7 LỜI KHUYÊN VỀ CÁCH TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI THÂN YÊU SẮP QUA ĐỜI
WGPVL (19.11.2021) - Đây là cách để trở nên chân thành và yêu thương đối với người thân yêu đang cận kề cái chết.
Làm thế nào để chúng ta có thể giúp đỡ những người thân yêu vào những giây phút cuối đời? Làm thế nào chúng ta có thể đồng hành với họ trong những ngày tháng cuối cùng?
Cha Paul Denizot, Cha sở Đền thờ Đức Mẹ Montligeon (Orne, Pháp), một trung tâm chuyên cầu nguyện cho người đã qua đời, nơi mang lại sự an ủi cho những người đang gặp tang tóc hay sầu khổ, chia sẻ rằng: “Mặc dù không thể đặt mình vào vị trí của họ, nhưng chúng ta biết rằng một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của một người đang hấp hối là cô đơn vào thời khắc chuyển giao vĩ đại. Vì đối với một người nào đó vào cuối cuộc đời, tất cả mọi sự đảm bảo đều sụp đổ. Họ không còn có thể dựa vào tài năng, kinh nghiệm hay tài khoản ngân hàng của mình. Nỗi cô đơn thực sự này gây ra cho họ cảm giác đau khổ sau cùng.”
Chúng ta có thể nói gì với một người thân yêu đang sống những ngày cuối đời? Dưới đây là 7 lời khuyên về cách để trở nên vừa chân thành vừa yêu thương trong hoàn cảnh khó khăn này…
1. Đừng giả vờ rằng điều đó sẽ chẳng xảy đến
Điều rất quan trọng là không nên giả vờ về một tình cảnh tươi sáng hơn bằng cách nói với người sắp qua đời những điều như: “Mọi thứ sẽ ổn thôi”, “Tôi chắc rằng bạn sẽ khá hơn”,... Nếu thực sự cái chết là điều sắp xảy đến, thì việc sử dụng những lời an ủi sai lầm có thể gây khó khăn cho người đang hấp hối.
Hầu như lúc nào cũng vậy, trong khi họ có thể thấy rằng những người thân yêu của họ đang né tránh chủ đề này, thì họ cũng không cảm thấy đủ mạnh mẽ để phá vỡ điều cấm kỵ. Nếu bạn cảm thấy rằng người thân yêu của mình đã sẵn sàng nói về cái chết, đừng sợ bắt đầu một cuộc trò chuyện một cách nghiêm túc, trong khi vẫn còn thời gian để nói về những vấn đề quan trọng.
Nếu bạn cảm thấy rằng người thân yêu của mình đã sẵn sàng nói về cái chết, đừng sợ bắt đầu một cuộc trò chuyện.
Photographee.eu /Shutterstock
2. Tạm gác nỗi buồn của riêng bạn sang một bên
Đôi khi người thân có thể trở nên tuyệt vọng đến mức kêu lên với người đang hấp hối: “Bạn không thể chết” hay “Tôi cần bạn sống!” Tình huống như thế thì thật là bi đát cho người ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời.
Khi thời khắc cận kề cái chết ập đến, cảm xúc của người đồng hành nên nhường bước. Giúp đỡ người đang hấp hối có nghĩa là đồng hành với họ bằng tình yêu thương và sự dịu dàng, cũng như bằng sự điềm tĩnh và bình an nội tâm nhất có thể.
3. Hãy luôn hiện diện như Đức Maria
Bệnh tật khiến chúng ta bất ổn và đôi khi chúng ta không có lời lẽ nào để mang đến sự an ủi. Trong trường hợp này, Cha sở của Đền thờ Đức Mẹ Montligeon khuyên chúng ta chỉ nên hiện diện và mở đường cho người bệnh nói về nỗi thống khổ và những niềm hy vọng của họ:
Bạn cần phải lắng nghe, đơn giản là cần phải hiện diện. Giống như những người bạn của ông Gióp. Sự hiện diện có tính nâng đỡ nhất không đến từ những lời lẽ hăng hái hay những lý lẽ thần học, mà là từ sự thinh lặng. Đôi lúc, khi bạn đang phải trải qua những cơn đau tột độ, thì sự hiện diện của một người bạn, người chỉ ở đó để nắm lấy tay bạn mà không nói điều gì cả, có thể xoa dịu đi rất nhiều. Chúng ta có thể so sánh sự hiện diện âm thầm này với sự hiện diện của Đức Maria dưới chân thập giá. Đức Maria lặng thinh trước cái chết của Con mình. Mẹ chẳng hề động viên Người bằng cách nói rằng, “Con có thể làm được!” hay “Con có nhớ lời hứa của mình không?” Không hề, Đức Maria chỉ khóc và lặng thinh. Mẹ bất lực để rồi chỉ có thể đứng bên cạnh người mà Mẹ yêu thương.
Khi bạn không biết phải nói lời nào, thì chỉ cần thinh lặng và hiện diện.
BlurryMe | Shutterstock
4. Nhẹ nhàng thăm hỏi
Khi đồng hành với một người vào cuối đời, điều cần thiết là phải lắng nghe họ một cách tế nhị nhất. Trước sự ngạc nhiên của người thân, một số bệnh nhân đã trải lòng. Sau đó, chúng ta thấy mình nói chuyện trò với họ bằng một sự chân thành đến mức đáng kinh ngạc.
Trong trường hợp này, những câu hỏi như “Bạn đang cảm thấy ra sao?” hay “Bạn đang cảm nghiệm về điều gì?” có thể được đặt ra: những câu hỏi như thế cho phép bệnh nhân nói lên những lời “xuất phát từ trái tim” với những người xung quanh họ.
Ngược lại, đôi khi điều này là không thể thực hiện được. Trong trường hợp này, bạn không nên tạo ra áp lực cho người thân của mình, ngay cả khi bạn cảm thấy cần phải tự mình nói về những điều này.
5. Hãy nói về gia đình của họ
Nếu người sắp qua đời chịu phá vỡ sự im lặng và điều này nhường chỗ cho một cuộc trao đổi “xuất phát từ trái tim”, thì đừng ngần ngại nói về gia đình của họ, vì đối với họ cái chết đang cận kề thường sẽ là một thử thách khủng khiếp. Vì khi người đang cận kề cái chết nghĩ về nỗi sầu thương của vợ hay chồng mình hay của con cái mình, thì nỗi sợ hãi về cái chết của chính họ sẽ nhường bước. Người bệnh sẽ một lần nữa lại trở nên một người chồng hay người vợ hay một bậc cha mẹ đúng nghĩa vì biết nghĩ đến người khác chứ không chỉ nghĩ đến cái chết của chính họ.
Cha Paul Denizot nói: “Đôi khi có những phép lạ vĩ đại lại xảy đến vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời.” Trong tư cách là một linh mục, Cha có thói quen đặt ra một câu hỏi cho những ai đang cận kề cái chết rằng: “Còn những điều gì làm bạn chưa được bình an không?”
Đặc biệt, Cha nhớ có một người đàn ông đã nhờ Cha giúp để trở lại đạo. Người đàn ông này đã ly hôn và đã rời bỏ Giáo Hội từ 40 năm trước, nhưng nay lại bày tỏ một ước muốn mãnh liệt là nhận được sự tha thứ từ vợ và con cái mình trước khi nhắm mắt.
Khi nghĩ về nỗi tuyệt vọng của vợ hay chồng mình hay của con cái mình, thì nỗi sợ hãi về cái chết của chính họ sẽ nhường bước.
By Motortion Films|Shutterstock
6. Đọc lên những Thánh vịnh
Nếu người đó vào cuối cuộc đời không cảm thấy thích thú trong việc chuyện trò với chúng ta theo cách trên, thì chúng ta có thể gợi ý (nhưng phải luôn luôn tỏ ra hết sức nhạy cảm) để họ nghe một bài Thánh vịnh.
Cha Montligeon giải thích, “Các Thánh vịnh có sức mạnh to lớn vì chúng diễn tả cảm xúc của con người và phó thác con người về cho Thiên Chúa. Theo cách thức như thế, các Thánh vịnh thấu hiểu mọi đau khổ của chúng ta khi phải đối mặt với cái chết.”
Khi cha tôi đang sống những ngày cuối đời, ông muốn tôi đọc cho ông nghe những bài Thánh vịnh như “De profundis” (Tv. 130 - Tiếng kêu từ vực thẳm: Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con), “Chúa là mục tử chăn dắt tôi” (Tv. 23), hay bài “Dies irae” (“Ngày thịnh nộ”), một bài thánh ca được hát trong Lễ An Táng. Giữa những lời giận dữ trong bài thánh ca đó, có một tiếng kêu than tuyệt đẹp: “Lạy Chúa Giêsu dịu ngọt, xin hãy nhớ đến con.” Sau này tôi mới hiểu tại sao những bài đó lại giúp sức cho cha tôi rất nhiều trong lúc phải đối mặt với cái chết.
7. Thổ lộ những lời yêu thương
Đối với các tín hữu, có rất nhiều lời cầu nguyện (chẳng hạn như Kinh Mân Côi hay kinh cầu Đức Bà và các thánh) và các bí tích (Giải tội, Thánh Thể, Xức dầu Bệnh nhân), cũng như các phép lành có thể giúp ích cho người đang hấp hối. Nếu người đang bước vào giai đoạn cuối đời không phải là một tín hữu, thì chúng ta có thể chỉ cần thì thầm vào tai người đó rằng: “Tôi yêu bạn.”
Thậm chí chúng ta có thể đơn giản nói lên những lời đó trong suy nghĩ của mình, trong khi hướng cái nhìn về phía họ, âu yếm vuốt ve bàn tay, má hay trán của họ. Khi đối mặt với cái chết, điều quan trọng nhất là họ cảm thấy rằng mình được yêu thương.
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên chuyển ngữ từ aleleia.org (16/11/2021)
Nguồn: giaophanvinhlong.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn