TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 06/02/2022 17:35 |   1760
“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7,6)

08/02/2022
THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Thánh Giêrônimô Êmillianô, Linh mục
Thánh Josephine Bakhita, trinh nữ

 

t3 t5 TNC

Mc 7,1-13

SỐNG THẬT ĐI … !

Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7,6)

Suy niệm: Vở kịch “Tốt-xấu-giả-thật” của nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần “dẫn dắt khán giả đi vào vấn đề cốt lõi của đời sống hôm nay: cái giả nhiều quá, cái xấu nhiều quá! Làm sao để có cái thật, làm sao để có cái tốt?” Sứ điệp của tác phẩm là: “Chỉ có sự thật và lòng tốt có trong mỗi người mới làm cho cuộc đời này tốt hơn, thật hơn, con người sống với nhau tử tế hơn” (x. Lê Quí Dương, “Sống Thật Đi, Cuộc Sống Sẽ Đổi Thay”, Tuổi Trẻ 26.12.2011, tr. 13). Không rõ thời Chúa Giêsu hàng dỏm, hàng nhái, bằng giả,… có nhiều không chứ thói đạo đức giả đã thành tệ nạn nơi những người Biệt phái. Chúa Giêsu đả phá thái độ đó vì họ: “tôn kính Chúa bằng môi miệng, còn lòng thì xa Chúa, gạt bỏ điều răn Thiên Chúa, duy trì truyền thống người phàm.”

Mời Bạn: Thiện căn ở tại lòng ta. (Nguyễn Du). Gốc rễ của sự thiện nằm sâu trong tâm hồn bởi thế để sống đạo thật sự trước hết phải bồi dưỡng, thanh tẩy, chỉnh đốn nội tâm của mình. Phải sống thật trước cái nhìn của Chúa chứ không phải chỉ lo tô điểm cái vỏ đạo đức trước mặt người ta.

Chia sẻ: Trong các dịp đại lễ, cùng với việc tổ chức lễ bái, rước xách đẹp đẽ hoành tráng bên ngoài, chúng ta có để ý chuẩn bị phần thiêng liêng như: tĩnh tâm, học hỏi, cầu nguyện không?

Sống Lời Chúa: Lòng tôi luôn gắn bó với Chúa. Tôi năng tìm gặp Chúa nơi nội tâm của mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa biết rõ con người thật của con. Xin cho con biết nhận ra và khiêm tốn sám hối vì những lỗi lầm thiếu sót của mình. Xin Chúa giúp con sống với Chúa và với anh em với tình yêu chân thành không giả dối.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 1, 20 – 2, 4a

“Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa phán: “Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời”. Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.

Thiên Chúa lại phán: “Ðất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; và Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa; Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó, Người nghỉ việc tạo thành.

Ðó là gốc tích trời đất khi được tạo thành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

Xướng: Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?

Xướng: Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

Xướng: Nào chiên nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 22-23. 27-30

“Chúa đã phán: “Danh Ta sẽ ở nơi đó, để nhậm lời van nài của dân Israel”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Salomon đứng trước bàn thờ Chúa, đối diện với cộng đoàn Israel, ông giơ hai tay lên trời và nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây! Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nghe lời cầu nguyện và sự van nài của tôi tớ Chúa; xin lắng nghe lời ca khen và kinh nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước mặt Chúa hôm nay, ngõ hầu đêm ngày mắt Chúa nhìn xem ngôi nhà này là nơi Chúa đã phán ‘Danh Ta sẽ ở nơi đó’, để nghe lời cầu nguyện mà tôi tớ Chúa kêu xin trong nơi này, để nhậm lời van nài của tôi tớ Chúa và của dân Israel sẽ cầu nguyện tại nơi đây. Từ thiên cung nơi Chúa ngự, xin Chúa nhậm lời, và khi đã nhậm lời, xin Chúa dủ lòng thương”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5 và 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Chúa (c. 2).

Xướng: Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. 

Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Ðức Kitô của Người. 

Xướng: Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 1-13

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm

ĐỪNG VỤ LUẬT MÀ XA LẠ VỚI TIN MỪNG! (Mc 7, 1-13)
Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Tại đất nước Philippines hay tại Ấn Độ, người ta có thói quen ăn cơm bằng tay thay vì dùng muỗng nĩa như người Tây Phương hay đũa như người Việt Nam.

Khi dùng tay để ăn, họ buộc phải dùng tay phải để lấy cơm và thức ăn đưa vào miệng. Tay trái là điều cấm kỵ vì họ cho rằng tay trái là biểu tượng của sự dơ bẩn; hay tay trái là dấu chỉ của những người khó có thể được cứu độ! Chính vì vậy, mà những người thuận tay trái thường bị cho rằng sau này khó có thể được vào Nước Trời!

Tin Mừng thánh Máccô được trích đọc hôm nay ghi lại cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu về vấn đề rửa tay trước khi ăn.

Theo luật, buộc khách dự tiệc phải rửa tay trước khi ăn. Việc rửa tay trước khi ăn có ý nghĩa tôn giáo rất tốt lành, đó là ý muốn nói hay nhắc nhở mỗi người về sự trong sạch trong tâm hồn. Trước khi họ dâng lời chúc tụng, tạ ơn Chúa thì họ phải thanh tẩy tâm hồn cho xứng đáng. Còn về mặt xã giao, thì đây là biểu lộ sự kính trọng với người đồng bàn với mình.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, khi người ta chỉ còn biết hình thức bên ngoài mà không hề khám phá hay sống ý nghĩa, giá trị bên trong, thì tập tục này trở nên thuần túy phô trương, hình thức. Chính vì lý do này mà khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn, nên những người Pharisêu đã thắc mắc!!! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu nhắc lại lời ngôn sứ Isaia nói về sự giả hình nơi những người này, vì họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì không. Vì thế, họ như cái thùng rỗng. Những lời dạy của họ trở nên trò hề khi họ chỉ cậy dựa vào tập quán của phàm nhân.

Ngày nay, nơi nhiều cộng đoàn, vẫn còn đó những lối suy nghĩ như những người Pharisêu khi xưa, đó là: tập trú vào hình thức bên ngoài quá nhiều mà không để ý đến ý nghĩa, sứ điệp ngang qua những hoạt động tôn giáo.

Nhiều khi chỉ biết đọc kinh mà không hề biết ý nghĩa của lời kinh! Hoặc nhiều khi giữ đạo từ nhỏ, nhưng nói về tinh thần huynh đệ, bác ái thì xem ra quá xa vời, bởi bấy lâu nay ta sống theo kiểu: “Đèn ai nấy rạng”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta thấy rằng: lời nói phải đi đôi hành động. Việc bề ngoài chỉ có giá trị khi nó được toát ra từ bên trong. Đừng chỉ lo loay hoay hình thức mà đánh mất đi nét đẹp của tâm hồn. Mất đi ý nghĩa này, mọi sự trở nên giả dối, trống rỗng và vô ích.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa vì đã dạy cho chúng con bài học về việc giữ luật. Xin cho chúng con ngày càng gắn bó với Chúa mật thiết để được sống trong tình yêu và chiếu tỏa tình yêu ấy cho tha nhân cách chân thành. Amen.

BIỆN PHÂN: KHÔNG DỄ!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


“Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 8). Một trong những nội dung gây ra sự xung đột giữa Chúa Giêsu và nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đó là lề luật của Thiên Chúa và truyền thống của Do Thái giáo.

Chắc chắn các vị lãnh đạo Do Thái giáo chẳng ai dám to gan cho rằng lời giảng dạy của cha ông và của họ tức là truyền thống lại trọng hơn lề luật của Thiên Chúa. Khi dạy dân chúng rằng những tế phẩm dâng cho Thiên Chúa thay thế được cho việc phụng dưỡng cha mẹ thì rất có thể họ xét rằng mình đã dạy dân giữ giới răn cao trọng nhất là “thờ phượng Thiên Chúa hết lòng, hết sức hết cả linh hồn” (x.Đnl 6, 5). Việc biện phân giữa một cách thế biểu lộ đức thờ phượng và chính đức thờ phượng là không mấy dễ. Đức thờ phượng là động thái khởi đi từ trong tâm hồn còn “một cách thế biểu lộ” là một trong những hành vi bên ngoài. Thực tế có đó nhiều hành vi bên ngoài mà thiếu tâm tình bên trong và lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm: “Dân này tôn kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta…” (Is 29,13).

Việc quy định những điều liên quan đến sạch nhơ cũng có thể được luận suy từ sự thánh thiện vô biên của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi của loài người. Vấn đề là sự diễn giải và hình thức áp dụng, theo thời gian có khi thì bất cập và có nhiều trường hợp thì lại thái quá.

Chân thành nhìn lại dòng lịch sử Kitô giáo thì chúng ta phải khiêm nhu thú nhận rằng bên cạnh giới răn của Thiên Chúa và luật của Tin Mừng thì khối lượng truyền thống qua các cơ chế, luật lệ vừa nhiều và có khi là nặng ký. Cũng tương tự các lãnh đạo Do Thái giáo xưa, các mục tử trong Kitô giáo, cách riêng Công giáo đâu dám to gan đặt cơ chế, luật lệ của mình trên giới răn của Thiên Chúa và luật Tin Mừng. Khi ban hành, áp dụng các cơ chế tổ chức hay luật lệ thì các ngài vốn nghĩ mình chỉ cụ thể hóa giới răn của Chúa và luật Tin Mừng.

Chuyện “sạch nhơ” của Do Thái giáo phải chăng lại tái hiện qua việc quá chi li các tội trọng, tội nhẹ trong luân lý Kitô giáo? Để biện phân đâu là truyền thống của Công giáo và đâu là giới răn của Thiên Chúa thì thật khó. Để biện phân truyền thống nào là bất cập và truyền thống là thái quá thì quả là không mấy dễ. Tuy nhiên một thực tế của lịch sử phải nhìn nhận đó là hễ ai đụng đến “truyền thống” thì thường bị bách hại. Môn đệ không hơn thầy. Chúa Kitô là một đan cử và nhiều vị thánh như Đaminh, Phanxicô, Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila… cũng như nhiều thần học gia như Tôma Aquinô, Yves Congar, Marie-Dominique Chenu… và ngay cả Đức Phanxicô, đương kim Giáo hoàng cũng là những người đã từng chung phận. Biện phân là một động thái cần có sự ngay thẳng và khiêm nhu, cần cả sự can đảm và bền chí.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây