TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 15/01/2022 17:03 |   1736
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?… Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ…” (Mc 2, 19.21)

17/01/2022
THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Thánh Antôn, Viện Phụ

 

t2 t2TN

Mc 2, 18-22

THÍCH NGHI MÀ KHÔNG VÁ VÍU

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?… Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ…” (Mc 2, 19.21)

Suy niệm: Người ngày nay ăn chay để giảm cân, chữa bệnh, nhưng gặp tiệc tùng thì cứ ăn, vì thỉnh thoảng mới có tiệc tùng, chuyện gì sau đó hãy tính. Trong việc xây dựng nhiều người sính theo kiểu “tân cổ giao duyên” cho lạ đời, bắt mắt, không nhận ra sự vá víu, rằng chúng có thể sớm lỗi thời, phá vỡ cảnh quan chung. Não trạng “tổng hợp” thích nghi cách vá víu đó cũng dễ gặp thấy trong sinh hoạt tôn giáo, cụ thể là qua câu chuyện giữa người Pharisêu và Chúa Giêsu về việc ăn chay hay không ăn chay. Không có chuyện áp đặt người phải giống ta và ta phải theo người. Ai có thể cấm ta ăn chay để tiết chế dục vọng, và ai có thể ngăn ta vui với niềm vui của người khác? Tiêu chí cho mọi sự “thích nghi” là Chúa Kitô, là “chàng rể” đang hiện diện nơi bàn tiệc Nước Trời mà mọi người được mời tham dự.

Mời Bạn: Điều được coi là “thích nghi” này dễ bị lạm dụng và khiến nó trở nên tệ hại hơn những gì tốt đẹp đã có trước đó. Vì thế ta phải biết suy xét thấu đáo trước khi đem áp dụng cho mình, hay day cho người ta làm như vậy, đặc biệt trong việc giáo dục con cái. Giáo dục không phải là sự hoài cổ, nhưng cũng không nên quá cấp tiến.

Chia sẻ: Trong Năm Đức Tin này chúng ta học hỏi giáo huấn Công Đồng Vatican II với những thích nghi, nhưng không nên sáng kiến tuỳ tiện mang tính chủ quan cá nhân.

Sống Lời Chúa: Hãy vui với người vui và hãy khóc với người khóc!

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin soi sáng cho con biết việc mình phải làm, và biết từ bỏ việc không nên làm, dù điều ấy làm con thích thú hơn. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Antôn, Viện Phụ

Ca nhập lễ

Người công chính tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Liban trồng nơi nhà Chúa, trong tiền đường nhà Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh An-tôn, viện phụ, sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhận lời người nguyện giúp cầu thay cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự . Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ các tôi tớ Chúa dâng trên bàn thờ để kính nhớ thánh An-tôn. Xin đừng để của cải trần gian trói buộc chúng con, nhưng xin cho chúng con được sung túc vì có Chúa làm gia nghiệp. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết tài sản của con, rồi bố thí cho người nghèo khó, và theo Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn đập tan mọi mưu chước kẻ thù như Chúa đã cho thánh An-tôn vẻ vang chiến thắng, khi đương đầu với quyền lực tối tăm. Chúng con cầu xin…

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 5, 1-10

“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4.

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).

Xướng: Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”.

Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”.

Xướng: Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”.

Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. .

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 15, 16-23

“Vâng lời thì tốt hơn của lễ. Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Samuel nói cùng Saolê rằng: “Thôi! Tôi sẽ tuyên bố cho ông những điều Thiên Chúa đã nói với tôi trong đêm qua”. Và Saolê đáp: “Ngài cứ nói”. Samuel liền nói: “Khi ông tự thấy ông còn bé nhỏ, há ông đã chẳng được đặt làm thủ lãnh các chi họ Israel sao? Và Thiên Chúa đã chẳng xức dầu phong ông làm vua Israel sao? Chúa đã sai ông lên đường và nói: “Hãy đi giết quân Amalec tội lỗi, và hãy giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng”. Tại sao ông không nghe lời Chúa, mà lại chạy theo chiến lợi phẩm và làm điều tội lỗi trước mặt Chúa như vậy?” Saolê nói với Samuel: “Vâng, tôi đã nghe lời Chúa, đã đi trên đường Chúa sai tôi, đã bắt Aga vua Amalec, và tàn sát dân Amalec. Nhưng trong các chiến lợi phẩm, dân chúng đã lấy chiên bò, những vật nhất hạng họ cướp được để tế lễ Chúa là Thiên Chúa của họ tại Galgalê”.

Samuel nói: “Này Chúa ưa thích của lễ toàn thiêu và hy lễ hơn sự vâng lời Chúa ư? Vì vâng lời thì tốt hơn của lễ, và tuân lệnh thì cao đẹp hơn dâng mỡ cừu; vì phản bội thì giống như tội tà thuật, còn ngoan cố thì giống như tội thờ bụt thần. Vậy bởi ông khinh bỉ lời Chúa, nên Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23.

Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ

Xướng: Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận tự nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận tự đoàn chiên ngươi những con dê đực.

Xướng: Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng?

Xướng: Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 18-22

“Tân lang còn ở với họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Kitô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

BÊN TRONG THÌ GIÁ TRỊ HƠN BỀ NGOÀI (Mc 2, 18-22)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Đã rất nhiều lần người Pharisêu dùng biện pháp “nhất tiễn diệt song điêu” để gài bẫy Đức Giêsu. Hôm nay, cũng chiêu thức ấy, họ tìm cách đưa cả thầy lẫn trò vào chòng khi cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Tại sao môn đệ của ông Gioan và người Pharisêu ăn chay, trong khi đó muôn đệ của ông lại không ăn chay?”.

Họ hỏi Đức Giêsu về lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng thực ra họ đang tìm cách trách móc Đức Giêsu! Nếu Đức Giêsu trả lời các môn đệ không cần ăn chay, thì vô hình chung Ngài chống luật Môsê; còn nếu Đức Giêsu thuận theo và yêu cầu các môn đệ ăn chay theo ý của những người Pharisêu, thì quả thực, Ngài đang phủ nhận sự hiện diện của mình, bởi tất cả mọi điều mà dân Israel mong đợi, thì nay Ngài đến, Ngài đang là hiện thân của niềm hy vọng đó. Vậy ăn chay là để mong đợi, nay điều mong đợi đó đã đến, thì không có lý do gì phải ăn chay nữa!

Biết được ý đồ thâm độc của họ, nên Đức Giêsu đã lấy một ví dụ qua hình ảnh vải mới vá vào áo cũ và rượu mới đổ bầu da cũ để thấy được điều nghịch lý nơi câu hỏi của nhóm người Pharisêu. Đây cũng chính là câu trả lời gián tiếp đầy khôn khéo, khiến họ không thể bắt bẻ được Ngài điều gì!

Trong cuộc sống thực tế, có khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Pharisêu khi xưa!

Nhiều khi đọc kinh rất nhiều, nhưng bảo tha thứ cho người làm phiền chúng ta thì không bao giờ! Hay đi lễ thường xuyên, nhưng có khi anh chị em cần đến sự giúp đỡ thì lại là điều xa vời với ta!

Hoặc cũng có những người tham gia hội đoàn này hội đoàn kia chỉ để chỉ trích và bới bèo ra bọ mà không hề thay đổi lối sống cho tốt hơn!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy chú tâm đến nội dung bên trong hơn là những chuyện bề ngoài. Đừng vì những điều phụ thuộc mà đánh mất đi giá trị của nội dung.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con biết chú trọng đến lối sống đạo hơn là hình thức. Một trái tim biết yêu thương thực sự thay cho hình thức giả tạo trên đầu môi chóp lưỡi. Amen.

Ý THỨC – TRƯỞNG THÀNH


(Thứ Hai sau Chúa Nhật II TN – Mc 2,18-22) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Dù chỉ là một luật của Giáo hội, nhưng không hiểu vì sao tín hữu Công giáo lại quá áy náy khi “giữ chay không trọn” hay còn gọi là phá chay? Phải chăng vì được hướng dẫn cách giữ chay quá tỉ mỉ với những cấm đoán rất ư là hình thức bên ngoài? Nào là ăn đói, ăn no, nào là không được ăn thịt này thịt kia khiến có người dí dỏm: “không được ăn thịt thôi đành ăn tôm hùm vậy!”.

Chắc hẳn các mục tử không quên lời ngôn sứ Isaia mà Giáo hội thường cho nghe trích đọc mỗi khi mùa Chay thánh về. “Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chẳng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa.” (Is 58, 3-5). Và lời ngôn sứ Gioel: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta… Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13).

Thiên Chúa muốn chúng ta sống như những người con trưởng thành. Một trong những dấu chỉ của sự trưởng thành là sống có ý thức, nghĩa là biết việc mình làm là gì, vì sao làm việc ấy, làm với mục đích gì… Khi có người chất vấn Chúa Giêsu vì sao các môn đệ Gioan và các người biệt phái ăn chay mà môn đệ của Người lại không ăn chay thì Chúa Giêsu đã nhân cơ hội ấy giúp họ hiểu rõ ăn chay là gì, vì sao phải ăn chay và dĩ nhiên sẽ biết ăn chay như thế nào.

Nhiều biệt phái thời bấy giờ những tưởng rằng ăn chay là một cách thế thu tích công đức trước mặt Thiên Chúa và qua đó tỏ cho thiên hạ thấy mình “đạo đức”. Chính vì thế khi ăn chay họ thường tỏ vẻ rầu rĩ bên ngoài để cho thiên hạ biết mình ăn chay (x.Mt 6,16). Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện một người biệt phái vào đền thờ cầu nguyện kể lể công trạng ăn chay trước Thiên Chúa và khinh thường người thu thuế tội lỗi (x.Lc 18,9-14).

Ăn chay là một hình thức khổ chế để tỏ bày lòng sám hối ăn năn về tội mình đã phạm. Xưa vua quan và dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của ngôn sứ Giona đã ăn chay tỏ dấu sám hối ăn năn về tội lỗi của họ, những tội lỗi tày trời khiến Thiên Chúa đe phạt hủy diệt (x.Gn 3,1-10). Chúa Giêsu minh nhiên nói rằng người ta không thể ăn chay khi đang ở trong tình trạng ân sủng. “Chẳng lẽ khách dự tiệc lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Khi nào chàng rể bị đem đi thì bấy giờ họ mới ăn chay” (x.Mc 2,19-20). Chàng rể mà Chúa Giêsu nói ở trên là chính Người. Theo thần học Thánh Kinh thì khi phạm thứ tội chưa đưa đến sự chết (tội nhẹ) là lúc chúng ta để Thiên Chúa ra một bên. Còn khi cố tình đẩy Thiên Chúa hoàn toàn ra khỏi lòng mình, ra khỏi cuộc đời mình thì chúng ta phạm “thứ tội đưa đến sự chết” (tội nặng). Để bày tỏ lòng sám hối ăn năn về các tội nặng nề thì thiết nghĩ rằng những hành vi khổ chế bên ngoài như kiêng khem ăn uống thì không thể cân xứng mà phải ăn chay như ngôn sứ Gioel nói là “phải xé lòng” và như ngôn sứ Isaia nói: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7).

Chuyện ăn chay là chuyện nhỏ. Giáo hội khẳng định trung tâm của đời sống đức tin Kitô hữu là Thánh Lễ, cách riêng Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Giúp cho đoàn tín hữu hiểu Thánh lễ là gì, vì sao phải tham dự Thánh Lễ, tham dự Thánh lễ có mục đích gì và tham dự Thánh lễ như thế nào cho đúng và đẹp ý Chúa thì hẳn còn nhiều việc phải làm từ phía mục tử lẫn giáo dân. Đời sống đức tin của Kitô hệ tại ở những điểm căn bản nào? Thiết nghĩ rằng cần phải ý thức rõ điều này để có thể sống đức tin cách trưởng thành vì đây chính là một trong những mục tiêu của Thượng Hội Đồng đang mở ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây