TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA VỌNG

Thứ tư - 15/12/2021 17:34 |   1479
“Đức Giêsu là con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham… ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.” (Mt 1, 1.16)

17/12/2021
THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA VỌNG

 

t6 t03MV C

Mt 1, 1-17

GIA PHẢ CHÚA GIÊSU

Đức Giêsu là con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham… ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.” (Mt 1, 1.16)

Suy niệm: Đọc chỉ mất vài phút, song bản gia phả Đức Giêsu là cả một câu chuyện dài, gói ghém trong mình nó câu chuyện của ngót hai ngàn trang Cựu Ước Kinh, một dòng lịch sử chảy miên man qua bốn mươi hai thế hệ. Ta rút ra vài ghi nhận:

Con Thiên Chúa nhập thể không bỗng nhiên ‘từ trên trời rơi xuống’. Nguời là con người đích thực. Người đã đi vào một gia hệ không gồm toàn những con người thánh thiện.

Thiên Chúa đã phải cần đến hàng bao thế kỷ để chuẩn bị cho cuộc nhập thể này. Vì thế, để hiểu nhân vật và biến cố “Giêsu”, ta không thể không qui chiếu đến Cựu Ước.

Các danh tánh và các khuôn mặt tiền bối Đức Giêsu nêu bật sự trung thành tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài vẫn kiên định yêu thương, bất chấp thói thay đổi thất thường về phía con người.

Gia phả Đức Giêsu là một ‘dụ ngôn’ của gia phả Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội vẫn không ngừng được tinh luyện để trở nên hoàn hảo.

Mời Bạn: Cảm nghiệm lòng trung thành của Thiên Chúa trong cuộc đời bạn, cảm nghiệm cách Ngài rút điều tốt đẹp ra từ những cái tệ hại.

Sống Lời Chúa: Bạn dành ít phút để ôn lại lịch sử đời mình và rút ra bài học sâu xa nhất.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa vẫn trung thành yêu thương con, dù con đã biết bao lần bất trung với Chúa. Xin giúp con từ nay yêu Chúa trung thành.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, vì Chúa chúng ta sẽ ngự đến, và xót thương dân nghèo khó của Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Đấng tạo thành và cứu chuộc nhân loại, Chúa đã muốn Ngôi Lời mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Giờ đây, xin nhận lời chúng con cầu khẩn,  ước gì Con Một Chúa đã làm người như chúng con, cũng cho chúng con được làm con Chúa như Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời.

Bài Ðọc I: St 49, 2. 8-10

“Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Ngày ấy, Giacóp triệu tập con cái lại và nói rằng: “Hỡi con cái Giacóp, hãy hợp lại và nghe cha đây. Hỡi nhà Israel, hãy nghe lời cha của các con. Giuđa, anh em con sẽ ca tụng con. Bàn tay con sẽ đè trên ót quân thù; con cái của cha con sẽ phục lạy con. Giuđa là sư tử con, hỡi con của cha, con đã chồm lên bắt mồi, con đã nằm xuống nghỉ ngơi, như giống sư tử đực, tựa nòi sư tử cái, ai dám khiêu khích nó? Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa, gậy chỉ huy không rời khỏi chân nó, cho đến lúc Ðấng thiên sai ngự đến, là Ðấng chư dân đợi trông”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8. 17

Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời (x. c. 7).

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

Xướng: Núi non đem an hoà cho dân, và nổng đồi mang lại đức công chính. Người bênh chữa kẻ hèn trong dân, và cứu thoát con cái nhóm nghèo. – Ðáp.

Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Ðức Thượng Trí của Ðấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự cách mạnh mẽ và dịu dàng, xin hãy đến dạy dỗ chúng con con đường khôn ngoan. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 1-17

“Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara bởi bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít.

Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.

Vậy, từ Abraham đến Ðavít có tất cả mười bốn đời, từ Ðavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng. Này chúng con đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền. Xin cho mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho chúng con ơn giải thoát và canh tân như chúng con hằng mong đợi. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai, và sinh hạ con trai. Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, giữa cộng đoàn Hội Thánh Chúa đây, xin cho chúng con được đón nhận tình thương của Chúa và chuẩn bị xứng đáng những ngày đại lễ gần kề để mừng ơn cứu chuộc chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

MẦU NHIỆM ÂN SỦNG VÀ TỘI LỖI (Mt 1, 1-17)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Hôm nay, Phụng vụ Giáo Hội chuyển sang phần hai của Mùa Vọng. Tức là thời gian chuẩn bị cho việc đón Chúa trở nên gần hơn trước. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta biết về gia phả của Đức Giêsu, không chỉ nhằm mục đích cung cấp cho chúng ta thông tin về lai lịch dòng tộc của Đức Giêsu, mà còn mặc khải cho chúng ta biết về tình thương và ân sủng của Thiên Chúa ngang qua mầu nhiệm về tội lỗi của dòng tộc này. Mặt khác, cũng cho chúng ta thấy lối nhìn và cách hành xử của Thiên Chúa khác xa lối nhìn và suy nghĩ của con người.

Toàn bộ gia phả cho thấy: lòng từ bi của Thiên Chúa trải dài qua muôn thế hệ. Vì thế, cách thế Người gọi và chọn những người cộng tác trong chương trình này cũng rất đặc biệt. Không nằm trong lý luận của con người. Chẳng hạn như việc tổ phụ Abraham, thay vì ông chọn trưởng tử Ismael, con của bà Aggar, thì lại chọn Isaac là đứa con của lời hứa, con của bà Sara, vợ của ông. Rồi, đến lượt Isaac muốn chúc lành cho trưởng nam Esau, nhưng rốt cuộc đành chúc lành cho Giacóp, theo một ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Hay như Giacóp, đã không chọn Ruben, con trưởng, hoặc chọn Giuse, người được ông yêu thương nhất, hơn nữa Giuse cũng là người tài giỏi, có tình thương và đại lượng hơn mọi anh em khác, nhưng Giacóp lại chọn Giuđa là người đã bày binh bố trận bắt cóc Giuse và bán sang Aicập!

Sang thời quân chủ, chúng ta thấy các vua trước lưu đầy nằm trong gia phả đa số là những người tội lỗi, bất nhân, thất trung, chỉ có hai vị trung thành với Thiên Chúa mà thôi, đó là: Ezechiel và Geroboam. Sau thời lưu đầy cũng chỉ có hai là vua: Salathiel và Zorobabel.

Ngay cả vua thánh Đavít, người được nhắc đến nhiều cũng là người mang trong mình tội lỗi!

Rồi đến các phụ nữ, chúng ta thấy các bà cũng đại đa số là những người bất hợp luật như: Tamar là một phụ nữ tội lỗi, Racab là một gái mại dâm, Rut là một người ngoại bang và người đàn bà cuối cùng được nhắc đến trong gia phả chính là Betsabea mà vua Đavit đã ngoại tình.

Như vậy, trong gia phả của Đức Giêsu, chúng ta có thể ví như là một dòng suối ô nhiễm, nó chỉ được trở nên trong sạch, tinh tuyền khi có sự xuất hiện của Đức Maria, thánh cả Giuse, Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu xuất hiện, chúng ta thấy dòng suối cứu độ được chảy ngược dòng và xuôi dòng để gội sạch tội lỗi của tổ tiên trong quá khứ cũng như hậu sinh sau này.

Khi đọc lại gia phả của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong việc bày tỏ tình thương của Người ngay trong lịch sử gồm nhiều người tội lỗi, và như thế, chúng ta có quyền hy vọng vào tình thương của Ngài, mặc dù chúng ta đều là những người bất xứng… Hơn nữa, chúng ta được nhập đoàn không phải với những người tội lỗi, nhưng với đoàn dân, những người mang trong mình niềm hy vọng cứu chuộc.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cất cao lời tạ ơn Chúa vì Ngài đã làm nên những điều kỳ diệu trong lịch sử cứu độ, mà chúng ta là những thành phần trong lịch sử mầu nhiệm này.

Mặt khác, mời gọi chúng ta có lòng cảm thông với những người tội lỗi và giúp họ vươn lên trong ân sủng của Thiên Chúa vì: ở đâu tội lỗi tràn đầy, thì ở đó ân sủng của Thiên Chúa chứa chan gấp bội. Bởi lẽ, thánh nhân nào cũng có quá khứ và tội nhân nào cũng có tương lai.

Như vậy, chúng ta nhận thấy rõ rằng: không ai và không có gì có thể ngăn cản được tình yêu của Thiên Chúa.

Hơn nữa, qua trình thuật về gia phả của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ hoàn toàn không phải do công trạng của người này hay người kia mà Thiên Chúa ban ơn cứu độ, nhưng chính yếu là do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Tình thương Chúa thật bao la và lòng từ bi Chúa vô tận. Xin Chúa ban cho chúng con ý thức mình bất xứng nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương. Từ đó chúng con luôn mang trong mình niềm hy vọng được Chúa cứu độ. Amen.
 

TÌNH VÀ LÝ
 

tbd 151221b

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – ngày 17/12 –St 49,2.8-10; Mt 1,1-17)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Theo niên lịch Phụng vụ, trong Mùa Vọng, Giáo hội xếp một tuần trước đại lễ Giáng Sinh khởi từ ngày 17/12 giúp đoàn tín hữu chuẩn bị cách đặc biệt hơn để mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh cách hữu hiệu. Chính vì thế các bài đọc Thánh Kinh được tuyển chọn cách hữu ý hơn với những chủ đề thần học rõ nét liên quan đến mầu nhiệm nhập thế cứu độ của Đức Kitô.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế tường thuật lời mạc khải của Thiên Chúa về nguồn gốc của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa làm người là thuộc hậu duệ của ông Giuđa, một trong mười hai người con của Giacóp. Bài Tin Mừng theo thánh sử Matthêu tường thuật gia phả của Đấng Cứu Thế với các chủ ý thần học qua các chi tiết lạ thường mà không ngẫu nhiên chút nào.

Khi trình bày thân thế của Chúa Giêsu bắt đầu từ tổ phụ Abraham qua ba phần cân đối mỗi phần gồm mười bốn đời thì hẳn nhiên Thánh sử muốn khẳng định rằng sự vào đời của Con Thiên Chúa đã được chuẩn bị cách kỹ lưỡng từ ngàn xa. Mười bốn là hai lần bảy và ba phần như thế, đó là các con số biểu tượng sự tròn đầy, hoàn hảo. Một sự chuẩn bị đủ đầy thế mà đọc danh sách gia phả của Chúa Cứu Thế chúng ta thấy nhiều sự nghịch lý theo quan niệm người đời. Danh sách tổ phụ số nam giới thì chẳng có gì đáng trân trọng. Còn danh sách tổ mẫu của Chúa Giêsu thì thật đáng kinh ngạc. Ngoài người Mẹ tuyệt hảo là Maria thì bốn vị tổ mẫu được nêu tên quả là khó giải thích theo nghĩ suy phàm trần.

Khởi đầu là bà Tama. Bà tổ này đã loạn luân với bố chồng là ông Giuđa để có con nối dõi tông đường. Tiếp đến là bà tổ Rakhap vốn là một kỹ nữ dân ngoại đã bán rẻ dân tộc để cầu sinh. Rồi đến bà Rút là một người gốc lương dân cũng đã giả làm gái điếm để có con. Và cuối cùng là một bà tổ lương dân nữa, vợ ông Uria người Hếttê đã ngoại tình với vua Đavid và âm mưu với vua để giết chồng. Làm sao hiểu được câu nói “phúc đức tại mẫu” với bốn tên tuổi tổ mẫu như thế này!

Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta tin nhận việc Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi các tổ phụ, cách riêng các tổ mẫu nhuốm đầy vết nhơ là muốn tự nguyện liên đới với nhân loại tội lỗi chúng ta cho đến cùng. “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc. Ta không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Ngay từ khi công khai rao giảng Tin Mừng khi xếp hàng đoàn người tội nhân đến để dìm mình trong dòng sông Giođan thì Chúa Kitô đã chọn con đường đi xuống theo nghĩa từ Giođan, đi xuống tận đáy sâu vũng bùn tội lỗi của nhân loại để đưa mọi người lên cùng Cha trên trời. Và sự chọn lựa này làm đẹp lòng Chúa Cha (x.Mc 1,11).

Không một ai là ngoài vòng tay yêu thương của Đấng tự nguyện làm hậu duệ của một dòng dõi nhiều lỗi tội. Thoạt xem ra thì không mấy hữu lý với cái danh sách gia phả của Đấng Cứu Độ, nhưng Tình yêu Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương lại cắt nghĩa điều nghịch thường này. Và chính điều nghịch thường này lại là nền tảng của niềm hy vọng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Với loài người có nhiều trường hợp thì dường như là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể vì Người là Cha Toàn Năng (x. Mt 19,26). Khi người cứu hộ đầy tài năng đã lặn sâu tận đáy sông thì tất cả những ai đang bị chìm giữa dòng đều có thể được cứu sống. Tình yêu luôn có cái lý riêng của nó mà nhiều khi trí khôn nhân loại đành phải chào thua.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây