TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ký ức của một nữ tu…

Thứ năm - 18/01/2024 03:49 | Tác giả bài viết: Nữ tu Maria Madalena NTKH |   1194
Ngày đó, tu viện mẹ bỗng phải đối mặt những thách thức mới của thời cuộc với sự phong tỏa mọi mặt.
Ký ức của một nữ tu…

Ký ức của một nữ tu… 

Mặc dầu, cái ngày ấy đã xa lâu lắm rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại, hình như những ký ức một thời, như dòng chảy lại tràn về trong tôi, tưởng như mới ngày hôm qua. Niềm đau nhớ lâu, để tôi không bao giờ quên, cho dẫu đã 50 năm cuộc đời…

Biến cố thời cuộc 75, đến với nhà Dòng Mẹ  bất ngờ đến ngỡ ngàng, khi đời sống tu trì đang đầm ấm yên vui trong không khí thanh tịnh của ngôi tu viện với dạt dào chan chứa bao tình thân thương giữa chị em và mẹ con với nhau, bỗng xao xác như đàn gà con, thấy bóng mây đen vần vũ trên bầu trời như đe dọa báo hiệu một tương lai mờ mịt. Lúc bấy giờ, thật khó để ai tưởng tượng nổi, sau này lại có được như ngày hôm nay.

Ngày đó, tu viện mẹ bỗng phải đối mặt những thách thức mới của thời cuộc với sự phong tỏa mọi mặt. Tình hình chính trị hộ khẩu thì hậu khổ, đi lại khó khăn, xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị bao vây và tu viện bỗng đơn độc như một pháo đài, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Trong tình hình cấp bách như thế, nhà mẹ không thể túm tụm trong tu viện được nữa rồi. Tranh thủ lúc tranh tối tranh sáng của thời cuộc, và một sự bung ra, lan toả về các giáo xứ để xây dựng các cộng đoàn con cái riêng lẻ là cần thiết để cả tu viện mẹ và cộng đoàn con cùng sống và cùng tồn tại cho qua cơn bĩ cực thời cuộc. Nhưng sau này, mọi người mới thấy được Thánh ý Chúa nhiệm mầu. Chính thời cuộc đó, đã thúc đẩy cho chúng con thực thi sứ mệnh của người đi gieo hạt, “để các con ra đi sinh nhiều hoa trái” và cho “Nước Cha trị đến, Danh Cha cả sáng”.

Có lẽ, giáo xứ Châu Sơn là sự lựa chọn cho bãi đáp sớm nhất của cộng đoàn con cái đầu tiên được thử nghiệm.

Cái ngày nhà mẹ ra riêng cho ba chị Tình, Quảng, Bích với 50 cân gạo - gia tài cầm tay để vào một miền đất mới Gx Châu Sơn, là ngày 11/08/75. Một ngôi nhà xứ - thời lập xứ, ba gian mái tôn xi măng đã cũ kỹ và xuống cấp. Vách ván cũng đã cũ mục mối mọt và chênh vênh để không còn ngăn nổi những cơn gió lạnh mùa đông năm ấy. Và chắc chắn, còn nhiều thiếu thốn tứ bề cho một cuộc ra riêng không chuẩn bị trước cho các chị.

Phải đến bốn tháng sau – tháng 12/75, tôi hãy còn là một thanh tuyển cũng với hai chị thanh tuyển khác cùng được theo các chị vào trú ngụ ở Gx Châu Sơn. Sáu chị em chỉ biết sáng tối kinh nguyện và lao động cho qua ngày tháng. Cái ăn dè xẻn cách mấy của năm mươi ký gạo cũng đã đến những hạt cuối cùng. Mấy chị em thay nhau làm vườn rau cải, xà lách... để ăn độn thêm. Những bữa cơm mà những lát mì khoai choán chỗ trong nồi, chỉ có những hạt cơm lưa thưa dính trên khoai mì mà thôi. Bây giờ nhớ lại, mà thương cho mấy chị em hồi ấy. Khổ thì khổ thật rồi, nhưng mấy chị em lại đầm ấm yên vui lắm! Những bữa cơm dọn ra với một đĩa rau to tướng, chấm với chén nước mắm xẳng mặn đắng, nhưng rồi mấy chị em, chị chấm, em gắp vui vẻ hồn nhiên ăn với nhau một cách ngon lành.

Có lẽ, sau này đời sống được cải thiện ăn uống rất tốt, nhưng tôi chưa bao giờ thấy khẩu vị ngon miệng với một hôm, mua được mấy con cá nục hấp khô khốc nằm cong queo trên đĩa, mấy chị em cùng nhau ăn một cách thú vị lắm!

Rồi đến cái ngày, lon gạo cuối cùng cũng đã được nấu lên cho các chị ăn bữa cuối, thì tình thế nguy nan lắm rồi! Thật sự lúc đó mấy chị em không biết cầu cứu vào đâu? Nhà Mẹ cũng muôn vàn khó khăn. Dân làng cũng phải hấp ngô mì cho qua bữa chứ có khá khẩm chi đâu để nhờ cậy. Mấy ngày đầu đi xứ, 3 chị em Thanh Tuyển chúng tôi đã cảm nhận được cái thiếu hụt cái đói gần kề, quan sát thấy những cây trong vườn ngã đổ ngang dọc có lẻ sẽ cải tạo thành mnh đất trồng hoa màu, liền ra vườn nhặt những trái mảng cầu cháy xém để xào nấu món ăn lạ chưa từng có. Ôi! ngon đáo để. Mấy bữa sau chẳng còn gì ăn, mừng quá lại thấy ngoài bờ rào, có một bụi mì khẳng khiu chơ vơ, mấy chị em hăm hở  vác cuốc ra đào. Đất thì khô cứng, tôi nói với 2 chị: “giờ ta cầu nguyện mong sao cho được 7 củ để có thể  đủ 2 ngày” với hy vọng đó ra sức vừa đào vừa lấy tay moi... Cuối cùng sau khi đổ mồ hôi sôi nước mắt chúng tôi dở khóc dở cười nhìn nhau: “Sao mà Chúa chơi ngon thế này: được tới 13 củ xinh xắn“ nhưng nhìn ngao ngán tất tật mỗi củ chúng chỉ nhỏ nhắn bằng ngón tay, chị em im lặng lủi thủi đi vào, tối đó phải ngủ đói.

Sau thời gian 4 tháng tập sự, 3 chị em trở về Thanh Tuyển viện để chuẩn bị lên Nhà Mẹ nhập lớp tiền tập. Chị Phụ Trách và cộng đoàn quyết định mời cha xứ sang, để trình bày cho vấn đề lương thực đang bí ngõ nên phải tạm dừng việc nhận các em Thanh Tuyển đến giúp xứ. Tôi nhớ bữa đó, không biết ai cho các chị mật, bột nếp và đậu, mà trưa đó, nấu chè đãi cha Trần Quang Diệu, cha xứ lúc bấy giờ. Cha sang thấy nồi chè nghi ngút bốc khói và bảo: “Sao trưa rồi không nấu cơm mà nấu chè ăn”. Chị Qung mới thú thật với cha: “Thưa cha, nhà con chẳng có gì ăn nữa, nhân có người cho đậu nếp, mật, nên chúng nấu chè ăn thay cơm đấy thưa cha! Thú thật nhà con không thể nuôi nổi các thanh tuyển sinh nữa rồi cha ơi! Cha liền bảo: “bên Cha đang còn nửa phi lúa, các chị sang đó lấy đi xay mà nấu ăn! Cứ như thế, rồi sau Chúa sẽ lo liệu cho các con”.

Vừa nghe câu nói thật bình dị thân thương của cha như bà ngoại của tôi thường nói với các con cháu, tôi bật khóc to lên, và các chị cũng oà khóc vì tấm lòng của một người cha hết tình như thế, bảo sao không cảm động được kia chứ! Còn tôi cảm kích tấm lòng của người cha san sẻ cho người con như tình Chúa luôn nâng đỡ con chiên ngài. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên ở một chốn quê ngày ấy!

Sau này, bà con giáo dân thấy cám cảnh, thương mà giúp đỡ: người ký đậu, kẻ ký gạo, người cho trái bầu, bí, đậu cu-ve, xu hào, cải bắp... cũng qua được những tháng ngày cam khổ. Nhưng rồi mấy chị em nhờ xin được mảnh đất lầy của bà Thông, để làm vườn cải thiện thêm rau cải, hành ngò, khoai lang để có cái ăn, và bán để kiếm thêm chút tiền chạy chợ mắm muối gạo chi tiêu qua ngày. Cuộc sống kham khổ với cơm độn ăn tép nước mắm thường xuyên dần cũng quen đi. Chắc chắn những nỗi gian truân không thể thiếu được vào những ngày đó. Nhất là chị em chúng tôi đang ở trong môi trường tu viện, chân yếu tay mềm còn đang bút nghiên sách vở, mà phải lăn lộn, bươn chải, đào đất, nhặt cỏ, sáng chiều đôi thùng tưới trên vai tưới tắm vất vả lắm! Nhưng rồi có cái ăn tiêu nên các chị chẳng quản mưa nắng và hằng ngày vui với luống đất hành ngò tưới tắm.

Tôi nhớ chị Qung thân người mảnh mai là thế, mà sáng sớm nào cũng gánh đè vai, lủng lẳng đi chợ. Mà thời đó, con đường ra thị xã những ngày mưa gió lầy lội, trơn trượt, thì trời ơi! Bây giờ nhớ lại mà còn thấy ớn luôn. Mùa nắng thì bụi bay mù trời, đường dốc ổ gà, gồ ghề quanh co, gánh được gánh rau ra thị xã cũng mướt mồ hôi.

Được một thời gian ngắn, tôi lại trở về tu viện để học, nên không biết sau này các chị có nhiều truân chuyên như thời các chị em chúng tôi không? Nhưng qua những gian truân vất vả khó khăn thời cuộc ấy, có khi tưởng lâm vào ngõ bí không lối thoát, thì chị em chúng tôi mới thấy được sự quan phòng của Thiên Chúa rất gần gũi thân thương và luôn nâng đỡ và phù trì chúng con trên bước đường gian nan.

Ngay chính cuộc đời tu trì của tôi, cũng rất gian nan khó khăn, tưởng không thể đi tu được trót lọt, thì trong con đường tôi luôn được Chúa giúp sức nâng đỡ.

Nữ tu Maria Madalena NTKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây