TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 4 MÙA VỌNG

Thứ bảy - 18/12/2021 17:06 |   1103
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28).

20/12/2021
THỨ HAI TUẦN 4 MÙA VỌNG

 

t2 t04MV C

Lc 1, 26-38

LÀN RANH GIỮA DIỄM PHÚC VÀ VÔ PHÚC

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28).

Suy niệm: Nguyên tội là tội do tổ tông loài người gây ra khiến tất cả mọi người đều phải mang tội. Đó không phải là thứ tội Thiên Chúa ‘gắp’ bỏ lên đầu mỗi người để rồi ai cũng mang nó; mà đó là tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa và vì thế con người sống “không Thiên Chúa”, lìa khỏi nguồn mạch sự sống, như bóng điện bị tắt nguồn, như chiếc điện thoại di động nằm ngoài vùng phủ sóng. Nếu nguyên tội gây nên tình trạng mất ân sủng, thì vô nhiễm nguyên tội là được “đầy ân sủng” vì có “Chúa ở cùng”. Vô nhiễm nguyên tội là đặc ân dành riêng, là cuộc sáng tạo mới, để từ đó phát sinh một dòng giống đầy ân sủng. Dòng giống này đã khởi đi từ Đức Maria, có khả năng đạp nát đầu Tên Cám Dỗ (St 3,15) và sẽ tồn tại đến muôn đời (Lc 1, 33).

Mời Bạn: Đức Maria được ơn “vô nhiễm tội” còn Evà được khởi đầu bằng tình trạng “không có tội;” nhưng một bên chấp nhận mọi sự theo như ý Chúa, còn bên kia muốn qua mặt Chúa theo con đường ma quỉ mách cho; từ đó kết quả cũng khác nhau: một bên được kể là “có phúc”, còn bên kia trở nên vô phúc. Diễm phúc hay vô phúc là do ta chấp nhận theo ý Chúa hay làm theo sự cám dỗ của Satan! Mặc dù không được ơn vô nhiễm nguyên tội, nhưng mỗi người đều có cơ hội thoát khỏi nguyên tội để thuộc về dòng giống đầy ân sủng nhờ tin vào Đức Kitô và thanh tẩy trong máu của Ngài.

Sống Lời Chúa: Chấp nhận bỏ ý riêng trong những việc rất nhỏ để sống khiêm nhường “xin vâng” theo ý Chúa.

Cầu nguyện: Hát bài “Xin Vâng”.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 4 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Từ gốc tổ Gie-sê sẽ đâm ra một chồi, khắp mặt đất sẽ tràn ngập vinh quang Chúa, và mọi người sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, trong ngày truyền tin, Chúa đã muốn cho Ðức Trinh Nữ đón nhận Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa, được đầy tràn ánh sáng của Thánh Thần và trở nên cung điện của Ðấng Tối Cao. Xin giúp chúng con học đòi gương khiêm nhường của Ðức Trinh Nữ để luôn luôn thuận theo ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo cùng vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao”. Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”.

Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít: Làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

 Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Chìa khoá Ðavít, Ngài mở cửa thiên quốc, xin hãy đến cứu thoát người bị xiềng xích đang ngồi trong bóng tối tăm khỏi cảnh ngục tù! – Alleluia.

 Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ tế cao trọng nhất chúng con sắp dâng lên; và khi chúng con cùng chia sẻ tế phẩm là Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được hưởng ơn cứu độ mà chúng con đang tin tưởng đợi chờ. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng II

Ca hiệp lễ

Thiên thần nói với Đức Ma-ri-a rằng: “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, đặt tên là Giê-su”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực bởi trời nuôi dưỡng chúng con, xin cũng che chở phù trì và làm cho chúng con được nghiệm thấy nguồn an vui đích thực khi cử hành bí tích Thánh Thể. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“XIN VÂNG” (Lc 1,26-38)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Vào thời Đức Maria, luật lệ Dothái rất gắt gao đối với những phụ nữ bị phạm tội ngoại tình. Nếu bị mắc phải, tức là có thai trước hôn nhân hay trong thời kỳ đính hôn là bị án tử hình. Hình phạt chính là ném đá cho đến chết.

Trong hoàn cảnh như thế, Đức Maria cũng thuộc về thành phần trong dân tộc này, hẳn Mẹ không thể thoát khỏi tội chết khi tự nhiên trong bụng mình có một Thai Nhi ngày càng lớn dần theo theo năm tháng…

Ai là người hiểu được Mẹ ngoài Thiên Chúa là chủ thể của Thai Nhi trong bụng Mẹ! Như thế, khi không chồng mà chửa là chắc chắn chết. Mẹ biết rõ điều đó. Tuy nhiên, khi Mẹ nhận được lời giải thích của Sứ Thần, Mẹ đã chấp nhận đi vào cuộc phưu lưu với Thiên Chúa trong niềm tin tưởng và phó thác. Quyết định này là một hành vi can đảm, bởi vì khi quyết định như vậy, Mẹ sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn đến từ gia đình, xã hội và nhất là với Giuse, bạn trăm năm của mình. Nhưng, vì tin vào Thiên Chúa tuyệt đối, nên Mẹ đã buông theo ân sủng để Thiên Chúa rợp bóng trên cuộc đời của Mẹ.

Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, đức tin nhiều khi bị lung lay vì những thử thách đến với chúng ta từ nhiều phía…

Đôi khi chính chúng ta cũng thử thách ngược lại Thiên Chúa để thỏa mãn sự hiếu tri của mình trước khi tin, và như thế, hẳn khó có thể chấp nhận nghịch lý ân sủng của Thiên Chúa.

Nguyên nhân sâu xa chính là việc chúng ta không nhạy bén với ơn Chúa, còn nghi ngờ quyền năng của Ngài, và cũng có thể do sự kiêu ngạo phủ lấp tâm trí chúng ta, nên Lời Chúa khó biến đổi tâm hồn trai đá của mình. Vì thế, nhiều khi còn uốn nắn Lời Chúa theo thiển ý của ta nữa.

Sở dĩ Đức Mẹ trở thành Nữ Tỳ Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận lời “xin vâng” với Thiên Chúa là vì Mẹ nhạy bén với ơn Chúa đã được loan báo từ trong thời Cựu Ước. Mẹ cũng khiêm tốn khi thấy điều này là kế hoạch đến từ Thiên Chúa chứ không phải do con người, nên Mẹ đã “xin vâng” để thánh ý Thiên Chúa được nên trọn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng, phó thác cuộc đời cho Chúa như Đức Mẹ. Khiêm tốn để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn và sinh hoa trái trong cuộc sống của chúng ta. Sống trung thành với Chúa dù có phải gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Can đảm đón nhận thánh ý Chúa và trung thành với Thiên Ý.

Lạy Mẹ Maria, xin phù trợ chúng con để chúng con khiêm tốn, can đảm, nhạy bén và trung thành với Chúa như Mẹ. Amen.
 

XIN VÂNG LÀ XIN DÂNG


(Thứ Hai sau Chúa Nhật IV Mùa Vọng – 20/12 – Is 7,10-14; Lc 1,26-38)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Trong tuần bát nhật chuẩn bị gần đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm chân dung một tạo vật tuyệt hảo nhất trong các loài thụ tạo hữu hình đó là Mẹ Maria. Để thực thi chương trình cứu độ Thiên Chúa muốn có một thụ tạo tuyệt hảo cộng tác trong vai trò trung gian để Chúa Con nhập thể làm người. Chúng ta cùng chiêm ngắm sự tuyệt hảo của Mẹ Maria xét như là tạo vật và xét như là hình ảnh và là họa ảnh của Đấng Sáng Tạo: Cộng đoàn Thiên Chúa Tình Yêu.

Thực sự là tạo vật đúng nghĩa khi hiện hữu và vận hành đúng theo ý Đấng dựng nên mình. Chiếc bình sành chỉ là nó khi hiện hữu và thể hiện đúng theo ý người thợ gốm. Qua lời thưa xin vâng, Mẹ Maria đã xin dâng cho Thiên Chúa chương trình ý định của mình, dù đó là tốt đẹp theo cái nhìn của Mẹ. Cũng như nhiều người Do Thái giáo thời bấy giờ, Mẹ khát khao Đấng Thiên Sai mau đến cứu đời, cách riêng là cứu thoát dân tộc ra khỏi ách nô lệ của ngoại bang Rôma. Tự nguyện chọn đời khiết tịnh son sẻ, chấp nhận sự nhuốc hổ trước mắt người đời là một cách thế dâng lễ hy sinh. Thời bấy giờ cũng có nhiều nam nhân như phái Essênêô đã chọn đời cô tịch trong hoang mạc làm lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa.

Tuy nhiên khi sứ thần truyền tin cho Mẹ rằng sẽ thụ thai và sinh con do bởi quyền năng của Thánh Thần thì Mẹ đã tự nguyện hy sinh ý riêng của mình để thực hiện chương trình Thiên Chúa muốn. Nắm đất sét uốn mình theo bàn tay người thợ gốm cách thụ động. Mẹ Maria thì chọn lựa vâng theo thánh ý Thiên Chúa cách ý thức và tự do. Đây là nét cao cả của loài thụ tạo được Thiên Chúa chọn làm hình ảnh và họa ảnh của Người.

Sự tuyệt hảo nơi Mẹ Maria lên đến đỉnh cao khi Mẹ không chỉ qua lời xin vâng hiến dâng ý chí tự do của mình mà còn hiến dâng cả toàn thân và sự sống của mình. Xét về khía cạnh tiêu cực thì Mẹ sẵn sàng đối diện với án hình ném đá theo luật của Do Thái giáo thời bấy giờ. Theo chiều kích tích cực thì Mẹ hiến dâng thân xác của Mẹ để Con Thiên Chúa nhập thể thực thi công trình cứu độ.

Lời xin vâng của Mẹ chính là động thái xin dâng trọn vẹn con người của mình để tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ trên dương gian. Với thân xác đón nhận từ Mẹ Maria, Con Thiên Chúa làm người ban lời chân lý, ban lời thứ tha. Với thân xác ấy Người tiếp xúc liên đới với các mảnh đời bất hạnh, gánh lấy hậu quả của tội lỗi con người và nhất là thông ban sự sống thần linh, sự sống trường sinh, hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân trần. Xin tạ ơn Chúa. Xin cám ơn Mẹ.
Là đoàn con cái, mong sao chúng ta biết sống tình con thảo là noi gương Mẹ, trong sự ý thức và tự do, tự nguyện xin dâng những gì mình có và mình là để cho tình yêu cứu độ Thiên Chúa kết trái, đơm hoa. Ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh đã gần kề, bạn và tôi, chúng ta đã sẵn sàng được những gì để xin dâng đây?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây