TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 19/05/2024 14:14 |   594
Đức Giê-su nói: “Phép rửa của Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời tôi đi!”… Họ trả lời: “Chúng tôi không biết.” (Mc 11,30.33)

01/06/2024
THỨ BẢY TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
Thánh Justinô, tử đạo

t7 t8 TN

Mc 11,27-33

 
sống theo sự thật
Đức Giê-su nói: “Phép rửa của Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời tôi đi!”… Họ trả lời: “Chúng tôi không biết.” (Mc 11,30.33)


Suy niệm: Nhìn nhận mình ‘không biết’ có thể là một thái độ khôn ngoan, biết rõ giới hạn của mình và khao khát được hiểu biết nhiều hơn. Nhưng khi các thượng tế và kinh sư trả lời Chúa Giê-su rằng “chúng tôi không biết” họ bộc lộ một toan tính nhằm né tránh những đòi buộc của lương tâm mà câu trả lời đó đặt ra, vì nếu họ trả lời phép Rửa của Gio-an là bởi trời thì lời chất vấn tiếp theo sẽ là “tại sao lại không tin ông ấy”. Họ không tin vào Đức Giê-su vì họ không chấp nhận một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, cũng không muốn đáp lại đòi hỏi của Chúa là vác thập giá của mình đi theo làm môn đệ của Ngài (x. Mc 8,34).

Mời Bạn: Chân lý luôn kéo theo đòi buộc phải sống theo chân lý. Lắm khi người ta chối bỏ chân lý chỉ vì không muốn sống theo những đòi buộc của nó. Chúa Giê-su nói về điều đó khi đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô: “Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng… Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,20-21). Để “đến cùng ánh sáng, sống theo sự thật” bạn nói không với sự gian dối, tham lam, chạy theo đam mê dục vọng. Đối lại, bạn chọn sống trung thực, khiêm tốn, và quên mình phục vụ. Trong bậc sống gia đình bạn sống tình yêu trong sáng, chung thuỷ; trong bậc sống thánh hiến, bạn trung thành với lời cam kết và luôn tận hiến hết mình cho sứ mạng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là ánh sáng chân lý, xin giúp con “sống theo sự thật và trong tình bác ái” để xây dựng Hội Thánh là thân thể Chúa Ki-tô. Amen.

Ngày 1: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Từ cạnh sườn bị đâm thâu, với trái tim rộng mở, máu và nước đã chảy ra khai sinh Hội Thánh. Xin cho Hội Thánh chúng con biết quay trở về nguồn cội Thập Giá, để kín múc từ nơi đó: nguồn sức sống dồi dào, và để nghe lại những tiếng lòng thổn thức, được phát ra từ Thánh Tâm rực cháy lửa yêu thương, tha thứ. Như hương thơm được tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, ơn cứu độ cũng tuôn trào cho những kẻ đóng đinh Đấng là tình yêu, xin cho chúng con biết yêu thương và tha thứ, như Chúa vẫn hằng bao dung và thương xót chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa đã cứu trợ tôi, đã đưa tôi đến chỗ thênh thang rộng rãi, và đã cứu sống tôi, bởi vì Người thương tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin an bài cho mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hoà bình trật tự, để tất cả chúng con được nhờ, và Hội Thánh được an vui thờ phượng Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I:  (Năm I) Hc 51, 17-27

“Tôi sẽ tôn vinh Ðấng ban cho tôi sự khôn ngoan”.

Trích sách Huấn Ca.

Tôi tuyên xưng, ca ngợi và chúc tụng danh Chúa.

Khi tôi còn trẻ, trước khi tôi đi đó đây, tôi đã công khai tìm kiếm sự khôn ngoan trong khi cầu nguyện. Trước đền thờ, tôi đã xin sự khôn ngoan, và tôi sẽ còn tìm nó cho đến ngày cuối đời tôi. Trước tinh hoa của sự khôn ngoan, như chùm nho hồng, tâm hồn tôi vui sướng: chân tôi bước đi trên đường ngay chính. Từ buổi thanh xuân, tôi đã tìm kiếm nó. Tôi đã lắng tai và nghe tiếng nó. Tôi đã tìm thấy trong tôi sự khôn ngoan cao cả, và nhờ nó tôi đã được tiến triển nhiều. Tôi sẽ tôn vinh Ðấng ban cho tôi sự khôn ngoan, vì tôi đã suy niệm để đem nó ra thực hành, tôi đã hăng say làm điều lành và tôi không hổ thẹn. Cùng với sự khôn ngoan, linh hồn tôi đã chiến đấu, và khi hành động, tôi được thêm vững chắc. Tôi đã giơ hai tay lên cao, và đã than khóc, vì đã không biết đến nó. Tôi đã hướng tâm hồn tôi về nó, và tôi đã tìm được nó với tâm hồn trong sạch.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. 

Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật chảy tự tàng ong. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gđ 17, 20b-25

“Thiên Chúa có quyền năng bảo tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng láng của Người”.

Trích thư của Thánh Giuđa Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những điều do các tông đồ đã loan tin trước về Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Anh em tự xây dựng trên đức tin rất thánh thiện của anh em và nguyện cầu bởi ơn Thánh Thần, anh em hãy tự kiên trì trong tình yêu Thiên Chúa, hầu mong đợi lòng thương xót của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho được sống đời đời. Anh em hãy thuyết phục những người này, họ là kẻ hay phân vân. Hãy cứu vớt những người kia, lôi kéo họ ra khỏi lửa. Còn như đối với hạng người khác nữa, anh em hãy tỏ lòng thương, đồng thời cũng phải lo sợ, gớm ghét cả đến tấm áo dài đã bị xác thịt làm nhơ bẩn.

Nguyện cho Ðấng có quyền năng / bảo tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng láng của Người một cách hân hoan, trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trở lại; nguyện cho Thiên Chúa duy nhất là Ðấng cứu độ chúng ta nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh quang, oai nghiêm, dũng lực và quyền năng, từ trước muôn thuở, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, linh hồn con khao khát Chúa (c. 2b).

Xướng: Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước.

Xướng: Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. 

Xướng: Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. 

Alleluia: Gc 1, 18

Alleluia, alleluia! – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 11, 27-33

“Ông lấy quyền nào làm sự đó?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?” Chúa Giêsu đáp: “Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi”. Họ liền bàn riêng với nhau rằng: “Nếu chúng ta trả lời “Bởi trời”, ông ấy sẽ nói: “Vậy sao các ông không tin Người?” Nhưng nếu chúng ta nói “Bởi người ta”, chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không biết”. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã ban cho chúng con của lễ này để dâng lên Chúa, thế mà Chúa lại thương coi đó là biểu hiện lòng thành của chúng con; xin cho của lễ Chúa ban tặng mang lại cho chúng con phần thưởng là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi,và tôi sẽ ca khen thánh danh Chúa là Đấng Tối Cao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể, ước chi tiệc Thánh Thể này sau khi đã nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con về quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỐI DIỆN VỚI SỰ THẬT
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Bài Phúc âm hôm nay tiếp nối Tin Mừng hôm qua. Sau khi Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ: xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, giới chức tôn giáo Do thái đã đến để chất vấn Chúa, điều tra sự việc.

Thoạt nhìn, việc điều tra có vẻ logic. Chúa Giê-su mới đây đã đòi cho mình có quyền đối với Nhà Chúa, còn đối với người Do thái thì đây là một đòi hỏi ngạo mạn chưa từng có. Nên họ chất vấn Ngài: “Lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”.

Thực ra, những người đến điều tra đều là những quan tòa nặng óc thành kiến. Họ đến không phải để tìm biết một sự thật, mà để gài bẫy. Là con người hiền hoà, Chúa Giê-su cũng tỏ ra thành thật và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh, thì Chúa lại giữ thái độ thinh lặng, như Ngài đã đứng trước Cai-pha, Hê-rô-đê, Phi-la-tô. Trong trường hợp kẻ đối thoại muốn gài bẫy để bắt bẻ Chúa, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài.

Nhận thấy thái độ không thành thật của những người đến chất vấn Ngài. Chúa Giê-su đã vặn lại: “Phép rửa của Gio-an là do trời hay do người ta?”. Khi Chúa đặt ra câu hỏi như thế, không phải để lẩn tránh vấn đề, nhưng cốt để lột mặt nạ che giấu tính xảo quyệt của họ. Sau khi cân nhắc ảnh hưởng lợi hại của câu trả lời, những người được sai đi ấy không dám bày tỏ ý kiến riêng. Họ nói: “Chúng tôi không biết.”

Cách thức trả lời của những kẻ chống đối cho thấy họ tìm ra giải đáp cho câu hỏi đặt ra. Họ không thể chối cãi sự kiện phép rửa của Gio-an là do từ trời. So sánh phép rửa của Gio-an với việc làm và phép lạ của Chúa, chắc chắn phép lạ của Chúa hơn phép rửa của Gio-an. Do đó, theo lý luận nghiêm chỉnh và thành thật, những kẻ chống đối phải biết Chúa lấy quyền từ đâu để làm các điều ấy.

Như thế, câu hỏi của Chúa Giê-su: “Phép rửa của Gio-an là do từ trời hay do người ta?” là câu hỏi để đánh thức lương tâm những kẻ chống đối Ngài. Chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường sự thật, người đó mới có thể vào được Nước Trời.

Ai tránh né đối diện với sự thật, bóp méo và vặn cong sự thật sẽ phải lâm vào tình trạng vô vọng, phải chịu ngậm miệng mà không thốt được lời nào. Người dám đối diện với chân lý, có thể sẽ phải xấu hổ tự nhận rằng mình sai hoặc có thể phải đứng ra làm chứng cho sự thật, nhưng ít ra tương lai người ấy cũng còn xán lạn, vững mạnh. Kẻ không dám đối diện với chân lý sẽ chẳng còn gì khác hơn là cứ ngày càng chìm sâu hơn vào một tình trạng khiến kẻ ấy phải gặt lấy tuyệt vọng và chịu bó tay chẳng xoay trở gì được.

Nhìn vào cuộc sống của mình, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết canh tân đời sống, khiêm tốn đón nhận và sống sự thật của Chúa cho đến cùng.

 

AI HƠN AI? (Mc 11, 27-33)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Sau khi đánh đuổi con buôn trong đền thờ, Đức Giêsu bị các vị lãnh đạo Dothái đến chất vấn Ngài về nội dung việc đuổi dân chúng ra khỏi đền thờ. Đây cũng chính là một trong 5 cuộc tranh luận sôi nổi giữa Ngài với những người lãnh đạo Dothái trước khi chịu chết.

Khởi đi từ việc họ cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Đây là câu hỏi ranh mãnh và đầy nguy hiểm. Nếu Đức Giêsu trả lời là Ngài tự ý lấy quyền của riêng mình mà làm vậy, thì họ ngay lập tức có lý để bắt Ngài vì những lời nói đầy ngông cuồng. Nếu Ngài nói là lấy quyền của Thiên Chúa thì họ cũng thừa cớ để loại trừ Ngài vì những lời nói lộng ngôn.

Tuy nhiên, tình thế được lật ngược khi Đức Giêsu đặt họ vào một thế bí khi thức tỉnh lương tâm bằng câu hỏi: “Theo ý các ông, thì công việc của Gioan Tẩy giả là theo ý người ta hay theo ý muốn của Thiên Chúa?”. Câu hỏi này đã đẩy họ vào đường cùng, khiến họ gặp phải một nan đề khó giải quyết, bởi lẽ, nếu trả lời là đến từ Thiên Chúa thì họ đoán trước có thể sẽ bị Đức Giêsu nói rằng: tại sao các ông lại chống? Hay nếu đến từ Thiên Chúa thì tại sao không tin Gioan đã làm chứng về Ngài? Và tại sao không công nhận Ngài là Mêsia? Còn nếu nói là đến từ con người thì chắc chắn họ bị dân chúng chống đối và phản loạn, bởi vì Gioan được coi như Ngôn Sứ và là chứng nhân. Đứng trước tình thế bí bách đó, họ chỉ còn biết thốt lên: chúng tôi không biết!

Khi sự thật lên ngôi thì những sự gian trá ranh mãnh phải lui về vị trí của chúng.

Trong xã hội hôm nay vẫn còn đó những người sống giả hình, man trá, tránh né hoặc trốn chạy sự thật. Khi không chấp nhận chân lý, thì họ chỉ còn sống trên sự tàn ác, độc địa, giã tâm khi bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để dồn anh chị em chúng ta vào chân tường.

Tuy nhiên, cũng như những nhà lãnh đạo Dothái thời bấy giờ. Nếu không dám đối diện với sự thật và nâng đỡ nhau trong chân lý, thì ắt sẽ lãnh nhận hậu quả là rơi vào trong tình trạng tuyệt vọng và đáng xấu hổ, lầm lũi ra về.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay sẽ đánh thức lương tâm của mỗi người, nếu chúng ta đang sống trong sự giả trá, thiếu chân thành và không phục thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống đơn sơ, chân thành để gặp được Chúa và thuộc về Chúa để được sống đời đời. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Justinô, tử đạo

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các thánh Chúa, và xin cho các ngài tồn tại muôn đời – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giút-ti-nô tử đạo ơn hiểu biết sâu xa về Ðức Ki-tô nhờ suy tưởng mầu nhiệm thập giá mà thế gian coi là điên dại. Nhờ lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con thoát khỏi mọi tư tưởng sai lầm và cương quyết giữ vững niềm tin. Chúng con cầu xin…

(Bài đọc theo ngày)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Giút-ti-nô mạnh mẽ bênh vực mầu nhiệm thánh lễ này, xin Chúa cũng ban ơn trợ giúp chúng con cử hành mầu nhiệm này cho xứng đáng. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được bánh bởi trời nuôi dưỡng xin cho chúng con biết nghe theo lời giáo huấn của thánh Giút-ti-nô tử đạo để không ngớt lời cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa đã thương ban. Chúng con cầu xin…

GIỮ VỮNG NIỀM TIN
(LỄ THÁNH GIÚTTINÔ 01/06)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Giúttinô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Giúttinô tử đạo ơn hiểu biết sâu xa về Đức Kitô, nhờ suy tưởng Mầu Nhiệm Thập Giá mà thế gian coi là điên dại. Nhờ lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng ta thoát khỏi mọi tư tưởng sai lầm và cương quyết giữ vững niềm tin.

Thánh nhân là một triết gia và là anh hùng tử đạo. Người sinh tại Phơlavia Nêapôli, ở Samari, trong một gia đình ngoại giáo, đầu thế kỷ II. Sau khi tin Chúa Kitô, người đã viết nhiều tác phẩm bênh vực Kitô giáo. Trong số đó, còn lại hai tác phẩm “Minh giáo” gửi cho hoàng đế Antôniô và “Đối thoại với ông Triphông”, tranh luận với người Dothái. Người cũng mở một trường dạy triết lý ở Rôma. Bị một đồng nghiệp tố cáo, người một lòng son sắt tuyên xưng đức tin trước mặt quan tòa và đã được phúc tử đạo cùng với sáu Kitô hữu khác, quãng năm 165, thời hoàng đế Máccô Aurêliô.

Cương quyết giữ vững niềm tin và tránh mọi tư tưởng sai lầm, đây quả là một thách đố lớn đối với những ai đang hứng chịu những đau khổ tột cùng, ngay cả, ông Gióp cũng phải lên tiếng chất vấn Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Gióp cho thấy: Ông Gióp cả gan tranh luận với Thiên Chúa, phải ở trong hoàn cảnh của ông, ta mới hiểu được những lời lẽ táo bạo của ông. Ít lâu nữa, ta sẽ thấy: ông lên án thái độ của chính mình.

Cương quyết giữ vững niềm tin và tránh mọi tư tưởng sai lầm, đây là thái độ của thánh Giúttinô và các bạn tử đạo khi đứng trước quan quyền, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách đã tường thuật: Tổng trấn Rútticô nói: Nếu không tuân lệnh, các ngươi sẽ phải chịu khổ hình không chút xót thương. Thánh Giúttinô trả lời: Chúng tôi ao ước chịu khổ hình vì Đức Kitô, Chúa chúng tôi, để được cứu độ, vì điều ấy mang lại cho chúng tôi ơn cứu độ và làm cho chúng tôi vững tin trước tòa chung thẩm của Chúa là Thiên Chúa và Đấng cứu độ chúng tôi.

Cương quyết giữ vững niềm tin và tránh mọi tư tưởng sai lầm, đây là ơn Chúa ban cho những ai thành tâm yêu mến và khao khát Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giuđa Tông Đồ đã kêu gọi: Xin kính dâng Đấng có quyền phép gìn giữ anh em khỏi sa ngã và cho anh em đứng vững, tinh tuyền, trước vinh quang của Người, trong niềm hoan lạc. Xin kính dâng Thiên Chúa duy nhất, Đấng Cứu Độ chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 62, vịnh gia cũng diễn tả niềm tin yêu Chúa bằng nỗi khao khát: Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, linh hồn con đã khao khát Chúa. Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thỏa thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú, anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại việc các thượng tế và kinh sư chất vấn Đức Giêsu: Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy? Đức Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi: Phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta? Đức Giêsu đã lấy quyền của người Con luôn làm theo ý Chúa Cha, vâng phục thánh ý Chúa Cha đến đổ giọt máu giọt nước cuối cùng, để cứu độ chúng ta. Chính nhờ, hằng suy gẫm về Mầu Nhiệm Thập Giá, cho nên, thánh Giúttinô đã có những hiểu biết đúng đắn và sâu sắc về Đức Kitô, khiến thánh nhân đã cương quyết giữ vững niềm tin và tránh được mọi tư tưởng sai lầm. Ước gì ta cũng biết để cho Thập Giá của Đức Kitô cắm sâu vào cuộc đời mình, hầu ta có thể giữ vững đức tin và tránh được những học thuyết sai lạc. Ước gì được như thế!

CỐ CHẤP
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!”.

“Nói dối thực sự là một thói xấu đáng nguyền rủa. Nó lớn lên cùng với đứa trẻ và trở nên cố chấp cùng sự trưởng thành của một con người. Một khi cái lưỡi đã ‘có tài nói dối’, thật khó để tưởng tượng trong việc sửa lại nó vì đó là điều không thể!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay phần nào chỉ ra những con người xem ra ‘có tài nói dối’; đúng hơn, những con người ‘cố chấp’ đang tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu.

Đó là những nhà lãnh đạo tôn giáo đang hoạnh hoẹ Ngài, “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” nhân việc Chúa Giêsu đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã trích lời Thánh Kinh, nói cho họ rằng, “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân, nhưng các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp!”. Điều này khiến các thượng tế, kinh sư phẫn nộ và ngay lập tức bắt đầu bàn bạc cách thức để có thể xử tử Ngài.

Trước tiên, hãy xét xem sự căng thẳng. Theo đúng nghĩa đen, họ đang âm mưu giết Con Thiên Chúa. Lòng đầy hận thù, họ ghen tị và không chịu tin Ngài. Chúa Giêsu thấy sự cứng lòng của họ và đặt họ vào thế phải trả lời câu hỏi của Ngài trước khi Ngài trả lời câu hỏi của họ, “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!”. Tại sao Ngài làm điều này?

Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra thực sự là một hành động đầy xót thương. Ngài cho họ cơ hội để ăn năn. Nếu trả lời câu hỏi của Ngài bằng một niềm tin khiêm tốn và thành thật, họ đã có thể cứu được mạng sống mình. Thay vào đó, họ thảo luận để đưa ra một câu trả lời đúng về mặt chính trị nhưng tránh việc nói phép rửa của Gioan là từ con người vì sợ dân chúng phản đối. Bởi thế họ nói “Chúng tôi không biết!”. Nhưng hãy tưởng tượng nếu họ nói rằng phép rửa của Gioan thực sự đến từ Thiên Chúa và lẽ ra họ phải tin thì sao? Chỉ cần hạ mình xuống, thừa nhận họ đã sai lầm đối với Gioan, thì Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi của họ và cuộc sống đức tin đích thực của họ đã có thể bắt đầu! Nhưng họ đã không làm vậy. Họ vẫn ‘cố chấp’, không thừa nhận mình đã sai.

Kính thưa Anh Chị em,

“Các ông trả lời cho tôi đi!”. Chúa Giêsu muốn những con người ‘có tài nói dối’ này ra khỏi sự cứng lòng. Khi một người từ chối thừa nhận tội lỗi mình, từ chối thay đổi, thì đến Thiên Chúa cũng không thể giúp gì họ. Họ lạc lối trong tội lỗi và gánh lấy hậu quả. Hôm nay, hãy suy gẫm về bất cứ điều gì mà bạn vẫn ‘cố chấp’. Có vấn đề đức tin nào bạn đang từ chối tin? Có mối quan hệ tan vỡ nào mà bạn từ chối khôi phục cách khiêm tốn? Bạn có biện minh cho tội lỗi mình, từ chối thừa nhận nó và cần thay đổi? Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn và tôi một trái tim khiêm nhường. Khiêm nhường không gì khác hơn là hoàn toàn thành thật với bản thân và người khác trước mặt Chúa. Đừng rập theo các nhà lãnh đạo này nhưng khiêm tốn tìm cách loại bỏ mọi sự ngoan cố khỏi trái tim bạn để Chúa có thể bước tới, mang lòng thương xót của Ngài vào cuộc sống bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con cảm thấy ‘yên ổn’ trong những ‘nhà tù tự tạo’ của mình. Xin giải thoát con khỏi sự ‘cố chấp’, bướng bỉnh trước sự dun dủi của Thánh Thần!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây