TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Maria – Hòm bia Thiên Chúa

Chủ nhật - 30/05/2021 22:22 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   1218
Đức Maria – Hòm bia Thiên Chúa

Đức Maria Hòm bia Thiên Chúa

Trong Cựu ước, Hòm bia Thiên Chúa (hay còn được gọi là “Hòm Giao ước”), là một chiếc rương lớn, trong đó có chứa hai bia đá, ghi khắc mười Điều răn do chính Thiên Chúa viết và trao cho ông Môisen. Thiên Chúa chỉ dẫn cụ thể về việc thực hiệm Hòm bia: “Ngươi phải làm một Hòm bia bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi. Ngươi sẽ lấy vàng ròng mà bọc. Ngươi sẽ làm trên đó một đường viền chung quanh bằng vàng. Ngươi sẽ đúc cho Hòm bia bốn chiếc vòng bằng vàng và gắn vào bốn chân Hòm bia: bên này hai vòng, bên kia hai vòng. Ngươi sẽ làm những cây đòn bằng gỗ keo bọc vàng. Ngươi sẽ xỏ đòn vào những vòng bên sườn Hòm bia để khiêng. Đòn để xỏ vào vòng của Hòm bia thì không được rút ra nữa. Ngươi sẽ đặt vào Hòm bia Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi” (Xh 25,10-16). Hòm bia cũng chứa cây gậy nở hoa của ông Aaron, anh trai ông Môisen, và một bình vàng đựng Manna là lương thực Chúa ban từ trời. Tất cả những vật chứa trong Hòm bia đều nhằm nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, đồng thời nhắc nhớ Dân riêng về Luật Giao ước Ngài đã ban.


 

Đối với người Israen, Hòm bia là sự hiện diện của Thiên Chúa trong suốt hành trình sa mạc. Thiên Chúa hiện diện giữa dân Người để bảo vệ và đồng hành với họ trên đường về đất hứa. Hòm bia cũng là sức mạnh của Thiên Chúa, giúp người Israen chiến thắng quân thù. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Ngài là niềm tự hào cho mỗi con cái Israen. Trong các cuộc giao chiến, đối phương khiếp sợ khi nghe nói đến Hòm bia cùng ra trận với chiến binh Israen. “Khi Hòm bia Giao Ước của Đức Chúa xuống trại, toàn thể Israen hò reo vang dội khiến đất rung chuyển. Người Philitinh nghe thấy tiếng hò reo thì hỏi nhau: ‘Tiếng hò reo vang dội ấy trong trại bọn Hípri là gì vậy?’ Chúng biết là Hòm bia Đức Chúa đã đến trại. Người Philitinh sợ hãi, vì chúng nói: ‘Một vị thần đã đến trại!’” (1 Sam 4,5-7).

Trong Kinh cầu Đức Bà, Giáo Hội tuyên xưng “Đức Bà như Hòm bia Thiên Chúa vậy”. Danh xưng này có ý nghĩa đặc biệt. Khi Đức Maria thưa lời “Xin vâng” với Sứ thần Gabrien, Ngôi Lời đã nhập thể. Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Trong kinh Truyền tin, chúng ta đọc: “Chốc ấy Ngôi thứ hai xuống thế làm người – và ở cùng chúng tôi”. Lời kinh này muốn nhấn mạnh, cùng lúc với lời thưa khiêm tốn của Đức Mẹ, thì Ngôi Lời làm người trong cung lòng Đức Trinh nữ. Trinh nữ Maria đã thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời nhập thể. Để bước vào trần gian, Ngôi Lời vĩnh cửu đã chấp nhận thụ thai trong lòng một người phụ nữ, theo đúng trật tự sinh học nơi người phàm. Giống như mọi thai nhi khác, thai nhi Giêsu được nuôi dưỡng bởi máu thịt của người mẹ trong suốt thời gian chín tháng mười ngày, trước khi mở mắt chào đời.

Nếu Hòm bia Thiên Chúa trong Cựu ước được tôn kính vì chứa đựng Luật Giao ước mà Thiên Chúa đã ban cho ông Môisen, thì Đức Trinh nữ Maria còn đáng tôn vinh gấp trăm ngàn lần, vì Mẹ không chỉ mang trong mình Lời bằng chữ viết hay biểu tượng, mà là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng ngay từ ban đầu đã hiện hữu, như Thánh Gioan miêu tả: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Đấng vô thủy vô chung đã chấp nhận làm con của một người phụ nữ. Người đã mặc lấy kiếp người để chia vui sẻ buồn với nhân loại. Đức Maria được xưng tụng với danh xưng “Hòm bia Thiên Chúa”, vì Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời. Mẹ cũng được ca tụng là “Ngai tòa sự Khôn Ngoan”, vì Đức Giêsu, Đấng Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã ngự xuống lòng Mẹ.

Cùng với việc cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ Maria còn ghi nhớ, suy niệm và thực thi Lời Chúa. Trong lúc Đức Giêsu rao giảng, có một người phụ nữ bày tỏ sự khâm phục trước sự khôn ngoan của Người. Bà đã thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11,27). Người thốt lên câu này chắc chắn là người đã trải qua kinh nghiệm làm mẹ. Bởi theo lẽ thông thường, người mẹ rất nhạy cảm đối với những điều liên quan đến con mình. Bà vui niềm vui của con, và cũng rất lo lắng khi con mình hoạn nạn. Sự khôn ngoan thông thái của người con là niềm vui và niềm tự hào của người mẹ. Vì thế, khi nghe Chúa Giêsu rao giảng, người phụ nữ này đã nghĩ ngay đến người mẹ đã sinh ra Người, và bà cất lời ca tụng. Lời ca tụng này, vừa nhằm đến Chúa Giêsu, vừa có ý tôn vinh người mẹ đã sinh ra Người. Tuy vậy, Chúa Giêsu muốn hướng bà tới một nhân đức khác khiến cho thân mẫu của Người được ca tụng. Người nói: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28). Khi nói như thế, Chúa muốn nhấn mạnh đến một lý do nhờ đó mà Đức Maria đáng được chúc tụng, đó là việc Đức Mẹ chuyên tâm nghe và thực hành Lời Chúa. Đương nhiên, Mẹ có phúc vì đã cưu mang Chúa Giêsu, nhưng Mẹ còn có phúc hơn nữa, khi suy niệm và tuân giữ Lời của Thiên Chúa. Trong lời chào của Sứ thần Gabrien, Sứ thần ca tụng Đức Mẹ: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Lời ca tụng này chắc chắn liên hệ tới tâm tình lắng nghe và thực thi ý Chúa của Đức Mẹ. Qua lời thưa “Xin vâng”, Đức Maria đã chứng tỏ sự vâng phục, yêu mến và nhất là luôn sẵn sàng để cho thánh ý Chúa thực hiện nơi cuộc đời mình. Tin Mừng nói với chúng ta, Đức Maria được chọn làm mẹ của Đức Giêsu, đó là một vinh dự lớn lao, nhưng đó cũng là nguyên nhân của những đau khổ mà Đức Mẹ phải trải qua. Cụ già Simêon đã nói: “Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2,35). Trước những biến cố vui buồn của cuộc đời Chúa Cứu thế, Đức Mẹ luôn ghi nhớ, suy niệm và hiệp thông với Con của mình. Vì vậy, dù không phải chết như các thánh tử đạo, Mẹ vẫn được phong tặng cành thiên tuế.

Nếu Đức Mẹ được xưng tụng với danh hiệu “Hòm bia Thiên Chúa”, thì mỗi chúng ta, những Kitô hữu, hiểu theo một khía cạnh nào đó, cũng là những người mang danh xưng này. Bởi lẽ, hằng ngày chúng ta được nghe Lời Chúa, và được mời gọi thực thi lời ấy trong cuộc sống. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được vinh dự mang tên Kitô hữu, tức là người được xức dầu và thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta được chia sẻ sứ mạng của Chúa Giêsu, cộng tác với Người làm cho cuộc sống hiện tại thấm đượm giá trị của Tin Mừng. Hiểu như thế, mỗi chúng ta cũng là những “Hòm bia của Thiên Chúa” giữa lòng cuộc đời, để phán ánh sự thánh thiện của Ngài giữa lòng nhân thế. Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước, ở đâu có cộng đoàn Kitô hữu, ở đó con người tìm được những tụ điểm chan hòa lòng thương xót (Tông chiếu Misericordiae Vultus, số 12). Nếu Hòm bia Thiên Chúa trong Cựu ước tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Israen, thì hôm nay, mỗi Kitô hữu cũng đang diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng cuộc đời, được thể hiện qua cuộc sống thánh thiện, liên đới, bao dung và hiền hòa. Đức ái là cốt lõi của Đạo Chúa, đến nỗi nhờ đức ái mà người ta nhận ra chúng ta là con cái của Cha trên trời.

Trong Tháng Mân Côi, chúng ta tuyên xưng những nhân đức cao cả của Đức Mẹ, đồng thời xin cho chúng ta được noi gương Mẹ trong đời sống đức tin cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ, ước chi mỗi chúng ta trở nên những “Hòm bia Thiên Chúa”, góp phần đem Chúa Giêsu vào mọi môi trường của cuộc sống xã hội. Đó cũng là sứ mạng cao cả và chính yếu của người Kitô hữu chúng ta.

Tháng Mân Côi 2016

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây