TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

10 suy niệm Kinh thánh để xưng tội tốt hơn

Chủ nhật - 08/10/2023 10:15 |   838
Bí tích này đôi khi còn được gọi là Bí tích Tha thứ, Hòa giải, Sám hối, cũng như Bí tích Lòng thương xót của Thiên Chúa.
10 suy niệm Kinh thánh để xưng tội tốt hơn

 

 
  •  
    •  

10 SUY NIỆM KINH THÁNH ĐỂ XƯNG TỘI TỐT HƠN
Fr. Ed Broom, OMV

WGPQN (06.10.2023) - Một trong những phúc lành và ơn sủng lớn nhất tuôn chảy từ Thánh Tâm Chúa là lòng thương xót được thể hiện sâu sắc nhất qua Bí tích Giải tội. Bí tích này đôi khi còn được gọi là Bí tích Tha thứ, Hòa giải, Sám hối, cũng như Bí tích Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Những lời đem lại bình an, niềm vui, niềm an ủi và hy vọng không thể giải thích được là những lời mà vị linh mục Công giáo bày tỏ trong lời xá giải ở cuối Bí tích Thương Xót: “Cha tha tội cho con: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Tội lỗi của con đã được tha, chúc con đi bình an!” Cảm nhận bên trong là mọi tội lỗi của tôi đã được tẩy xóa hoàn toàn, được lau sạch, xóa sạch và được tha thứ nhờ Máu Chúa Giêsu đã đổ ra cho tôi trên đồi Canvê, tạo ra niềm vui, sự bình an vượt quá khả năng mà lời nói của con người có thể diễn tả được!

Hai trong số các cử chỉ quan trọng và cao cả nhất mà một người Công giáo có thể thực hiện trên thế gian là: đón nhận Bí tích Thánh Thể Cực Thánh - Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Chúa Giêsu Kitô bằng đức tin, lòng tôn sùng và tình yêu cháy bỏng; sau đó là thú nhận tội lỗi của mình với linh mục (người đại diện cho Chúa Giêsu, Đấng chữa lành và là Bạn) và lãnh nhận bí tích hòa giải, tha thứ tội lỗi.

Trong trường hợp này, chúng ta nên cố gắng bằng tất cả năng lực và nghị lực của con người mình, trau dồi tâm tình nội tâm của mình để lãnh nhận các bí tích này tốt hơn. Tóm lại, mỗi lần lãnh nhận các bí tích này thì cần phải tốt hơn và sốt sắng hơn trước đó. Đó phải là mục tiêu lý tưởng và thường xuyên của chúng ta! Xin Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta!

Cho nên, bài viết vắn tắt này nói về Bí tích của lòng thương xót với mục đích gia tăng nơi chúng ta lòng quý trọng nhiều hơn đối với Bí tích vĩ đại này, một bí tích xuất phát từ Trái Tim yêu thương của Chúa Giêsu bị ngọn giáo đâm thâu, Máu và Nước Châu Báu của Ngài đã chảy ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên (Ga 19,34).

Bài viết này thể hiện quan điểm và chiều kích nguyên bản theo nghĩa nó hoàn toàn và thuần túy dựa trên Kinh thánh. Trên thực tế, 10 đoạn Kinh thánh sẽ được trích dẫn dưới đây biểu lộ mười hoa trái, tác động, phúc lành khác nhau và toàn bộ thực tại thiêng liêng của Bí tích vĩ đại về lòng thương xót và yêu thương của Chúa Giêsu Cứu Thế.

Chúng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ được thúc đẩy để có một niềm tin tưởng vô hạn vào những thuộc tính hay nhân đức cao cả nhất đang bừng cháy trong Trái Tim yêu thương của Đấng Cứu Chuộc và có niềm tin cậy vào Bí Tích Hòa giải. Thiên Chúa đang chờ đợi bạn với tình yêu.

Những tội nhân thành thạo nhất có thể trở thành những vị thánh vĩ đại nhất nếu họ đơn sơ tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Giêsu. Điều làm cho Thánh Tâm Chúa Giêsu tổn thương nhiều nhất, thậm chí còn hơn cả tội lỗi, là sự thiếu tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài. Thánh Phaolô khích lệ chúng ta bằng những lời này: “Ở đâu tội lỗi tràn lan, lòng thương xót của Thiên Chúa càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Sau đây là mười đoạn Kinh thánh liên quan đến Bí tích Hòa giải, nhưng mỗi đoạn có một cách riêng. Hãy cầu nguyện bằng những đoạn Thánh kinh này, hãy suy niệm chúng, hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa và chúng sẽ cung cấp lời tuyên xưng hay nhất trong cuộc đời bạn: “Hãy nếm thử và nghiệm xem cho biết, Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 34,8).

1. Người Con Hoang Đàng: Lc 15, 11-32

Đọc và cầu nguyện bằng dụ ngôn người con hoang đàng trước khi xưng tội. Hãy cầu xin ân sủng để hiểu được điều Thiên Chúa thực sự muốn bạn học được từ kiệt tác thiêng liêng này. Mỗi khi bạn đọc và suy gẫm về viên ngọc tâm linh này, Thiên Chúa sẽ làm cho bạn có thêm những hiểu biết mới và sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, ở mọi nơi và mọi lúc, thông điệp trọng tâm đó là Chúa Cha là Thiên Chúa, Người Cha đầy tình thương, từ bi và trắc ẩn đối với tất cả những ai tin cậy Ngài. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết toàn bộ thông điệp về dụ ngôn này: Dives in Misericordia. Hãy đọc và suy gẫm nó!

2. Thánh Vịnh 51

Cầu nguyện trước và sau khi xưng tội bằng Thánh vịnh 51. Đây là hành vi thống hối[1] mà Vua Đavít đã cầu nguyện sau khi phạm tội ngoại tình với bà Bátsêba và sau đó sát hại người đàn ông vô tội là Uria. Hãy cầu xin ân sủng để bạn có được lòng ăn năn thực sự về tội lỗi của mình.

Sự đau buồn thực sự, thống hối thực sự và chân thành là điều cần thiết để xưng tội tốt. Vua Đavít khiêm tốn thừa nhận rằng tội lỗi là do chính ông gây ra và không đổ lỗi cho ai ngoại trừ chính mình. Ước gì chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và luôn chỉ trách mình, giống như vua Đavít, tin tưởng vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa!

3. Gioan 20, 21-23

Đọc và suy niệm về việc thiết lập Bí tích Hòa giải vào đêm Phục sinh đầu tiên khi các Tông đồ ở trong Phòng Tiệc Ly và Chúa Giêsu ban Thần Khí trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần: các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; các con cầm buộc ai thì tội người ấy bị cầm buộc”.

Hãy chân thành biết ơn vì món quà tuyệt vời Chúa đã ban cho Giáo hội và các thành viên của Giáo hội vào cùng ngày chúng ta mừng chiến thắng vinh quang của Ngài trước cái chết, ngày Phục sinh của Ngài từ cõi chết. Thực vậy, mỗi khi đi xưng tội, đích thân chúng ta cử hành cái chết đối với tội lỗi nơi con người của mình và hướng đến cuộc sống mới đầy ân sủng! Mỗi lần xưng tội là một kinh nghiệm Phục sinh-Vượt qua! Chúa Giêsu đã sống lại trong chúng ta, Alleluia!

4. Gioan 21, 15-19

Hãy đọc và suy ngẫm cuộc đối thoại này giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Sau khi các Tông đồ đánh được một mẻ cá cách thần kỳ, Chúa Giêsu với Phêrô cùng bách bộ dọc bờ biển và Ngài hỏi ông ba lần xem Phêrô có thực sự yêu mến Ngài không. Phêrô sửa chữa ba lần ông đã chối Chúa sau Bữa Tiệc Ly.

Hãy xin ơn sám hối tội lỗi của mình thực sự và thực hiện một hành vi thống hối hoàn hảo - một sự ăn năn của tình yêu! Tình yêu lấp đầy muôn vàn tội lỗi. Bạn trở thành Phêrô biết ăn năn. Hãy nói với Chúa rằng bạn thực sự hối hận về tội lỗi của mình và bạn thực sự yêu mến Chúa biết bao.

5. Luca 15, 1-7

Người Mục Tử Nhân Lành bỏ lại 99 con chiên để đi tìm con chiên bị thất lạc. Hãy nhận ra rằng bạn là con chiên lạc và bạn có giá trị lớn lao trước mắt Chúa. Linh hồn của bạn có giá trị vô biên trước mắt Chúa. Bạn đã được cứu chuộc không phải bằng máu chiên con hay dê, cũng không được mua lại bằng vàng hay bạc, nhưng được giải thoát và cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (1Pr 1, 18-19).

6. Gioan 10

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đi tìm con chiên lạc. Tuy nhiên, một khi bạn đã trải nghiệm được vòng tay yêu thương của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành thì việc trở thành Mục Tử Nhân Lành cho đàn chiên mà Chúa Giêsu giao phó cho bạn là tùy thuộc vào bạn.

Chìa khóa để chúng ta trở thành Mục Tử Nhân Lành là, trước hết, chúng ta phải là chiên tốt của người Mục Tử Nhân Lành ấy, biết nghe tiếng Ngài và bước theo Ngài. Sau khi chúng ta đã trải nghiệm, cảm nếm và thấy được lòng nhân lành của Chúa trong việc xưng tội, chúng ta hãy đưa người khác đến với vòng tay yêu thương của Mục Tử Nhân Lành ấy!

7. Luca 23, 39-43

Chúa Giêsu và tên trộm lành. Trong đoạn văn này, hãy tin chắc rằng những tội nhân tồi tệ nhất hoàn toàn có thể trở thành những vị thánh vĩ đại nhất, đơn giản là khi chúng ta biết tin cậy vào Chúa. Lạy Chúa Giêsu chúng con tin cậy vào Chúa. Lạy Chúa Giêsu chúng con tin cậy vào Chúa. Lạy Chúa Giêsu chúng con tin cậy vào Chúa.

Đấng đáng kính Fulton J. Sheen khẳng định cách mạnh mẽ: “Tên trộm lành đã chết như một tên trộm vì hắn đã đánh cắp thiên đàng”. Hãy rao giảng từ trên mái nhà lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, ngay cả với những người tin rằng tội lỗi của họ vượt quá lòng thương xót của Ngài! Một trải nghiệm thực sự truyền cảm hứng cho chúng ta là đọc Nhật ký về Lòng Chúa Thương Xót Trong Tâm Hồn Tôi của Thánh Maria Faustina.

8. Matthêu 8, 1-4

Mỗi Bí tích đều có một ân sủng bí tích riêng biệt - Bí tích Hòa giải là sự chữa lành! Chúa Giêsu đến để chữa lành và chữa lành những người bệnh tật, tất cả họ đều tin cậy nơi Ngài. Chúng ta phải nhận ra chính mình nơi người phong hủi; tội lỗi là phong hủi và tất cả chúng ta đều là tội nhân. Như Chúa Giêsu đã chạm và chữa lành người phong hủi thế nào thì Ngài cũng có thể chạm vào và chữa lành tôi nếu tôi cho phép Ngài”. “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết”.

Thánh Đamien, người làm việc với những người cùi trên đảo Molokai ở Hawaii, đã đau khổ rất nhiều vì không có linh mục nào chữa lành bệnh phong cùi thiêng liêng của chính mình. Cảm ơn Chúa vì bạn được tiếp cận với các linh mục, người có thể chữa lành bệnh phong cùi của bạn thông qua việc Xưng tội!

9. Galata 5, 16-26

Thánh Phaolô so sánh những người sống theo xác thịt và những người sống theo Thần Khí. Những người sống theo xác thịt sẽ nhận được mùa gặt của sự hư nát và chết chóc. Những ai sống theo Thần Khí sẽ nếm hưởng hoa trái của Thánh Thần và sự sống đời đời.

Việc xưng tội giúp chúng ta loại bỏ các công việc của xác thịt và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ước mong mỗi người chúng ta biết rèn luyện thói quen xưng tội thường xuyên, chiến thắng và chinh phục những ham muốn xác thịt và sống tự do đích thực như người con của Thiên Chúa.

10. Gioan 11: Kinh nghiệm của Lazarô

Thánh Augustinô so sánh việc xưng tội với ông Lazarô. Lazarô đã chết và đã được chôn cất bốn ngày, và rồi Chúa Giêsu đến làm cho ông sống lại. Những gì xảy ra xét về mặt thiêng liêng trong việc Xưng tội cũng giống như vậy: chúng ta bỏ lại cuộc sống xưa của tội lỗi, cái chết thiêng liêng của mình qua việc Xưng tội (những băng vải - tượng trưng cho tội lỗi của chúng ta) và chúng ta bước vào cuộc sống mới trong Thần Khí.

Chúng ta hãy cầu nguyện và hy vọng rằng những đoạn Kinh Thánh này sẽ dọi chiếu luồng sáng mới trên viên ngọc, viên kim cương, món quà quý giá mà Chúa Giêsu nhân từ đã ban cho chúng ta, và như bước đệm đưa chúng ta đến tòa giải tội để nơi đó chúng ta cảm nghiệm được đại dương vô tận về lòng thương xót của Chúa. “Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Thánh vịnh 118).

 
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Trích từ: TenBiblical Meditations for Making a Good Confession (catholicexchange.com) (25.09.2023)
Nguồn: gpquinhon.org (06.10.2023)
 
 
[1] [ND] : Lời nguyện của hối nhân nơi Bí Tích Hòa Giải, mà qua đó hối nhân tỏ lòng buồn rầu ăn năn vì những tội lỗi chót phạm vừa mới được xưng thú trước khi được lãnh nhận phép xá tội. Nói chung là một hành vi thống hối vì đã làm mất lòng Chúa. Một cử chỉ ăn năn cách trọn là nỗi đau buồn tận tâm khảm và kinh tởm những tội lỗi mình đã phạm vì những tội này làm mất lòng Chúa, Đấng đáng được ta yêu thương trên hết mọi sự. Và qua đó, hối nhân mong muốn chừa bỏ tội lỗi.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/10-suy-niem-kinh-thanh-de-xung-toi-tot-hon-52774

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây