TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 22/08/2024 14:33 |   195
“Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.” (Mt 23,23-26)

27/08/2024
thứ ba tuần 21 thường niên

Thánh Mônica

t3 t21 TN

Mt 23,23-26


chính – phụ
Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.(Mt 23,23-26)

Suy niệm: Đức Giê-su thẳng thắn chỉ cho người Pha-ri-sêu và các kinh sư thấy sai lầm của họ: chỉ tuân giữ các luật lệ bên ngoài, nhưng lại bỏ qua trọng tâm của các luật lệ là “công lý, lòng nhân và thành tín.” Như vậy, họ tuân giữ điều phụ tùy, mà cố tình bỏ qua cái chính yếu. Con người ngày nay, cách riêng các bạn trẻ, dễ lẫn lộn giữa điều chính và việc phụ, giữa thực tại và cái ảo tưởng. Chẳng hạn: đắm chìm với cuộc sống ảo trên mạng xã hội, rút lui, xao lãng cuộc sống thực. Khi cuộc sống ảo lên ngôi, các giá trị tưởng tượng được đề cao, thì cuộc sống thực, các giá trị thực sự như tình yêu thương con người, lòng bác ái, bao dung tha thứ, hy sinh vì tha nhân bị xem nhẹ. Trong một xã hội như vậy, người Ki-tô hữu cũng bị ảnh hưởng, quá chú trọng đến những hình thức bên ngoài như đọc kinh, dự lễ, rước kiệu hoành tráng, Thánh lễ đại trào đông người tham dự, cuộc hội họp đông đảo, nhưng xao lãng điều cốt lõi của đạo mình: lòng mến Chúa yêu người.

Mời Bạn: Cốt lõi của mọi lề luật là công bình và bác ái. Vì thế, bạn hãy chọn hai nhân đức ấy là tiêu chuẩn cho đời Ki-tô hữu của mình, cũng như áp dụng cho mọi cách hành xử trong đời thường.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian cuối ngày để xét mình, xem tôi đã thực thi đức công bình và bác ái như thế nào với người khác, đặc biệt với những người sống ngay bên cạnh mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đề cao đức công bằng và yêu thương trong đời sống. Xin cho con sống đức công bằng, thực thi lòng nhân, sự thành tín (x. Mt. 23,23) khi vâng giữ lề luật, ngõ hầu cho con mến Chúa – yêu người thật tâm. Amen.

Ngày 27: Lạy Chúa! Xin cho chúng con: đừng mất công than vắn, thở dài trước mặt người khác; bởi có nói, họ cũng chẳng bận tâm. Có một số việc, buông xuống được, chúng con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Có một số người, chợt nhớ đến, cũng làm chúng con hạnh phúc. Có nỗi đau, nghĩ thông suốt, sẽ giúp chúng con thêm mạnh mẽ. Khi gặp những điều trái ý nghịch lòng, xin cho chúng con thay vì than thân trách phận, thì biết can đảm đối mặt, việc của mình, thì tự mình giải quyết, mong cầu người khác, đôi khi, thất vọng lại nặng nề hơn. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 21 thường niên

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đáng cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 2, 1-8

“Chúng tôi rất vui lòng trao phó anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em cũng biết rằng sự chúng tôi đến với anh em không phải là luống công; nhưng dù khi trước chúng tôi phải khốn khổ, sỉ nhục tại thành Philipphê, như anh em đã biết, chúng tôi vẫn cậy trông vào Thiên Chúa chúng ta mà chuyên lo rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Vì chưng chúng tôi không khuyên dạy những điều sai lầm, những điều ô uế, những điều gian dối, nhưng như chúng tôi đã được Thiên Chúa thử thách để anh em được tin theo Tin Mừng thế nào, thì chúng tôi giảng dạy mà không muốn làm đẹp lòng người đời, nhưng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách tấm lòng chúng tôi như vậy.

Bởi vì chúng tôi không bao giờ nói lời dua nịnh, như anh em biết, và cũng không tìm dịp trục lợi, như Thiên Chúa chứng giám: chúng tôi không cầu vinh nơi loài người, dầu với anh em hay với ai khác, dù chúng tôi có thể làm phiền hà anh em, với danh nghĩa là Tông đồ của Ðức Kitô, nhưng chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 4-6

Ðáp: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con (c. 1a).

Xướng: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con. Ngài biết con, lúc con ngồi khi con đứng; Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con.

Xướng: Khi lời nói chưa lên tới đầu lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả rồi; sau lưng hay trước mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt tay. Ðối với con sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con thực không thể hiểu ra.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tx 2, 1-3a. 13-16

“Anh em hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, nhân vì sự Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sẽ đến, và sự tập họp của chúng ta trong Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội thay lòng đổi dạ, chớ kinh hãi vì linh ứng, lời giảng hay thư từ nào, dường như của chúng tôi gởi tới loan báo ngày Chúa gần đến. Ðừng để ai lừa dối anh em cách nào.

Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng của chúng tôi mà kêu mời anh em đến lãnh nhận vinh quang của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu Kitô. Anh em thân mến, vì vậy anh em hãy đứng vững, hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết hoặc bằng lời giảng dạy, hoặc bằng thư từ chúng tôi đã viết. Nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 10. 11-12a. 12b-13

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13ab).

Xướng: Hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.

Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.

Alleluia: Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 23, 23-26

“Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

“Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA THAN TRÁCH CÁC LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI (Mt 23,33-36)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su tiếp tục than trách các luật sĩ và biệt phái: họ lo nộp thuế thập phân đầy đủ, còn những điều luật quan trọng như công bình, bác ái, thành tín  thì họ lại không tuân giữ… Họ lại rửa sạch chén đĩa, còn lòng họ thì đầy dẫy thói gian tham, cướp bóc… Đúng thật là họ giả hình. Họ chỉ lo sạch sẽ bên ngoài mà không lo sạch tội bên trong; họ lo giữ mọi thứ luật nhỏ nhặt mà lại bỏ các luật quan trọng chính yếu.

2. Chú trọng vào cái tùy thuộc mà bỏ quên điều chính yếu

Chúa Giê-su gay gắt lên án các luật sĩ và biệt phái giữ tỉ mỷ các khoản luật nhỏ, nhưng lại sống thiếu đức công bằng bác ái. Họ sẵn sàng nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, là những thứ hoa mầu phụ không bắt buộc, trong khi luật Maisen chỉ qui định nộp thuế thập phân các sản phẩm từ hoa mầu ruộng đất, mà họ lại bỏ qua những điều quan trọng nhất trong Lê luật là công lý, lòng nhân và thành tín.

Điều Chúa muốn là: “Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”. Nghĩa là trong khi chúng ta vẫn tuân giữ những điều luật quy định từ tôn giáo đến xã hội, nhưng cũng đồng thời phải sống đức công bình, lòng nhân và thành tín. Tóm lại, hãy tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người.

3. Chú trọng vào cái mã bên ngoài

Các luật sĩ và biệt phái xưa lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ: “Họ lo rửa sạch bên ngoài, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”.

Những người biệt phái diện đồ Kinh Sư để giảng dạy Thánh Kinh và đại diện dân để dâng của lễ, thực ra, họ làm điều đó không vì lòng mến Chúa mà đó là cái nghề để được hưởng tiền đóng góp – tiền thuế của dân, nhất là tiền dâng cúng của những người nghèo. Họ giả bộ đạo đức để được tiếng khen và được dân tin tưởng xin họ cầu nguyện, nhưng thực chất dưới cái vỏ bọc Kinh Sư ấy là một sự thối nát như “mồ mả tôi vôi” (Hiền Lâm).

4. Thuế thập phân là loại thuế trích từ một phần mười lợi tức của vụ mùa hằng năm dâng cho Thiên Chúa (Đnl 14,22-24) dành cho việc thờ phượng Đức Chúa ở Đền thờ, và chu cấp cho những người làm việc ở đó. Thuế này mang ý nghĩa: Thiên Chúa được nhìn nhận như là chủ sở hữu của mọi sự, đặc biệt dân Chúa bày tỏ lòng biết ơn với của cải Thiên Chúa ban cho. Ngoài khoản thuế thập phân trên đây, người biệt phái còn nộp thêm một phần mười hoa mầu của bạc hà, thì là, rau húng, là những thứ hoa mầu phụ không bắt buộc. Chúa Giê-su trách họ chú trọng đến việc nộp thuế phụ này, đang khi sao lãng những điều quan trọng, căn bản nhất trong Lề luật là sự công bằng, lòng nhân và thành tín, là những điều phải được đặt lên hàng đầu (5 phút Lời Chúa).

5. Tuy nhiên, vụ hình thức hay giả hình không chỉ là nét đặc thù của những biệt phái thời Chúa Giê-su. Ở thời đại nào, nó cũng vẫn là cơn cám dỗ triền miên đối với các Ki-tô hữu. Chúng ta dễ có khuynh hướng trau chuốt bề ngoài để che đậy những xấu xa bẩn thỉu bên trong. Dĩ nhiên, xã hội nào cũng phải có những ràng buộc nhằm tạo nên trật tự và hài hòa. Nhưng nếu sự hài hòa đó không là thể hiện của trật tự nội tâm con người, thì nó chỉ là một cái vỏ giả tạo. Triết gia Trung hoa là Vương Dương Minh đã đưa ra lý tưởng “Nội thánh ngoại vương”, cái diện ngoại vương giả thanh lịch phải là phản ánh chính sự thánh thiện nội tâm (Mỗi ngày một tin vui).

6. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Nếu dạ chính trực, lòng nhân nghĩa chưa thực sự là động lực thúc đẩy và hướng dẫn mọi sinh hoạt tôn giáo của chúng ta, thì có lẽ chúng ta không hơn gì những biệt phái thời Chúa Giê-su: chúng ta chỉ quan tâm đến cái bề ngoài mà quên đi cái cốt lõi của đạo là tình yêu.

7. Truyện: Sống đạo nửa vời

Một buổi sáng lạnh lẽo và gió lớn, khoảng 2 giờ sáng, chuông điện thoại nhà xứ bỗng reo vang. Có tiếng hốt hoảng la lên: “Cha ơi, cha nhanh đến xức dầu cho ngoại con với”.

Vì nhà của người gọi điện thoại cách xa nhà xứ một cánh rừng lầy lội, cha xứ đành phải đi bộ. Khi đi được một đoạn giữa cánh rừng, ngài chợt thấy xuất hiện một bóng đen cầm súng bước ra từ giữa bụi cây và truyền lệnh: “Đưa tiền đây”!.

Cha xứ hốt hoảng run rẩy bảo tên cướp rừng rằng: “Ví tiền của tôi ở trong áo khoác”, và khi ngài đưa tay mở nút áo khoác để lấy ví tiền, tên cướp nhận ra người đứng trước mặt mình là một linh mục, hắn liền ấp úng nói: “Ôi! Con không biết là cha. Con xin lỗi, xin cha cất tiền đi”.

Bình tĩnh lại, cha xứ mời hắn một điếu thuốc, nhưng hắn vội lắc đầu và nói: “Không, con cám ơn cha, trong Mùa Chay con có thói quen không hút thuốc”.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Mônica

Ca nhập lễ

Đây là người phụ nữ khôn ngoan đã xây dựng cơ nghiệp, và vì kính sợ Chúa, người tiến bước trên con đường ngay chính.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, là đấng an ủi những ai sầu khổ. Chúa đã đoái thương nhận lời thánh Mô-ni-ca khóc than cầu khẩn, cho con bà là Âu-tinh được ăn năn trở lại cùng Chúa. Xin cũng nhận lời hai thánh chuyển cầu, mà cho chúng con biết thực tình ăn năn hối lỗi, để được Chúa khoan hồng thứ tha. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng tiến của lễ này để kính nhớ thánh nữ Mô-ni-ca xin Chúa thương chấp nhận mà tha thứ tội lỗi chúng con và ban cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai làm theo ý Cha Ta Đấng ngự trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong ngày lễ kính thánh Mô-ni-ca Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng con. Xin cho bí tích này vừa đem lại ánh sáng cho tâm hồn vừa đốt nóng lòng tin yêu của chúng con. Nhờ đó, càng ngay chúng con càng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện và chuyên lo làm việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh nữ Mônica qua đời tại Ostie gần Roma mùa thu năm 387, lễ kính được ghi vào lịch Roma ngày 4 tháng 5, áp lễ kỷ niệm cuộc trở lại của con là thánh Augustin. Ngày nay lễ được cử hành vào áp trước lễ duy nhất mừng thánh Augustin vào ngày 28 tháng tám.

Thánh nữ Mônica sinh tại Thagaste (Souk-Ahras, Algérie) năm 332 trong một gia đình công giáo. Kết bạn với Patricius, một nghiệp chủ ở Thagaste thương vợ nhưng nóng nảy, bà học cách thương chồng, và cả chịu đựng những chuyện thiếu chung thủy của chồng một cách hiền lành và kiên nhẫn. Bà có với Patricius ba người con: Augustin, Navigius và một người con gái, chết lúc còn làm bề trên nữ tu viện Hippone. Năm 424. Patricius vốn là một người lính viễn chinh Roma ngoại đạo trở thành dự tòng năm 370 và lãnh bí tích thánh tẩy vào năm sau, trên giường bệnh. Ông để lại cho vợ cậu con trai Augustin mười sáu tuổi, đang là dự tòng, nhưng tính tình lộn xộn. Bà đi theo con trai từ Madaure đến Carthage, nhất quyết sống cạnh cậu quí tử sa đọa chứ không xa con vì các sai lạc của cậu. Nhưng bà thất vọng đau đớn khi Augustin sang Italia, về sau bà mới đến được với cậu ở Milan, khi Augustin nhận ghế giáo sư tu từ học và đã được thánh giám mục Ambroise chinh phục cải đạo cho. Phục sinh 387, đêm 24 tháng tư, bà vui mừng được dự lễ rửa tội cho con trai.

Nhưng cũng vào chính cuối năm đó, sau một thời gian sống với con trai và bạn hữu ở Cassiciacum, bà qua đời tuổi mới năm mươi lăm, ở Ostie, bên cạnh Augustin, khi đang chuẩn bị trở về Châu Phi. Xác bà được chôn cất trong chính ngôi nhà nơi bà tắt thở. Với những ai thắc mắc có sợ bỏ xác nơi đất khách quê người không, bà trả lời: “Đối với Chúa, không có gì là xa hay gần, đâu có sợ vào ngày thế mạt Chúa không nhận ra nơi đã phục sinh tôi” (Confessions IX,II).

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày nhắc đến “những giọt nước mắt thánh nữ Mônica đổ ra cho sự trở lại của Augustin con trai mình” đã được Chúa đón nhận với lòng yêu thương. Bà đã được yên ủi lần đầu tiên khi nghe những lời tiên báo của vị giám mục ở Thagaste lúc Bà nhờ Người đánh tan các điều lầm lạc của con trai: “Thôi mà … Tôi nói thật đấy, đứa con đã làm bà rơi nhiều nước mắt, không thể hư mất đâu” (Confessions III,12).

Phụng vụ bài đọc dẫn một trang trong sách Tự Thuật nhắc lại những ngày cuối đời của thánh nữ Mônica ở Ostie và cuộc tâm sự với Augustin: “Vậy là chỉ có chúng con nói chuyện với nhau, thật êm đềm. Quên đi quá khứ, nghĩ tới tương lai, chúng con cùng nhau tìm hiểu nơi Đấng chân lý, nghĩa là nơi Chúa, thế là cuộc sống vĩnh cửu của các thánh mà mắt chưa thấy, tai chưa nghe, trái tim không thể hiểu thấu. Tâm hồn chúng con hăm hở mở rộng đón những đợt sóng thiên đình từ nguồn mạch của Ngài, nguồn mạch sự sống trong Ngài”. Cũng trong trích đoạn đó, thánh Augustin kể lại những lời nói cuối cùng của bà mẹ thánh thiện này: “Con ơi, đối với mẹ không còn gì ở trần gian này làm mẹ vui thích. Mẹ còn làm gì ở đây đâu? Sao mẹ còn ở đây? Mẹ không biết. Trông đợi ở đời này đối với mẹ giờ đây đã cạn. Chỉ còn một điều mà mẹ muốn nán lại nơi đời này ít lâu là trước khi mẹ nhắm mắt, được thấy con thành người công giáo; về điều này Chúa đã ban cho mẹ quá hơn mong đợi, vì mẹ thấy giờ đây con đã là tôi tớ Chúa đến độ coi khinh các hoan lạc trần thế. Mẹ còn làm gì ở đây?” (IX,10)

Trong nước mắt và lời cầu nguyện, thánh Mônica đã biết tin tưởng vào Chúa và giao con trai Augustin cho Người. Gương mẫu của bà cho chúng ta thấy rằng muốn đưa một linh hồn về với Chúa, cần hành động một cách hiền từ, tin tưởng và kiên nhẫn, bởi vì Chúa không dập tắt đốm lửa sắp tàn (Is 42,3), Người sẽ can thiệp vào thời điểm của Người.

Enzo Lodi


KHÓC THAN CẦU KHẨN
(LỄ THÁNH MÔNICA 27/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Mônica hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Đấng an ủi những ai sầu khổ, Chúa đã đoái thương nhậm lời thánh Mônica khóc than cầu khẩn, mà cho con bà là thánh Autinh được ăn năn trở lại cùng Chúa. Xin Chúa cũng nhậm lời hai thánh chuyển cầu, mà cho chúng ta biết thật tình ăn năn hối lỗi, để được Chúa khoan hồng thứ tha. Thánh nữ sinh năm 331 tại Tagát, Châu Phi, trong một gia đình theo Kitô giáo. Lúc còn thanh xuân, thánh nữ đã kết hôn với anh Patrixiô và sinh được những người con, trong đó có thánh Autinh. Khi Autinh mất đức tin, thánh nữ đã dâng những dòng lệ tựa những lời cầu nguyện âm thầm lên Thiên Chúa. Khi thấy Autinh trở lại, thánh nữ đã tràn ngập vui mừng. Người không còn gì để chờ đợi ở trần gian này nữa, Thiên Chúa đã gọi người về ở Ốttia, năm 387, khi người đang sửa soạn trở về Châu Phi, quê hương của người. Thánh nữ là tấm gương sáng chói cho những người làm mẹ: nuôi dưỡng lòng tin bằng lời cầu nguyện và chiếu tỏa ra bên ngoài bằng các nhân đức.

Khóc than cầu khẩn, kiên trì trong mọi cơn gian nan thử thách sẽ cho ta sức mạnh để chu toàn sứ mạng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Ông hầu như miễn cưỡng nhận lời mời gọi lãnh một sứ mạng nặng nề. Sau này ông sẽ nếm mọi mùi cay đắng, và sẽ trách Thiên Chúa không giữ lời hứa trợ giúp ông. Điều này càng làm ta khâm phục hơn thái độ trung kiên của một kẻ anh hùng, hầu như một mình đương đầu với tất cả, nhưng khi ông chu toàn sứ mạng, chính Thiên Chúa ban sức mạnh cho ông. Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi. Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi… Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta, Ta đặt ngươi làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.

Khóc than cầu khẩn, chỉ tin tưởng, cậy trông, bám víu một mình Chúa mà thôi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Mônica nói: Xác này, cứ chôn chỗ nào cũng được. Đừng bận tâm lo lắng gì chuyện đó. Mẹ chỉ xin hai con một điều, là dù chúng con ở đâu, thì cũng nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa… Thời gian chẳng còn bao lâu; vậy ai vui mừng, hãy sống như chẳng mừng vui; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.

Khóc than cầu khẩn, để đứng vững trước những lời dối trá của thế gian, nếu lỡ sai đường, hãy sám hối trở về, để được Chúa xét xử khoan hồng, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống, mà chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 95, vịnh gia đã cho thấy: Chúa ngự đến xét xử trần gian. Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng! Lời Chúa sống động hữu hiệu, phê phán tâm tình, tư tưởng của lòng người, ước gì chúng ta hằng biết tin tưởng cậy trông ở Lời Chúa, chứ không nghe theo những lời xu nịnh của thế gian; biết thực hành những gì chính yếu mà Chúa dạy, chứ không chạy theo những gì phụ tùy để thỏa mãn những nhu cầu chóng qua, mà bỏ quên luật Chúa. Chúa đã đoái thương nhậm lời thánh Mônica khóc than cầu khẩn, mà cho con bà là thánh Autinh được ăn năn trở lại cùng Chúa. Ước gì chúng ta cũng biết thật tình ăn năn hối lỗi, để được Chúa khoan hồng thứ tha. Ước gì được như thế!

SẼ TỎA SÁNG

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy rửa bên trong trước đã, để bên ngoài cũng được sạch!”.

“Lề luật không phải là cây chổi quét sạch nhưng là ánh sáng tiết lộ căn phòng bẩn đến mức nào! Quét dọn là việc của Thánh Thần và của mỗi linh hồn. Được thế, từ bên trong, linh hồn nên thanh sạch và nó nhất định sẽ toả sáng ra bên ngoài!” - Dr. Phil Williams.

Kính thưa Anh Chị em,

Tác nhân của việc thanh tẩy bên trong là Chúa Thánh Thần và linh hồn mỗi người! Thông điệp của Williams được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Với lòng xót thương, Chúa Giêsu chỉ cho các biệt phái bí quyết “để bên ngoài cũng được sạch”, đó là phải thanh tẩy tâm hồn từ bên trong. Từ đó, sự thánh thiện của nó ‘sẽ toả sáng’.

Điều Chúa Giêsu tiết lộ là nội tâm mỗi người vốn có thể đang “đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ” khi bên ngoài vẫn có vẻ thánh thiện, ưa nhìn. Bộ lông con công thật sặc sỡ nhưng chỉ để trang sức, khoe mẽ, hơn là để giữ ấm. Đây là vấn đề của các biệt phái! Họ quá chú tâm vẻ bên ngoài mà lơ là cái bên trong. Chúa Giêsu cho biết, lý tưởng là hãy bắt đầu bằng việc thanh tẩy nội tâm. Khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ có một trái tim ngăn nắp, đầy cảm hứng và tâm hồn trở nên xinh đẹp. Vẻ đẹp này không thể bị kìm hãm nhưng ‘sẽ toả sáng’ và sớm muộn, những người khác cũng sẽ nhận ra.

Ai chỉ lo dáng vẻ bên ngoài - theo Đức Phanxicô - là “Những người theo tôn giáo trang điểm”. Ngài nói, “Phần chúng ta, chúng ta không bao giờ mệt mỏi để chống lại tôn giáo trang điểm; không bao giờ mệt mỏi khi từ chối tôn giáo của vẻ bề ngoài, tôn giáo của sự giả vờ. Thay vào đó, chúng ta cam kết làm điều thiện một cách lặng lẽ và như vậy có được sự tự do nội tâm. Hãy cẩn thận với chính mình, cám dỗ này buộc chúng ta xem lại cuộc sống. Tôi không mở lòng để tự do cầu nguyện, tự do bố thí và tự do làm những công việc của lòng thương xót thì làm sao tôi ‘sẽ toả sáng?’”.

Vậy những người khác có thấy trái tim bạn toả sáng không? Bạn có rạng rỡ không? Nếu không, hãy nghe lại lời Chúa Giêsu, “Khốn cho các người!”. Vì tình yêu và lòng thương xót của Ngài, có thể bạn cần được quở trách. Phaolô hôm nay cũng thao thức, “Xin cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành!” - bài đọc một. Hãy để Lời Chúa thanh luyện. Điều đó có thể gây đau đớn, nhưng cần thiết. Vì lẽ, nhờ sự thanh luyện này, bạn mới có thể toả sáng.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy rửa bên trong trước đã, để bên ngoài cũng được sạch!”. Như “Ánh sáng tiết lộ căn phòng bẩn đến mức nào”, Lời Chúa tiết lộ lòng dạ mỗi người chúng ta. Việc còn lại là “việc của Thánh Thần và của mỗi linh hồn”. Vì thế, hãy để Thánh Thần quét tước và linh hồn cộng tác với Ngài hết sức có thể. Hãy bảo đảm với linh hồn rằng, động lực thúc đẩy mỗi lời nói, mỗi việc làm của tôi là một ‘động lực thánh thiện’; vì thế, cần kiểm tra trái tim thường xuyên hầu có thể làm tất cả với ý định thuần khiết. Bấy giờ linh hồn là cung điện của Thánh Thần, bạn và tôi có thể toả sáng và nhất định ‘sẽ toả sáng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo ‘tôn giáo trang điểm’, nó chỉ gây mệt mỏi, vô hồn và giả hình. Giúp con chuyên chăm quét dọn linh hồn, cụ thể với Bí tích Hoà Giải!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây