Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 13/07/2021 08:05 |
1481
Thánh Giêrônimô nói: "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô". Thật vậy, nếu không biết Chúa Kitô là ai, Người đã sống, đã dạy những gì, và cứu chuộc nhân loại cách nào, thì có lẽ chúng ta là những người dại dột nhất trên đời.
Lời Chúa chữa lành tất cả
Hình bởi: HayDmitriy, Stock Photo
SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC LỜI CHÚA CHỮA LÀNH TẤT CẢ (Kn 16,12) Linh mục Giuse Cao Đình Phương
WHĐ (13.7.2021) – Thánh Giêrônimô nói: "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô". Thật vậy, nếu không biết Chúa Kitô là ai, Người đã sống, đã dạy những gì, và cứu chuộc nhân loại cách nào, thì có lẽ chúng ta là những người dại dột nhất trên đời. Nhưng, thật hạnh phúc cho chúng ta vì được Đức Kitô Ngôi Lời của Thiên Chúa “trở nên người phàm” (Ga 1,14) đến trần gian mặc khải, chữa lành và cứu độ chúng ta.
Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người để chữa lành các bệnh tật hồn xác cho con người. Sự chữa lành của Đức Giêsu thật đa dạng, Người chữa lành bệnh tật thể xác, tâm hồn, trừ quỷ, làm chủ thiên nhiên, củng cố đức tin, tha thứ tội lỗi, hồi sinh người chết. Hình thức chữa lành của Người cũng rất phong phú, Người dùng lời nói, chạm đến bệnh nhân hay đặt tay... Sự chữa lành của Đức Giêsu diễn tả tình thương và quyền năng của Người trên con người, trên muôn vật muôn loài, đặc biệt trên sự dữ, đau khổ và sự chết. Tất cả các phép lạ Đức Giêsu thực hiện trong sứ vụ rao giảng nhằm chuẩn bị cho phép lạ cả thể nhất, đó là việc Người chịu đau khổ, chịu chết và sống lại.
Qua việc chữa lành, Đức Giêsu hướng những người bệnh và những người chứng kiến đến sự chữa lành quan trọng hơn, là sự chữa lành tâm linh, trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới thụ tạo.
Với sự quan tâm ân cần, Người chữa lành chúng ta khỏi sự lãnh đạm. Với tình yêu vô điều kiện, Người chữa chúng ta khỏi hận thù. Với niềm tín thác vào Thiên Chúa Cha, Người chữa lành chúng ta khỏi nghi ngờ. Với lòng biết ơn Thiên Chúa, Người chữa lành chúng ta khỏi sự vô ơn. Với sự trung tín, Người chữa chúng ta khỏi sự phản bội. Bằng việc hy sinh từ bỏ chính mình, Người chữa trị chúng ta khỏi ích kỷ, tham lam. Với sự khiêm tốn, Người chữa lành chúng ta khỏi sự tự cao tự đại. Nhờ niềm hy vọng, Người chữa chúng ta khỏi thất vọng. Với niềm vui của Tin Mừng, Người chữa lành chúng ta khỏi sự buồn sầu trong cuộc sống. Mở mắt cho người mù loà, Người chữa chúng ta khỏi sự tối tăm tâm linh. Lúc bị treo trên thập giá, Người cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi. Khi sống lại, Người dẫn chúng ta vượt qua vực thẳm sự chết, đến chốn trường sinh. Khi mang lấy những yếu đuối của thế giới thụ tạo, Người đổi mới thế giới thụ tạo thành trời mới đất mới. Đức Giêsu Ngôi Lời làm người đã chữa lành nhân loại.
Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã chữa lành nhân loại yếu đau và tội lỗi. Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng. Lời Người có sức chữa lành biến đổi vì: "Lời Chúa sống động và linh nghiệm" (Dt 4,12), "Lời Chúa là chân lý" (Lc 1,2-4), giúp ta hiểu biết chân lý, giải thoát chúng ta khỏi mê lầm, sai lạc (x. Lc 24,44-45). Lời Chúa là lời hằng sống(x. Ga 6,68), "là ánh sáng" (Ga 8,12), "là đèn soi đường dẫn lối chúng ta đi" (Tv 118,105).Lời Chúa làm phát sinh hoa trái cứu độ, Lời Chúa “một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó" (Is 55,10-11).
Sách Khôn ngoan đã minh chứng quyền năng chữa bệnh của Lời Chúa: “Quả vậy, không phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng lạy Đức Chúa, chính lời Ngài chữa lành tất cả!” (Kn 16,12). Khi kết thúc bài Tin Mừng trong Thánh lễ, thừa tác viên hôn sách và nói: “Nhờ những lời Phúc Âm vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con”.
Kể lại câu chuyện của tiên tri Êlisa nói với Naaman đi tắm 7 lần tại sông Giođan để được chữa lành, Đức Hồng y Cantalamessa đã chú giải “những nước sông ở Israel” là những sách Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng, tiếp tục chữa lành bệnh cùi tội lỗi ngày hôm nay[1].
Khi đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: […] không chơi bời dâm đãng” (Rm 13,13), thánh Augustinô cảm thấy “một luồng sáng thanh thản” tràn ngập trái tim và đã được chữa khỏi cảnh nô lệ cho xác thịt[2].
Một người nghiện rượu rất nặng, không thể không uống rượu trong hai giờ, gia đình ông đang trên bờ vực tuyệt vọng. Ông và vợ được mời tham dự một cuộc chia sẻ Lời Chúa, ông nghe đoạn thư trên: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: […] không chè chén say sưa” (Rm 13,13). Lời Chúa đã tác động mạnh tới ông như lửa và ông cảm thấy mình được chữa lành. Sau đó, mỗi lần bị cám dỗ uống rượu, ông mở đoạn Kinh Thánh này và đọc, ông cảm thấy lại có được sức mạnh, cho đến khi ông được chữa lành hoàn toàn. Lời Chúa “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13).Lời Chúa trở nên nguồn dịu ngọt “ngọt hơn mật ong nguyên chất” (Tv 118,103),làm cho những người yêu mến, khi vừa gặp được đã nhanh chóng nuốt vào(x. Gr 15,16).Lời Chúa như là luật và những huấn lệnh để chỉ dẫn đường lối phải theo(x. Tv 118,97-98).Như thế, Lời Chúa có sức mạnh chữa lành, canh tân, biến đổi con người.
Lời Thiên Chúa nói là lời nói vào tâm hồn. Thiên Chúa nói như Ngài viết: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta” (Gr 31,33). Tiên tri Hôsê diễn tả: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). “Các Lời của Người, vừa gặp được, tôi đã ngốn lấy; Lời Người là sự sướng vui cho tôi, niềm hoan lạc của lòng tôi” (Gr 15,16; x. Ez 2,9-3,3; x. Kh 10,8-10). Chúa ghi Lời Ngài vào lòng dạ chúng ta, vì thế, “linh mục, trước tiên, phải tạo được một mối thâm tình sâu đậm giữa bản thân mình với Lời Chúa,… với một tấm lòng mềm mại và nguyện cầu để cho Lời Chúa thấm nhập đến tận sâu thẳm ý nghĩ và tình cảm của mình và làm nảy sinh nơi mình một tinh thần mới, làm nảy sinh ‘tư tưởng của Chúa’” (1Cr 2,16)[3].
Linh mục không chỉ là thừa tác viên phục vụ Lời Chúa mà còn phải là “người của Lời Chúa”[4]. Khi nói linh mục là thừa tác viên phục vụ Lời Chúa thì Lời Chúa còn là một thực tại khách quan ở ngoài con người linh mục. Khi nói linh mục là người của Lời Chúa thì Lời Chúa là một yếu tố xác định căn tính linh mục, Lời Chúa thấm nhuần vào da thịt và xương tủy của linh mục. Đây là kết quả của tiến trình lâu dài thực hiện qua việc suy ngắm và chiêm niệm Lời Chúa để Lời Chúa chiếu soi và hướng dẫn cuộc sống trong mọi hoàn cảnh cụ thể.
Niệm suy Lời Chúa trong cầu nguyện, Lời Chúa sẽ tác động trên tư tưởng của con người. Có thể nói tất cả tùy thuộc vào tư tưởng. Tư tưởng điều khiển hành động. Tư tưởng có một sức mạnh mãnh liệt đối với hành động của con người vì nó được hỗ trợ bởi tình cảm và ý chí. Nếu chúng ta muốn cho cuộc đời thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, chúng ta hãy suy nghĩ bằng chính Lời Chúa, hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn những ý tưởng thánh thiện của Tin Mừng. Nếu chất chứa trong lòng những ý tưởng tiêu cực, xấu xa, cuộc đời của chúng ta sẽ xấu xa, héo tàn vì tư tưởng hướng dẫn hành động. Để Lời Chúa thấm nhuần tư tưởng, Lời Chúa sẽ dẫn đến hành động thánh thiện và có sức mạnh chữa lành “những vết thương tâm hồn”.
Một trong những món quà quý báu mà Chúa Giêsu mang đến cho con người là Lời Thiên Chúa. Bởi lẽ, đây không phải là lời của con người nhưng là tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao ban xuống. Lời Chúa như kim chỉ nam cho cuộc sống, như phương châm sống cho đời người. Chúa Giêsu đã nói đến tầm quan trọng của Lời Chúa: người nào xem thường Lời Chúa thì cũng giống như xây nhà trên cát, còn người biết lấy Lời Chúa định hướng cho cuộc đời mình thì tựa như xây nhà trên nền đá. Đối với đời sống đức tin, “Lời Chúa trở thành tiêu chuẩn mới cho việc phán đoán và lượng định con người và sự vật, các biến cố và các vấn đề”[5]. Lời Chúa đóng một vai trò rất quan trọng như ý lực sống cho con người.
Thế nhưng, ngày nay, Lời Chúa dường như vắng dần trong cuộc sống. Lời Ngài bị nhiều người từ chối và xem thường. Đó là những người có tâm hồn sỏi đá, khô cạn hay đầy gai góc bởi những đam mê trần tục, những ưu tư thế gian. Vì thế, phải chú tâm lắng nghe lời Chúa, đón nhận Lời Chúa để có thể gặp được Chúa: “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng”[6].
Vì thế, người linh mục phải yêu mến Lời Chúa và làm cho các tín hữu yêu mến Lời Chúa, chú tâm, sốt sắng lắng nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa như các giám mục Việt Nam đã nhắn nhủ: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời”[7].
Bài giảng trong Thánh lễ được gọi là homilia. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, homilia có nghĩa là đàm thoại, hàn huyên tâm sự, chuyện trò thân mật. Thánh Luca thuật kể về hai người môn đệ trên đường Emmaus đang nói "homilia" (homilun) với nhau về những chuyện mới xảy ra ở Giêrusalem thì Chúa Kitô tiến đến và cùng đi với họ (Lc 24,14-15). Một nhà thần học định nghĩa sự cầu nguyện là một homilia với Chúa, thế nên bài giảng phải được diễn tả trong tâm tình thân thương[8] như Đức Phanxicô ghi nhận: “Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên”[9].
Trong Thánh lễ truyền chức linh mục tại giáo phận Qui Nhơn ngày 07/01/2021, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi nhắn nhủ các tân linh mục: Để thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong Đức Kitô là Thầy, các con hãy siêng năng đón nhận Lời Chúa bằng việc lắng nghe và suy niệm trong lòng, rồi đem phân phát cho dân Chúa bằng lời giảng dạy. Hãy chuẩn bị bài giảng Thánh lễ mỗi ngày thật chu đáo, để có thể làm cho Lời Chúa trở nên lương thực hằng ngày cho dân Chúa. Bài giảng Thánh lễ phải ưu tiên tập trung vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh, nếu có đề cập đến giáo huấn của các tôn giáo khác hay tư tưởng của các tác giả đời, như các triết gia, văn thi sĩ, nhạc sĩ hay chính trị gia, thì cũng chỉ để đối chiếu mà thôi.Không được tục hóa bài giảng bằng những nội dung và lời lẽ không phù hợp với sự thánh thiêng của phụng vụ Lời Chúa…. Để cho lời giảng dạy có sức đánh động lòng người, các con cần có gương sáng đời sống thánh thiện đi kèm, vì người ta thích nhìn thấy bài giảng hơn là chỉ nghe bài giảng. Về vấn đề này Hội thánh đã dạy: “Các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”. Ngoài các bài giảng trong Thánh lễ, các con cũng hãy tận dụng những dịp khác để trình bày Lời Chúa cho anh chị em tín hữu và cả cho những người lương dân trong những cuộc gặp gỡ hằng ngày[10].
Thánh Augustinô khẳng định, nếu “Lời Chúa không được lắng nghe từ trong lòng thì họ, những người rao giảng, sẽ thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng”[11]. Việc suy gẫm Lời Chúa trong kinh nguyện cá nhân linh mục sẽ làm cho lời rao giảng của các ngài có tính thuyết phục, đi từ con tim đến con tim, đi từ tình yêu đến hành động và từ nguồn mạch này, linh mục kín múc được lòng nhiệt thành để rao giảng Tin Mừng.
Bài giảng lễ nhằm đến việc khơi dậy đức tin để cử hành Thánh lễ lúc đó, nhưng cũng cần phải nghĩ đến việc đào tạo giáo lý cho các tín hữu, để họ sống đức tin trong suốt cuộc đời. Tông huấn Catechesis Tradendae của Đức Gioan-Phaolô II, Sacramentum Caritatis, số 46 và Verbum Domini, số 60 của Đức Bênêđictô, đề nghị một chương trình quy mô cho các bài giảng, làm sao để cung cấp cho các tín hữu một nền tảng đạo lý có hệ thống, hoặc dựa theo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, hoặc dựa theo chu kỳ các bài đọc trong vòng ba năm.
Cha Nhân Tài chia sẻ: “Tòa giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa… Nơi tòa giảng ngôn từ của linh mục… không còn phải là lời của các ngài nữa, nhưng là lời của Chúa Thánh Thần nói qua miệng của các ngài… Lời Chúa trong bài Tin Mừng được vang ra từ miệng và từ tâm hồn của linh mục để đến nơi từng tâm hồn của các tín hữu… Thế mà một số linh mục đã lợi dụng tòa giảng để nói lời của mình…, các ngài đem những nỗi bực tức của mình trút lên đầu giáo dân… lời của các ngài không còn là Lời Chúa nữa… Ngôn từ của các ngài cần phải chừng mực, không la lối tại sao các ông, các bà không đi lễ,… không xin lễ cầu hồn…, không khen người này đã dâng cúng cho nhà thờ và cha sở tiền bạc vật chất, người kia quanh năm không thấy đi xin lễ... Nếu vậy thì, ngôn từ của các ngài nơi tòa giảng, đã trở thành những ngọn roi tra tấn tâm hồn những người yếu đức tin, làm nát tâm hồn những người ngoan đạo và làm chảy máu tâm hồn những người hết lòng yêu mến Giáo hội Chúa Kitô”[12].
Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã chia sẻ trong một buổi tĩnh tâm: “Bài giảng lễ thì lòng thòng và chủ yếu là mắng mỏ, hăm dọa, khiển trách, thậm chí bôi bác giáo dân giữa nhà thờ… Diễn đàn Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để trút hết căm hờn lên đầu giáo dân. Không gì mâu thuẫn bằng linh mục lại là thủ phạm gây chia rẽ trong giáo xứ bằng chính lời nói của chủ chăn. Chúng ta tìm cách trừng trị, triệt hạ những người đối lập. Không làm được gì thì chúng ta đem ra giữa nhà thờ để bêu riếu bôi bác”[13].
Bộ Giáo luật 1983 ghi: “Để loan báo học thuyết Kitô giáo, người ta phải dùng những phương tiện khác nhau sẵn có, trước hết việc giảng thuyết và huấn giáo luôn chiếm vị trí chủ yếu”[14]. Vì thế, sau việc giảng thuyết, linh mục phải thực thi chức năng ngôn sứ của mình qua việc dạy giáo lý.
Trong Tông huấn Catechesi Tradendae, Đức Gioan-Phaolô IIđã mô tả một vài nét đặc trưng của huấn giáo:
* Trình bày đạo lý Kitô giáo một cách có hệ thống mạch lạc, vì hướng đến trí tuệ hơn là tâm tình cảm xúc của người nghe. Mục tiêu của dạy giáo lý là sự hiểu biết đạo lý. Vì vậy, cần phải theo một thứ tự hệ thống mạch lạc, cũng như tôn trọng tính cách toàn bộ của đạo lý[15].
* Tuy nhiên, mục tiêu của việc huấn giáo không phải chỉ là nhồi một mớ kiến thức vào đầu óc, mà nhờ học biết giáo lý, sẽ giúp cho đức tin của Kitô hữu sống động, minh bạch và linh hoạt. Vì thế, huấn giáo không thể tách rời khỏi việc tham dự tích cực vào đời sống Kitô giáo, qua việc cử hành bí tích, cầu nguyện và chứng tá. Đối tượng của đức tin không phải là những chân lý trừu tượng nhưng là “mầu nhiệm của Đức Kitô”[16]. Nhờ huấn giáo, người tín hữu học biết về Đức Kitô, để uốn nắn tư tưởng, tâm tình, phán đoán, hành động của mình nên giống như Người, hầu trở nên người môn đệ chân chính của Người[17].
Đức Bênêđictô 16 nhắn nhủ: “Công việc dạy giáo lý luôn luôn hàm chứa việc kết hợp Kinh Thánh với đức tin và Truyền thống Giáo hội, sao cho những lời này được nhận thức là những lời hằng sống, y như hôm nay Đức Kitô vẫn đang sống ở nơi nào có hai hay ba người họp nhau lại nhân danh Người (x. Mt 18,20). Khoa giáo lý phải truyền đạt cách sống động lịch sử cứu độ và các nội dung đức tin của Giáo hội, ngõ hầu mọi tín hữu đều nhận ra rằng hoàn cảnh sống cá nhân của mình cũng thuộc về lịch sử này”[18].
Các linh mục phải chú tâm đến việc dạy giáo lý, tổ chức chương trình, lớp học giáo lý, cho tất cả các tín hữu, tùy theo hoàn cảnh, tuổi tác… để giúp họ tăng tiến trong đức tin.
Trung thành với Lời Chúa đòi hỏi phải học hỏi Lời Chúa để có thể giải thích đúng đắn, chính xác, không được phép nói điều gì trái ngược với Lời Chúa. Để có thể nói Lời Chúa, thừa tác viên Lời Chúa phải là người biết lắng nghe, lắng nghe Chúa nói trong thân tình, nơi sâu thẳm của cõi lòng, để có thể nói với dân Chúa: “Các môn đệ được lôi cuốn vào trong cuộc sống thân tình với Thiên Chúa do họ được đắm mình vào trong Lời Thiên Chúa. Có thể nói, Lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là quyền lực sáng tạo biến đổi họ và làm cho họ thuộc về Thiên Chúa”[20]. Lời Chúa không phải là những chữ chết nhưng được đồng hóa với Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, để Người nói qua người rao giảng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao nét đặc trưng này trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui”[21], “vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”[22]. Chính vì thế, “người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy… đào sâu ‘niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”[23].
Thừa tác viên Lời Chúa thực thi tác vụ rao giảng của Hội thánh, nên phải ở trong Hội thánh. Điều này hàm ngụ sự hiệp thông với Hội thánh, trung thành với lời dạy của Hội thánh, vì “nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được ủy thác riêng cho Huấn quyền sống động của Giáo hội, một quyền hạn được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô”[24].
Trong quá khứ, có lẽ người ta nhấn mạnh nhiều đến sự trung thành với Lời Chúa, với đạo lý, nhưng lại ít nói đến sự trung thành với con người. Sự trung thành với con người bao gồm nhiều khía cạnh. Thứ nhất là trung thành với sứ mạng: người rao giảng được sai đi mang Tin Mừng cứu độ cho loài người, vì thế phải trung thành với sứ mạng ấy, không được thoái thác, nhưng luôn hăng say rao giảng “khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”. Thứ hai là trung thành với những đòi hỏi của người nghe: thừa tác viên Lời Chúa cần phải tìm hiểu những nhu cầu, những thao thức của người nghe, để giúp họ “khám phá ra rằng, duy một mình Thiên Chúa mới có thể đáp ứng cơn khát đang ở trong tim mỗi người”[25], đồng thời phải “công bố cho thế giới chính là Logos về niềm hy vọng (x. 1Pr 3,15), con người cần ‘niềm Hy vọng lớn lao’ để sống hiện tại của mình, niềm Hy vọng lớn lao là ‘vị Thiên Chúa có khuôn mặt con người và đã yêu thương chúng ta đến cùng’ (Ga 13,1)”[26].
Thừa tác viên Lời Chúa phải niệm suy Lời Chúa và cố gắng đem ra thực hành trong cuộc sống của mình, đừng để xảy ra sự khác biệt hay đối nghịch giữa lời nói và việc làm (x. Mt 23, 2). Phải ý thức rằng, người rao giảng không chỉ là cái “loa phát thanh” Lời Chúa mà còn được đồng hoá với chính lời ấy, nói lên điều mình đã cảm nghiệm, đã sống “từ lòng tràn đầy” trào vọt lên (x. Mt 12,34). Thừa tác viên Lời Chúa phải có sự khiêm nhường, tự xóa nhòa bản thân mình trước Lời Chúa, phải khước từ vinh quang cho chính mình, xem mình “chỉ là tiếng kêu” (x. Ga 1,23) và rao giảng với ý thức “không rao giảng bản thân, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô”.
Xin được kết thúc suy niệm bằng tâm tình cầu nguyện dâng lên Mẹ Maria:
Maria, Trinh Nữ, Mẹ dấu yêu, bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời Sự Sống, tự thẳm sâu đức tin khiêm cung của Mẹ: Như Mẹ đã tự hiến hoàn toàn cho Đấng Hằng Hữu,xin giúp chúng con cũng biết thưa “vâng” trước tiếng gọi ngày càng cấp bách, đi rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu. …. Ôi Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Âm hoá,xin giúp chúng con trở thành những chứng nhân rạng rỡ cho tình hiệp thông và phục vụ,cho đức tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui của Tin Mừng, chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới. Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động,suối hạnh phúc cho những người hèn mọn của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con.Amen. Allêluia![27]
5. Vấn tâm
1.“Các giám mục, các linh mục, các phó tế không thể nào nghĩ rằng họ sống được ơn gọi và sứ vụ của mình nếu không cương quyết và liên tục nỗ lực nên thánh, mà một trong những trụ cột của nỗ lực là tiếp xúc với Kinh Thánh”[28].
Nguyện xin cho linh mục chúng con xác tín và nỗ lực tiếp xúc với Kinh Thánh để được nên thánh.
2.“Linh mục phải đón tiếp Lời Chúa với một tấm lòng vâng phục và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm nhuần sâu xa các tư tưởng và các tâm tình của ngài và làm phát sinh nơi ngài một tinh thần mới, ‘tư tưởng của Đức Kitô’” (1Cr 2,16)”[29].
Nguyện xin cho linh mục chúng con sốt sắng suy niệm Lời Chúa trong cầu nguyện để có “tư tưởng của Đức Kitô” mà chia sẻ với anh chị em chúng con.
3.“Bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, sao cho các tín hữu được đưa đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ”[30].
Nguyện xin cho linh mục chúng con biết chuẩn bị bài giảng như “hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh” giúp các tín hữu sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
4. “Thánh Giêrônimô, người hết sức ‘si mê’ Lời Thiên Chúa, đã tự hỏi: ‘Làm thế nào người ta có thể sống mà không hiểu biết Kinh Thánh, vì nhờ Kinh Thánh, ta mới học biết được chính Chúa Kitô, Đấng chính là sự sống của các tín hữu?’”[31].
Nguyện xin cho linh mục chúng con “si mê” Lời Chúa để có thể giúp các tín hữu “si mê” Lời Chúa, hầu học biết Đức Kitô và đón nhận được sự sống đời đời.
[1]CANTALAMESSA, Giảng cho giáo triều Mùa Chay năm 2021.