TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mẹ là Sao Biển

Chủ nhật - 30/05/2021 22:25 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   1020
Mẹ là Sao Biển

Mẹ là Sao Biển

Cuộc đời này được sánh ví như đại dương bao la. Mỗi ngày sống là một ngày vượt trùng khơi, vật lộn với sóng cả ba đào để tới bến bờ. Có những hành trình êm ả thuận lợi, nhưng cũng có những hành trình vất vả gian nan. Trong hành trình vượt đại dương cuộc đời, người tín hữu Công giáo có Đức Mẹ là “Đấng chỉ bảo đàng lành”. Như ngôi sao sáng dẫn chỉ lối giữa đại dương bao la, Mẹ Maria cũng được tôn vinh là “Ngôi Sao Biển - Maris Stella”.

Ai đã từng vượt biển mới cảm nghiệm nỗi kinh hoàng khi đại dương rùng mình dậy sóng. Khi chuẩn bị bước sang thế kỷ 21, một số nhà nghiên cứu đã tổng hợp các sự kiện đáng ghi nhớ của dân tộc Việt Nam. Biến cố vài trăm ngàn người Việt bỏ lại đàng sau quê hương xứ sở, vượt biển ra nước ngoài được coi như một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử dân tộc Việt Nam của thế kỷ 20. Người vượt biển phải đối diện với biết bao nguy hiểm, lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Không ai thống kê được con số người đã bỏ mạng trên biển, vì đói khát, vì bão tố phong ba và vì hải tặc. Nhiều người may mắn thoát chết đã bị ám ảnh suốt đời vì những gian nan đã trải qua. Trong hành trình vượt biển này, có nhiều người đã được ơn lạ của Đức Mẹ. Người viết bài này có dịp tiếp xúc với một số người quen biết hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nghe họ kể về những trường hợp lâm nguy, trên những con thuyền mong manh như chiếc lá giữa đại dương. Trong giờ phút nguy khốn ấy, họ đã kêu cầu Đức Mẹ. Trong số đó có những anh chị em ngoài Công giáo. Có người hứa với Đức Mẹ, nếu thoát mạng, sẽ xin nhập Đạo. Sau này, khi đến đất nước thứ ba, họ đã giữ lời hứa ấy và trong số đó có người đã làm linh mục. Họ là chứng từ sống động về tình thương Thiên Chúa và về lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ. Đức Trinh nữ Maria quả thực đã là ngôi sao biển dẫn đưa những người có niềm cậy trông về bến an toàn.

Khi tôn vinh Đức Mẹ là ngôi Sao Biển, chúng ta thể hiện lòng cậy trông của chúng ta đối với Đức Mẹ. Bên chân thập giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan, đồng thời Người cũng trao phó Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Cử chỉ ấy muốn nói lên rằng, trong đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu, từ nay có Đức Mẹ đồng hành. Thánh Gioan ghi chú thêm: “Kể từ giờ đó, người môn đệ đón Đức Mẹ về nhà mình” (Ga 19,27). Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung công bố đầu tháng 10-2016 vừa qua, cũng mời gọi các tín hữu Việt Nam hãy “đón Mẹ về nhà” và yêu mến Đức Mẹ với trọn tình con thảo. Quả thật, có Đức Mẹ hiện diện, chắc chắn đời chúng ta khôngcòn cô đơn. Trên hành trình vượt biển cuộc đời, Đức Mẹ hiện diện ở đó để hướng dẫn chúng ta biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Nhờ Đức Mẹ chỉ bảo, con thuyền cuộc đời của chúng ta biết “bát, cạy”, tức là biết lái sang bên phải hoặc bên trái, với mục đích đem lại cho chúng ta hạnh phúc niềm vui trong cuộc sống và ân sủng từ trời.

Trong buổi lễ kết thúc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II vào ngày 21-11-1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Sau khi tuyên bố Đức Maria là một “thành viên trổi vượt”, là “kiểu mẫu” và “gương sáng” của Giáo Hội, Công đồng viết: “Giáo hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với người Mẹ rất đáng mến yêu” (LG 53). Mẹ là Mẹ của Giáo Hội lữ hành đang vượt biển trần gian. Giáo Hội vẫn được trình bày như con thuyền căng buồm lướt sóng ra khơi, giữa biết bao sóng cả ba đào. Cờ hiệu của con thuyền Giáo Hội là cây thập giá, dấu chỉ của chiến thắng và hy vọng. Trên con thuyền Giáo Hội, có Mẹ ở đó, hiện diện âm thầm, để dõi theo từng bước đi của Giáo Hội, như Mẹ đã âm thầm dõi theo từng bước đường truyền giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, Con của Mẹ. Hình ảnh Đức Mẹ hiện diện giữa các tông đồ, chìm sâu trong lời cầu nguyện, được Thánh Luca kể lại trong sách Công vụ Tông đồ, cho thấy, Giáo Hội của Đức Giêsu không cô đơn, vì có Đức Mẹ đồng hành (x. Cv 1,12-14). Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều ấy. Trên thế giới, có nhiều địa điểm được Đức Mẹ thăm viếng, và nhanh chóng trở thành những linh địa, những điểm hành hương nổi tiếng. Tuy vậy, người tín hữu luôn tin rằng, dù không được đến những địa điểm hành hương nơi Đức Mẹ đã hiện ra, ở bất cứ nơi nào, nếu họ tin tưởng phó thác và kêu cầu sự bảo trợ của Đức Trinh nữ, thì Đức Mẹ vẫn hiện diện trong cuộc đời của họ. Đó là sự hiện diện thân thương mà đầy quyền năng, đem lại cho tâm hồn người tín hữu ấm áp và an bình.

Một câu chuyện rất cảm động kể về lòng can đảm của một phụ nữ xóm chài: Trong lúc mọi ngư dân đang đánh cá ngoài khơi, thì bỗng một cơn bão lớn nổi lên. Chiều đã tới và màn đêm buông xuống mà bão tố vẫn chưa tan. Những người phụ nữ và trẻ em đều nóng lòng sốt ruột ngóng trông ra biển, vì hầu hết những người đàn ông và thanh niên trai tráng đều ở ngoài khơi, và giờ đây họ đang chống chọi với bão tố để tìm đường về. Bà con làng chài đốt những bó đuốc lớn với hy vọng những người thân ngoài khơi nhận ra hướng đất liền để trở về. Một người phụ nữ nhanh trí đã phóng lửa đốt cả ngôi nhà mình, mong tạo lên mội khối lửa khổng lồ, vượt xuyên màn đêm tối. Nhờ khối lửa khổng lồ này, những ngư dân đã trở về đất liền an toàn. Người phụ nữ đã hy sinh tất cả, với ước nguyện cứu sống những người thân.

Hình ảnh người phụ nữ xóm chài gợi lại cho chúng ta người mẹ đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê năm xưa, đó là Đức Trinh nữ Maria. Mẹ đã hy sinh tất cả, đã âm thầm cầu nguyện trong đau đớn, để cùng với Con của mình dâng hy tế cứu độ trần gian. Nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, nhân loại được hưởng niềm vui và hạnh phúc. Đức Giêsu là tất cả của Mẹ. Người là sự sống, là niềm vui, là niềm an ủi, là trọn niềm yêu thương. Đức Maria đã can đảm hiến dâng người con ấy, để cho trần gian được cứu rỗi.

Ý thức được mình đang được ngôi Sao Biển có tên là Maria hướng dẫn, chúng ta không sợ lạc đường, nhưng an tâm bước đi trong cuộc sống mỗi ngày. Như người lữ hành vượt trùng khơi, chúng ta phải luôn ngước mắt nhìn ánh sao biển để nhận biết phương hướng cho cuộc hành trình. Cũng vậy, tôn vinh Đức Mẹ là Sao Biển không phải là một khẩu hiệu rỗng tuếch, nhưng đó phải là tâm tình yêu mến cậy trông. Ngày hôm nay, Mẹ vẫn đang hiện diện giữa chúng ta để dặn dò chúng ta như Mẹ đã dặn dò những người giúp việc trong tiệc cưới ở Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!” (Ga 2,5). Đúng vậy, khi chuyên tâm thực thi ý Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được hướng đi cho đời mình. Đức Mẹ soi sáng cho chúng ta hiểu Lời Chúa, như Mẹ đã chiêm niệm, suy tư và ghi nhớ Lời Chúa trong lòng.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Thông điệp “Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng - Spe Salvi” đã tôn vinh Đức Mẹ với tước hiệu “Ngôi Sao Hy Vọng”. Ngài viết: “Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao của hy vọng cho chúng ta? Khi Mẹ “Xin Vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới của chúng ta cho chính Thiên Chúa; Mẹ trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một con người như chúng ta, và dựng lều ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14)” (Số 49).

Hành trình vượt biển là một hành trình dài, đầy những sóng xô nghiệt ngã và thử thách gian nan. Mẹ Maria là ngôi Sao Biển rạng ngời hướng dẫn chúng ta. Có Mẹ đồng hành, chúng ta không còn sợ nguy biến. Nghe Mẹ chỉ bảo, chúng ta sẽ cập bến.

Tháng Mân Côi 2016

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây