TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nền tảng thần học của bài ca Phụng vụ

Thứ tư - 15/11/2023 20:51 |   687
Âm nhạc có tầm quan trọng như thế nào đối với tôn giáo trong Kinh thánh mà ta có thể dễ dàng suy ra qua từ “ca hát”, là một trong những từ được dùng nhiều trong Kinh Thánh. Trong Cựu ước từ này được nhắc đến 309 lần và trong Tân ước được nhắc đến 36 lần.
Nền tảng thần học của bài ca Phụng vụ

 

 
  •  
    •  


NỀN TẢNG THẦN HỌC CỦA BÀI CA PHỤNG VỤ

 
Hồng y Joseph Ratzinger


WGPQN (27.04.2023) - Âm nhạc có tầm quan trọng như thế nào đối với tôn giáo trong Kinh thánh mà ta có thể dễ dàng suy ra qua từ “ca hát”, là một trong những từ được dùng nhiều trong Kinh Thánh. Trong Cựu ước từ này được nhắc đến 309 lần và trong Tân ước được nhắc đến 36 lần.

Ở nơi Thiên Chúa nhập cuộc để tiếp xúc với con người thì lời nói không còn đủ nữa. Những tồn tại của cuộc sống được chạm đến và tự khắc trở thành bài ca: những gì là của con người không còn đủ để con người diễn tả nữa, và vì thế, con người mời gọi tất cả các thụ tạo cùng với mình trở thành bài ca: “Thức dậy đi, hồn tôi hỡi, thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm, tôi còn đánh thức cả bình minh. Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ, giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca. Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm” (Tv 57, 9-11). Bài hát đầu tiên được tìm thấy, trong Kinh thánh, là sau cuộc vượt qua biển đỏ. Lúc ấy dân Israel được giải phóng hoàn toàn khỏi ách nô lệ, họ đã cảm nghiệm tràn trề quyền năng cứu độ của Thiên Chúa trong hoàn cảnh thất vọng thê lương. Giống như Môsê từ lúc nhỏ được cứu khỏi nước sông Nil và bằng cách này ông thực sự đã được cứu sống, cũng vậy đến lượt mình dân Israel cảm thấy mình được cứu ra khỏi nước, được tự do, lần nữa được trở về với chính mình từ bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa.
Phản ứng của dân trước biến cố nền tảng của ơn cứu độ trong trình thuật kinh thánh được diễn tả bằng những từ sau: “Họ tin vào Thiên Chúa và tin vào Môsê, tôi tớ Người” (Xh 14,31). Tuy nhiên, phản ứng thứ hai tiếp sau đó cao hơn so với lần đầu, với sự thôi thúc cơ bản: “Bấy giờ ông Môsê cùng con cái Israel hát mừng Thiên Chúa…” (Xh 15,1). Trong việc cử hành đêm vượt qua các tín hữu đã cất lên bài ca này, từ năm này sang năm khác, họ ca hát như thể đó là bài ca mới của họ, vì họ cũng biết rằng, họ được “kéo ra khỏi nước” nhờ quyền năng của Thiên Chúa, được Thiên Chúa giải thoát để có được cuộc sống đích thực. Sách Khải huyền của thánh Gioan tiếp tục mở rộng thêm đề tài này.

Rồi khi những kẻ thù cuối cùng của Dân Chúa đã bước vào bức màn lịch sử – bộ ba satan, bao gồm con thú, tượng của nó và con số tên tuổi của nó – nghĩa là khi mọi thứ dường như bị biến mất, đối với dân thánh Israel của Thiên Chúa, ngay trước một sức mạnh quá mức như vậy thì vị tiên tri được ban cho thị kiến về người chiến thắng: “Tôi thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, thắng tượng của nó và con số tương đương với tên nó; tôi thấy họ đứng trên biển trong vắt ấy, họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa” (Kh 15,2). Điều nghịch lý xưa kia nay càng trở nên mạnh mẽ hơn: những con thú khổng lồ hung dữ, với sức mạnh truyền thông và kỹ năng của nó lại không thắng nổi; người chiến thắng là con chiên được hiến tế. Và thế là một lần nữa âm thanh lại vang lên cách rạch ròi, bài ca của Môsê, người tôi tớ Chúa, giờ đây đã trở thành bài ca của Con Chiên.

Bài ca phụng vụ được đặt trong khung cảnh của lịch sử vĩ đại đầy căng thẳng này. Đối với dân Israel biến cố cứu độ từng xảy ra ở vùng biển Canne vẫn còn là lý do để ca ngợi Thiên Chúa, là chủ đề cơ bản trong việc ca hát của họ trước mặt Thiên Chúa. Đối với các tín hữu, sự phục sinh của Đức Kitô, Đấng đã vượt qua “biển đỏ” của sự chết đã bước vào thế giới tăm tối và đã phá vỡ những cánh cửa ngục tù, là cuộc xuất hành thực sự, biến mình thành một sự hiện diện mới trong bí tích rửa tội: phép rửa là cuộc sống được bén rễ trong cái đồng thời của việc Chúa Kitô đi xuống âm phủ và lên trời, qua đó Người đón nhận chúng ta bước vào trong sự hiệp thông của cuộc sống mới. Ngay trong ngày tiếp theo sau niềm vui của cuộc Xuất hành, dân tộc Israel đã nhận ra rằng họ phải đối diện với sa mạc, với những nguy hiểm của nó và các mối đe dọa không hề chấm dứt trong cuộc viễn hành hướng về Đất hứa. Nhưng luôn có những hành động của Thiên Chúa cho phép họ tiếp tục hát bài ca của Môsê và cho thấy rằng Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa của quá khứ nhưng là Thiên Chúa của hiện tại và tương lai. Tất nhiên, trong mỗi bài ca mới cũng có ý thức về tính tạm thời và nhu cầu về một bài ca mới và sự dứt khoát, nhu cầu cứu độ không còn kèm theo bởi bất kỳ khoảnh khắc sợ hãi nào, mà chỉ bằng bài thánh ca ngợi khen. Những ai tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, thực sự nhận ra được ơn cứu độ viên mãn và biết rằng, người tín hữu giờ đây tìm thấy khoảnh khắc ấy trong “giao ước mới”, giờ đây họ hát lên bài ca mới, là bài ca sau cùng và thực sự mới, vì điều hoàn khác biệt đã xảy ra với sự phục sinh của Chúa Kitô. Những gì mà chúng ta đã nói trong phần đầu về giai đoạn trung gian của thực tại Kitô giáo – không còn là cái bóng, cũng không phải thực tại đầy đủ, mà là “hình ảnh” – vẫn đang có giá trị ở đây: bài ca mới sau cùng đã được cất lên, nhưng tất cả những đau khổ của lịch sử cần được thực hiện, tất cả mọi nỗi khổ được gom góp và được dâng lên trong hy lễ ngợi khen, để chúng ta được biến đổi trong bài hát ngợi khen.

“Dẫn vào tinh thần phụng vụ”,  San Paolo, Cinisello Balsamo 2001, trang 132-134.

 
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Nguồn: gpquinhon.org (14.04.2023)



https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nen-tang-than-hoc-cua-bai-ca-phung-vu-52975

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây