TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người xây dựng Giáo Hội

Thứ tư - 17/11/2021 20:41 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   2029
Là những người phục vụ dân Chúa trong chức linh mục, chúng ta được thánh hóa qua các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và huấn quyền của Giáo Hội.
Linh mục, người xây dựng Giáo Hội

Linh mục, người xây dựng Giáo Hội

(Tài liệu Tĩnh Tâm Linh Mục -2021)

Là những người phục vụ dân Chúa trong chức linh mục, chúng ta được thánh hóa qua các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và huấn quyền của Giáo Hội. Chúng ta được Chúa ban cho mọi ơn lành cần thiết, được Giáo Hội đào tạo qua nhiều hình thức, để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn đứng vững trong đức tin, và hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa bước đi trong ánh sáng của Ngài. Trong đời sống mục vụ, khi tiếp xúc và làm việc với cộng đoàn dân Chúa, chúng ta có dịp khám phá thêm những điều mà đời sống người tín hữu mang lại cho chúng ta. Cả linh mục và người tín hữu đều có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội.

Tuy nhiên, sống trong thế giới hôm nay, người linh mục đang phải đối diện với nhiều thử thách, đến từ bên ngoài lẫn bên trong Giáo Hội. Trước đây, hầu như mọi người đều tôn trọng những điều thuộc về đời sống đức tin và cách tổ chức của Giáo Hội, nên người linh mục thi hành chức vụ của mình với một sự xác tín, với một sự bảo đảm nào đó về phía Giáo Hội, cũng như nơi người tín hữu. Ngày nay, trước một số vấn đề tiêu cực xảy ra trong Giáo Hội, dư luận đang áp lực lên chính quyền dân sự để họ can thiệp nhiều hơn về những vấn đề liên quan đến các định chế trong Giáo Hội. Người ta đặt ra nhiều vấn đề như: bí mật ấn tín tòa giải tội, độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, có nên cho các trẻ em đến nhà thờ không... Giáo Hội ở Bắc Mỹ, Úc châu đã trải qua nhiều sóng gió, và hiện nay đến các Giáo Hội tại châu Âu. Tại Việt Nam, một số người thiếu thiện cảm với Giáo Hội công giáo, nhân dịp này, đang tìm cách tấn công vào sự thánh thiện của Giáo hội, phóng đại những yếu đuối của một số linh mục, để làm cho nhiều người tín hữu phải hoang mang. Nhiều người tín hữu đạo đức và hiểu biết tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội cho các vị mục tử đứng vững trong cơn thử thách. Những người đang có vấn đề với cách quản trị của Giáo Hội có lý do để tiếp tục duy trì một khoảng cách nào đó. Người linh mục quản xứ, từ lâu được xem như người mục tử, người cha trong đời sống đức tin, nay phải trở nên dè dặt hơn trong cách giảng dạy, trong cách biểu lộ tấm lòng của người mục tử, trước sự dè dặt của những bậc cha mẹ.

Những điều đó cho thấy rằng người linh mục hôm nay, nếu muốn tiếp tục thi hành sứ vụ của mình như người mục tử giữa lòng dân Chúa và trong một xã hội thế tục, cần phải biết xác định về ơn gọi cao quý của mình, biết dựa vào nền tảng Lời Chúa và huấn quyền của Giáo Hội để nuôi dưỡng đời sống đạo đức của người tín hữu, thi hành đời sống mục vụ; đồng thời cũng phải biết liên kết hiệp thông với Giám mục giáo phận và anh em linh mục, để có thể thi hành sứ vụ theo đường hướng mục vụ của Giám mục giáo phận. Dẫu cho sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cùng nắm tay nhau xây dựng niềm tin, xây dựng Giáo Hội. Nhiệm vụ xây dựng Giáo Hội là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng người linh mục thánh thiện, yêu mến Chúa và yêu mến con người, đóng góp một phần rất quan trọng.

Kinh nghiệm sống đời linh mục cho anh em chúng ta thấy rằng: có những lúc chúng ta sẵn sàng quan tâm đến từng con chiên, nhưng cũng có lúc, vì cứ thường gặp những trường hợp như thế, nên chúng ta muốn giải quyết theo nguyên tắc cho đỡ mất thời giờ, và đỡ bị quấy rầy. Và như thế, nếu không tỉnh táo, chúng ta dễ hành xử như những người cán bộ làm cho xong việc, hay như người chăn chiên thuê, hơn là những người mục tử mà Chúa ủy thác đàn chiên.

Tạ ơn Chúa đã ban cho hầu hết các linh mục trong giáo phận Ban Mê Thuột sống cuộc đời mục tử rất tốt đẹp. Đi đến đâu cũng thấy hình ảnh của người mục tử tận tụy phục vụ đàn chiên. Mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều chăm sóc cho cộng đồng dân Chúa cả về đời sống đạo đức lẫn những cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt cộng đoàn. Điểm nổi bật là anh em linh mục ý thức về sứ mệnh xây dựng Giáo Hội, nên khi được trao cho đàn chiên ở bất kỳ nơi nào, anh em đều biết cách quy tụ mọi thành phần dân Chúa và cùng với nhau làm việc. Anh em hiểu rằng sức mạnh của Giáo Hội được tạo nên bởi sự hiệp thông, bằng sự cộng tác của tất cả mọi người, nên anh em biết phát huy những điều tốt đẹp nơi quý chức, nơi các đoàn thể, và nơi từng người tín hữu. Anh em cũng không bám lấy những thành quả của cộng đoàn như là của riêng mình, nhưng luôn biết nhường chỗ cho những anh em linh mục khác tiếp tục công việc mục vụ, và mình lại tiếp tục cùng với cộng đoàn mới xây dựng Giáo Hội. Tinh thần “giáo sĩ trị” đã nhường bước cho một cung cách phục vụ mới: tôn trọng ơn gọi của người tín hữu, mang lại niềm hạnh phúc cho người tín hữu khi giúp họ khám phá ra ý nghĩa của Lời Chúa trong đời sống thường ngày, đồng hành với người tín hữu trong mọi hoàn cảnh…

Giáo Hội bao gồm những con người bằng xương bằng thịt, có lý trí, có tình cảm, có sự tôn trọng và có sự phản kháng. Đàn chiên Chúa trao cho chúng ta chăm sóc cần được lắng nghe tiếng nói yêu thương và kính trọng của người mục tử. Kinh nghiệm của Giáo Hội trong quá khứ cho thấy rằng bất kỳ ai, trong bất cứ địa vị nào, nếu không được lắng nghe một cách trân trọng, nếu không được đối xử một cách hợp lý và đầy tình người, sẽ tạo nên những sự chia rẽ không thể chữa lành.

Thời gian tĩnh tâm giúp chúng ta nhìn lại đời linh mục của mình dưới ánh sáng của lòng nhân từ Chúa, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để chúng ta biết nhận ra đâu là điểm cốt yếu trong đời sống linh mục, đâu là điều mà Chúa và Giáo Hội đang mong muốn nơi chúng ta: những người được Chúa yêu quý và mời gọi cộng tác với Ngài.

Trong tinh thần đó, con xin gợi ý một số chủ đề suy niệm trong tuần tĩnh tâm, rút ra từ những đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng, để chúng ta cùng tìm hiểu và rút ra những bài học cần thiết trong trách nhiệm “xây dựng Giáo hội” của anh em linh mục giáo phận.

1/ Xây dựng Giáo Hội trên nền tảng các Tông Đồ (Mt 16, 13-19)

2/ Xây dựng Giáo Hội bị thương tích (2 Co 4, 7-12)

3/ Xây dựng Giáo Hội bằng Lời Chúa (Ga 17, 11b-19)

4/ Xây dựng Giáo Hội trong tinh thần phục vụ (Ga 13, 1-15)

5/ Xây dựng Giáo Hội bằng tấm lòng của người mục tử (Ga 10, 11-18)

6/ Linh mục, con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51)

 

I/ Xây dựng Giáo Hội trên nền tảng các Tông Đồ (Mt 16, 13-19)

13Khi Đức Giêsu đến vùng (kế cận thành) Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” 15Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” l7Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

1/ Bối cảnh: Câu chuyện thánh Matthêu kể lại trong bài Tin Mừng xảy ra trong vùng Cêsarê Philipphe, chứ không phải là vùng “kế cận thành”. Người ta thắc mắc: vùng này có gì đặc biệt và tại sao khi đến vùng đất này Chúa Giêsu mới đặt vấn đề căn tính của Ngài: “Con Người là ai”, và từ đó, có lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời của thánh Phêrô?

Chúng ta biết là trên đất Do-thái thời Chúa Giêsu, có 02 thành mang tên Cêsarê. Một cái gọi là Cêsarê miền duyên hải, nằm trên bờ Địa Trung Hải, có một hải cảng quan trọng mà sách TĐCV thường nhắc đến khi kể về những cuộc hành trình của thánh Phaolô. Cái khác nằm ở phía bắc, dưới chân núi Hermon, giáp với nước Liban và Syrie ngày nay. Nơi này có những dòng suối từ núi chảy ra làm thành sông Jodan, nguồn nước ngọt quan trọng cho vùng Palestine.

Vào thời Chúa Giêsu, thành phố này khá nổi tiếng. Ở đây, vua Herode Cả (người đã ra lệnh giết các hài nhi ở Belem khi Chúa Giêsu sinh ra), đã xây dựng một ngôi đền thờ kính hoàng đế La-mã César Auguste (người ta coi hoàng đế là vị thần) và, trước khi qua đời, ông đã chia vương quốc của mình cho 03 người con trai, mỗi người quản trị một vùng. Banias, vùng đất của các vị thần, được dành cho Philipphe. Ông này đã chọn nơi đó như là thủ đô của vương quốc, đặt tên cho nó là Cêsarê Philipphe, để phân biệt với thành Cêsarê miền duyên hải nằm bên bờ Địa Trung Hải. Trong thời Philipphe cai trị, vùng này được phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa: phát hành tiền xu, các đền thờ, nhà tắm công cộng, các nhà hát...

Ở đây một sự kiện quan trọng xảy ra trong Kitô giáo. Chúa Giêsu đã đến đó và đã hỏi các môn đệ về việc người ta nhận ra Ngài như thế nào, và sau đó đã hỏi các ông một cách trực tiếp là: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Chúng ta đã hiểu bối cảnh của việc Chúa Giêsu đặt vấn đề với các môn đệ. Giữa một nơi dành cho các vị thần, có thể là các vị thần dân ngoại, có thể là vị hoàng đế uy quyền mà người ta mặc cho lớp vỏ thần linh, nơi mà sự giàu có được biểu lộ qua cách trang trí và cách sống, Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ về sự lựa chọn căn bản trong đời sống đức tin, lựa chọn có ý nghĩa thiết thực với đời sống của người môn đệ.

Giữa muôn vàn thần tượng, giữa những thị hiếu của người đời, thì Thầy vẫn là Đấng mà các môn đệ lựa chọn bước theo và tôn thờ.

2/ Tìm hiểu bản văn:

Đoạn Tin Mừng chia làm 2 phần: phần 1 đề cập đến cách người ta hiểu về Chúa Giêsu như thế nào và câu tuyên xưng đức tin của Phêrô; phần 2 Chúa Giêsu khen ngợi cách nhận định của Phêrô và giải thích ý nghĩa tên mà Ngài đã đặt cho ông ngay lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42), cũng như mạc khải về ý nghĩa sứ mệnh của ông trong Giáo Hội.

a/ Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Người ta ở đây nghĩa là ý kiến chung chung của những người Do-thái mà các môn đệ đã có dịp tiếp xúc, hay là những tin đồn về Ngài.

Dựa vào đâu để người ta nhận định về Chúa Giêsu? Dựa vào lời giảng dạy, vào việc làm, vào cách sống, nghĩa là qua những cách hành xử bên ngoài mà người ta có thể thấy hoặc là nghe nói về Ngài. Các nhân vật người ta nói đến đều là những vị tiên tri có tiếng tăm đối với người Do-thái: Gioan Tẩy Giả, Êlia và Giêrêmia.

Gioan Tẩy giả là một vị tiên tri cùng thời với Chúa Giêsu. Lời rao giảng của ông có sức thuyết phục đến nỗi mà toàn dân Israel thuộc đủ mọi thành phần và từ khắp nơi đều tuôn đến bên bờ sông Jordan để nghe ngài giảng và xin chịu phép rửa thống hối. Nhận định về ông, Chúa Giêsu nói: “Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong kinh thánh rằng: này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến! Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn Gioan.” (Lc 7, 27-28). Ngay cả Hêrôđê, khi nghe danh tiếng của Chúa Giêsu đã nói với những người hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả, ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ” (Mt 14, 1-2).

Còn Êlia là một vị tiên tri lớn của thời Cựu Ước, ông có công bảo vệ lề luật Chúa khỏi tinh thần sa đọa của những vua chúa mất niềm tin, và người Do-thái nghĩ rằng ông sẽ trở lại trần gian trước khi Đấng Cứu Thế đến để dọn đường cho Ngài bằng cách tái lập lại trật tự trong xã hội và trong đạo Do-thái (Mt 17, 9-12).

Điểm đặc biệt là Matthêu nhắc đến tên Giêrêmia. Đó là một lựa chọn mà người ta thấy rõ lý do, bởi vì trong số các vị tiên tri lớn, thì Giêrêmia là người phải chịu đựng nhiều sự nghịch lý từ hàng ngũ các tư tế và những người lãnh đạo trong dân. Chính ông là người có lịch sử thê thảm nhất và nhất là những câu truyện đã xảy ra tại Giêrusalem vào thời đó. Người ta chỉ có thể hiểu Chúa Giêsu dưới ánh sáng của các bút ký tiên tri, và cách riêng, dưới ánh sáng của các bút ký này xác định thân phận đau khổ của Con Người.

Nói chung, dư luận quần chúng, vì không có điều kiện để sống gần Chúa Giêsu hơn, không được hiểu về Chúa Giêsu nhiều, nên họ chỉ dám nghĩ về Ngài như là một vị tiên tri lớn cũng là khá lắm rồi: Nhưng đối với các Tông Đồ thì khác. Khi Chúa Giêsu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô, vì là người trưởng nhóm, không ngần ngại trả lời ngay “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Chúng ta để ý lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” đã được nói đến trong biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt nước (Mt 14, 22-33). Đối với Phêrô, Thầy còn cao hơn tất cả các tiên tri khác, vì Thầy là Đấng Cứu Thế, Thầy được sai đến trần gian để làm cho Nước Thiên Chúa được hoàn tất.

b/ Chúa mạc khải cho Phêrô:

Trước lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Chúa Giêsu mặc khải một điều kỳ diệu: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải xác thịt và máu huyết mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 17-18).

Chúa xác nhận điều Phêrô tuyên xưng là một hành vi đức tin, phát xuất từ Thánh Thần, vì không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa mà không phải là do Thánh Thần soi sáng.

+ “Anh thật là có phúc”: lời chúc phúc này được Chúa dùng trong 8 mối phúc, mở đầu cho Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 3-11). Chúa chúc cho những người dám sống theo một tinh thần mới, tinh thần của logique Thập Giá (1Co 1, 17-25), chứ không theo cách suy nghĩ của những người đương thời, cách suy nghĩ của thế gian. Ở đây, chúng ta thấy thấp thoáng lời khen cũng như là lời Chúa nói với Nathanael trong lần gặp mặt đầu tiên: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47).

+ Ở đây Chúa Giêsu phân biệt nguồn gợi hứng cho lời tuyên xưng đức tin của Phê-rô: “xác thịt và máu huyết” và “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Cách phân biệt này cũng thường gặp trong Tin Mừng (Ga 1, 13; 8, 15; Mt 26, 41; 1Co 15, 50). “Xác thịt và máu huyết” nghĩa là theo bản tính tự nhiên của con người chưa được biến đổi, còn “đến từ Chúa Cha” nghĩa là được Chúa Thánh Thần soi sáng. Sống theo Thần Khí là sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, chứ không phải theo cách suy nghĩ tự nhiên của con người. Tuy nhiên, khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, Phêrô cảm thấy chói tai nên ngăn cản, và bị Chúa Giêsu quở trách: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23). “Anh cản lối Thầy” là cách dịch cho dễ nghe, nhưng phải dịch là anh làm dịp làm cho tôi vấp ngã” (ska,ndalon ei=evmou/).

3/ Gợi ý Suy niệm:

+ Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đã mở ra một hướng mới cho Chúa Giêsu trong việc thành lập Giáo Hội trong tương lai. Ngài có thể tin cậy vào sự cộng tác của con người, dẫu cho Ngài thấy rõ sự bất toàn nơi con người ấy. Khi người môn đệ bám chắc vào Chúa, người đó có đủ sự khôn ngoan cần thiết để có thể nhìn xa hơn những gì đang xảy ra trong hiện tại, và can đảm trung thành với Chúa. Ngay cả khi người môn đệ cảm thấy nhát đảm trước những thử thách, sự bám chắc vào Chúa giúp cho người đó có nền tảng vững chắc để tin vào lòng thương xót của Ngài, và tiếp tục sống trong sự tin tưởng, phó thác. Hành trình đức tin của Phêrô được kể lại qua các nhân chứng trong Tin Mừng chứng minh điều đó.

+ Nơi con người của Phêrô biểu lộ luôn cả hai tính cách “thuộc về Thánh Thần” và “thuộc về xác thịt”.

a/ Khi Phêrô biết suy nghĩ theo Thánh Thần, ông là viên đá góc xây dựng Giáo Hội. Chúa đã thấy lòng yêu mến của ông ngay từ phút đầu gặp gỡ, nên vừa gặp ông lần đầu, ngài đã nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô); và sau này Ngài giải thích: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Phêrô là Tảng Đá không chỉ khi tuyên xưng đức tin, nhưng ngay cả khi sợ hãi, yếu đuối, ông vẫn luôn là điểm tựa cần thiết cho các tông đồ khác.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa nói: “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 31-32). Sau khi Chúa lên trời, Phêrô vẫn tiếp tục đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong việc truyền giáo, và sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm về các công việc mình làm (Cv 10, 1-11, 18).

b/ Khi Phêrô suy nghĩ theo tính xác thịt, ông trở thành viên đá làm cho vấp ngã (scandal), không chỉ cho Chúa Giêsu, mà còn cho những người khác, làm hại cho Giáo Hội nữa. Phêrô có thể là viên đá làm cho vấp ngã khi từ chối chấp nhận sự cần thiết của cuộc khổ nạn (Mt 16, 21-23), khi không biết nghe lời Chúa cảnh cáo (Lc 22, 23-24). Đáng lẽ ra khi chưa hiểu được điều Chúa nói, thì ông phải để cho Chúa giải thích, như thái độ của Đức Mẹ trong biến cố Truyền Tin, nghĩa là bước đi trong ánh sáng của Ngài. Đàng này, ông lại hành động như là một người tưởng mình khôn ngoan, đi ngược lại với sự khôn ngoan của chính Thiên Chúa.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy nhân vật Phêrô nổi bật như là người “đầy Thánh Thần”, người của đức tin, được Chúa Giêsu khen ngợi; nhưng chỉ một thoáng sau, chỉ vì để cách suy nghĩ của mình vượt nên trên cách suy nghĩ của Chúa, mà ông đã trở nên dịp vấp phạm cho chính Ngài và các môn đệ khác.

Khi đã trở nên con người của đức tin sau biến cố Phục Sinh, ý thức về việc Chúa đã chọn ông giữa các anh em để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (Cv 15, 7-11), có lúc Phêrô vẫn còn là viên đá làm cho anh em vấp phạm, ví dụ như đối với Phaolo về việc cắt bì hay không cho các anh em dân ngoại trở lại ở Antioche (Gl 2, 11).

4/ Áp dụng vào đời sống

+ Là linh mục, tôi được mời gọi trở thành người cộng tác với Chúa Giê-su trong việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội. Bí tích truyền chức ban cho tôi những ơn cần thiết để sống một cách có ý nghĩa đời sống của người mục tử. Tôi có biết phân định những việc mình cần làm dựa trên nền tảng đức tin của các Tông Đồ theo lời dạy của Giáo Hội không?

+ Là người có trách nhiệm gìn giữ đức tin cho cộng đoàn dân Chúa, linh mục cũng giống như Phêrô, có trách nhiệm xây dựng cộng đoàn bằng chính đời sống đức tin của mình. Tôi có dùng mọi khả năng Chúa ban để phục vụ dân Chúa, hay tôi làm cớ vấp phạm cho anh chị em tín hữu?

+ Tôi có hiểu rằng những lời nói và việc làm của mình có ảnh hưởng trên đời sống đức tin của người tín hữu không? Những lời giảng dạy, những lời khuyên bảo theo chiều hướng tích cực mang lại niềm hy vọng cho người tín hữu. Trái lại, những lời nói thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng người khác, nơi miệng của người mục tử, sẽ để lại những vết thương trong lòng người tín hữu.

+ Nơi con người của Phêrô xuất hiện cả hai khía cạnh: con người của đức tin, là đá tảng, và con người yếu đuối, người làm cho người khác bị vấp phạm. Tôi có hiểu được rằng nếu tôi thiếu sự khiêm tốn trong khi thi hành chức vụ, tôi sẽ bước ra ngoài vòng ánh sáng của Chúa?

+ Chúa thấy rõ điểm yếu của tôi, nhưng Ngài vẫn luôn cầu nguyện cho tôi đứng vững và là điểm tựa nâng đỡ anh chị em của tôi.

Cầu nguyện: Xin cho con ý thức về con người yếu đuối của mình, và luôn biết khiêm tốn tựa nương vào Chúa.

 

II/ Xây dựng một Giáo Hội bị thương tích (2Co 4, 7-12)

7Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. 8Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. 11Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nói thân xác phải chết của chúng tôi. 12Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.

1/ Bối cảnh:

Sau khi Phaolô viết thư 1Co vào khoảng cuối năm 56 hay đầu năm 57, Timôthê đã đến Corinthe. Tình hình ở Corinthe càng ngày càng xấu do các ngụy tông đồ có thái độ thù nghịch với Phaolô (2Co 11, 12-15). Timôthê trở về Ephese trình lại với Phaolô. Ngài đã viết thư 2Co để biện minh rằng sứ vụ tông đồ của ngài khác với những người đó.

Phaolô minh chứng rằng Thiên Chúa đã giao cho các Ngài công việc phục vụ Tin Mừng, nên các Ngài kiên tâm trình bày sự thật, không nản lòng trước những lời gièm pha của những kẻ muốn hạ uy tín của các Ngài. Các Ngài không rao giảng chính mình mình, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa, còn các ngài chỉ là những người đầy tớ của cộng đoàn (2Co 4, 1-6).

2/ Phân tích bản văn:

+ “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành”:

“Kho tàng” được đề cập ở đây là gì? Phải chăng đó là câu kết của đoạn trước: “Sự hiểu biết về vinh quang Thiên Chúa trên khuôn mặt của Đức Kitô”? (2Co 4, 6). Phải chăng đó là điều mà bản văn 3, 1-4, 6, trước đoạn văn này, đã nói và làm nên sứ mệnh của vị tông đồ? Cũng có thể là hệ quả của những điều này, sự sống đời đời mà ngài sẽ viết trong phần tiếp theo. Điều chắc chắn đó là Phaolo tự cảm thấy mình giàu có những ơn thiêng của Chúa. Và đối diện với những ơn này, ngài ý thức được sự khốn cùng của mình.

“Chiếc bình được làm bằng đất”: cách nói này có thể ám chỉ đến sự mỏng dòn của con người Phaolô (2Co 12, 7-10; Gl 4, 14). Chúng ta cũng có thể hiểu như là “thân xác bằng đất”, ám chỉ đến trình thuật của St 2, 7, được Phaolô lấy lại trong Rm 9, 21-24 là 1Co 15, 44b-49.

+ c 8-10: những hình ảnh diễn tả giống như thân phận của một người chiến sĩ giác đấu, nếu không có sự sống của Đức Kitô thì chắc các ngài cũng đã bị đè bẹp từ lâu rồi.

+ c 11-12: Sự nguy hiểm mà các tông đồ phải trả giá, là để cho sự sống của Đức Kitô được tỏ hiện nơi thân xác yếu đuối của các ngài, và qua đó, các tín hữu có một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa.

Với hình ảnh của những bình sành, là một dụng cụ dễ vỡ, mỏng dòn, khác với những dụng cụ bằng kim loại, lại được dùng để chứa đựng điều vô cùng quý báu là “Sự hiểu biết về vinh quang Thiên Chúa trên khuôn mặt của Đức Kitô”, là Tin Mừng của Đức Kitô, Phaolô muốn làm nổi bật sự đối nghịch giữa sự nhỏ bé của người tông đồ và sự lớn lao của công tác tông đồ. Thái độ khiêm hạ này của Phaolô cũng cho chúng ta thấy được con đường ngài đã chọn để trả lời cho những người tông đồ giả tìm mọi cách làm mất uy tín của ngài: con đường tự hủy, con đường của thập giá.

+ Với những nét mà Phaolô kể ra như: “bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt”, đây là những nét của một người chiến binh dày dạn kinh nghiệm, với một ý chí kiên cường, chứ không đơn thuần là những dụng cụ mỏng dòn đâu.

3/ Áp dụng thực tế:

+ Là những người yêu mến Chúa Giêsu, chọn Chúa làm gia nghiệp, chúng ta trở thành nhân chứng của Ngài. Thế nhưng dầu gì đi nữa, chúng ta cũng chỉ là những con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa. Vì thế, trong đời sống thường ngày, có những lúc chúng ta đã không hoàn toàn diễn tả được khuôn mặt của Thiên Chúa qua đời sống của chúng ta. Trong lời chứng của mình, xen lẫn sức mạnh của Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người.

+ Mỗi người chúng ta có thể thấy được thiện chí cũng như sự cố gắng của mình. Mình biết mình yêu mến Chúa đến đâu, mình biết lý do tại sao mình có thái độ như thế này hay thế khác, nhưng người ngoài (ở ngoài tôi, có thể là người giáo dân, người ngoại hoặc ngay cả người anh em cùng chí hướng với tôi) họ không dễ gì nhận ra điều đó một cách rõ ràng như chúng ta đâu. Vì thế, nhiều khi họ hay kết án chúng ta. Họ kết án theo cảm tính, nhiều khi không có chứng cứ gì cả. Họ thiếu thông cảm, vì họ muốn nhìn thấy một chứng từ của những người thuộc về Chúa một cách khác hơn.

+ Ý thức được sự mỏng dòn của mình, chúng ta cố gắng khắc phục, nhưng đó không thể là công việc của một sớm một chiều. Chỉ khi nào người mục tử biết sống khiêm tốn, tựa nương vào sức mạnh của Chúa, chứ không phải dựa vào sức mạnh và sự khôn ngoan của riêng mình, mới có thể để cho Chúa hành động nơi bản thân mình.

+ Người ta đòi hỏi các linh mục nhiều điều lắm. Các linh mục càng có nhiều tài năng, thì càng có nhiều người yêu quý. Thế nhưng, đây cũng là một thử thách lớn cho các linh mục. Khi được yêu quý nhiều, nhất là được hâm mộ, người linh mục cần ý thức mạnh mẽ hơn về sự mỏng dòn của mình. Đừng liều lĩnh hoặc coi thường, vì rất dễ bị ngã. Cuộc sống người linh mục sẽ không hạnh phúc trọn vẹn khi mình không hoàn toàn đứng về phía Chúa. Người linh mục chỉ thực sự sống hạnh phúc khi mình hoàn toàn dấn thân cho lý tưởng mà không giữ gì lại cho riêng mình. Nếu không thống nhất được đời sống, sự lựa chọn đứng về phía Chúa, chúng ta sẽ mãi loay hoay trong những lựa chọn ích kỷ của mình.

+ Chúng ta cũng nên nhớ rằng người anh em linh mục yếu đuối, là người thân của chúng ta, là người cùng với chúng ta làm nên linh mục đoàn, làm nên thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội. Chúng ta có trách nhiệm cầu nguyện cho nhau đứng vững trong đức tin và xây dựng tình hiệp nhất.

Tóm lại, vì chúng ta là những con người chấp nhận bơi ngược dòng nước, chúng ta hiểu rằng qua những yếu đuối của chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu và sức mạnh của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cộng tác với Ngài một cách tích cực hơn để làm chứng là chúng ta đang thuộc về Ngài.

Bài đọc thêm: Chiếc ghế cuối nhà thờ...

Mình còn nhớ trước ngày chịu chức linh mục, cha linh hướng của mình dạy rằng, “sau khi con chịu chức, con đừng quên chiếc ghế phía cuối nhà thờ mà thỉnh thoảng con vẫn ngồi... hãy quay lại ngồi vào chiếc ghế đó một vài lần trong tháng trước giờ lễ).” Mãi về sau mình mới hiểu sự sâu sắc của lời khuyên đó.

Sau ngày chịu chức, các linh mục của Chúa được ngồi trên cung thánh, mọi người đều hướng về linh mục, và người linh mục trở thành trọng tâm của tất cả sự chú ý. Vị trí ngồi trên cung thánh nói lên vai trò của người linh mục, là người mục tử dẫn dắt cộng đoàn, cử hành phụng vụ dâng lên Chúa. Tuy nhiên, đó cũng là vị trí ẩn đầy cám dỗ và nguy hiểm. Một khi ngồi ở vị trí trên cùng, người ta dễ xa các người khác vì vị trí cao trọng của mình, đôi khi người ta làm mọi sự để bám lấy vị trí đó, và nghĩ rằng ở bất cứ nơi đâu mình cũng phải được ngồi trên cùng, phải được chú ý, phải là người quan trọng nhất.

Thật ra trong đời theo Chúa, vị trí quan trọng nhất là của Chúa, và người linh mục chỉ là một công cụ của Ngài. Việc duy nhất mà người linh mục làm là giúp cho người ta nhận biết lòng thương xót của Chúa và tình yêu của Ngài.

Vậy tại sao phải thường xuyên ngồi vào chiếc ghế ở góc cuối nhà thờ? vì nơi đó là nơi xa cung thánh nhất, vì nơi đó vô tình thường được chọn bởi những ai đang ngại bước lên trên họ muốn ẩn mình trong một thánh lễ có lẽ vì tâm hồn họ đang bị tổn thương và mặc cảm. Có thể nơi chiếc ghế đó cũng thường là chiếc ghế của những ai đang vội vàng muốn trở về nhà sớm, hay những ai đến muộn, hoặc của những ai đang mệt mỏi bởi phải nghe những bài giảng dông dài của một linh mục, cũng có thể nơi đó là nơi mà những ai có tâm hồn đang dần xa cách Chúa. Khi chúng ta tập ngồi ở những chiếc ghế đó, chúng ta tập đi vào cuộc đời của tất cả những anh chị em trên, chúng ta tập đặt câu hỏi tìm hiểu xem, họ đang cần gì nhất nơi Chúa... và mong đợi gì nhất từ người linh mục của Ngài. Nhưng hơn bao giờ hết, biết đâu nơi chiếc ghế cuối nhà thờ, chúng ta cũng sẽ gặp được Chúa đang ẩn mình trong những tâm hồn đau khổ chờ đợi ta.

Một trong những nguyên tắc phải có của người đi chữa lành tâm hồn, là người phải biết thấu cảm, và biết ngồi ở hai chiếc ghế khác nhau, chiếc ghế của mình, và chiếc ghế của bệnh nhân mình. Chỉ khi nào mình hiểu được nỗi lo âu, sự đau khổ của người bệnh, của người giáo dân nơi chiếc ghế họ đang ngồi thì mình mới có khả năng chữa lành cho họ một cách hiệu quả. Và một trong những nguy cơ lớn của người linh mục là vì họ được nâng lên trên cao, trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, họ không còn hiểu được vị trí thấp bé ngày nào họ đã từng ngồi nữa, trái tim của họ dần dần xa cách những tâm hồn bé nhỏ mọn hèn, họ lo sợ cho bảo vệ chiếc ghế của mình vì thế không còn khả năng để hiểu được tâm hồn của anh chị em giáo dân mình, thay vào đó là sự nóng nảy, cứng nhắc, và kiêu ngạo.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là linh mục của Chúa, biết tập vẽ lại cuộc đời của mình như chính cuộc đời Chúa, để cũng như trái tim Chúa thổn thức trước nỗi đau của bà goá mất con; nhân hậu và đầy lòng thương xót trước người bệnh phong hủi; bao dung và thứ tha với người tội lỗi đứng phía cuối đền thờ; thẳng thắn và cương trực trước sự bất công và giả dối. Can đảm và hy sinh chọn cho mình vị trí yếu hèn nhất... như là thập giá Chúa đã chọn, để chúng con luôn là nhân chứng của tình yêu trái tim Chúa trong thế gian.

Lời tâm niệm: Lạy Chúa, xin cho con biết sống khiêm tốn và thông cảm với mọi người.

 

III/ Xây dựng Giáo Hội bằng Lời Chúa (Ga 17, 11b-19)

11bLạy Cha chí thánh, xin gìn giữ (têrêô) các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ (têrêô) họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con: 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ (têrêô) họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

1/ Bối cảnh: Trong bữa tiệc ly, sau khi dạy bảo các môn đệ những điều cần thiết cho cuộc sống cá nhân cũng như cộng đoàn trong hoàn cảnh mới, Chúa Giêsu hướng lòng lên cùng Cha và cầu nguyện cho các ngài. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ đang còn sống trong thế gian để các ngài can đảm sống đức tin và làm chứng cho Thầy Chí Thánh. Điều Chúa Giêsu cầu xin là: cho các môn đệ được kết hợp với nhau nên một, như Chúa Giêsu và Cha Ngài; cho họ được trở nên hoàn toàn giống Chúa Giêsu: ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (c. 14). (Sống trong thế gian, nhưng không theo logique của thế gian, nghĩa là luôn sống theo logique của Chúa, sống như Chúa. Tư tưởng của Phaolo trong Rm 8, 5-13 cũng đi theo hướng này). Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có ba điều thật cần thiết cho các môn đệ:

a/ Xin gìn giữ các môn đồ trong đức tin (cc. 11b-13);

b/ Che chở các ông khỏi thế gian hư đốn (cc. 14-16);

c/ Tác thành các ông trong sự thật (cc. 17-19). Sự thật ở đây được hiểu là chân lý, là chương trình cứu độ được Thiên Chúa Cha mạc khải trong Đức Giêsu Kitô; và chân lý đó nằm trong Lời Cha.

2/ Quan sát và giải thích bản văn:

+ Cách thức Chúa Giêsu ngỏ lời với Chúa Cha làm cho lời cầu nguyện trở nên rõ nét trong từng điểm mà Ngài muốn đề cập. Cha là Đấng “Thánh”, hoàn toàn tách biệt khỏi “thế gian”. Đứng trước “thế gian” này với những tham vọng, ích kỷ, hay thay đổi của nó, Ngài là Thiên Chúa duy nhất chân thật (17,3). Ngài là ánh sáng (1Ga 1, 5), còn “thế gian” là tối tăm. Ngài là tình yêu (1Ga 8, 16), còn thế gian bị thống trị bởi hận thù và bởi “Đầu mục” của nó.

Việc nhấn mạnh đến sự thánh thiện này của Thiên Chúa tương phản dữ dội với việc đề cập đến “thế gian” đi liền ngay trước (c. 11a). Các môn đồ là những người đã từng sống theo tinh thần của “thế gian”, Thiên Chúa đã giải thoát họ và đem về bên phía Ngài. Tuy vậy, họ vẫn còn ở trong thế gian”, nghĩa là sống trong bầu khí của thế gian. Thế gian vẫn luôn cố gắng chụp lấy họ và kéo về lại với mình. Mối tranh chấp này làm nổi bật hai “không gian” thiêng liêng là sự tương phản chi phối cả lời nguyện cho đến c. 19.

Chính “trong danh Cha” mà các môn đồ phải được giữ gìn, chứ không phải nhân danh một phe nhóm nào. Danh Cha, nghĩa là mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa Cha do Chúa Giêsu, ở đây như muốn nói đến một không gian mà Thiên Chúa dựng nên cho những kẻ thuộc về Ngài. Chúa Cha giữ họ sống trong lời dạy bảo của Chúa Giêsu bằng sức mạnh mặc khải của Ngài và chỉ bằng sức mạnh này mà thôi. Vì thế, thành ngữ: “Xin gìn giữ họ trong danh Cha” không chỉ có nghĩa: “xin hãy gìn giữ họ trong không gian mà mặc khải đã tạo nên, nhưng còn là: “xin gìn giữ họ bằng sức mạnh thần linh mà mặc khải đã dùng để bắt lấy họ”, nghĩa là rốt cục bằng sức mạnh của Thánh Thần. (Như thế lời cầu xin này đáp ứng lời hứa ban một “Đấng bầu chữa khác” sẽ ở với và ở trong các môn đồ luôn mãi (x. 14, 16-17).

+ Động từ “gìn giữ” được xử dụng 03 lần trong đoạn văn này. Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ trong “Danh Cha” đã được ban cho Ngài (c. 11) và gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần (c. 15). Chính Chúa Giêsu, khi còn sống giữa các môn đệ, đã gìn giữ các ngài trong “Danh Cha” đã được ban cho Con.

Hạn từ “gìn giữ” ở đây không có nghĩa là phòng vệ, phòng ngừa, nhưng là củng cố bằng thử thách. Nếu Chúa Cha “gìn giữ” các môn đồ trong ánh sáng thánh thiện của Ngài, thì cũng là bằng cách ném họ vào cuộc chiến, cho chạm trán với sự thù nghịch của thế gian. Việc giữ gìn này, theo như chúng ta thường nói, có nghĩa là việc giữ vững trong thử thách. Dầu sao ở đây người ta không muốn nói các môn đồ chỉ là những đối tượng thụ động của hành động thần linh, bằng chứng là chương 15 cũng dùng cùng hạn từ này: Gioan 15, 10 nói là các môn đồ phải “giữ” (têrêô) lịnh truyền của Chúa Giêsu nghĩa là giới luật tình yêu (Ga 15, 12) và nhờ đó lưu lại trong tình yêu của Người. Điều này thật ra muốn nói lên cùng một ý như cách nói “Xin Cha gìn giữ chúng”. Vì “được gìn giữ” đối với các môn đồ, có nghĩa là nhận lãnh từ nơi Cha sức mạnh để sống trong Chúa Giêsu. Đó là điều c. 11b còn diễn tả: “để họ nên một như chúng ta”. Ý nghĩa và mục đích của hành động “gìn giữ” môn đồ của Thiên Chúa là sự hiệp nhất của họ. Điều này loan báo chủ đề của phần thứ ba trong Ga 17, 20-26.

Từ ngữ chủ chốt “tình yêu”, vốn bí mật chi phối phần này để rồi xuất hiện cách minh nhiên ở c. 26, đã soi chiếu sự hiệp nhất ấy giữa các môn đồ với nhau. Hiệp nhất trong tình huynh đệ này không thể phân ly với hoạt động “gìn giữ” họ của Thiên Chúa và với nỗ lực riêng của họ để “lưu lại” trong không gian của mặc khải.

Thật vậy, không gian này được đặc trưng bởi tình yêu, thành thử là đối nghịch với thế gian, không gian của hận thù. Trong Gioan, tình yêu huynh đệ có một ý nghĩa quyết định. Tất cả sự phong phú của hoạt động tông đồ và do đó việc tôn vinh Chúa Cha cùng Chúa Con đều tùy thuộc vào nó. Vì các môn đồ cần phải biểu lộ sự hiệp nhất này trong tình yêu của Cha và của Con: “để họ nên một như Chúng Ta”.

Tình yêu của Cha, vốn “gìn giữ” họ, muốn tạo nên một sự hiệp nhất vượt quá mọi khả năng loài người và chỉ đến được từ Thiên Chúa. “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha dể họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c 21).

Chúa Giêsu gìn giữ các môn đệ bằng cách “truyền lại cho họ lời của Cha” (c. 14). Chúa Giêsu đã ban cho họ lời Thiên Chúa để họ biết và sống, vừa để họ thông truyền kiến thức và sự sống ấy cho tha nhân (x. 15, 20). Tuy nhiên, có lẽ vì chưa cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh và cũng chưa được đón nhận Thánh Thần, nên các ngài cũng chưa hiểu hết những điều Thầy dạy dỗ, và cũng không thực sự dám xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa, nên Chúa Giêsu nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 12-13). Sự thật toàn vẹn được mạc khải không chỉ một lần duy nhất, nhưng được biểu lộ trong không gian và thời gian. Với tinh thần trung tín ở lại trong Lời, yêu mến Lời, và được Thánh Thần hướng dẫn, người môn đệ càng ngày càng hiểu hơn ý nghĩa của Lời, nhờ đó, họ được luôn gắn kết với nhau trong tình yêu Thầy và tình yêu anh em.

+ “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” Trong câu cuối cùng của đoạn văn, chúng ta thấy Chúa Giêsu không những nài xin Cha thánh hiến các môn đồ mình trong sự thật, mà còn tự thánh hiến mình cho mục đích ấy. Việc thánh hiến chính mình này hệ tại chỗ nào? Trong Cựu ước, có rất nhiều người và vật được thánh hiến. Nhất là các ngôn sứ và tư tế đều được thánh hiến để thi hành một trách nhiệm đặc biệt. Một ví dụ về thánh hiến ngôn sứ được tìm thấy trong lời Chúa nói với ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt dạ mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi; Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho các dân tộc” (Gr 1, 5). Ngôn sứ cần phải được tác thánh vì là kẻ mang lời Thiên Chúa. Người ta cũng tìm thấy nhiều quy chiếu về việc thánh hiến các tư tế trong Xh 40,13; Lv 8,30; 2Sk 5,11. Các thí dụ về thánh hiến ngôn sứ và tư tế này tạo nên một hậu cảnh tốt cho chúng ta có thể hiểu đoạn Ga 10, 36, nơi nói rằng Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Giêsu và đã sai Người đến trong thế gian; song chúng không mấy thích hợp cho việc giải thích 17,19 là nơi bảo rằng Chúa Giêsu tự thánh hiến chính mình. Ở đây có lẽ chúng ta gần hơn với ý niệm thánh hiến hy lễ trong hy tế (“Mọi con đầu lòng giống đực sinh ra trong đàn bò và đàn chiên dê của anh em, anh em phải thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” Đnl 15, 19). Việc Chúa Giêsu tự dâng hiến chính mình như là hy lễ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho các môn đệ hiểu được những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và noi gương Ngài, biết xóa mình đi mỗi ngày để bảo vệ sự hiệp nhất trong cộng đoàn.

3/ Gợi ý Suy niệm:

+ Đến giây phút cuối, Chúa Giêsu vẫn còn nguyện xin Cha gìn giữ các môn đệ trong Danh mà Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu. Điều đó cho chúng ta thấy rằng người môn đệ chỉ có thể hiểu và trình bày về Thiên Chúa Cha cách chuẩn mực theo như cách Chúa Giêsu dạy dỗ họ. Có lẽ Chúa Giêsu sợ các môn đệ sống đức tin và làm chứng về Ngài theo cách thế chủ quan của mình, chứ không theo cách mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn chăng? Kinh nghiệm của những sự chia rẽ trong Giáo Hội cho thấy rằng đôi khi người ta nhân danh Đức Giêsu để thể hiện cái tôi của mình (Danh Chúa Giêsu trở thành phương tiện phục vụ cho những tính toán khác của một nhóm người).

+ Giống như các môn đệ được Chúa Giêsu nuôi dưỡng, dạy dỗ, canh giữ bằng Lời của Ngài, là Lời được nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa Cha, thì linh mục, người có trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn tín hữu cũng phải nuôi dưỡng đức tin và lòng yêu mến của người tín hữu bằng Lời Chúa, chứ không phải là lời khôn ngoan của người đời, hoặc là của riêng mình. Việc giải thích Lời Chúa, dưới ánh sáng của Thánh Thần và những kinh nghiệm mà mình học hỏi được, rồi đem áp dụng vào trong đời sống thường ngày, là một phần rất quan trọng của cử hành phụng vụ. Chỉ có Lời Chúa mới có sức mạnh nuôi dưỡng đức tin và biến đổi con người.

Sự ý thức về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội đã có một sự chuyển biến tích cực. Từ năm 1965, chúng ta có hiến chế về Mạc Khải. Đến năm 2008, có THĐGM về Lời Chúa, rồi tông huấn hậu THĐ “Verbum Domini”. Các vị mục tử trong Giáo Hội hiểu được tầm quan trọng của việc canh tân Giáo Hội khởi đi từ Lời Chúa. Các ngài nhấn mạnh đến việc đào tạo linh mục, như là tác viên của Lời. Các Nghị Phụ, trong THĐGM về Lời Chúa (2008), đã đề nghị cần phải xem lại chương trình đào tạo ở chủng viện.

Cần phải giúp cho các ứng sinh yêu mến Lời Chúa, họ phải thường xuyên tiếp xúc với Lời qua việc đọc Kinh Thánh. Vì thế, trong những năm chuẩn bị vào chủng viện, cần phải giúp các em đọc liên tục các sách trong bộ Kinh Thánh, để các em có một cái nhìn tổng quát về Lịch Sử Cứu Độ được trình bày theo nhãn quan đức tin. Các em nên học thuộc lòng những đoạn Thánh Vịnh, những câu có liên quan đến đời sống đức tin cũng như đời sống thường ngày, để các em có thói quen sống và phản ứng theo Lời Chúa; điều này sẽ giúp các em tập làm những lựa chọn căn bản khởi đi từ Lời và sống trong Lời.

Trong chủng viện, cần phải giúp cho các linh mục tương lai có khả năng đọc Lời Chúa, tiếp cận với những phương pháp chú giải, để chính bản thân của mỗi linh mục có khả năng trở thành những chứng nhân của Lời. Thừa tác viên của Lời phải có khả năng liên kết những khám phá của khoa chú giải và mục vụ để làm cho bài giảng của mình trở nên sống động, có chiều sâu, và làm cho người tín hữu cảm nhận được sức sống và sự ngọt ngào của Lời Chúa.

Tông huấn Verbum Domini nhấn mạnh đến vai trò của bài giảng lễ: Bài giảng lễ, trong vai trò vừa là chiếc cầu nối giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, vừa giúp cho người tín hữu hiểu được mối tương quan giữa cử hành phụng vụ và đời sống thường ngày, nên được chú trọng đặc biệt: “Trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám Mục Sacramentum caritatis, tôi đã nhấn mạnh rằng “liên hệ đến tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa, cần phải cải thiện phẩm chất của bài giảng. Bài giảng lễ ‘là một phần của hành động phụng vụ’, bài giảng lễ có chức năng giúp hiểu biết Lời Thiên Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống các tín hữu”.[1] Quả thế, bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh sao cho các tín hữu được đưa đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Bài giảng phải giúp hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành, mời người ta dấn thân cho sứ mạng, khi chuẩn bị cho cộng đoàn tuyên xưng đức tin, cầu nguyện phổ quát và cử hành phụng vụ Thánh Thể. Vì thế, do thừa tác vụ chuyên biệt, những ai được đề cử lo liệu giảng dạy, phải rất quan tâm đến bổn phận này. Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của lời bài giảng. Vì thế, các vị giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh;[2] họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê.” (tr. 137-138).

Với các linh mục, Đức Thánh Cha lấy lại điều được viết trong tông huấn Pastores dabo vobis: “Linh mục trước hết là Thừa tác viên Lời Thiên Chúa. Ngài được thánh hiến và được sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mỗi người vâng phục đức tin và dẫn đưa các tín hữu đến chỗ hiểu biết và hiệp thông ngày một sâu xa hơn với Mầu nhiệm Thiên Chúa, đã được Chúa Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta. Chính vì thế, trước tiên vị linh mục đã phải rất quen thuộc với Lời Thiên Chúa. Biết phương diện ngôn ngữ hoặc chú giải Lời Chúa, thì chưa đủ, dù là cần thiết. Vị linh mục phải đón tiếp Lời Chúa với một tấm lòng vâng phục và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm nhuần sâu xa các tư tưởng và các tâm tình của ngài và làm phát sinh nơi ngài một tinh thần mới, tư tưởng của Đức Kitô’ (1Cr 2, 10)”.[3] Như thế, các lời nói, hơn nữa các chọn lựa và các thái độ của ngài sẽ ngày càng trong suốt với Tin Mừng, sẽ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. “Chỉ khi ở lại trong Lời Chúa, vị linh mục mới trở thành người môn đệ hoàn hảo của Chúa, mới nhận biết chân lý và mới thật sự tự do”.[4] (tr. 164).

Gương của hai vị Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô trong việc giảng dạy Lời Chúa giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề này. Đức Bênêdictô XVI lên ngôi năm 2005. Ngài chủ trì Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 12 về Lời Chúa năm 2008. Đức Phanxicô vừa là một trong những nghị phụ của THĐ và là người áp dụng kết quả của THĐ để canh tân Giáo Hội.

+ Nếu chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của người tín hữu, cũng như của Giáo Hội, chúng ta sẽ dễ dàng chạy theo thị hiếu tầm thường và trình bày những sự khôn ngoan của con người. Nếu một linh mục, người của Lời, được nuôi dưỡng bằng Lời, mà không cảm nhận được nguồn sống của Lời, thì làm sao có thể làm cho người tín hữu yêu mến Lời và sống theo Lời?

Kinh nghiệm trình bày về sự hiện hữu của Thiên Chúa một cách duy lý của thần học vào những thế kỷ 18-19, đã làm cho người ta tưởng chừng như có thể tin vào một Thiên Chúa của lý trí, và vì thế, không cần đến Chúa Giêsu và Giáo Hội. Karl Barth là người đã giúp cho nền thần học tìm lại được hướng đi của mình khi nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa, Đấng không ai có thể biết được, đã tự mạc khải qua Lời của Người. Thiên Chúa ngỏ lời với con người bằng nhiều cách, nhưng chính trong Kinh Thánh mà chúng ta có thể gặp gỡ một Thiên Chúa nhập thể trong lịch sử. Nhờ Lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh mà người ta mới có thể biết được Thiên Chúa, Đấng đã sai Con của Ngài vào thế gian làm Đấng cứu chuộc và ban cho chúng ta quyền được làm con Thiên Chúa.

Tại sao khi giảng dạy chúng ta ít dựa vào nền tảng của Lời Chúa? Có lẽ do nền tảng văn hóa chăng? Các linh mục sống trong nền văn hóa ngoại giáo, văn chương của dân tộc, không quen với văn hóa thánh kinh trong đó người tín hữu tìm các câu trả lời từ sự khôn ngoan được đức tin hướng dẫn. Vì thế, trong THĐ về Lời Chúa, các Nghị Phụ đề nghị các chủng sinh, trước khi vào chủng viện, phải có thói quen đọc Lời Chúa.

Lời tâm niệm: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con bước đi trong ánh sáng và sự khôn ngoan của Ngài.

 

IV/ Xây dựng Giáo Hội trong tinh thần phục vụ (Ga 13, 1-17)

1Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

2Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa thầy? Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” 7Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu?” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” 11Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

12Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rủa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. 16Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em?

1/ Bối cảnh: Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, bữa tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ thân yêu của mình. Qua việc rửa chân, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách thế phục vụ lẫn nhau trong khiêm tốn.

2/ Vấn đề: Trong bữa tiệc ly, nghĩa là bữa tiệc cuối cùng dự phần với những người thân, người thầy, người gia trưởng thường có những lời dặn dò cho con cái, cho các môn đệ, những điều quan trọng, để sau khi mình ra đi, những người còn lại tiếp tục sống với nhau theo ý của thầy.

Trong kho tàng truyện Việt Nam có kể chuyện người cha, trước khi chết, gọi tất cả những người con lại, và dạy họ về bài học đoàn kết gây sức mạnh, đem lại sự sống, còn chia rẽ sẽ bị tiêu diệt một cách dễ dàng, qua hình ảnh bó đũa.

Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ, và Ngài đã yêu thương họ đến cùng, Ngài muốn gì khi dạy cho các môn đệ bài học rửa chân cho nhau? Kinh nghiệm của dân Chúa có soi sáng cho chúng ta điều gì không?

Theo sách 1V 12, sau khi Salomon băng hà, người con trai là Rôbôam lên thay. Dân Israel tập trung ở Sikem để suy tôn ông làm vua. Ông Giêrôbôam, (người đã từng chống lại Salomon và lánh nạn qua nước khác), và dân chúng phía bắc yêu cầu vua giảm bớt khổ dịch trên họ, thì họ sẽ tiếp tục phục vụ ông. Các kỳ mục lớn tuổi khuyên Rôbôam nghe theo lời dân chúng. “Họ thưa với vua: “Nếu hôm nay ngài làm đầy tớ cho dân này, nếu ngài phục vụ và để ý tới dân, dùng lời lẽ ôn tồn mà nói với dân, thì dân sẽ làm tôi ngài mãi mãi.” (1V 12, 7). Nhưng Rôbôam không nghe lời các vị kỳ mục, mà nghe lời những người trẻ tuổi muốn ông tiếp tục cai trị hà khắc với dân hơn thời Salomon, nên ông trả lời cho dân: “Phụ vương ta đã đặt ách nặng trên các ngươi, còn ta, ta chất nặng hơn nữa trên các ngươi; phụ vương ta trừng phạt các ngươi bằng roi, còn ta, ta sẽ trừng phạt các ngươi bằng bọ cạp.” (1V 12, 14). Trước thái độ cứng cỏi độc ác của Rôbôam, 10 chi tộc phía bắc đã ly khai khỏi Giuđa và suy tôn ông Giêrôbôam lên làm vua, lập nên vương quốc Israel. Từ việc ly khai về chính trị, Giêrôbôam tiếp tục ly khai về tôn giáo để dân Israel không còn đến đền thờ Giêrusalem nữa. Sự ngạo mạn và tàn ác của Rôbôam đã làm suy yếu dân Chúa chọn và có nguy cơ bị xóa sổ.

Trong lời khuyên của các kỳ mục cho Rôbôam, chúng ta thấy nổi bật tinh thần phục vụ như một đầy tớ là yếu tố giữ sự đoàn kết trong dân sau khi Salomon băng hà. Nhưng tại sao Chúa lại chọn cách phục vụ bằng việc rửa chân cho các môn đệ? Trong xã hội phương đông cổ, đem nước đến cho khách tự rửa chân là một cử chỉ hiếu khách bình thường (cf. Kn 18, 4). Nhưng theo 1Sm 25, 41, được misdras về Xh 21, 2 củng cố, thì việc rửa chân cho người khác là việc làm của người nô lệ. Việc rửa chân cho một người nào đó được coi như là một hành động hèn hạ đến nỗi không thể áp đặt trên một người nô lệ Do-thái; nhưng nó cũng có thể là cách bày tỏ lòng thảo hiếu kính trọng đối với người cha hoặc người thầy. Vì thế, đó là dấu hiệu của một sự khiêm nhường sâu thẳm mà Chúa Giêsu trao tặng cho các môn đệ. Thầy đã tự hạ mình để phục vụ như thế, thì người môn đệ còn có lý lo gì để bảo vệ cái tôi của mình trước anh em trong cộng đoàn? Khía cạnh phục vụ khiêm tốn này được nhấn mạnh như là gương mẫu trong phần giải thích lần thứ hai về cử chỉ này, trong cc. 12-17.

Tuy nhiên, từ vựng được Gioan dùng trong đoạn này cho thấy cử chỉ này mang một ý nghĩa biểu tượng. Thực vậy, Gioan viết rằng Chúa Giêsu cởi áo (tithêmi). Câu 12, Ngài mặc áo lại (lambanô): đó là 2 động từ được dùng trong Ga 10, 17 tt, khi Chúa Giêsu tuyên bố là Ngài có quyền hy sinh mạng sống (tithêmi) để rồi lấy lại (lambanô). Ý muốn ám chỉ về cái chết của Ngài thì rõ ràng: ở đây Chúa Giêsu lột bỏ y phục, nhưng như là dấu hiệu của sự từ bỏ hoàn toàn, như lễ dâng cuộc sống (cf. 19, 23 người bị đóng đinh bị lột áo). Chúng ta nghĩ đến bài thánh thi bất hủ: “Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy thân phận nô lệ” (Ph 2, 7).

3/ Bài học phục vụ của các môn đệ

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa việc Ngài vừa thực hiện là để làm gương cho các môn đệ sống tinh thần phục vụ lẫn nhau trong khiêm tốn. Chúa Giêsu hỏi: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” Có lẽ các môn đệ không hiểu, nên Chúa giải thích: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 13-15).

Là người Thầy giỏi, được các môn đệ yêu mến, vâng lời, phục vụ là một chuyện bình thường (như trường hợp Chúa sai các môn đệ đi rao giảng, đi lo công việc mừng lễ Vượt Qua); nhưng ở đây, Chúa biết rõ là sau khi Ngài chịu cuộc khổ nạn, thì một trong các môn đệ sẽ trở thành người lãnh đạo nhóm, và trong tương lai, tất cả các môn đệ cũng sẽ là những người lãnh đạo cộng đoàn. Bởi vì các môn đệ không hơn Thầy, mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu, thì điều có thể giúp cho họ có thể trở thành người lãnh đạo là yêu mến cộng đoàn, cách riêng là những vị trưởng lão, và phục vụ trong khiêm tốn. Chỉ có lòng yêu mến và tinh thần phục vụ trong khiêm tốn của người lãnh đạo mới đem lại cho cộng đoàn sự hiệp nhất như Chúa Giêsu mong muốn: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11).

Tinh thần phục vụ trong khiêm tốn giúp cho các môn đệ vừa thi hành sứ vụ theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vừa giữ được sự hiệp nhất trong Giáo Hội: Trường hợp của thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô là một ví dụ cụ thể (Cv 10- 11). Thánh Thần sai Phêrô đến nhà Cornêliô, một người La-mã ngoại giáo, qua một thị kiến “tấm lưới từ trời thả xuống”, và 3 lần có tiếng nói từ trời yêu cầu ông bắt những con vật trong đó mà ăn. Phêrô đã đến nhà người ngoại giáo này, giảng dạy và rửa tội cho họ nhân Danh Chúa Giêsu. Sau đó, các anh em thuộc nhóm cắt bì ở Giêrusalem chỉ trích Phêrô đã vào nhà ngoại giáo và ăn uống với họ. Phêrô chân thành trình bày lý do một cách khiêm tốn và mạch lạc, nên đã thuyết phục được những người chống đối. “Nghe thế, họ mới chịu im, và họ tôn vinh Thiên Chúa mà nói: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống!” (Cv 11, 18). (Sự chống đối nào cũng đem lại những tai hại khôn lường cho cộng đoàn).

Trong thư 1Pr, tác giả khuyên các kỳ mục của mình như sau: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa xã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” (1Pr 5, 1-4).

Tông huấn Pastores Dabo Vobis có nói: “Tân Ước nhất loạt ghi chú rằng Thần Khí của chính Đức Kitô đã đưa dẫn vào trong thừa tác vụ những con người được chọn giữa các anh em. Với cử chỉ đặt tay (x. Cv 6, 6; 1Tm 4, 14; 5, 22; 2Tm 1, 6) là cử chỉ chuyển ban ơn Thần Khí, những con người ấy được mời gọi và được trang bị để tiếp nối cùng một thừa tác vụ hòa giải, chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa và giảng dạy (x.Cv 20,28; 1Pr 5,2).

Như vậy, các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Kitô, vị Mục Tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Ngài và bằng cách làm sao cho mình như thể được Ngài xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình. Như thư thứ nhất của thánh Phêrô đã viết một cách rõ ràng và chính xác (1Pr 5, 1-4).

Trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, như những dấu chỉ bí tích, các linh mục đại diện cho Chúa Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, các linh mục công bố Lời Chúa một cách chính danh, các linh mục lặp lại những cử chỉ tha thứ và ban ơn cứu độ, nhất là qua các bí tích Rửa Tội, Thống Hối và Thánh Thể, các linh mục đem sự chăm sóc đầy tình thương của Ngài, sự chăm sóc đến nỗi trao hiến trọn vẹn chính mình của Ngài, ra thi thố cho đoàn chiên mà các linh mục qui tụ lại làm một và dẫn đến Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Nói tóm lại, các linh mục hiện hữu và hoạt động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và để xây dựng Giáo Hội nhân danh đích thân Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử (27).

Chính bằng thể thức kiểu mẫu và loại biệt trên đây mà các thừa tác viên được cắt đặt tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô. Nhờ việc xức dầu trong bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên đồng hình dạng, bằng một tước hiệu mới và loại biệt, với Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên thích ứng tự bên trong và thôi thúc họ bằng đức ái mục vụ của Ngài, và trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần làm cho họ trở thành những người tôi tớ có phẩm chất để họ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật và để họ làm cho đời sống Kitô hữu của mọi người đã rửa tội được viên mãn. (PDV số 15).

4/ Tinh thần phục vụ của người mục tử

Là những linh mục của Chúa Giêsu, thái độ khiêm tốn phục vụ trong yêu thương có lẽ sẽ giúp chúng ta trở thành người lãnh đạo cộng đoàn theo gương của Thầy Chí Thánh một cách tuyệt vời. Sự thông minh, khôn ngoan, tài năng... chỉ là những điều kiện Chúa ban để người mục tử có thể phục vụ cộng đoàn trong thái độ khiêm tốn thực sự. Tinh thần kẻ cả, tự mãn chỉ làm cho người ta thấy rõ những điểm yếu của mình. Người giáo dân luôn mong ước có được những mục tử đầy lòng yêu thương, nhân hậu, và có một đời sống nhân bản tốt đẹp. Thái độ thiếu hiểu biết của các linh mục là một trong những lý do tạo nên sự chia rẽ và làm cho người ta xa lánh Giáo Hội.

“Sự thật về linh mục phát xuất từ Lời Chúa, nghĩa là từ chính Đức Giêsu Kitô, và từ kế hoạch của Ngài liên quan tới sự cấu thành Giáo Hội, sự thật ấy đã được hát lên bằng một bài ca tạ ơn vui mừng của phụng vụ trong kinh Tiền Tụng ngày lễ Dầu: “Nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, Cha đã đặt Con Một Cha làm Tư Tế của Giao Ước Mới vĩnh cửu; Cha đã muốn cho chức tư tế duy nhất của Ngài luôn sống động trong Giáo Hội. Chính Ngài là Đức Kitô, là Đấng ban cho toàn dân được cứu chuộc phẩm vị làm tư tế vương giả; chính Ngài tuyển chọn trong tình yêu của ngài đối với đàn em, những người sẽ được đặt tay là sẽ thông phần vào thừa tác vụ của Ngài... Nhân danh Ngài, các linh mục tiến dâng hy lễ cứu độ duy nhất nơi bàn tiệc vượt qua: các linh mục có trách nhiệm xả thân phục vụ Dân Cha để nuôi dưỡng họ bằng Lời của Cha và làm cho họ sống bằng các bí tích của Cha; các linh mục sẽ là những chứng nhân thực sự cho đức tin và đức ái, sẵn sàng hiến mạng sống mình như Đức Kitô đã hiến dâng mạng sống cho đàn em và cho Cha” (PDV 15).

Lời tâm niệm: Xin cho con hiểu rằng sự phục vụ trong khiêm tốn giúp chúng con biết đón nhận ơn Chúa một cách phong phú hơn.

 

V/ Xây dựng Giáo Hội bằng tấm lòng của người mục tử (Ga 10, 11-15)

11Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

1/ Quan sát bản văn:

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng 03 động từ để định nghĩa về “Người Mục Tử nhân lành”: là, hy sinh và biết.

+ Chúa Giêsu tự mạc khải mình: “Ta là Mục Tử nhân lành”. Chúa không chỉ giới thiệu mình là người mục tử, nhưng Ngài nhấn mạnh đến cụm từ “mục tử nhân lành”. Động từ “là” biểu thị chiều kích hữu thể học của chủ ngữ, chứ không phải là một lời giải thích, một lời giới thiệu về một chức vụ. Thuộc từ “nhân lành” (tốt) gắn liền với từ “mục tử”. Ở đây, Chúa Giêsu không phân biệt giữa “người mục tử tốt” và “người mục tử xấu”, nhưng là giữa “người mục tử nhân lành” và “người chăn chiên thuê”. (Misthôtos: người chăn thuê được trả lương). Từ đó, chúng ta có thể hiểu “người mục tử nhân lành” trong ngữ cảnh này chính là người chủ sở hữu đoàn chiên. Dẫu cho đôi khi người này chỉ là người thay mặt chủ để chăm sóc đàn chiên, người ấy vẫn chăm sóc đàn chiên như là chiên của mình, như người con chăm sóc đàn chiên cho cha mình. Vì yêu mến chủ, mà người ấy trở nên một với chủ. Khi giới thiệu mình là “Mục Tử nhân lành”, Chúa Giêsu dùng công thức mạc khải, như: “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống”, “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”...

+ “Hy sinh mạng sống vì đàn chiên”: Cái chết cứu độ của Chúa Giêsu được nói đến trong Tân Ước bằng cách nói “trao ban sự sống cho”. Như: “Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Trong Ga 10, Chúa Giêsu nhắc đến câu này 2 lần (c. 11 và 15). Trong Ga 13, 37, Phêrô cũng dùng lại câu nói này với Chúa Giêsu: “Con sẽ thí mạng sống con vì Thầy”. Trong Ga 15, 13, Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Hy sinh vì một người nào, đó là đòi hỏi của tình yêu. Khi yêu thương đoàn chiên, người mục tử làm mọi cách để chiên được sống và sống dồi dào.

Tại sao “Người Mục Tử nhân lành” lại hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, còn người chăn chiên thuê thì không? Đoàn chiên có đáng giá hơn chính mạng sống của người mục tử không? Hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, bởi vì đoàn chiên gắn liền với chính người mục tử, trở nên một với người mục tử, là lẽ sống của người mục tử. Nếu một con chiên bị sói bắt đi, người mục tử cảm thấy như bị mất đi một phần của cuộc đời mình (như người mẹ đông con, nếu mất đi một người thôi, thì người mẹ cũng đau đớn như là mất tất cả). Còn người chăn chiên thuê xem đoàn chiên là phương tiện kiếm sống, nên khi gặp nguy hiểm, người đó muốn bảo toàn tính mạng mình và tìm phương thế làm ăn khác an toàn hơn.

+ Người mục tử nhân lành biết từng con chiên, và con chiên cũng biết Ngài. Con chiên cũng có ngôn ngữ, có cách biểu lộ tình cảm của nó. Vì thế, con chiên nhận ra người mục tử của mình qua cử chỉ chăm sóc, qua mùi vị. Người mục tử cần biểu lộ cho con chiên biết sự quan tâm và yêu thương của mình. Chúa biết từng người môn đệ cũng như những người bị người đời khinh chê. Chúa biết khả năng đáp trả lời mời gọi của từng người, như trường hợp của Giakêu, Maria Madalena, Levi, Nathanael, Phêrô,…

Người mục tử nhân lành biết từng con chiên, yêu thương từng con chiên, nên không đòi hỏi theo cách đối xử của người đời như hòn đá trao đi, miếng chì trao lại. Nhưng người mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Tình yêu của người mục tử lớn hơn những gì con chiên có thể mang lại.

Trước khi chịu khổ hình, Chúa biết Phêrô sẽ phản bội, nên Ngài đã cảnh cáo. Khi Phêrô không nghe, Ngài nhắc nhở. Khi Phêrô chối đến lần thứ ba, Ngài vẫn quan tâm. Sau khi sống lại, Ngài không chất vấn Phêrô về những yếu đuối của ông ta. Ngài ban bình an và ban Thánh Thần.

2/ Gợi ý Suy niệm:

Trong thế giới ngày xưa, người ta thường dùng hình ảnh người mục tử để chỉ về vai trò của người lãnh đạo. Các tiên tri trong Cựu Ước thường tố cáo các vua như là những người chăn chiên xấu, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng mình, thay vì để ý đến sự lớn mạnh của đàn chiên. Trái lại, các tiên tri đề cao David mới, người biết chăm sóc tất cả đàn chiên, ngay cả những con chiên yếu liệt nhất (Gr 23, 1-6; Ez 34; Za 11, 4-17)[5]. Áp dụng cho mình những từ ngữ của lời tiên tri Ez 34, Chúa Giêsu nhiều lần tự giới thiệu mình như vị mục tử nhân lành đến để tập hợp những chiên lưu lạc của nhà Israel (Mt 9, 36; 10, 6). Ngài đã biện minh cách tiếp đón mà Ngài dành cho những người tội lỗi trong khi gợi lên lòng nhân lành của Thiên Chúa đối với các chiên lạc (Lc 15, 4-7).

Trong thư I Phêrô, người Tông Đồ Trưởng gắn bó với chủ đề này khi giới thiệu Đức Kitô như là Vị Mục Tử Tối Cao (1P 5, 4). Điều đó muốn nói rằng các linh mục chỉ có quyền do ủy thác, như là những người đại diện của Đức Kitô, vị Thầy duy nhất của đàn chiên. Khi Chúa Giêsu trao ban trách nhiệm này cho Phêrô, Ngài đã nói với ông rõ ràng: “Hãy chăn các chiên con, các chiên mẹ của Ta” (Ga 21, 15-17). Cả Phêrô lẫn các linh mục không thể quên được rằng đàn chiên không thuộc về họ và họ không thể áp đặt lên trên đàn chiên những quan niệm của riêng mình. Linh mục chỉ có thể là chủ của đàn chiên, khi linh mục gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, và trở nên thành phần của thân thể Ngài là Giáo Hội.

Nhiệm vụ của người mục tử bao gồm việc dẫn đưa đàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi đến dòng suối mát (Tv 23), trong khi giữ cho đàn chiên được sống bên nhau, vì con vật lẻ bầy dễ trở thành mồi cho sư tử rình mò chung quanh (5, 8). Trong ẩn dụ về người mục tử này, người ta cũng thấy rằng vai trò của người lãnh đạo bao gồm việc tránh xa tất cả mọi nguy cơ chia rẽ, đến từ những tiến sĩ giả.

Trong những lời nhắn nhủ các kỳ mục ở Ephêsô, Phaolô nhấn mạnh dài dòng về điểm này: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình. Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. Vì vậy, anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ” (TĐCV 20:28-3 l)[6].

Được trao phó trách nhiệm chăm sóc đàn chiên, linh mục nhân lành biết rõ từng con chiên trong đàn, nhất là những chiên bị đau khổ, yếu kém, thiếu may mắn. Việc quan tâm chăm sóc đàn những người già cả, đau yếu và giáo dục các em thiếu nhi trong giáo xứ nói lên tấm lòng mục tử của vị linh mục. Người giáo dân rất nhạy bén để nhận ra tấm lòng nhân từ nơi vị chủ chăn của mình.

3/ Áp dụng vào đời sống:

+ Linh mục là người mục tử chăm sóc đàn chiên và là người gìn giữ đức tin của dân Chúa, chúng ta có biết quí trọng ơn gọi linh mục của mình để sống đời mục tử tích cực hơn, và giúp người Kitô hữu ý thức được trách nhiệm của người làm con Chúa trong Giáo Hội không? Thái độ gia trưởng, thiếu tôn trọng người cộng tác sẽ làm cho sức sống của Giáo Hội không thể phát triển được, và đôi khi còn làm phát sinh lòng bất mãn.

“Linh mục cần phải tấn tới trong ý thức về mối hiệp thông sâu xa nối kết linh mục với Dân Thiên Chúa; linh mục không những đứng “trước” Giáo Hội, nhưng trước hết và trên hết, ở “trong” Giáo Hội. Linh mục là anh em giữa những người anh em. Được mặc lấy phẩm giá và tự do của những người làm con Thiên Chúa trong Con Duy Nhất nhờ bí tích Rửa Tội, linh mục là chi thể của cùng một thân thể duy nhất của Đức Kitô (x Ep 4, 16). Ý thức về mối hiệp thông ấy thúc đẩy linh mục khơi dậy và phát huy tinh thần đồng trách nhiệm trong cùng một sứ vụ cứu độ duy nhất, bằng cách mau mắn và vui lòng biểu dương những đặc sủng và những nhiệm vụ mà Chúa Thánh Thần phân phối cho các tín hữu để xây dựng Giáo Hội. Trước hết và trên hết, chính trong việc chu toàn thừa tác vụ mục tử, như đã được phối trí do tự bản chất để mưu ích cho Dân Thiên Chúa, mà linh mục cần phải sống và chứng tỏ mối hiệp thông sâu xa của mình với mọi người. Như Đức Phaolô VI đã viết, “chính vì muốn trở nên những mục tử, những người cha và những người làm thầy mà chúng ta cần phải hòa mình trở nên anh em của mọi người. Bầu khí của đối thoại phải là tình bạn. Hơn nữa, phải là sự phục vụ” (PDV số 74).

+ Là người có trách nhiệm hướng dẫn đức tin cho cộng đoàn, linh mục cần tỉnh táo nhận ra những nguy cơ của thời đại gây nguy hại cho đức tin của người tín hữu. Đời sống đạo thiếu sức sống dễ làm cho một số tâm hồn có khuynh hướng năng động hơn trong đời sống đức tin tìm đến với những hình thức sống đạo mới, hấp dẫn hơn.

“Thách đố từ các giáo phái và các nghi thức thờ phượng mới:

Sự gia tăng ngày càng nhiều các giáo phái và hình thức thờ phượng mới, cũng như sự truyền bá của chúng giữa các tín hữu công giáo, là một thách thức đặc biệt đối với công việc mục vụ. Gốc rễ của hiện tượng này nằm ở những động cơ phức tạp. Trong mọi trường hợp, tác vụ của linh mục là phải mau lẹ và quả quyết đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm sự linh thánh và một linh đạo đích thật. Do đó, linh mục cần phải là người của Thiên Chúa và là bậc thầy của cầu nguyện. Đồng thời, điều thiết yếu nữa là cộng đoàn được các linh mục coi sóc cũng phải trở nên thật sự là cộng đoàn niềm nở ân cần với mọi người, để không ai trong cộng đoàn cảm thấy mình bị bỏ quên hoặc là đối tượng của sự thờ ơ. Đây rõ ràng là trách nhiệm của mọi tín hữu, nhưng linh mục có bổn phận đặc biệt, vì ngài là con người của sự hiệp thông. Nếu biết cách đón tiếp với lòng kính trọng và quí mến tất cả những ai đến với mình tôn trọng phẩm giá của họ, thì linh mục sẽ tạo ra một bầu khí bác ái đích thật có sức lan tỏa và dần dần mở rộng ra cả cộng đoàn” (KCNLM số 47).

+ Là những linh mục của Chúa Giê-su, thái độ khiêm tốn phục vụ trong yêu thương có lẽ sẽ giúp chúng ta trở thành người lãnh đạo cộng đoàn theo gương của Thầy Chí Thánh một cách tuyệt vời. Sự thông minh, khôn ngoan, tài năng... chỉ là những điều kiện Chúa ban để người mục tử có thể phục vụ cộng đoàn trong thái độ khiêm tốn thực sự. Tinh thần kẻ cả, tự mãn chỉ làm cho người ta thấy rõ những điểm yếu của mình. Người giáo dân luôn mong ước có được những mục tử đầy lòng yêu thương, nhân hậu, và có một đời sống nhân bản tốt đẹp. Thái độ thiếu hiểu biết của các linh mục trong cách ứng xử với mọi người là một trong những lý do tạo nên sự chia rẽ và làm cho người ta xa lánh Giáo Hội.

+ Chuyện minh họa:

Mục tử: tôi tớ của Lời và của sự lắng nghe (Gérard Rouzier)

Soren Kiekegard đã kể trong nhật ký một câu truyện ngụ ngôn về những con ngỗng. Một số con ngỗng hoang bay trên trời, du hành khắp nơi, không giới hạn; một số ngỗng khác được thuần hóa thành gia súc. Chúng không bao giờ rời khỏi chuồng và chấm dứt cuộc đời trên bàn hàng thịt. Người ta nói về mục tử như là những con ngỗng hoang đang giảng cho những con ngỗng nhà để cố gắng làm cho chúng trở về đời sống hoang dã. Mục tử là người của Lời và là người biết lắng nghe. Trong sứ vụ phục vụ Lời của mình, mục tử làm cho Giáo Hội hiện diện, hiện đến (advenir). Đối với Giáo Hội Cải Cách, chỉ có Giáo Hội khi Tin Mừng được công bố và các bí tích được quản lý. Điều làm nên Giáo Hội, không phải là một định chế, nhưng là một biến cố (événement): công bố Tin Mừng. Mục tử không phải là người giảng mỗi ngày Chúa nhật, nhưng là một thừa tác viên giảng mỗi ngày Chúa nhật trước cùng một cử tọa. Ngài giảng hàng trăm lần trước cũng những con người đó… Cho nên có thể nói được rằng vào một lúc nào đó, mục tử là người có trách nhiệm về sự trưởng thành trong đức tin của cộng đoàn mà ông có trách nhiệm. Luther là một người làm việc miệt mài. Ông viết khoảng trên 600 tác phẩm. Điều đó không ngăn cản ông viết: “Lời phải hành động, chứ không phải chúng ta là những người tội lỗi khốn khổ”. Tôi muốn rao giảng về Lời, muốn nói về Lời, muốn viết về Lời. Nhưng chỉ có Lời phải làm điều đó ngay cả khi tôi ngủ, tôi uống bia cùng với bạn bè.

Nhiệm vụ của người mục tử: đó chính là nói về Lời, sống Tin Mừng. Uống bia với bạn bè vì mục tử chỉ là người đầy tớ vô dụng. Nếu mục tử là thừa tác viên của Lời, thì cũng là người biết lắng nghe. Lắng nghe là một sự khổ hạnh, vì nó đòi hỏi một sự thinh lặng từ bên trong. Một lỗ tai nghe một cách chăm chú cho phép Lời hiện đến. Trong lời chứng về việc vượt qua mọi thử thách của mình, một người bệnh đã nói: vào lúc mà cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, nhận chìm cuộc sống của tôi, thì xảy ra là có những cuộc gặp gỡ giúp cho tôi ngóc đầu lên khỏi nước. Vấn đề là có những người chấp nhận ở bên cạnh tôi trong thái độ bằng lòng trong chiếc ghế mà có vẻ như vô ích. Một cách chính xác là trong sự nghèo khó được chia sẻ đó mà một sự liên hệ được thiết lập và sự sống lại tiếp tục tuôn chảy trong tôi. Trước một đám tang hoặc một sự đau khổ cùng cực, vị mục tử không phải là một người thầy tinh thần, một bác sĩ, hay một nhà tâm lý. Mục tử đơn giản là người hiện diện. Sự hiện diện của ông thì có vẻ như không có lợi gì, nhưng không hoàn toàn vô ích. Hai chiều kích của lắng nghe và Lời liên kết với nhau. Trong Tin Mừng Maccô, Chúa Giê-su công bố: “Hãy coi chừng những điều mà các ngươi nghe. Chính là các người đong cho người ta đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Câu này được viết cách đặc biệt cho người mục tử. Nó sẽ được tính bằng thước đo mà người đó biết lắng nghe như thế nào. Nếu người đó có lỗ tai mở rộng để nghe Lời, và đón nhận cũng chính Lời sự sống, thì Tin Mừng sẽ xuyên qua lời của người đó, và nó sẽ còn cơ hội để được lắng nghe nhiều hơn. André Dumas đã viết: “Đời sống mục vụ là một con đường dài, như người ta nói về một cuộc hôn nhân bền lâu mà trong đó cái giá của nó phải luôn luôn làm việc trong lãnh vực nhân văn và tinh thần, được làm thành trong một tầm nhìn và trong ân sủng”. Một ngày nào đó người ta thích làm việc với thiên nhiên, đụng chạm được những vật thể. Một ngày khác, người ta hạnh phúc khi thức dậy với những gì được gieo trồng trong gió. Mục tử là con nhện đang dệt những sợi chỉ của tấm vải là cái muốn kết hợp Lời Chúa với toàn thể vũ trụ. Trong sứ vụ của Lời, mục tử làm cho Giáo Hội ngự đến (advenir). Trong sứ vụ lắng nghe, ông ta là nhân chứng về Tin Mừng của ân sủng và của sự sống.

Để kết thúc, chứng từ của một mục tử: tôi nhớ lại một buổi sáng Chúa nhật, tôi đứng trước bàn thờ, bao quanh tôi là một vòng tròn những người nam nữ đang chuẩn bị bánh và rượu, hay thỉnh thoảng với một lời chúc lành, thỉnh thoảng với một nụ cười, đôi khi chỉ là một cái nhìn e thẹn. Cái nhìn đó thật lạ lùng. Tôi biết một số đông. Có một đôi bạn đang trên bờ tan vỡ, nhưng vẫn đứng bên nhau. Một người mà tôi vừa mới chôn cất mẹ anh ta, một người phụ nữ đang tìm kiếm việc làm, và tôi biết nơi quê hương của chị nhiều người sống bằng số tiền mà chị kiếm được. Một người khác đang đấu tranh chống lại bệnh ung thư. Có một vài tín hữu kỳ cựu, vững vàng, bám rễ sâu, những cột trụ. Và một số sinh viên, ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng. Những người khách mà tôi không biết. Có hai người thỉnh thoảng xuất hiện đang đứng ngoài cửa nhà thờ. Và tôi mang tất cả những người hiện diện trong lời cầu nguyện của mình. Tôi xác tín một điều chắc chắn rằng tôi đang làm một nghề đẹp nhất thế giới.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết noi theo gương của Vị Mục Tử Nhân Lành.

 

VI/ Linh mục, con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 45-51)

45Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.”

46Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” 48Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

49Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” 50Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

1/ Bối cảnh: sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi, Philip đến gặp bạn mình là Nathanael, người xứ Cana, để thuyết phục ông đến gặp Chúa Giêsu. Tuy không tin vào lời của Philip, nhưng vì nể bạn ông vẫn đến gặp Chúa Giêsu. Qua cuộc đối thoại, ông tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là vua Israel. Hầu như nhiều người đồng ý rằng Nathanael trong Tin Mừng Gioan là Bartôlômêô (con của Tholmai) trong Tin Mừng Nhất Lãm. Nathanael là tên Do-thái, nghĩa là Chúa ban, tiếng Hy-lạp là théodore, món quà của Thiên Chúa.

2/ Giải thích bản văn:

+ c 45: Philip đã nói với Nathanael: “Đấng mà sách Luật Moisen và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét”. Một điều cần được ghi nhận trước tiên là nếu không có niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì những điều được viết trong sách thánh cũng không được hệ thống hóa lại một cách rõ nét. Chính niềm tin vào Chúa Giêsu giúp cho người nghe được mở rộng tâm trí để hiểu những điều sách thánh đã nói. Kinh nghiệm của hai môn đệ đi làng Emmau (Lc 24, 16-32) và của người môn đệ Chúa yêu mến trước ngôi mộ trống (Ga 20, 1-10) chứng minh điều này.

Sách Luật và các tiên tri nói gì về Đấng Cứu Thế? Sách Đệ Nhị Luật viết: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy”. (Đnl 18, 18). Tiên tri Giêrêmia nói: “Sấm ngôn của Đức Chúa: Này, sẽ tới những ngày Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: Đức Chúa, sự công chính của chúng ta”. (Jr 23, 5-6). Tiên tri Êdêkiel nói: “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đavít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng” (Ez 34, 23). Isaia viết: “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mạnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Chúa...” (Is 11, 1-16). Những điều nói về Đấng Messia đều có liên quan đến vùng đất của chi tộc Giuđa.

+ c 46: Là người Do-thái đạo đức, hiểu biết Lề Luật và khao khát trông chờ Đấng Messie, Nathanael cảm thấy trong lời nói của Philip có điều không hợp lý. Làm sao Đấng Cứu Thế có thể xuất thân từ Nadarét được. Lời của tổ phụ Giacóp tiên báo người lãnh đạo sẽ xuất thân từ dòng tộc Giuđa (St 49, 10). Lời của tiên tri Mikha khẳng định Đấng Messie sẽ sinh ra ở Bethlem (Mk 5, 1). Trong Cựu Ước, không hề có một lần nhắc đến tên ngôi làng Nadareth nhỏ bé này. Hơn nữa, Nathanael quê ở Cana, cách Nadareth vài dặm về phía nam; nếu ở đó có một tiên tri, có lẽ ông cũng phải nghe biết chứ. Vì thế, Nathanael không ngần ngại chất vấn lại Philip: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Không thể trả lời cho Nathanael thông suốt, Philip chỉ biết mời gọi: “Cứ đến mà xem”. Không biết vô tình hay hữu ý mà Philip dùng lại công thức Chúa Giêsu nói với hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đi theo Ngài (Ga 1, 39). Nathanael đi theo Philip đến gặp Chúa Giêsu, và chính Chúa giúp ông thay đổi cái nhìn của mình về Đấng Messia.

+ c 47: Vừa thấy Nathanael tiến về phía mình, Chúa ngỏ lời: “Đây đích thật là một người Israel, dòng dạ không cỏ gì gian dối”. Trong cả bốn Tin Mừng, đây là lần duy nhất tác giả dùng từ “Israel” để chỉ một người Do-thái. Những lần khác được dùng trong sách TĐCV và các thư Phaolo. Chúa nhấn mạnh Nathanael là một người Israel chân thật, không có gì gian dối. Ở đây, Chúa Giêsu không đặt cho Nathanael một cái tên mới, như trường hợp của Simon trong Ga 1, 42, cũng không giải thích ý nghĩa của tên như trường hợp của Phêrô trong Mt 16, 18, nhưng Chúa Giêsu khẳng định về bản chất của một con người: Nathanael là một người Israel mới, đối nghịch với con người Israel cũ.

Chúa Giêsu dùng từ “dôlos” (gian dối, mưu mẹo). Câu 51 nói về việc “các thiên thần lên lên xuống xuống lên Con Người” ám chỉ về giấc mơ của tổ phụ Giacóp về cái thang nối liền trời với đất (St 28, 12-15). Từ “dôlos” cho phép liên tưởng đến những việc mà Tổ Phụ của Nathanael đã làm trong quá khứ để đạt được mục đích mà mình mong muốn. Sách Sáng Thế kể về ba sự kiện liên quan đến chủ đề này:

a/ Bà Rebecca dùng mưu mẹo đánh lừa chồng là Isaac, dành phần chúc phúc cho Giacóp (St 27, 35).

b/ Đến lượt mình, Giacóp dùng mưu mẹo để lừa dối Laban, vừa là cậu ruột vừa là nhạc phụ, dành phần lợi về cho mình, khi tạo ra những con chiên và dê vằn vện (St 30, 32-43).

c/ Những người con của Giacóp đã dùng mưu mẹo để tiêu diệt dân thành Sichem, vì Sichem, con của người đầu mục xứ ấy, làm nhục Dina em mình (St 34, 13-29). Điều đáng trách là họ dùng “phép cắt bì”, dấu hiệu của Giao Ước giữa Chúa và dân người (St 19, 9-11) để lừa đảo những người ở Sichem.

Sau khi chia tay với Laban và chuẩn bị về gặp Esau, Giacóp vật lộn với Thiên Chúa và đã thắng, nên ông đã được đổi tên là Israel: “Người ta sẽ không gọi tên người là Giacóp nữa, nhưng là Israel, vì người đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và người đã thắng” (St 32, 29).

Điều đáng nói là cả 3 thế hệ gồm bà Rebecca mẹ ruột của Giacop, chính Giacop, và những người con của Giacop, đều dùng mưu mẹo lừa dối người khác để đạt cho được mục đích của mình. Sự lừa dối này được thực hiện cả trước và sau khi Giacop được Chúa đổi tên thành Israel.

Khi gọi Nathanael là một người Israel mà lòng dạ không có gì gian dối, phải chăng Chúa Giê-su muốn nói đến một thế hệ Israel mới, biết dựa vào sức mạnh của Chúa, chứ không tìm kiếm lợi lộc nơi sự gian dối, lừa lọc của con người. Chúa Giê-su là Israel mới, và những người bước theo Chúa Giêsu cũng thuộc về dân Israel mới này.

Nathanael rất ngạc nhiên về câu nói của Chúa Giêsu, vì đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau.

+ c 48: Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philip gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả tôi đã thấy anh rồi”. Thành ngữ “ở dưới cây vả” có lẽ ám chỉ đến cuộc sống dành trọn thời giờ để học hỏi Kinh Thánh. Cách diễn tả này khá phổ biến trong văn chương của các thầy thông luật, vì cây vả được ví như cây biết lành biết dữ. Cũng có thể là Chúa Giêsu đã biết Nathanael một cách nào đó, ví dụ: qua lời kể của Philip, hoặc thấy ông ở đâu đó. Câu nói của Chúa Giêsu làm cho Nathanael liên tưởng đến thánh vịnh 139: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa...” (c. 2).

+ c 49: Câu tuyên xưng của Nathanael cho thấy ông có một sự cảm phục sâu xa: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”.

Sự gặp gỡ với Chúa Giêsu giúp cho Nathanael được sáng tỏ nhiều điều. Những kiến thức mà ông đã có được về một Đức Kitô đã được Chúa Giêsu làm cho rõ nét. Từ chỗ dựa vào kiến thức của riêng mình để đánh giá Chúa Giêsu, Nathanael đã để cho Lời Chúa Giêsu hướng dẫn và hiểu về Ngài. Đây là một sự hoán cải quan trọng (mêtanoia) để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu.

3/ Gợi ý Suy niệm:

+ Từ khi được trở thành linh mục của Chúa, tôi đã tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời mục tử chưa, hay chỉ tiếp tục sống theo thói quen? Sự tiếp xúc thân mật với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể và trong Lời Người có giúp tôi thay đổi cái nhìn, sự hiểu biết của mình về thiên chức linh mục không?

+ Là linh mục, tôi đang sống với Chúa và với Giáo Hội, với anh chị em giáo dân được trao phó cho tôi như thế nào? Tôi có siêng năng đến với Chúa để học hỏi cách sống của người mục tử nhân hậu không? Mối tương quan của tôi với bề trên giáo phận và các anh em trong linh mục đoàn như thế nào? Sự tiếp xúc, trao đổi thường xuyên sẽ giúp hiểu nhau hơn và xây dựng tình hiệp nhất.

“Gặp gỡ thân tình với tình yêu cứu độ của Đức Giêsu:

Lý do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận, kinh nghiệm cứu độ thôi thúc chúng ta ngày càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Có tình yêu nào không cảm thấy nhu cầu nói với người yêu, chỉ ra người yêu, làm cho người yêu được biết đến? Nếu chúng ta không cảm thấy cháy bỏng ước muốn chia sẻ tình yêu này, chúng ta cần phải tha thiết cầu nguyện để Ngài một lần nữa đánh động lòng chúng ta. Chúng ta cần nài xin ơn Ngài hằng ngày, xin Ngài mở những trái tim lạnh nhạt của chúng ta và khuấy động đời sống ơ hờ và hời hợt của chúng ta. Đứng trước mặt Ngài với trái tim rộng mở và để Ngài nhìn chúng ta, chúng ta thấy được cái nhìn yêu thương mà ông Nathanael đã nhìn thấy hôm Đức Giêsu nói với ông: “Tôi đã nhìn thấy anh dưới cây vả” (Ga 1, 48).

Tốt biết bao khi đứng trước tượng chịu nạn, hay quỳ gối trước Thánh Thể, và chỉ đơn giản ở trong sự hiện diện của Ngài! Tốt biết bao khi một lần nữa ngài đánh động cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới của Ngài! Điều xảy ra sau đó là “chúng ta nói ra điều chúng ta đã thấy và đã nghe!” (1Ga 1, 3). Sự khích lệ tốt nhất để chia sẻ Tin Mừng là qua việc suy niệm Tin Mừng với tình yêu, dừng lại ở mỗi trang và đọc bằng trái tim. Nếu chúng ta đến với Tin Mừng bằng cách này, vẻ đẹp của nó sẽ làm chúng ta kinh ngạc và không ngừng kích thích chúng ta. Nhưng muốn được như thế, chúng ta cần lấy lại một tinh thần chiêm niệm để có thể giúp chúng ta không ngừng nhận ra rằng mình được thừa hưởng một kho tàng làm chúng ta người hơn và giúp chúng ta sống một đời sống mới. Không có gì quí hơn mà chúng ta có thể trao ban cho người khác”. (NVTM 264).

+ Như Nathanael là người được Chúa Giê-su đánh giá rất cao: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối”, người linh mục chúng ta có sống như là người tin cẩn của mọi người không? Chúng ta nghĩ gì khi có những linh mục sống theo tinh thần thế gian, làm cho người giáo dân không dám tin tưởng nữa? Anh em có hiểu là khi anh em sống như là một linh mục của Chúa, lòng dạ không có gì gian dối, anh em chính là món quà Chúa tặng ban cho Giáo Hội và thế giới không?

+ Tôi có sống với anh chị em giáo dân với tấm lòng yêu mến, phục vụ chân thành, hay điều hành giáo xứ với những thủ đoạn của một người ma mãnh. Nên nhớ rằng người tín hữu rất nhạy bén trước những lời nói và hành động của vị mục tử. Người giáo dân yêu mến và sẵn sàng lắng nghe vị linh mục thuộc về Chúa.

+ Trong công việc mục vụ, Chúa chiếm chỗ nào trong các chương trình của tôi, hay Ngài chỉ là bóng mờ của tôi? Để sống lý tưởng linh mục, tôi có để Chúa hướng dẫn tôi mỗi ngày qua các giờ đọc Lời Chúa, suy niệm trước Thánh Thể, xét mình, hay chỉ chạy theo những công việc mà tôi ưa thích?

+ Như Nathanael, tôi được Chúa biến đổi nên con người mới: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối”. Chúa đang mời gọi tôi xây dựng một Giáo Hội mới theo tiêu chuẩn của ngài.

Tâm nguyện: Xin Chúa giúp con hiểu được ý nghĩa của cuộc đời linh mục mà Chúa đang muốn con sống và xin cho con biết sống xứng đáng trong cương vị của “người mục tử như lòng Chúa mong ước”.

Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

 


[1] Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 46: AAS 99 (2007), bản dịch của UBGLĐT tr. 54.

[2] Xem Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 25.

[3] Tông huấn Pastores dabo vobis, số 26: AAS 84 (1992), bản dịch tr. 61.

[4] Tông huấn Pastores dabo vobis, số 26: AAS 84 (1992), bản dịch tr. 61-62.

[5] Gr 23, 1-6: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trưng phạt các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -

Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít

một chồi non chính trực.

Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi

trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.

Thời bấy giờ, Giuđa sẽ được cứu thoát,

Ítraen được sống yên hàn.

Danh hiệu người ta tặng vua ấy

sẽ là: “ĐỨC CHÚA, sự công chính của chúng ta.”

[6] Trong bối cảnh hiện nay, khi Giáo Hội phải đối mặt với những khó khăn đến từ bên ngoài, chúng ta phải cố gắng giữ sự đoàn kết bên trong Giáo Hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây