TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG

Thứ sáu - 29/11/2024 13:02 |   183
Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (Mt 9,35-10,1.6-8)

07.12.2024
THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG

Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t7 t1 MV

Mt 9, 35 - 10,1.6-8

mong đợi đức giê-su
Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (Mt 9,35-10,1.6-8)

Suy niệm: Đức Giê-su chính là Con  Thiên Chúa nhập thể làm người: Ngài là Đấng Ki-tô, là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi. Sứ mạng của Ngài khi đến trong trần gian được cô đọng trong việc “giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Ngài luôn chạnh lòng thương trước đám đông dân chúng lầm than vất vưởng. Những điều đó chứng tỏ Ngài là “Đấng phải đến” mà các ngôn sứ đã loan báo. Ngài sẽ tiếp tục đến qua các môn đệ, là những hiện thân của Ngài. Các giám mục, linh mục giờ đây tiếp nối sứ vụ của Chúa do các tông đồ truyền lại, tiếp tục sứ vụ chữa lành, không phải là tật bệnh thể xác –đó chỉ là dấu chỉ– mà là quyền năng chữa lành linh hồn qua bí tích Hoà giải.

Mời Bạn: Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm qua mầu nhiệm Nhập Thể. Chúa sẽ đến với toàn thể nhân loại trong ngày tận thế. Chúa cũng đang đến với từng người chúng ta bằng nhiều cách khác nhau: bằng Lời được ghi chép trong Tin Mừng, được rao giảng qua các thừa tác viên Lời Chúa… Nếu nói “Lời Chúa là chính Chúa” thì Lời Chúa đang nói với chúng ta cũng là chính Chúa đang đến với chúng ta đó, bạn ạ.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trong Mùa Vọng này hãy để ra một khoảng thời gian để đón Chúa đến bằng việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nuôi dưỡng chúng con lòng khao khát lắng nghe Lời Chúa và năng lãnh nhận bí tích Hòa giải, ngõ hầu chúng con được gặp Chúa qua mọi cơ hội Chúa đến.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ                                                                         

Lạy Chúa là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin đến và tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã sai Con Một giáng trần cứu loài người khỏi vòng tội lỗi, này chúng con đang tha thiết đợi trông tình thương Chúa từ trời đổ xuống. Xin ban ơn giải thoát để chúng con thành những người thật sự tự do. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 30, 19-21. 23-26

“Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo rằng: “Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái”. Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ trên đất nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Ngày ấy, chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ nhào, sẽ có giòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa(Is 30, 18

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán.

Xướng: Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

Xướng:  Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.

Alleluia: Is 55, 6

Alleluia, alleluia! – Hãy tìm kiếm Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người còn gần các ngươi. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 35 – 10, 1. 6-8

“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: “Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Kitô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Này Ta đến ngay, và đem theo lương bổng, đế trả cho ai nấy tùy theo việc họ làm.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm         

MỤC TỬ ĐÍCH THỰC (Mt 9, 35; 10, 1.6-8)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Lời mời gọi truyền giáo là đề tài xuyên suốt của Đức Giêsu trong hành trình sứ vụ của Ngài. Từng lời nói, hành động đều làm toát lên đặc tính này.

Hôm nay, một lần nữa Đức Giêsu quan sát và thấy dân chúng lầm than vất vưởng như bày chiên không người chăn dắt và Ngài đã chạnh lòng thương đám đông này.

Thực ra thì dân chúng có người lãnh đạo, nhưng điều thua thiệt cho họ là họ lại bị sống dưới sự thống lãnh của những kẻ độc tài, kiêu ngạo, hình thức, dối trá là những Luật Sĩ và Pharisiêu. Vì thế, họ bị những người này dẫn đi sai đường trật lối, bởi vì người đang dẫn dắt họ chính là những mục tử dổm.

Chính vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã sống hoàn toàn khác với những người lãnh đạo thời bấy giờ, để làm hiện lên dung mạo một vị Mục Tử nhân lành, biết từng con chiên của mình, để con nào ốm đau, Ngài chữa trị, con nào gãy chân, què tay, Ngài băng bó, con nào đi lạc, Ngài đi tìm…, nói chung, Ngài đã “ngửi thấy mùi của từng con chiên” để yêu thương chúng xứng với nhân phẩn của từng con.

Hôm nay, Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu một lần nữa thi hành sứ vụ Mục Tử của mình khi “chạnh lòng thương” để chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và giải thoát họ khỏi những sự kiềm chế của tội lỗi.

Kế đó, Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ ra đi thi hành cùng một sứ vụ như Ngài và đồng thời trao ban cho các ông những quyền năng cần thiết để hỗ trợ việc rao giảng như khả năng chữa bệnh, trừ quỷ, khuất phục thiên nhiên… Tuy nhiên, vì Ngài biết rõ sự nguy hại của kẻ kiêu ngạo, nên không quên nhắc các ông: “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ như Đức Giêsu là phải có tình yêu thương, trách nhiệm và hết lòng phục vụ con người cách vô vị lợi, không tìm lợi lộc, danh vọng thấp hèn cho mình, nhưng tất cả để cho danh Cha được cả sáng và Nước Cha mau ngự trị.

Có thế, Mùa Vọng mới thực sự là Mùa của tình thương, sự tha thứ, bao dung. Được như thế, chúng ta sẽ có những món quà trân quý để dâng lên cho Chúa Hài Đồng trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên người môn đệ đích thực nhờ học và noi theo gương Chúa đã làm. Xin cho anh chị em giới trẻ biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa để ra đi và làm môn đệ cho Chúa. Amen.
 

PHẢI LÀM CẢ HAI

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Mt 9,35-10,1.5-9) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Vào trần gian trong thân phận con người, Chúa Kitô nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x.Hr 4,15; GS số 22). Trong kiếp phàm hèn. Con Thiên Chúa làm người phải bị điều kiện hóa bởi các quy luật tự nhiên, bị hạn chế bởi thời gian và không gian. Dù rằng đã nỗ lực đi rảo khắp các đô thị và làng mạc để rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật nhưng Chúa Giêsu vẫn chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thể lý và tâm linh của dân chúng. Tin Mừng tường thuật rằng “khi thấy đám đông dân chúng thì Chúa Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Chúa Giêsu chạnh lòng không chỉ vì chứng kiến nỗi lầm than khốn khổ của dân chúng mà còn ý thức sự hữu hạn của mình trong kiếp nhân trần. Chính vì thế Người đã chọn gọi nhiều môn đệ làm cộng tác viên cho công cuộc loan báo Tin Mừng, thực thi công trình cứu độ.

Khi sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ tông đồ thì Chúa Giêsu truyền dạy các ngài hai điều: Trước hết là xin Thiên Chúa ban ơn soi sáng, thúc đẩy nhiều tâm hồn thiện chí, biết sống cống hiến vì nhân loại: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37). Rồi sau đó Người ban cho các môn đệ “quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” và sai các ông đi thi hành sứ vụ tông đồ (Mt 10,1-16).

Phải làm cả hai điều Chúa Giêsu truyền dạy là vừa cầu nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều thợ gặt và vừa can đảm lên thi hành sứ vụ đánh lưới người cho Thiên Chúa. Phải làm cả hai điều này để tránh hai chước cám dỗ rất có thể làm cho người tông đồ lệch hướng, thậm chí sai đường. Nếu chỉ biết cầu nguyện mà không nhiệt thành dấn thân lên đường thì chúng ta dễ rơi vào chước cám dỗ tìm kiếm sự an thân, thụ động. Mỗi người mỗi việc chứ. Tôi cầu nguyện là đủ rồi. Còn việc lên đường dấn thân ra đi như chiên giữa sói rừng là của người khác.

Xin đừng quên ngay cả những tu sĩ giam mình trong các cánh cổng đan tu vẫn thường xuyên kết hợp lời cầu với những lễ vật hy sinh, với nhiều nỗ lực gắng công trong rất nhiều việc dù có khi chỉ là việc nhỏ (ora et labora). Các đan viện thường dùng thành quả lao công của mình để trợ giúp việc rao giảng Tin Mừng. Và lịch sử cho thấy các đan viện có công rất lớn trong việc hình thành các viện đại học danh tiếng trên thế giới. Với tín hữu giáo dân thì chước cám dỗ này xem ra dễ thấy hơn. Có đó nhiều người “đạo đức” chuyên chăm cầu nguyện xin Chúa ban nhiều thợ gặt và tự lấy thế làm đủ bổn phận. Cách nào đó họ nghĩ rằng việc rao giảng Tin Mừng là của riêng các đấng bậc, các tu sĩ nam nữ.

Trái lại nếu chỉ biết hoạt động tông đồ mà thiếu sự cầu nguyện xin Chúa ban thêm nhiều thợ gặt thì chúng ta lại dễ mắc vào chước cám dỗ tự tôn, tự mãn, thích độc quyền. Chỉ mình tôi là đủ rồi. Chỉ mình nhóm chúng tôi là làm được tất tần tật. Dù rằng phiến diện nhưng chúng ta cũng phải biết xét mình khi đã từng có đó nhận định rằng đã là Bản Quyền giáo phận thì không thích có vị phó hay vị phụ tá. Đã là quản xứ thì thích một mình một cõi. Nếu bề trên có gửi vị phó đến thì đành chịu vậy mà thôi.

Phải làm điều này mà không được bỏ điều kia. Đã cầu xin điều gì thì phải tích cực và nỗ lực làm điều ấy. Đã làm điều gì thì phải ý thức rằng không phải chỉ mình tôi có thể làm được mọi sự mà tất yếu cần có sự cộng tác của rất nhiều người, đặc biệt trong việc tông đồ, mở mang Nước Chúa.

CHÍNH NGƯỜI CỨU ĐỘ CHÚNG TA
(LỄ THÁNH AMRÔXIÔ 07/12)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Amrôxiô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã làm cho thánh Amrôxiô giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin Công Giáo, và một Tông Đồ trung kiên mẫu mực. Xin Chúa cho Hội Thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên. Thánh Amrôxiô chào đời ở Trêvêrô quãng năm 340 trong một gia đình người Rôma. Thánh nhân theo học ở Rôma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếcmiô. Năm 374, lúc đang ở Milanô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái Ariô. Người qua đời thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 4 tháng 4 năm 397.

Khôn ngoan và dũng cảm, để dám nói lời cảnh báo, khi Dân Chúa lạc xa đường lối Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Ngôn sứ đóng vai trò của người lính canh loan báo ngày Baben sụp đổ. Ngôn sứ là người được sai đi để nói lời của Thiên Chúa cho loài người. Lời ấy có thể là lời an ủi và cũng có thể là lời cảnh cáo. Trong bài đọc này, ngôn sứ đóng vai trò của người lính gác. Ông canh chừng để cảnh cáo dân về mối đe doạ trệch xa đường Chúa. Một thiên thần lên tiếng hô mạnh mẽ: Thành Babylon vĩ đại sụp đổ rồi! Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó! Tội lỗi của nó đã chồng chất lên đến tận trời, và Thiên Chúa đã nhớ đến các việc gian ác của nó.

Khôn ngoan và dũng cảm, để can đảm lên tiếng lúc thuận lợi cũng như không thuận lợi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Ước gì lời bạn giảng có nội dung phong phú, tinh tuyền, trong sáng, để khi giảng dạy luân lý, bạn nói năng ngọt ngào như rót vào tai dân chúng, và lời lẽ duyên dáng của bạn sẽ làm cho dân chúng say mê, từ đó người ta sẽ theo bạn đến nơi bạn muốn… Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ. Với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ.

Khôn ngoan và dũng cảm, để giữ vững lòng tin tưởng cậy trông chờ đợi Chúa thi ân giáng phúc, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 146, vịnh gia đã kêu xin: Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Chúa. Hãy ca ngợi Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy! Chúa là Đấng xây dựng lại Giêrusalem, quy tụ dân Ítraen tản lạc về.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Chúa là vị thẩm phán của chúng ta, là nhà lập pháp của chúng ta và là vua của chúng ta, chính Người sẽ cứu độ chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Chúa chạnh lòng thương bầy chiên không người chăn dắt, Chúa chính là thẩm phán và là nhà lập pháp, là vua và là Đấng cứu độ chúng ta. Chúng ta không phải sợ hãi chi, Chúa đã cắt đặt những người dẫn dắt, chăm lo cho chúng ta, phần của chúng ta là, hãy vâng nghe lời rao giảng và cảnh báo của những người được Chúa sai đến, và giữ vững lòng trông cậy vào hứa cứu độ của Chúa. Chúa đã làm cho thánh Amrôxiô giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin Công Giáo, và một Tông Đồ trung kiên mẫu mực. Ước gì Hội Thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên. Ước gì được như thế!

CHO KHÔNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy!”.

“Đã từ lâu, Thiên Chúa đấu tranh với một nhân loại cứng đầu; Ngài ban muôn phúc lộc, nhưng những món quà này xem ra vẫn không chiếm được trái tim nó. Cuối cùng, Ngài phải tự tạo một món quà khác, chính Ngài! Đó là món quà vô giá Ngài tặng ban nhân loại - Ngài ‘cho không’ - và nó không phải trả đồng nào!” - Henry Scougal.

Kính thưa Anh Chị em,

Hướng về ngày lễ Giáng Sinh, thật ý nghĩa khi chúng ta dừng lại với ý tưởng của Scougal, “Giêsu là món quà vô giá Thiên Chúa ‘cho không’ và nhân loại ‘không phải trả đồng nào!’. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận, “Anh em đã được cho không!” và Ngài còn thêm, “thì cũng phải cho không như vậy!”.

‘Cho không’ nghĩa là không mất phí. Nhưng bạn và tôi được cho những gì? Mọi điều tốt đẹp! Đó là những món quà hoàn toàn do tình yêu Thiên Chúa chứ không do một công lênh nào từ phía con người để Ngài phải ‘đáp lễ’. Đó là những ân tứ thiên hình vạn trạng của Ngài: sự sống, sức khoẻ, không khí, ánh sáng, thời gian, của ăn, của uống, “Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng, cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ!” - bài đọc một. Đó còn là những gì ‘thuộc linh’ như trí khôn, tình yêu, lương tâm, gia đình, tình bạn và các mối tương giao. Bên cạnh đó, sự chữa lành, thứ tha và muôn ân lộc thiêng liêng khác như Thánh Kinh, Thánh Truyền, các Bí tích, Giáo huấn Hội Thánh… Rõ ràng, Ngài ‘cho không’ và chúng ta hưởng nhận mà không phải trả đồng nào!

Trong muôn vàn quà tặng, món quà “Giêsu” là quà tặng tuyệt vời nhất trong muôn một. Mùa Vọng, mùa biết ơn và vui mừng hướng về ngày Thiên Chúa tặng ban nhân loại món quà lớn nhất đó. Gioan nói, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì được sự sống đời đời!”. Vì thế, Giáng Sinh không chỉ là lễ tạ ơn nhưng còn là thời gian nhớ đến ơn gọi của mình về việc phải mang Giêsu đến cho người khác. Trong Tin Mừng hôm nay, “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt!”. Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh còn là mùa ‘chạnh lòng thương’ như Chúa Giêsu.

Kính thưa Anh Chị em,

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy!”. Quà tặng Giêsu được ban cách đây hơn 2.000 năm; nhưng thật mới mẻ, nó vẫn được ban mỗi ngày qua các Bí tích; đặc biệt Thánh Thể. “Chúng ta được mời gọi đến gần bàn tiệc Thánh Thể với thái độ này của Chúa Giêsu: “Chạnh lòng thương” đối với những người khác! Đó không phải là một cảm giác hoàn toàn vật chất; nhưng thực sự là “patire con” - cùng đau khổ - tự mình gánh lấy nỗi buồn của người khác. Tôi có chạnh lòng thương khi đọc các tin tức về chiến tranh, nạn đói, nạn dịch? Quá nhiều thứ! Tôi có chạnh lòng thương đối với những người đó không? Tôi có chạnh lòng thương đối với những người ở gần tôi không? Tôi có khả năng đau khổ cùng họ hay tôi ngoảnh mặt làm ngơ hoặc nói “họ có thể tự lo cho mình?”. Chúng ta đừng quên “chạnh lòng thương” không chỉ là thương cảm phó dâng họ cho tình yêu quan phòng của Chúa Cha nhưng còn là can đảm chia sẻ và ‘cho không!’” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘cứng đầu’ vì Chúa sẽ lúng túng khi không biết lấy thêm gì mà cho con! Cũng đừng để con ‘nhức đầu’ khi phải làm một điều gì đó mà con chạnh lòng!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy sau Chúa Nhật 1 Mùa Vọng -C

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây