TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 15/11/2021 17:51 |   1036
“Tôi nói cho các ông hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” (Lc 19, 26)

17.11.2021
THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Thánh Êlizabeth Hungari, nữ tu

 

t4 t33tnB

Lc 19, 11-28

CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN

“Tôi nói cho các ông hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” (Lc 19, 26)

Suy niệm: Trong Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng đức tin vào Thiên Chúa được hình thành như một con đường, con đường liên quan và hướng dẫn cuộc sống con người… Vì thế, bất cứ ai bắt đầu con đường làm việc lành cho tha nhân thì gần gũi với Thiên Chúa. Người có đức tin phải hành động như thể Thiên Chúa hiện hữu trong cuộc đời (số 35). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định đức tin cũng như bao khả năng khác Chúa ban cho ta tựa như những nén bạc, phải sinh lời, nghĩa là phải được sử dụng để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Người chôn dấu nén bạc dưới đất là người chỉ sử dụng mọi sự cho mình cách ích kỷ.

Mời Bạn: Thánh Phaolô nói rằng “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6, 8). Cùng chết với Đức Kitô là chết cho cái bản ngã hẹp hòi ích kỷ, là sử dụng mọi hồng ân Chúa ban để Thiên Chúa được vinh danh và con người được hạnh phúc hơn như mẫu gương Đức Kitô đã sống trong cuộc đời trần thế của mình.

Chia sẻ: Nếu tôi hành động theo đức tin, tôi sẽ được lợi ích gì ngay đời này và đời sau?

Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm rằng “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2, 24).

Cầu nguyệnLạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban ơn đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con chạm đến Chúa trong đức tin bằng con đường yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Êlizabeth Hungari, nữ tu

Ca nhập lễ

Chúa phán: Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến: vì xưa Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bảo thật các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong  các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh nữ Êlisabet nhận ra và tôn kính Đức Kitô nơi người nghèo khổ. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu mà ban cho chúng con luôn hết lòng mến yêu phục vụ những ai đang lâm cảnh khốn cùng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, xin chấp nhận của lễ Hội Thánh Chúa dâng tiến; này chúng con đang cùng nhau tưởng niệm tình yêu vô biên của Con Một Chúa, xin cho chúng con cũng biết noi gương thánh Êlisabet để lại. Nhờ đó tình yêu của chúng con đối với Chúa cũng như đối với nhau ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

Hoặc đọc:

Chúa nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng thương yêu nhau.”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa nhờ Thánh lễ chúng con vừa hiệp thông, Chúa đã cho chúng con thêm sức mạnh. Xin giúp chúng con noi gương thánh Êlisabet mà sống với Chúa cho trọn tình con thảo và sống với nhau cho trọn nghĩa anh em. Chúng con cầu xin...

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Mcb 7, 1. 20-31

“Ðấng Sáng Tạo vũ trụ sẽ trả lại cho các con tinh thần và sự sống”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, bảy anh em bị bắt cùng với thân mẫu, và thừa lệnh nhà vua, người ta dùng gậy và roi gân bò đánh đập họ, bắt buộc họ ăn thịt heo mà luật đã cấm.

Ðặc biệt là bà mẹ đáng ca tụng và ghi nhớ: chỉ trong một ngày, bà chứng kiến bảy con mình chết, bà vui lòng chịu đựng và trông cậy vào Thiên Chúa. Bà đầy khôn ngoan, dùng tiếng của cha ông, can đảm khuyên bảo từng đứa con; bà dùng sự hăng say nam nhân mà nâng đỡ tâm hồn phụ nữ của bà. Bà nói với các con: “Mẹ không biết các con đã thành hình trong lòng mẹ ra sao, vì không phải mẹ ban cho các con tinh thần, linh hồn và sự sống, cũng không phải mẹ sắp đặt các chi thể của mỗi con, nhưng là Ðấng Sáng Tạo vũ trụ, Người đã dựng nên loài người, và sáng tạo mọi sự với lòng nhân hậu. Người sẽ trả lại cho các con tinh thần và sự sống, vì giờ đây các con coi rẻ mạng sống các con để bảo vệ luật pháp của Người”.

Vua Antiôcô tưởng rằng lời lẽ ấy khinh thị và lăng nhục ông. Bởi thế, đối với đứa con út của bà còn sống, không những ông dùng lời dụ dỗ cậu, ông còn thề hứa với cậu sẽ làm cho cậu được sung sướng giàu có, nếu cậu chối bỏ lề luật của cha ông, sẽ coi cậu như bạn hữu của ông và ban cho cậu nhiều tước lộc. Nhưng cậu không quan tâm đến những lời dụ dỗ ấy, nhà vua liền cho gọi mẹ cậu đến và khuyên bà nhủ bảo con, để cứu lấy mạng sống con mình. Khi nhà vua đã dài lời khuyến khích bà, bà nhận lời thuyết phục con. Vậy bà cúi sát vào con bà, đánh lừa nhà vua độc ác ấy; bà còn dùng tiếng của cha ông mà nói rằng: “Hỡi con, hãy thương mẹ đã cưu mang con chín tháng trong dạ, đã cho con bú sữa trong ba năm, đã nuôi dưỡng và dẫn dắt con cho tới tuổi này. Con ơi, mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất, và tất cả mọi sự trong đó; con biết rằng Thiên Chúa đã tác tạo những vật đó và loài người từ hư vô, nên con đừng sợ tên lý hình này, một hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con và hãy nhận lãnh cái chết, để nhờ lòng lân tuất của Chúa, mẹ sẽ gặp con cùng với các anh con”.

Bà mẹ vừa dứt lời thì cậu con út lên tiếng rằng: “Các ông còn chờ gì nữa? Tôi không tuân lệnh nhà vua đâu, nhưng tôi tuân theo lề luật mà Môsê đã ban cho cha ông chúng tôi. Còn nhà vua, là kẻ đã bày ra đủ thứ để bách hại dân Do-thái, nhà vua sẽ không thoát khỏi tay Thiên Chúa đâu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành!

Xướng: Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con.

Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 4, 1-11

“Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có và sẽ đến”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy: kìa cửa trời mở ra và tiếng tôi đã nghe trước kia nói cùng tôi như tiếng loa rằng: “Hãy lên đây, Ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy ra sau này”. Bỗng tôi xuất thần, và kìa, một ngai đã đặt trên trời, có Ðấng ngự trên ngai, và Ðấng ngự trên ngai rực rỡ như bích ngọc hoặc như hồng thạch; có mống cầu vồng màu lục thạch bao bọc ngai. Chung quanh ngai có hai mươi bốn toà, và trên đó, có hai mươi bốn trưởng lão, mặc áo trắng tinh, đầu đội triều thiên vàng. Từ nơi ngai phát ra những tia chớp, tiếng nói và tiếng sấm; lại có bảy cây đèn cháy trước ngai, đó là bảy Thần linh của Thiên Chúa. Phía trước ngai coi như có biển trong ngần như pha lê.

Còn chính giữa và chung quanh ngai có bốn con vật, đàng trước đàng sau chỗ nào cũng có mắt: Con vật thứ nhất giống như sư tử; con vật thứ hai giống như con bò; con thứ ba có dung mạo như mặt người; con thứ tư như chim phượng hoàng đang bay. Bốn con vật ấy con nào cũng có sáu cánh quanh mình, và trong mình đầy những mắt, ngày đêm không ngớt tung hô:

“Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có, và sẽ đến”.

Và mỗi lần bốn con vật tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Ðấng ngự trên ngai, là Ðấng hằng sống muôn đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước Ðấng ngự trên ngai và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời; họ gỡ triều thiên của họ mà đặt trước ngai và tung hô rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đáng được vinh quang, danh dự và quyền năng, vì chính Chúa đã tạo thành vạn vật, chính do ý Chúa mà muôn vật mới có và được tạo thành”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4, 8b).

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa trong Thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm.

Xướng: Hãy ngợi khen Người với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt đàn cầm. Hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tiếng tơ đàn, với ống tiêu.

Xướng: Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa.

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, mọi gới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 11-28

“Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:

“Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: “Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về”. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: “Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi”. Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.

“Người thứ nhất đến và thưa: “Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén”. Nhà vua bảo: “Ðược, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành”. Người thứ hai đến thưa: “Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén”. Nhà vua đáp: “Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành”.

“Người thứ ba đến thưa: “Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo”. Vua phán rằng: “Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời”.

“Vua liền bảo những người đứng đó rằng: “Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén”. Họ tâu rằng: “Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi”. Vua đáp: “Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta”. Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI (Lc 19, 11 – 28)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Cuộc sống của con người luôn phải đối diện với thực trạng: cơm, áo, gạo, tiền… Đây là những thứ cần thiết căn bản trong đời. Muốn có cuộc sống ổn định, người ta thường phải kiếm kế để sinh nhai. Có những người không có tiền thì đi làm công, người có tiền thì đầu tư cách này hay cách khác để kiếm lời…

Vào thời Đức Giêsu, người ta cũng sử dụng đồng tiền để sinh lời, nhằm đáp ứng nhu cầu căn bản trong đời sống thường nhật.

Vì thế, Đức Giêsu đã mượn hành động này để nói đến một cuộc đầu tư khác, đó là cuộc đầu tư đức tin, đầu tư vì Nước Trời…

Câu chuyện được khởi đi từ việc một người quí tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền. Thế nên, ông đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn để đầu tư. Khi trao như thế, ông chủ rất tin tưởng đầy tớ của mình, và lẽ tất nhiên, người đầy tớ không được nhận rồi sau đó đem cất giấu…

Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta nhớ đến món quà cao quý và vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đây là gia tài hay còn gọi là vốn liếng thiêng liêng trong đời sống đức tin của chúng ta. Hồng ân đó, Thiên Chúa hẳn không hề muốn chúng ta giữ lấy cho riêng mình, nhưng được lan tỏa cho mọi người qua hình ảnh trao ngọn nến cháy sáng và mời gọi phải chiếu tỏa cho anh chị em chung quanh.

Như vậy, lãnh nhận ơn Chúa là hồng ân, nhưng hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm. Nói cách khác, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Vì thế, Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt, đầu tư tích lũy những nghĩa cử yêu thương, tấm lòng bao dung, nhân từ, đại lượng…, có thế, ánh sáng ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội mới được chiếu tỏa, nếu không, chẳng khác gì đèn sáng nhưng lại đặt dưới gầm giường hay trong thùng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ánh sáng đức tin chúng con luôn được chiếu tỏa trên cuộc đời chúng con và cho cả những người chung quanh nữa. Ngõ hầu mọi người nhận biết Chúa và tin thờ Chúa. Amen.
 

BIẾN DẠNG!
 

tbd 151121a

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 19,11-28) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tin mừng thánh Matthêu và Luca đều tường thuật dụ ngôn “những nén bạc” (x.Mt 25,14-30; Lc 19,11-27). Có nhiều chi tiết khác nhau giữa bản tường thuật của hai thánh sử. Cả hai thánh sử đều tường thuật rằng có ba người được chủ trước khi đi xa trao lại cho những nén bạc. Theo thánh Matthêu thì người thứ nhất nhận được năm nén, người thứ hai nhận hai nén và người thứ ba nhận một nén. Đến khi chủ trở về hỏi thì người nhận năm nén đã trình báo làm lợi được thêm năm nén khác, người thứ hai làm lợi thêm hai nén. Theo thánh Luca thì cả mười người đều nhận được mỗi người một nén như nhau. Khi vua trở về thì người thứ nhất trình báo là sinh lợi được mười nén, người thứ hai sinh lợi được năm nén. Cả hai Thánh sử đều tường thuật rằng người thứ ba vì khiếp sợ, nghĩ rằng ông chủ là người hà khắc, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo nên đã chôn giấu hoặc bọc trong khăn giữ kỹ nén bạc của chủ mà không làm sinh lợi. Dù không làm thiệt hao vốn chủ giao, nhưng người thứ ba vẫn vị phạt nặng. Và chủ đã phán: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời từ miệng anh mà xử anh…”.

Tội của người thứ ba khởi đi từ cái nhìn của anh về chủ của mình. Chân dung của người chủ đã bị biến dạng theo cái nhìn của anh và vì thế anh không có lòng yêu mến chủ. Tâm trí của anh ắp đầy nỗi sợ hãi khiến anh quên mất một cách thế dễ dàng để làm sinh lợi vốn chủ giao là gửi ngân hàng.

Tâm lý sợ hãi khi diện kiến thần minh là tâm lý bình thường của con người, nhất là trước những diễn biến bất thường của giới tự nhiên. Dân Chúa trong thời Cựu Ước cũng ít nhiều mang tâm trạng này. Họ vừa kính sợ Thiên Chúa nhưng cũng vừa kinh hãi Đấng Toàn Năng khả úy. Chân dung Thiên Chúa chưa được mạc khải cách hoàn hảo. Đến thế gian này, sứ mạng chủ yếu của Đức Kitô là tỏ bày Đấng Toàn Năng chính là Cha nhân ái. Người vừa nêu gương vừa mời gọi chúng ta đến với Cha Toàn Năng trên trời trong tình con thơ, con thảo. Lời kinh Lạy Cha là một đan cử (x.Mt 6,7-15). Và như thế chúng ta sẽ vượt qua sự sợ hãi và cả sự kính sợ để đến với Người trong tâm tình kính mến. Đây chính là điều mà người thứ nhất và người thứ hai trong chuyện dụ ngôn có được, nhưng người thứ ba thì không. “Phàm ai đã có thì sẽ được cho thêm, còn ai không có có thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Lc 19,26; Mt 25,29).

Nguyên nhân gì khiến cho chân dung Đấng Tạo Thành bị biến dạng? Với người xưa thì có thể là sự hạn chế của trí khôn, sự bất lực của con người trước thiên nhiên. Với người văn mình thì sao? Khoa học dần phát triển, con người ngày càng khám phá và nhận biết khá nhiều quy luật của giới tự nhiên. Dù vậy vẫn tồn tại sự sợ hãi nơi nhiều người có niềm tin tôn giáo. Ngay cả trong Kitô giáo, chân dung của Thiên Chúa Toàn Năng vẫn còn “méo mó” một cách nào đó trong tâm thức của nhiều tín hữu. Trong nhiều lý do thì chúng ta phải thừa nhận một vài lý do sau:

Khuôn mặt của Thiên Chúa được trình bày và giảng dạy như một “vị thần” quá nghiêm khắc qua hệ thống luân lý quá chi li, vụ luật, nghiêng về sự cấm đoán. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Người, thế mà thực tế có đó chuyện loài người lại phác họa chân dung Thiên Chúa theo hình ảnh của mình. Bên cạnh đó chân dung Đấng Toàn Năng đầy lòng xót thương nơi nhiều đấng bậc được gọi là “thay mặt Chúa” xem ra còn khá mờ nhạt.

Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu đã từng nghiêm khắc phê phán nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Người đã từng thẳng thừng nói các vị tiến sĩ luật rằng chính họ đã không vào Nước Trời mà những người muốn vào họ lại ngăn cản (x.Lc 11,52). Chuyện mù dẫn mù cả hai lăn cù xuống hố là chuyện của kiếp nhân sinh xưa lẫn nay (x.Lc 6,39).

Đó đây có nhận xét rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam ở tầm các giáo phận thì “Rôma hơn cả Rôma”. Còn ở tầm các giáo xứ thì chuyện “phép vua thua lệ làng” là không hiếm. Các Giám mục thì đặt nặng sự vâng phục đối với các linh mục hơn là sự cộng tác. Từ đó các linh mục lại đòi hỏi tín hữu giáo dân tuân lệnh hơn là đồng hành hay hiệp hành. Một cách nào đó hình thành nên lối sống đạo nghiêng về sự kính sợ hơn là kính mến. Biên giới giữa sự kính sợ và kinh hãi nhiều khi chỉ là sợi chỉ mong manh. Cụ thể là đa số tín hữu giữ đạo chỉ mong “khỏi sa hỏa ngục” là đã thành công.

Năm Phụng vụ đã dần kết thúc. Các bài đọc Thánh Kinh Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc hướng cái nhìn về thời cánh chung. Chắc chắn rồi mọi người sẽ diện kiến Đấng Toàn Năng. Chúng ta mong gặp Người Cha từ nhân hay là Vị quan tòa hà khắc? Điều này còn tùy thuộc việc chúng ta đã và đang phụng sự ai, tôn thờ ai.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây