TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 30THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 24/10/2021 18:13 |   1166
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho tới khi tất cả dậy men.” (Lc 13, 21)

26/10/2021

THỨ BA TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
 

t3 t30 tnB

Lc 13, 18-21

LÀ MEN TRONG BỘT

Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho tới khi tất cả dậy men.” (Lc 13, 21)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó “giống như chuyện nắm men trong bột”: Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột, Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội, Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố của thế giới.

Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ, nhưng là chính thời gian bạn ở gia đình, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp, v.v… mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Là men trong bột, sứ mạng của người môn đệ Chúa Kitô là thực thi giáo huấn Tin Mừng ngay trong những bổn phận của mình tại gia đình, trong môi trường học hành làm việc hằng ngày của mình.

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm hằng ngày để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa, … xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu và lẽ sống của con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 18-25

“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 5, 21-33

“Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.

Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.

Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác”. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra, bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thấy nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.

Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 18-21

“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.

Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

NHỎ MÀ VĨ ĐẠI (Lc 13, 18-21)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP


Ở đời, người ta thường xem nhẹ những điều nhỏ mọn và coi đó như là chuyện không cần bàn, vì thế cũng đâu cần quan tâm!

Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là nguyên nhân cần thiết để trở thành những điều lớn lao.

Thật vậy, nhà Phật có câu:

“Hãy nhìn một em bé

Xin người chớ xem thường

Trong em có chất liệu

Của một bậc đế vương”.

Hay;

“Hãy nhìn một đốm lửa

Xin người chớ xem thường

Dù nhỏ bằng đầu đũa

Đốt cả rừng lẫn nương”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến sự lớn mạnh của Nước Trời qua dụ ngôn hạt cải và nắm men.

Thật vậy, hạt cải của vùng Palestine là một loại hạt nhỏ bé nhất trong những loài thảo mộc, nhưng khi nó đã lớn, thân cây của chúng cao to, có thể là nơi chim trời về làm tổ trong những tán lá xum xuê. Còn khi nói Nước Trời như một nắm men, Đức Giêsu cho thấy Nước ấy cũng sẽ lớn mạnh như men làm cho bột dạy lên thế nào thì Đạo Thánh mà Ngài thiết lập cũng sẽ lan rộng như vậy.

Thật thế, ngày nay, nhìn ra thế giới, chúng ta nhận thấy rất rõ sự lớn mạnh này. Khởi đi từ một nhóm môn đệ ít ỏi và lại gặp biết bao thử thách từ trong trứng nước như: cấm cách, bắt bớ và giết chết bằng những hình thức hết sức tàn bạo, dã man… Tuy nhiên, càng thử thách bao nhiêu, càng phát triển bấy nhiêu, đôi khi có lúc âm thầm, nhưng như than hồng rực nóng hơn nhiều lần ngọn lửa thế nào thì Đạo của Chúa cũng mạnh mẽ và mãnh liệt như vậy. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam của chúng ta cũng chứng minh rất rõ điều đó!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết cậy dựa và đặt niềm tin nơi Chúa. Tin tưởng rằng mình chẳng là gì, rất bé nhỏ, nhưng một khi đã gắn kết với Chúa trong sự khiêm tốn thì chắc chắc Chúa sẽ dùng vào những chuyện lớn lao cho chương trình của Ngài. Ví dụ như Phêrô; Phaolô; Âu tinh…

Khiêm tốn chính là vũ khí để chống lại những kẻ kiêu ngạo đang ngang ngược chống phá Giáo Hội. Chúng ta vững tin, sẽ có ngày chỉ một nắm men nhỏ, chúng ta sẽ làm cho cả khối bột dạy men nhờ ơn Chúa.

Điều quan trọng là hạt cải phải mục nát đi, men phải được hòa tan trong bột thế nào thì đời sống của người Kitô hữu cũng phải như vậy, tức là đời sống đạo của chúng ta phải chan chứa tình Chúa, tình người, sống công bằng, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại… Có thế, chúng ta mới làm cho hạt cải của niềm tin sống động làm chỗ dựa cho người khác. Làm cho men yêu thương lan tỏa để nhiều người yêu mến Chúa hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn và trung thành gắn bó với Chúa để can đảm ra đi làm chứng cho Chúa bằng khả năng nhỏ mọn đơn sơ nhưng chân thành. Xin Chúa đón nhận và làm cho đóng góp của chúng con được hữu hiệu trong tình yêu Chúa. Amen.
 

GIÁO HỘI VÀ NƯỚC THIÊN CHÚA
(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXX TN  - Lc 13,18-21) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Không phải vô cớ mà Alfred Firmin Loisy (1857-1940), một cựu linh mục và là nhà phê bình, thường chỉ trích Giáo Hội đã nói: “Chúa Giêsu loan báo Nước Trời thì Giáo Hội đã đến”. Không có lửa thì làm sao có khói. Dù rằng Alfred Firmin Loisy có lý do nào đó để phê phán Giáo hội, tuy nhiên ông đã lầm khi quan niệm hai thực tại Giáo hội và Nước Trời là một. Sự sai lầm này đã từng có không chỉ khởi đi từ thời các giáo phụ khi có nhiều vị như Inhaxiô thành Antiôkia, Grêgôri thành Nysse, Âugustinô… khẳng định rằng: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” mà còn kéo dài đến gần cuối thế kỷ XX.

Những ngày gần đây có nhiều trăn trở và suy tư của một vài bậc vị vọng và nhiều thần học gia về tương lai của Giáo Hội. Thi thoảng có vài nỗi lo âu xuất hiện, nhưng vẫn có đó nhiều xác tín về sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội, tuy nhiên hình thức hiện hữu có thể đổi thay. Bài Tin Mừng được trích đọc trong ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXX TN tường thuật những lời của Chúa Giêsu về sự tăng trưởng cách diệu kỳ của Nước Thiên Chúa qua hai dụ ngôn ngắn gọn: “hạt cải” và “nắm men trong bột”. Xin có cái nhìn về Nước Thiên Chúa là vương quốc của tình yêu và chân lý, của tự do và trách nhiệm để thoáng nhận ra sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Nước Trời như lời Chúa Giêsu khẳng định.

Sứ mạng chính yếu của Chúa Kitô khi vào trần gian này là loan báo và xây đựng Nước Thiên Chúa. Người thực thi điều này bằng lời rao giảng, các hoạt động cứu nhân độ thế, nhất là bằng cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Và phải xác tín rằng chính Người là Nước Thiên Chúa như lời Người khẳng định: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi” (Lc 17,21).

Ròng rã ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không ngừng loan truyền chân lý, dẫu cho có khi đụng chạm đến nhiều người quyền cao chức trọng. Người miệt mài thi ân giáng phúc cho nhân trần đến nỗi không còn thời giờ ăn uống nghỉ ngơi. Người truyền dạy phải biết yêu thương nhau cách đủ đầy các mặt trong tình liên đới đến cùng. Thậm chi khi đang dâng của lễ mà chợt thấy có người anh em đang có điều gì bất hòa với mình thì hãy để của lễ lại đó, trở về làm hòa với người anh em trước đã (x.Mt 5,20-26).

Vương quốc tình yêu và chân lý đang triển nở hầu khắp trên hành tinh xanh này. Ngày nay người ta trên thế giới, kể cả đám đông dân chúng và những người kém phận đều khao khát và tìm nhiều cách để đòi hỏi quyền tiếp cận sự thật. Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm 2021 cho hai nhà báo là Maria Ressa và Dmitry Muratov vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận là một đan cử. Dù cho mức độ thực hiện thì còn phải xem xét, nhưng tại quê hương nhà Việt Nam, khẩu hiểu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng nói lên xu thế tất yếu của thời đại. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách kìm giữ của satan (x.Ga 8,31-42).

Việc liên đới với nhau trong tình yêu ngày càng tăng trưởng mọi mặt. Hoàn cảnh dịch bệnh đang hoành hành càng làm nổi rõ sự tương thân tương ái cách rõ nét. Tình yêu liên đới này như đang dần vượt qua tình trạng “bầu bí chung giàn”, giới hạn, cục bộ. Đã và đang có đó nhiều con tim, khối óc, bàn tay, hầu bao mở ra vì tha nhân chỉ trên nền tảng là đồng loại, bất phân màu da, sắc tộc hay biên giới.

Hai phạm trù tình yêu và chân lý phải luôn song hành. Sự thật mà vắng tình yêu thì dễ trở thành sự kết án, xét đoán, loại trừ. Tình yêu mà thiếu sự thật thì dễ trở thành hình thức và nhiều khi chỉ là sự giả dối, thậm chí là cách thế để lọc lừa.

Nước Trời là vương quốc của tự do và trách nhiệm đang phát triển như nắm men trong thúng bột. Đến thế gian này sứ mạng chính của Chúa Kitô là giải thoát con người khỏi ách nô lệ của thần dữ và dẫn đưa loài người trở về tình trạng con cái tự do của Cha trên trời. Là đoàn con cái tự do thì chúng ta phải có trách nhiệm với Cha trên trời và với nhau. Việc nỗ lực làm sáng Danh Cha, làm cho Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện là một vịnh dự và cũng là bổn phận của đoàn con cái. Sự tự do trong đời con cái đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm với hạnh phúc và phần rỗi của tha nhân vì là anh chị em của mình (x.Mt 6,7-15).

Nước Trời đang tăng trưởng cách đáng kinh ngạc trước mắt chúng ta. Ngày nay nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới quyết tâm đòi hỏi món quà vô giá mà Thượng đế ban cho đó là sự tự do. Họ sẵn sàng trả nhiều giá đắt để được hít thở bầu khí tự do, vì vẫn còn có đó nhiều người không chỉ muốn mà còn tìm đủ cách thế bắt kẻ khác làm nô lệ dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó các hình thức sống có trách nhiệm hơn với xã hội, với các tập thể lớn nhỏ mình thuộc về, nhất là với những người nghèo hèn, kém phận, xem ra ngày càng nở rộ đó đây. Văn hóa từ chức là một hình thái biết sống có trách nhiệm khi bản thân không thể chu toàn bổn phận hoặc để xảy ra lỗi lầm nào đó di hại cho xã hội.

Hai phạm trù tự do và trách nhiệm cũng cần phải sánh đôi. Đã tự do thì phải có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với cả tha nhân và xã hội. Khi biết sống có trách nhiệm thì chúng ta sẽ giúp nhau ngày càng được tự do hơn như những người anh chị em trưởng thành.

Giáo Hội là dấu chỉ của Nước Trời. Dấu chỉ không hiện hữu cho chính nó mà là cho thực tại nó hướng về, chỉ về. Như thế sự hiện hữu của Giáo hội là để phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Dù cho cách thế hiện hữu của Giáo Hội hữu hình có đổi thay ra sao thì trong đức tin chúng ta tin nhận rằng Nước Thiên Chúa mãi đang triển nở vì chính Thiên Chúa là Đấng dựng xây Nước của Người.

Theo cái nhìn của cha Karl Rahner thì chúng ta luôn giữ vững niềm hy vọng vì có đó nhiều người ngoài Công giáo, ngoài Kitô giáo, thậm chí là vô thần đang góp phần làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị. Họ là những người hâm mộ chân lý, hăng say loan truyền sự thật trong tình yêu liên đới. Họ là những người biết thật lòng xả thân vì đồng loại cách bất vụ lợi. Họ là những người không chỉ muốn sống trong tự do mà còn sẵn sàng đòi hỏi sự tự do cho bản thân và tha nhân. Đây chính là một cách thể biểu hiện tinh thần trách nhiệm của họ. Nếu họ là người ngoài Kitô giáo thì họ cũng là Kitô hữu, “Kitô hữu vô danh”.

Giáo Hội Công giáo thế nào cũng phải đổi thay nhiều mặt. Phải đổi thay về cơ chế luật lệ, về cả lề lối sống đức tin. Xin đừng quá băn khoăn lo lắng rằng Giáo hội sẽ ra sao về hình thức bên ngoài hay về số lượng tín hữu có lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy có thể giảm sút. Điều đáng băn khoăn là Giáo hội canh tân như thế nào để có thể sống đúng căn tính của mình là một khí cụ phục vụ Nước Thiên Chúa, hầu cho vương quốc của tình yêu và chân lý, của tự do và trách nhiệm tăng trưởng đúng đẹp thánh ý Người.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây