TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nên thánh trong xã hội

Thứ hai - 31/05/2021 22:53 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   765

NÊN THÁNH TRONG XÃ HỘI


Thư mục vụ của Tổng Giáo phận Hà Nội, tháng 11-2020
WGPHN (2.11.2020) – Trong suốt năm 2020, chúng ta đã tiến từng bước trong hành trình nên thánh. Tháng 11 là tháng cuối cùng của định hướng mục vụ cho năm 2020. Từ tháng 12 năm 2020, chúng ta sẽ khởi đầu một dự tính mục vụ mới, tức là xây dựng và kết nối tình hiệp thông trong gia đình Tổng Giáo phận Hà Nội. Sau khi đã cùng nhau suy tư, cầu nguyện và hành động để diễn tả sự thánh thiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, tháng 11 này, chúng ta chia sẻ thao thức chung: làm sao để nên thánh trong xã hội Việt Nam, nơi tỷ lệ người Công giáo rất thấp và Đức tin chưa có ảnh hưởng sâu đậm?
Người tin Chúa cũng là người công dân của một quốc gia. Đức tin không bứng họ ra khỏi xã hội trần thế. Họ hoàn toàn giống như những công dân khác. Tuy vậy, người tín hữu, mặc dù gắn bó với cuộc sống hiện tại, lại tin rằng quê hương đích thực của họ ở trên trời. Nếu con người khởi đầu hành trình trần thế, tức là sinh ra, ở dưới đất, thì đích điểm phấn đấu của họ lại là quê trời. Tuy vậy, đích điểm ấy chỉ có thể thực hiện được bằng cuộc đậm nét nhân hậu và yêu thương. Nói cách khác, hạnh phúc Nước Trời là kết quả của một cuộc sống tốt lành nơi dương thế.


I- Bối cảnh thực tế
1- Tỷ lệ người Công giáo thấp
Tại Tổng Giáo phận Hà Nội cũng như hầu hết các Giáo phận tại miền Bắc, người Công giáo chỉ là thiểu số, tỷ lệ dao động từ 4% đến 6% trên tổng số dân. Cuộc di cư năm 1954 đã để lại cho Giáo Hội miền Bắc nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tại nhiều nơi, sau cuộc di cư, có nhiều người đã không còn thực hành Đạo và đến thế hệ sau đó thì Đức tin mất hẳn. Nếu số người Công giáo có tăng, là tăng tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng dân số.
2- Thành kiến xã hội
Dưới cái nhìn của nhiều người lương dân, Đạo Công giáo bị coi như “Đạo của Tây”. Cách trình bày lịch sử thiếu khách quan và đầy thành kiến đã diễn tả người Công giáo như những người cộng tác với chế độ thực dân. Những điều này đã để lại hình ảnh thiếu chân thực về lịch sử truyền giáo tại Quê hương đất nước chúng ta. Có những thời điểm, người Công giáo bị coi như “công dân hạng hai”. Khi mang đầy thành kiến như thế, những việc làm tốt đẹp của Giáo Hội hay của người Công giáo cũng không được ghi nhận và đánh giá đúng mức. Trong thực tế, từ khi hiện diện tại Việt Nam, Giáo hội Công giáo đã đóng góp tích cực trong sự nghiệp giáo dục và phát triển xã hội. Một trong những thành quả tuyệt vời là chữ quốc ngữ mà hiện tại chúng ta đang sử dụng. Lịch sử công nhận linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), nhà truyền giáo dòng Tên người Pháp, là một trong những người có công đầu trong việc sáng tạo và biên soạn chữ quốc ngữ. Ngày hôm nay, Giáo Hội Công giáo vẫn đang tiếp tục đóng góp tích cực trong những lãnh vực khác nhau: Từ thiện bác ái, Kinh doanh thương mại, Giáo dục học đường…
3- Giáo dân thiếu học hỏi Giáo lý
Tình trạng thiếu nhân sự kéo dài trong nhiều thập kỷ, gây nên những thiệt thòi trong đời sống Đức tin: thiếu linh mục, tu sĩ, giáo lý viên. Những sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế. Những cơ sở đào tạo và giáo dục bị trưng thu. Tất cả những khó khăn này đã làm cho Giáo Hội miền Bắc không thể phát triển. Vì không được học giáo lý, người giáo dân không hiểu Đạo. Họ chỉ giữ Đạo theo kiểu truyền thống, với kiến thức giáo lý sơ sài. Vì vậy, khi gặp khó khăn, những người giáo dân này dễ dàng bỏ Đạo hoặc xa lánh nhà thờ để tránh những phiền lụy. Một số người trí thức như giáo viên, bác sĩ không dám nhận mình là người Công giáo, vì hai chữ Công giáo có thể khiến họ mất việc làm hoặc bị nghi kỵ. Thật may mắn thay, những năm gần đây, những thành kiến và mặc cảm này đang bớt dần, nhiều người trí thức Công giáo đã và đang mạnh dạn công khai nhận mình là người có Đạo, thường xuyên tham dự Thánh lễ và đang dấn thân làm chứng cho Đức tin.
II- Người công dân trong xã hội
1- Trách nhiệm tham gia với xã hội
Người Kitô hữu cũng là công dân của một quốc gia. Vì vậy, họ có bổn phận với đất nước, với dân tộc. Sách Giáo Lý của Giáo hội Công giáo nói rõ như sau: “Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống cộng đồng. Cách tham gia có thể khác nhau từ nước này đến nước khác, hoặc từ nền văn hoá này đến nền văn hoá khác. Phải khen ngợi đường lối hành động của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia tối đa vào việc nước trong sự tự do đích thực” (Số 1915).
2- Công ích là gì?
Cũng như mọi công dân, người Kitô hữu có bổn phận xây dựng công ích. Tuy vậy, cũng cần tìm hiểu xem, theo nhãn quan Công giáo, công ích là gì. Giáo lý Công giáo dạy: “Công ích là toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội giúp cả những tập thể, những phần tử riêng rẽ, đạt tới sự hoàn hảo riêng của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (Sách GL của GHCG, số 1906). Theo giáo huấn của Giáo Hội, công ích gồm ba yếu tố cơ bản sau:
*Công ích phải tôn trọng cá vị, tức là các quyền bất khả nhượng của nhân vị. Đặc biệt, công ích nằm trong những điều kiện để thực thi các sự tự do tự nhiên, như quyền hành động theo quy tắc ngay thẳng của lương tâm, quyền bảo vệ đời tư và quyền tự do chính đáng, cả trong lãnh vực tôn giáo.
*Công ích phải nhắm tới sự thịnh vượng xã hội và sự phát triển của chính tập thể. Quyền bính xã hội phải giúp mỗi người có được những gì cần thiết để có một cuộc sống thật sự nhân bản: lương thực, áo quần, sức khỏe, việc làm, giáo dục và văn hoá (x. Sách đã dẫn, số 1908).
*Công ích phải bao hàm hoà bình, nghĩa là sự bền vững và an ninh của một trật tự chính đáng. Công ích thiết lập quyền tự vệ chính đáng của cá vị và tập thể.
3- Người giáo dân và bổn phận chính trị [1]
Nếu Giáo Luật cấm các giáo sĩ không được tham gia những hoạt động chính trị, thì lại khích lệ người tín hữu giáo dân trong lãnh vực này. Không những thế, tham gia vào cơ cấu chính trị được coi là một phần ơn gọi của các tín hữu giáo dân (x. Sách GL của GHCG, số 2442). Tuy nhiên, Giáo Hội cũng lưu ý: những hành động tham gia chính trị phải luôn nhắm tới công ích và phù hợp với sứ điệp Tin Mừng và với giáo huấn của Giáo Hội. Các tín hữu giáo dân có bổn phận đem nhiệt tình Kitô giáo làm sinh động các thực tại trần thế, và trong đó tỏ ra mình là những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hoà bình.
III- Nên thánh trong xã hội 
Đức Piô XII, trong diễn từ đọc trước các tân Hồng y (20-2-1946), đã khẳng định: “Các tín hữu, hay chính xác hơn, người giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiên phong trong đời sống Giáo hội; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động cho xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là chính Giáo Hội, tức là cộng đoàn tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung, là Đức Giáo Hoàng, và các vị Giám mục hiệp thông với ngài. Người giáo dân là Giáo Hội”. Khẳng định trên cho thấy vai trò quan trọng của người Kitô hữu giáo dân trong xã hội, để diễn tả hình ảnh sống động của Đức Kitô qua đời sống chứng nhân. Nên thánh trong xã hội tức là lưu tâm sống tốt ơn gọi của người Kitô hữu trong môi trường cụ thể mình đang sống.
1- Trước hết, phải là người công dân tốt
Trong huấn từ dành cho các Giám mục Việt Nam hành hương Ad Limina năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời gọi mọi tín hữu Công giáo Việt Nam hãy là những người công dân tốt và là người công giáo tốt. Hai chiều kích này liên hệ hỗ tương với nhau. Không thể là người công giáo tốt mà là người công dân không tốt. Từ năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra định hướng mục vụ “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc”. Đây là một ý tưởng mới mẻ và có thể coi là một bước đột phá. Tiếc rằng nhiều người đồng hoá “Dân tộc” với hệ thống chính trị, nên còn nhiều giải thích và lập luận không chính xác. Mặc dù còn nhiều nghi ngại và thành kiến, không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã và đang mang lại cho Quê hương thân yêu của chúng ta ở nhiều lãnh vực khác nhau. Đó là những chứng từ hùng hồn về giá trị Tin Mừng. Người Công giáo được mời gọi tiếp tục đóng góp phần mình để xây dựng cuộc sống nhân ái yêu thương, hòa bình và hạnh phúc. Như thế, họ làm lan tỏa hương thơm của Đức tin đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Các vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước, khi đề cập đến Giáo Hội Công giáo, cũng thường nhận định: nơi đâu có đông đồng bào Công giáo, nơi đó có ít tệ nạn xã hội. Đương nhiên, phải đau lòng nhìn nhận rằng, vẫn có những người Công giáo đi ngược lại với giáo huấn của Chúa, làm tổn thương hình ảnh của Giáo Hội.
2- Khiêm tốn và hối cải
Để việc tham gia vào công ích mang lại những hiệu quả thiết thực, người công dân phải luôn được canh tân và hối cải. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo nêu rõ: “Cũng như mọi bổn phận đạo đức, sự tham gia của mọi người trong việc hoạt động cho công ích, bao hàm sự hối cải không ngừng được canh tân của các thành viên của xã hội. Phải kết án nghiêm khắc sự gian lận và những mánh lới khác mà một số người dùng để trốn tránh các đòi buộc của luật pháp và các quy định của bổn phận xã hội, vì chúng không thể đi đôi với những đòi hỏi của đức công bằng. Phải quan tâm phát triển những cơ chế giúp cải thiện các điều kiện của đời sống con người” (Số 1916).
3- Sứ mạng thánh hóa trần thế
Sứ mạng đặc trưng của người giáo dân là thánh hóa trần thế, là nên men, nên muối cho đời.
* Lời mời gọi nên thánh của mọi Kitô hữu
Nên thánh không phải là đặc quyền của riêng thành phần nào, tất cả mọi người đều được mời gọi trở nên hoàn thiện, và phải trở nên hoàn thiện. Các phương tiện nên thánh của người giáo dân cũng là những phương chung cho tất cả mọi tín hữu: đời sống nhân đức, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các bí tích, việc cầu nguyện, hy sinh, bác ái… và những sinh hoạt hằng ngày; nhờ thế, toàn thể cuộc đời trở nên hiến tế tinh tuyền đẹp lòng Chúa và góp phần thánh hóa nhân loại.
Người giáo dân nên thánh trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống: nơi gia đình, nơi phố chợ, nơi công sở… Nhờ sống đạo giữa lòng nhân loại như vậy, họ góp phần tích cực “Tin Mừng hoá” thế giới; một thế giới còn quá nhiều chọn lựa nghịch với giá trị của Tin Mừng. Nét đặc trưng của người giáo dân là nên thánh giữa đời, giữa những xô bồ náo nhiệt chứ không phải nơi sa mạc hoang vu hay tu viện bốn bề yên tĩnh.
*Tính cách trần thế trong sứ mạng của người giáo dân
Giáo Hội hôm nay phải đương đầu với một trách nhiệm lớn lao: đem sắc thái nhân bản và Kitô giáo vào trong nền văn minh hiện đại, sắc thái mà nền văn minh này đòi hỏi và dường như khẩn khoản nài xin, nhằm lợi ích phát triển và sự hiện hữu của nền văn minh ấy. Giáo Hội chu toàn các trách nhiệm ấy, đặc biệt nhờ các giáo dân, là những người phải cảm thấy mình dấn thân vào việc thực hiện những hoạt động nghề nghiệp như là việc chu toàn một nghĩa vụ, như là một dịch vụ mà do họ thực hiện trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, trong Đức Kitô, để làm vinh danh Người.
Như vậy, với vị thế đặc biệt của mình, người giáo dân có thể thi hành những sứ mạng mà hàng giáo sĩ không thể nào chu toàn nổi. Họ đang là men Tin Mừng, là muối ướp trần gian. Người giáo dân đang nỗ lực xây dựng Nước trời ngang qua những nẻo đường trần thế, họ là lời nhắc nhở một thời cánh chung đã khởi đầu và đang tiến về sự viên mãn. Lời của Đức Gioan Phaolô II, trong bài giảng bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục 1987, càng cho ta xác tín hơn sứ mạng đặc thù của người giáo dân: “Người tín hữu giáo dân được đặt vào tận biên thuỳ của lịch sử: gia đình, văn hóa, xã hội, thế giới lao động, kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, truyền thông đại chúng, những vấn đề lớn của sự sống, của liên đới, hoà bình, đạo đức nghiệp vụ, nhân quyền, giáo dục, tự do tôn giáo”.
Kết luận: “Anh em là muối, là ánh sáng cho trần gian”. Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu. Đây cũng là lý tưởng chúng ta phải đạt tới. Ai cũng biết giá trị của hai chất liệu này. Không có muối, mọi món ăn sẽ nhạt nhẽo vô vị; Thiếu ánh sáng, cuộc đời sẽ chìm trong bóng tối và cô đơn. Sự sống sẽ không tồn tại nếu không có ánh sáng. Cuộc đời sẽ buồn chán nếu không có muối tạo hương vị và niềm vui. Người tin Chúa trở nên muối và ánh sáng khi chuyên tâm thực hành những gì Chúa dạy, đồng thời nhiệt thành quảng diễn lòng nhân từ của Chúa qua chính cuộc đời của mình. Thực vậy, một người sống hiền lành, trung thực và nhân hậu sẽ phản ánh lòng thương xót của Chúa. Sự tinh tế và thánh thiện của một Kitô hữu sẽ có sức lan tỏa trong xã hội, tạo hình ảnh tốt đẹp về Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.
Như muối, men và ánh sáng, người Kitô hữu được mời gọi dấn thân trong mọi lãnh vực xã hội. Làm Kitô hữu không chỉ chấp nhận một số giá trị và xác tín, mà còn phải gặp gỡ Đức Kitô. Gặp Người trong Bí tích Thánh Thể, qua việc chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, qua Giáo Hội là thân thể của Người. Không chỉ có thế, chúng ta còn có thể gặp Chúa Giêsu nơi những anh chị em bé nhỏ, thấp hèn, bị bỏ rơi bên lề cuộc sống. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được diễn tả như Đấng luôn đứng về phía người nghèo để bênh vực và che chở họ. Ngày nay, Giáo Hội của Chúa Kitô cũng là Giáo Hội của người nghèo, để nâng đỡ và bảo vệ quyền lợi cũng như phẩm giá của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần khẳng định điều này. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh: tiền bạc mà thôi không đủ để tạo ra một xã hội nhân bản theo ý hướng của Tin Mừng. Thăm viếng bệnh nhân, tiếp đón người lạ, chăm sóc người bị cầm tù, quyên góp bác ái… rất quan trọng, vì qua các chương trình này, những người nghèo và những người giúp đỡ đích thân gặp gỡ nhau. Khi làm như thế, họ có một nhận thức đáng quý rằng tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương (DoCat, số 312).
“Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn là ngồi để nguyền rủa bóng tối”. Giữa một xã hội còn nhiều mảng tối hôm nay như gian dối, bạo lực, bất công, hận thù. Người Kitô hữu, thay vì chỉ trích phê bình, trước hết hãy nhìn lại chính mình, để nhờ Đức tin và Lời Chúa soi sáng, từ bỏ những khiếm khuyết và hoàn thiện bản thân. Nhờ bản thân được hoàn thiện, họ có thể trở nên những ngọn hải đăng giữa xã hội mênh mông, giúp cho người khác vượt đại dương cập bến an toàn.

Hà Nội, tháng 11 năm 2020
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org 

 

 


 

{C}[1]{C} Số 3 trong bài này là trích dẫn một phần từ bài viết của Linh mục Giuse Phạm Quốc Văn, OP trong bài “Linh đạo giáo dân” đăng trên internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây