21/08/2024
thứ tư tuần 20 thường niên
Thánh Piô X, giáo hoàng
Mt 20,1-16a
lòng tốt không được tính bằng thời gian
“Vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức sao?” (Mt 20,1-16a)
Suy niệm: Câu hỏi Chúa Giê-su đặt ra trên đây không chỉ áp dụng cho các thợ làm vườn nho ganh tỵ với người đến sau được trả lương cao bằng họ, nhưng vẫn mang tính thời sự với ta hôm nay. Người ta ghen ghét, ganh tỵ nhau chỉ vì lòng tốt của ai đó dành cho người kia kẻ nọ không xứng hợp, đang khi họ không bằng ta, lẽ ra chỉ mình ta xứng đáng. Ba chữ “không công bằng” hay “bất công” có thể cho vào ngoặc kép, muốn nói lên rằng nếu xử sự công bằng trong tình yêu, thì còn gì là yêu thương, tình yêu đâu có thể cân đo đong đếm, lúc nào yêu ít, lúc nào yêu nhiều, người được yêu thương có đáng hay không. Ông chủ vườn nho, hình ảnh của Thiên Chúa, xử sự công bằng với các thợ đến trước: một đồng quan như đã thỏa thuận, nhưng đồng thời bày tỏ lòng thương xót với các thợ đến sau: cũng được hưởng niềm vui, hạnh phúc như những người thợ đến trước. Ngài muốn mọi người, không trừ ai, được sống và sống dồi dào mỗi ngày.
Mời Bạn: Ta không thể tính toán cân đo tình yêu theo công thức toán học. Sự yêu thương hay lòng tốt bụng phát xuất từ tấm lòng nhạy bén, đụng chạm đến nỗi thống khổ của người khác, dù họ xứng đáng hay không.
Sống Lời Chúa: Có khi nào bạn thấy bực tức, khó chịu với Chúa, cha mẹ, nghĩ rằng các vị không công bằng với bạn không? Thay vì vậy, bạn hãy ca ngợi lòng thương xót của các ngài dành cho người khác, cho anh chị em của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con khám phá ra chiều sâu của các nghĩa cử yêu thương nơi Chúa, nhờ đó con luôn thấy mình cũng được Chúa yêu theo một cách thế độc đáo. Amen.
Ngày 21: Lạy Chúa! Xin cho chúng con đừng sợ bị lợi dụng, chỉ e rằng: bản thân mình không có gì để người khác có thể dùng đến. Gặp lúc có lợi, xin cho chúng con đừng giành hết cho mình, bởi vì, lợi lộc giành giật cả đời cũng không thể tận, biết đủ nên dừng. Dù có lý, xin cho chúng con cũng đừng truy người đến cùng, bởi vì, lý lẽ thế gian, dù tranh luận ngàn năm cũng không thể hết, có đạt được chiến thắng, thì chúng con cũng đã đánh mất lòng khiêm nhu hiền hậu. Xin cho chúng con biết tìm kiếm sự thật trong tình yêu Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ tư tuần 20 thường niên
Ca nhập lễ
Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Tl 9, 6-15
“Ðang khi Chúa ngự trị giữa chúng tôi, các ngươi đã nói: “Xin cho một vua cai trị chúng tôi”.
Trích sách Thủ Lãnh.
Khi ấy, mọi người Sikem và tất cả các gia tộc thành Mêllô tụ họp lại, rồi kéo nhau đến gần cây sồi ở Sikem, và tôn Abimêlech lên làm vua.
Khi ông Giotham nghe tin ấy, liền đi lên đứng trên đỉnh núi Garizim, lớn tiếng kêu lên rằng: “Hỡi người Sikem, hãy nghe ta, để Thiên Chúa cũng nghe các ngươi. Các cây cối đều đến xức dầu phong một vị vua cai trị chúng, và nói cùng cây ôliu rằng: “Hãy đi cai trị chúng tôi”. Cây ôliu đáp lại rằng: “Chớ thì ta có thể bỏ việc sản xuất dầu mà các thần minh và loài người quen dùng, để được lên chức cai trị cây cối sao?” Các cây cối nói cùng cây vả rằng: “Hãy đến cầm quyền cai trị chúng tôi”. Cây vả trả lời rằng: “Chớ thì ta có thể bỏ sự ngọt ngào của ta, bỏ hoa trái ngon lành của ta, để được lên chức cai trị các cây cối khác sao?” Các cây cối nói với cây nho rằng: “Hãy đến cai trị chúng tôi”. Cây nho đáp rằng: “Chớ thì ta có thể bỏ việc cung cấp rượu, là thứ làm cho Thiên Chúa và loài người được vui mừng, để được lên chức cai trị các cây cối khác sao?” Tất cả những cây cối nói với bụi gai rằng: “Hãy đến cai trị chúng tôi”. Bụi gai trả lời rằng: “Nếu các ngươi thật lòng đặt ta làm vua các ngươi, thì các ngươi hãy đến nghỉ dưới bóng ta. Nhưng nếu các ngươi không muốn thì sẽ có lửa từ bụi gai phát ra thiêu huỷ các cây hương nam núi Liban”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 20, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng
Xướng: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng; do ơn Chúa phù trợ, vua xiết bao hân hoan! Chúa đã ban cho sự lòng vua ao ước, và điều môi miệng vua xin, Chúa chẳng chối từ.
Xướng: Chúa đã tiên liệu cho vua được phước lộc may mắn, đã đội triều thiên vàng ròng trên đầu vua. Nhờ Chúa giúp mà vua được vinh quang cao cả, Chúa khoác lên người vua, oai nghiêm với huy hoàng.
Xướng: Vua xin Chúa cho sống lâu, thì Chúa đã ban cho một chuỗi ngày dài tới muôn muôn thuở. Chúa đã khiến vua nên mục tiêu chúc phúc tới muôn đời, Chúa đã cho vua được hân hoan mừng rỡ trước thiên nhan.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 34, 1-11
“Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi tay chúng, và đoàn chiên sẽ không làm mồi ngon cho chúng nữa”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri về các chủ chăn Israel, hãy nói tiên tri và bảo các chủ chăn rằng: Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Khốn cho các chủ chăn Israel, họ chỉ lo nuôi chính bản thân: chớ thì các chủ chăn không phải lo chăn nuôi đoàn chiên sao? Các ngươi đã uống sữa chiên, đã mặc áo lông chiên, hễ con nào béo tốt, các ngươi làm thịt: nhưng các ngươi không chăn nuôi đoàn chiên của Ta. Con nào yếu đuối, các ngươi không bổ dưỡng; con nào đau ốm, các ngươi không chạy chữa; con nào bị thương, các ngươi không băng bó; con nào đi lạc, các ngươi không đem về; con nào đi mất, các ngươi không tìm kiếm; nhưng các ngươi chăn dắt chúng bằng bạo lực và nghiêm khắc. Các chiên Ta tản mác vì thiếu chủ chăn: chúng làm mồi cho thú dữ ngoài đồng. Các chiên Ta lang thang khắp núi, trên mọi đồi cao, các chiên Ta tản mác khắp mặt đất, và chẳng có ai tìm kiếm. Ta nói, chẳng có ai tìm kiếm.
Vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Thiên Chúa phán: Nhân danh mạng sống của Ta, các chiên Ta đã bị cướp mất, các chiên Ta làm mồi cho thú dữ ngoài đồng, vì không có chủ chăn: các chủ chăn của Ta không lo lắng cho đoàn chiên Ta, nhưng chúng chỉ nuôi chính bản thân, mà không chăn nuôi các chiên Ta, vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Chúa: Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Ðây chính Ta sẽ đến với các chủ chăn, đòi lại đoàn chiên khỏi tay chúng, và sẽ không cho chúng chăn nuôi đoàn chiên nữa, các chủ chăn không còn nuôi chính bản thân nữa. Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi miệng chúng, và đoàn chiên sẽ không còn làm mồi ngon cho chúng nữa.
Vì Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Ðây chính Ta sẽ tìm kiếm các chiên Ta, và Ta sẽ thăm viếng chúng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, người lo bồi dưỡng. – Ðáp.
Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.
Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Ðáp.
Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư, cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 20, 1-16a
“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
“Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.
“Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”
“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO (Mt 20,1-16a)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm đi mướn người làm vườn nho mình. Ông định cho họ mỗi ngày một quan tiền. Và họ làm việc. Đến 9 giờ và đến trưa ông thấy còn có người ở không, nên cũng gọi họ vào làm. Chiều đến, ông phát lương cho họ: Mấy người vào làm sau hết được lãnh mỗi người một quan tiền. Thấy vậy, những người vào làm trước hết tưởng mình sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ lành được một quan tiền, nên họ phàn nàn trách móc ông chủ bất công. Ông liền nói với họ: các anh đã đồng ý giá mỗi ngày một quan tiền, tôi đã trả đủ cho các anh. Còn những người vào làm sau, tôi cũng cho bằng các anh là tùy lòng tốt của tôi.
2. Ý nghĩa dụ ngôn
Trước hết, dụ ngôn muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa (ông chủ) đối với dân ngoại, những kẻ được gọi vào Hội thánh (vườn nho) vào giờ sau hết (17 giờ). Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho họ mọi quyền lợi và đặc ân như người Do-thái, những kẻ đã được gọi từ đầu (họ được thuê từ sáng).
Cách đối xử khoan dung và quảng đại này làm cho những người Do-thái bực bội vì họ tưởng bị thiệt thòi, thua kém dân ngoại. Được chọn trước dân ngoại, người Do-thái đã tưởng rằng Thiên Chúa phải mắc nợ họ. Những thái độ của những người cằn nhằn ông chủ cũng giống như thái độ của người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện.
Chuyện này còn ngụ ý rằng Thiên Chúa làm gì cho ai, cũng là bởi tình thương mà thôi: “Tôi muốn cho người vào làm sau chót được bằng bạn…”, và người ta phải tôn trọng trong cách xử sự của Người: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao”? Kẻ không chấp nhận việc người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc tội ghen tỵ. Khi người ta đặt nặng các ơn ban hơn là tình yêu ban ơn, cũng là hơn chính Đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà chỉ ích kỷ thôi! (Trần Hữu Thành).
3. Bao Công ngày xưa nổi tiếng là vị quan xử án công bằng, “thiết diện vô tư”, không kiêng nể người phạm tội là ai. Cho dù đó là hoàng thân quốc thích như phò mã Trần Thế Mỹ hay cháu quan thái sư Bàng Đức… ông đều xử rất công bằng, đúng người đúng tội, không thiên vị một ai. Đây là sự công bằng của con người.
Sự công bằng của Thiên Chúa thì khác. Dụ ngôn ông chủ và người làm công cho thấy rõ điều này. Trong dụ ngôn, ông chủ ám chỉ Thiên Chúa, còn những người làm công là chúng ta. Theo lối nhìn của người trần gian, những người vào làm từ sáng sớm sẽ được nhiều tiền hơn những người vào làm việc từ lúc 17 giờ. Nhưng Thiên Chúa không nhìn theo lối nhìn này.
Đối với Chúa, mọi người cần được thương yêu, chăm sóc, đều có những nhu cầu cần được đáp ứng. Vì thế, Người rộng ban cho chúng ta mọi ơn lành theo như nhu cầu chúng ta cần, chứ không theo như công trạng của chúng ta.
4. Qua dụ ngôn người làm vườn nho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không chỉ công bằng, vì Ngài đã trả công đúng như đã thỏa thuận nhưng còn rất giàu lòng yêu thương (1Ga 4,16). Ngài yêu thương và quan tâm đến con người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều làm việc trong vườn nho của Chúa, đề được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Phần chúng ta, chúng ta theo Chúa không phải vì sự thỏa thuận hay được trả công nhiều hay ít. Nhưng theo Chúa là vào làm vườn nho cho Chúa, là tin tưởng vào sự công bằng và tình thương của Ngài. Để rồi trong đời sống chúng ta biết cố gắng hằng ngày làm việc cho vườn nho của Chúa.
5. Muốn nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân Ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế chúng ta còn đang sống trong tinh thần Cựu Ước vì Cựu Ước chưa được hoàn hảo. Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc nhở chúng ta là phải chú trọng tới Tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng phân bì với nhau mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.
6. Truyện: Cha Sở và Cha Phó
Tại một xứ đạo kia số dân khá đông, có Cha Sở và Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc nhau. Một nhóm quý Cha Sở, nhóm kia quí Cha Phó, vì ngài còn trẻ và năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:
– Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dày, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời:
– Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn?
– Cha Phó.
Cha Sở chậm rãi nói tiếp:
– Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:
– Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn cả Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp:
– Và tôi cũng đã được người ta quý mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Piô X, giáo hoàng
Ca nhập lễ
Chúa đã chọn người làm thượng tế, và khi mở kho tàng của Ngài, Ngài đã làm cho người được sung mãn muôn ơn.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh giáo hoàng Pi-ô X trí khôn ngoan siêu việt và lòng dũng cảm xứng bậc Tông Ðồ, để người bênh vực đức tin công giáo và quy tụ tất cả về Ðức Kitô. Xin rộng ban cho chúng con biết nghe lời thánh nhân giảng dạy và noi gương sáng của người hầu mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Bài đọc
Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin mở lòng nhân hậu chấp nhận của lễ chúng con dâng, và giúp chúng con thực hành những lời thánh Pi-ô giảng dạy là đem lòng thành kính mến yêu mà cử hành các mầu nhiệm thánh và thông hiệp với tất cả lòng tin. Chúng con cầu xin
Ca hiệp lễ
Đấng chăn chiên lành đã thí mạng sống mình vì con chiên.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, nhân ngày lễ thánh Pi-ô giáo hoàng, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể bồi dưỡng chúng con. Xin làm cho lòng tin của chúng con thêm vững mạnh, và giúp chúng con sống với Chúa cho trọn tình con thảo, để có thể sống với nhau như anh em một nhà. Chúng con cầu xin…
Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Đức thánh giáo hoàng Piô X, qua đời tại Roma ngày 21 tháng tám năm 1914, phong thánh năm 1954, nhắc ta nhớ tới một giai đoạn rối rắm và đau thương trong lịch sử Giáo hội. Các lý thuyết duy lý, duy tân và Jansenis đe dọa đức tin nguyên truyền trong lúc lửa chiến tranh thế giới thứ nhất trên đà bộc phát.
Giuseppe Sarto sinh năm 1835 tại Riese, một làng nhỏ miền Vénétie, là con một gia đình nông dân tầm thường. Sau những năm học chủng viện ở Padoua, thầy Giuseppe Sarto thụ phong linh mục, rồi lần lượt làm phó xứ, cha sở, giám mục Manton, giáo chủ Venise và hồng y năm 1893. Tại hội nghị hồng y năm 1903, Ngài được bầu kế vị Đức Lêô XIII. Triều giáo hoàng của Ngài nổi bật với những cải tổ phụng vụ liên quan đến sách nhật tụng, Phép Thánh thể, bình ca và việc rước lễ thường xuyên. Ngài cũng cho ấn hành một cuốn giáo lý mới mà đích thân Ngài giải thích nó mỗi ngày Chúa nhật. Ngài bắt đầu công việc sửa đổi bộ Giáo luật. Việc quản trị Giáo hội đặc biệt Giáo triều Roma, cũng được sửa đổi. Thế nhưng vị giáo hoàng hiền lành đạo đức này lại gặp nhiều khó khăn, trái ý; Ngài cũng bị vướng vào nhũng rối rắm chính trị và giáo lý của một thời đại nhiều xáo trộn. Hơn nữa, Ngài linh cảm sự đe dọa của chiến tranh thế giới thứ nhất sắp bùng nổ năm 1914. Ngài qua đời hai mươi ngày sau chiến tranh bùng nổ. Ngài nói: “Các con yêu dấu, cha hiến dâng mạng sống của cha. Hằng triệu người chết… Cha muốn giúp tránh nó, nhưng lực bất tòng tâm”. Trong chúc thư để lại, Ngài viết: “Tôi sinh ra trong cảnh nghèo và tôi muốn chết nghèo”. Thân xác Ngài vẫn còn nguyên vẹn, được tôn kính nơi Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican
Thông điệp và tính thời sự
Chúa đã ban cho thánh Piô X được tràn đầy sự khôn ngoan thần linh và đức can đảm tông đồ (lời nguyện trong ngày). Ngài biểu lộ rõ rệt các đức tính đó trong suốt triều đại giáo hoàng của mình. Trước hết Ngài bãi bỏ luật Veto (phủ quyết) mà một số quốc gia vẫn còn giữ về vấn đề bầu chọn giáo hoàng, tiếp theo Ngài giải tán Opera dei Congressi, đồng thời các phong trào mà sau này, dưới đời Đức Piô XI sẽ lấy tên là công giáo tiến hành. Tại Pháp, Ngài lên án chính sách bài giáo sỹ của Combes và phản đối luật tách biệt Giáo hội khỏi Quốc gia. Cuối cùng là vụ kết án thuyết duy tân, ban đầu bằng sắc lệnh Lamentabili, sau là thông điệp Pascendi (1907).
Lời nguyện trên lễ vật thúc đẩy chúng ta học “theo các bài học của thánh Piô X hầu hết các mầu nhiệm thần linh với lòng kính cẩn, thông hiệp với chúng bằng đức tin”. Trong công cuộc của vị thánh giáo hoàng này, cải tổ phụng vụ là trọng tâm. Chính Ngài tuyên bố: “Từ nguồn suối duy nhất không thể thiếu đó tức là việc tham dự các mầu nhiệm thần linh, chúng ta có thể múc được tinh thần Kitô hữu đích thực” (Motu propio ngày 22-11-1903). Một cách nào đó, Ngài đã mở đường cho việc canh tân phụng vụ của Vatican II khi nhấn mạnh việc tham gia tích cực của giáo dân vào thánh lễ, việc canh tân âm nhạc thánh và cổ võ việc hát bình ca truyền thống. Ngài cũng thực hiện việc sửa đổi sách thần vụ bằng cách đặt ưu tiên cho việc đọc toàn bộ thánh vịnh (Hiến chế Divino Afflatu 1911) như trong phụng vụ bài đọc có nhắc lại. Trên lãnh vực thánh kinh, Đức Piô X đã có một số biện pháp như thành lập Ủy ban giáo hoàng nghiên cứu Thánh kinh (1907), lập viện kinh thánh (1909), rà soát lại bản phổ thông.
Lời nguyện tạ lễ khẩn cầu Chúa, nhân ngày lễ thánh Piô X, cho chúng ta “kiên vững trong đức tin”. Vào một giai đoạn nhiễu nhương khi các Kitô hữu cần được bảo vệ trong đức tin, thánh Piô X đã chứng tỏ sự vững chắc trong lãnh vực giáo lý công giáo, ý thức trách nhiệm chủ chăn tối cao của mình. Nhưng vị bảo vệ chính thống nồng nhiệt đó trước hết là một con người “nghèo khó, hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Phản ứng chống lại các luồng do phái Jansenius, quá khắc khổ và duy lý của thời đại, Ngài dần nổ lực để minh chứng Chúa là yêu thương. Chính vì thế Ngài đã cho tái lập việc thường xuyên đến với các bí tích, việc cử hành thánh lễ có sự tham gia tích cực của giáo dân và việc rước lễ thường xuyên. Đặc biệt, qua sắc lệnh Quam singulari (1910). Người cho phép trẻ đến tuổi có lý trí được rước lễ.
Đức Piô X khi chấp nhận làm giáo hoàng, đã thốt lên: “In crucem = đến với thánh giá”. Quả thế, các khó khăn đã chỉ gia tăng trên bước đường của Ngài, nhưng lại trở thành nguồn gốc cho tính khiêm nhu, thậm chí hiền lành trong công việc mục vụ của Ngài. Mộ chí Đức Piô X tóm tắt sâu sắc sự thánh thiện cao cả của vị thánh giáo hoàng này: “nghèo nhưng phong phú, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, bảo vệ nhiệt thành chân lý công giáo, Người đã hiến trọn nổ lực để cải tạo lại tất cả trong Chúa Kitô”.
Enzo Lodi
QUY TỤ TẤT CẢ VỀ ĐỨC KITÔ
(LỄ THÁNH GIÁO HOÀNG PIÔ X 21/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thánh Giáo Hoàng Piô X hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho Thánh Giáo Hoàng Piô X trí khôn ngoan siêu việt và lòng dũng cảm xứng bậc Tông Đồ, để người bênh vực Đức Tin Công Giáo và quy tụ tất cả về Đức Kitô. Xin Chúa rộng ban cho chúng ta biết nghe lời thánh nhân giảng dạy và noi gương sáng của người, hầu mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Thánh nhân sinh năm 1835 tại Riêsê, nước Ý. Sau khi làm linh mục, người dấn thân thi hành việc mục vụ. Người làm giám mục Mantôva, rồi làm Thượng Phụ Giáo Chủ Vênêxia và cuối cùng, năm 1903, được chọn làm Giáo Hoàng. Người chu toàn bổn phận của mình theo khẩu hiệu người đã chọn: “Canh tân mọi sự trong Chúa Kitô” với lòng đơn sơ, đời sống thanh bần và can đảm. Cùng với những đức tính ấy, người đã giúp các tín hữu sống đạo nhiệt thành và đối phó với những sai lầm đang lan tràn trong Hội Thánh. Người qua đời ngày 20 tháng 08 năm 1914.
Quy tụ tất cả về Đức Kitô, bởi vì, chia rẽ sẽ dẫn tới diệt vong, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Ítraen dám tấn công nước Giuđa anh em, và như thế là dấn thân vào cuộc chiến tương tàn, dẫn tới diệt vong. Các cuộc biến động nối tiếp nhau, khiến cho đất nước phải đắm chìm trong chiến tranh hỗn loạn. Chỉ trong không đầy một thế hệ, Ítraen đã bị xóa khỏi bản đồ. Chống lại dân tộc bất công và vô luân đó, những lời đe dọa của Amốt và Hôsê đã trở nên sự thật phũ phàng. Vì đâu Đức Chúa nổi lôi đình, khiến thiếu nữ Xion tối mày tối mặt? Vẻ huy hoàng của Ítraen, từ trời cao Người quăng xuống đất. Người chẳng nhớ đến bệ Người kê chân trong ngày Người nổi cơn thịnh nộ.
Quy tụ tất cả về Đức Kitô, bởi vì, trong Đức Kitô, mọi sự đều được quy về một mối, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trong Tông Hiến Chúa Thánh Thần linh hứng, thánh Giáo Hoàng Piô X nói: Các Thánh Vịnh có một sức mạnh nội tại phi thường, có khả năng khơi dậy trong các tâm hồn nỗi khát khao mọi nhân đức. Thánh Autinh đã nghe thấy tiếng của Đấng Cứu Thế trong mọi Thánh Vịnh, khi thì đàn ca, khi lại rên siết, lúc thì hân hoan trong hy vọng, lúc lại thở than trong hoàn cảnh hiện tại.
Quy tụ tất cả về Đức Kitô, bởi vì, chính Người là Mục Tử quy tụ chiên tản lạc khắp nơi về một đàn chiên duy nhất, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien: Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa. Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 22, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Trong bài Tin Mừng, ông chủ vườn nho nói: Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? Lời Chúa sống động và hữu hiệu, phê phán tâm tình và tư tưởng của lòng người. Lời của ông chủ vườn nho khiến những người thợ vào làm lúc tảng sáng bừng tỉnh: ông chủ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình. Chúng ta thường hay phân bì, ghen tỵ, rồi dẫn đến chia rẽ, chống đối lẫn nhau. Chúa toàn quyền trên tất cả mọi sự, chúng ta phải tuân theo sự hướng dẫn của Người. Thánh Giáo Hoàng Piô X đã bênh vực Đức Tin Công Giáo và quy tụ tất cả về Đức Kitô, ước gì chúng ta biết nghe lời thánh nhân giảng dạy và noi gương sáng của người, mà xây dựng tình hiệp nhất, để tất cả nên một đàn chiên duy nhất trong Đức Kitô. Ước gì được như thế!
ÂN SỦNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót!”.
“Bi kịch của một cuộc đời không phải là nó kết thúc quá sớm, mà là chúng ta chờ đợi quá lâu để bắt đầu! Và Thiên Chúa vẫn hằng chờ đợi cái bắt đầu đó nơi mỗi người. Với ân sủng của Ngài, sớm muộn, không thành vấn đề!” - Richard L. Evans.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của Evans được gặp lại qua dụ ngôn “Thợ Làm Vườn Nho” trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có thể thiên về những người cằn nhằn, vì xem ra khá bất công khi những người chỉ làm một giờ lại nhận tiền công - ‘ân sủng’ - như những người làm từ sáng sớm. Với Chủ Vườn, dường như kẻ vào trước, người vào sau không là vấn đề!
Dụ ngôn phản ánh tình hình Giáo Hội sơ khai. Các Kitô hữu đầu tiên là những người thuộc về một dân tộc có lịch sử tôn giáo hàng nghìn năm, họ là dân riêng của Chúa. Sau đó, những lương dân từ các môi trường ngoại giáo bắt đầu được nhận vào; có thể họ đã sống một cuộc sống rất vô luân. Tuy nhiên, một khi chịu phép Rửa tội, họ được hưởng nhận mọi ‘ân sủng’ như bao Kitô hữu khác. Cách nào đó, có vẻ không công bằng! Thực tế, những người chỉ làm một giờ không khiến cho ‘nhu cầu của họ’ kém hơn những người đến sớm. Công bằng của Chúa được đo bằng nhu cầu của con người chứ không bằng nhân chia toán học. Với Ngài, sớm muộn, không quan trọng.
Những gì mỗi người nhận được là ‘một biểu tượng’ tình yêu của Chủ Vườn. Người sớm, kẻ muộn nhận được như nhau. Tình yêu Chúa không có mức độ; nó luôn là 100 phần trăm. Thiên Chúa là Tình Yêu ‘không thể không yêu’, cũng ‘không thể không yêu toàn bộ!’. Đây là điều có thể đã xảy ra với bạn và tôi. Bao nhiêu lần, chúng ta ‘đến muộn!’. Quên điều đó, chúng ta có thể rời xa Chúa. Tôi có thể đi lạc thăm thẳm; nhưng bất cứ lúc nào tôi quay về, có thể là giờ thứ 11, Ngài vẫn dang rộng tay ôm lấy tôi! Thánh Vịnh đáp ca và bài đọc Êzêkiel có chung một tâm tình, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!”. Tình yêu Chúa thật lạ lùng, Ngài tìm kiếm và chờ đợi từng con chiên, giành lại từng con, để không con nào phải thiếu thốn một ‘ân sủng’ nào.
Kính thưa Anh Chị em,
“Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”. Chúa không nhìn vào thời gian và kết quả, Ngài nhìn vào cái sẵn có, lòng quảng đại của chúng ta. Cách Ngài hành động còn hơn cả công bằng - vượt công lý - thể hiện trong ‘ân sủng’. Mọi thứ đều là ‘ân sủng’, sự cứu rỗi của chúng ta là ‘ân sủng’, sự thánh thiện của chúng ta là ‘ân sủng’. Khi ban ‘ân sủng’, Chúa ban nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng. Ai lý luận bằng logic của con người, logic của công trạng thông qua ‘sự vĩ đại’ của chính mình - tôi đã làm rất nhiều trong Giáo Hội, tôi đã giúp đỡ rất nhiều - từ việc là người đứng đầu, sẽ thấy mình xuống hàng chót. Ai là vị thánh đầu tiên được phong thánh của Giáo Hội? - Anh Trộm Lành. Anh đã ‘cuỗm’ thiên đàng vào phút cuối, và đây là ‘ân sủng!’. Ai nghĩ đến công trạng của mình, sẽ thất bại; ai khiêm nhường phó thác cho lòng thương xót của Chúa, thay vì là người đứng chót - như anh trộm lành - sẽ thấy mình lên hàng đầu!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ‘ân sủng’ Chúa “định đoạt” dẫy đầy trên con. Cho con biết bắt đầu lại ngay hôm nay, đừng để Chúa đợi con lâu và cuộc đời con sẽ không là một bi kịch!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn