vì thế, khi đi hành hương tại Ba Giồng để tôn vinh Các Thánh Tử Đạo, Đạo binh Đức Mẹ cũng muốn nhìn lên Đức Mẹ là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.

  •  

  •  

  • Để tìm hiểu ý nghĩa của tước hiệu cao quý này, cách tốt nhất là nhìn lại cuộc khổ nạn của chính Chúa Giêsu. Nói đến cuộc khổ nạn của Chúa, lập tức ai cũng nghĩ đến những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu về phần xác: đánh đòn, mão gai, vác thập giá, chịu đóng đinh, lưỡi đòng đâm thâu. Thế nhưng, phải chăng cuộc khổ nạn của Chúa chỉ là thế? Chắc chắn là không. Cùng với những đau khổ phải chịu trong thân xác, Chúa Giêsu còn phải trải qua những thống khổ về tinh thần.

Hãy nhớ lại cơn hấp hối của Chúa trong Vườn Cây Dầu và ghi nhận của Thánh Luca: “Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (22,44). Theo cha Cantalamessa, nếu chúng ta hiểu “hấp hối” ở đây theo cách hiểu thông thường là những giây phút trước khi chết thì chưa đúng. Ý nghĩa chính của từ này trong văn bản Luca là “cuộc chiến đấu, sự vật lộn”, ở đây là vật lộn với Thiên Chúa, với thánh ý của Ngài. Kinh Thánh Cựu Ước kể lại cuộc vật lộn của Giacóp với Thiên Chúa (St 32,23-32). Ở đây Chúa Giêsu vật lộn với thánh ý Chúa Cha, cuộc vật lộn diễn ra trong nội tâm con người, khi Thiên Chúa đòi hỏi một điều mà theo bản tính tự nhiên của con người, chúng ta không hiểu được và chưa sẵn sàng thực hiện (x. Remember Jesus Christ, trang 91-92). Hiểu như thế mới thấy được ý nghĩa thực sự trong cơn hấp hối của Chúa.

Rồi, hãy nhớ lại những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu trong tâm hồn. Đó là nỗi đau vì bị phản bội: Người bị chính đồ đệ là Giuđa bán cho kẻ thù để lấy món tiền chẳng đáng bao nhiêu (Mt 26,15). Đó là nỗi đau của sự cô đơn: đang khi Người “vật lộn” với Thiên Chúa trong cầu nguyện, thì các môn đệ thân tín nhất chỉ biết ngủ (Mt 26,35-45). Đó còn là nỗi đau vì bị khước từ: người môn đệ được Chúa tin tưởng, trao trách nhiệm đứng đầu Nhóm Mười Hai, đã thoải mái chối Thầy 3 lần liên tiếp (Mt 26,69-75). Chưa hết, dường như chính Chúa Cha cũng bỏ rơi Người Con yêu dấu trong cơn thử thách này: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Nhất là gánh nặng tội lỗi thế gian đè nặng trên vai, thể hiện qua tất cả những gì là bất công, gian dối, độc ác mà Chúa Giêsu phải chịu trong suốt cuộc khổ nạn.

2. Như thế, cuộc tử đạo của Chúa Giêsu đâu chỉ là những nhục hình, đòn vọt trên thân xác nhưng sâu xa hơn, còn là những thống khổ trong tâm hồn. Khi đó, câu hỏi về Đức Mẹ cũng được sáng tỏ hơn: Đức Mẹ có phải chịu tử đạo không? Về phần xác thì không. Kinh Thánh không nói gì về việc này. Nhưng về tinh thần, rõ ràng Đức Mẹ đã phải chịu muôn vàn thống khổ cùng với Chúa Giêsu, con yêu dấu của Mẹ.

Cuộc tử đạo ấy đã được cụ Simêon tiên báo từ trước: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Cuộc tử đạo ấy đã được Hội Thánh ý thức từ lâu nên hằng năm, ngay sau lễ Suy tôn Thánh Giá là lễ Đức Mẹ sầu bi, để nói lên rằng Đức Mẹ đã thông phần trọn vẹn đau khổ với Chúa. Tất cả là vì Chúa Giêsu, vì thế Mẹ xứng đáng được tôn vinh là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, những đấng đã chịu chết vì danh Chúa.

Cách cụ thể, khi đi hành hương tại Ba Giồng, chúng ta nhớ đến lời tuyên xưng của Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu: “Đạo đã thấm vào trong xương tủy của tôi rồi, làm sao tôi bỏ được”, và lời tuyên xưng của 27 vị tử đạo thuộc họ đạo Ba Giồng: “Không bao giờ chúng tôi đạp Thánh Giá vì đó là dấu cứu rỗi chúng tôi”. Các ngài chịu chết là vì danh Chúa, và khi đó vang vọng lời Chúa Giêsu: “Phúc cho các con khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui mừng hoan hỉ vì phần thưởng dành cho các con trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12).

 3. Ngày nay, mỗi Kitô hữu, cách riêng là hội viên Đạo binh Đức Mẹ, cũng được mời gọi sống tinh thần tử đạo như thế. Bất cứ khi nào vì Chúa Giêsu mà chúng ta chấp nhận những hi sinh và từ bỏ, thì đó là lúc (chúng ta) sống tinh thần tử đạo. Vì muốn sống ngay lành và công chính như Chúa Giêsu dạy mà phải chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ, đó là sống tinh thần tử đạo. Vì Chúa Giêsu mà đi làm việc tông đồ, chấp nhận hi sinh thời giờ, sức khỏe, có khi bị hiểu lầm, bị xua đuổi… đó là sống tinh thần tử đạo.

Bài Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay làm nổi bật hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá, có mặt bên Chúa Giêsu khi Người chịu chết. Cũng thế, Đức Mẹ ở bên để đồng hành, nâng đỡ các thánh tử đạo khi các ngài chịu đau khổ vì danh Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng rằng Đức Mẹ luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong những khó khăn đó, để có đủ can đảm và sức mạnh sống đúng với ơn gọi Kitô hữu và môn đệ của Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, xin cầu cho chúng con.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây