TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 02/10/2024 21:14 |   322
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” (Lc 11,1-4)

09/10/2024
Thứ Tư tuần 27 THƯỜNG NIÊN

Thánh Điônysiô, giám mục và các bạn tử đạo

t4 t27 TN

Lc 11,1-4


lời nguyện đầu tiên
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” (Lc 11,1-4)

Suy niệm: Lời kinh Chúa dạy đã ngắn, trong Phúc Âm theo thánh Mát-thêu, lại càng ngắn hơn trong Phúc Âm theo thánh Lu-ca. Thế mà điều đầu tiên Chúa dạy chúng ta cầu nguyện vẫn là “xin cho danh thánh Cha vinh hiển”. Rõ ràng đó chính là bổn phận ưu tiên số một của người con đối với Chúa Cha. Đức Giê-su đã minh hoạ kinh Lạy Cha một cách sống động bằng chính cuộc đời của Ngài : - chào đời trong hang lừa nhưng thiên thần lại ca vang “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”; - Ngài rao giảng, làm phép lạ cũng chỉ nhằm mục đích cho mọi người biết rằng “Cha đã sai con”; - việc làm tôn vinh danh Chúa Cha chỉ hoàn tất khi Ngài đi hết con đường Chúa Cha đã hoạch định, đó là tôn vinh Người trên cây thập giá: “Lạy Cha, giờ đã đến. Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1) vì Ngài đã quyết một lòng khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng cho ý Con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42).

Mời Bạn: Tính vị kỷ của con người len lỏi cả vào trong lời cầu nguyện. Bạn dễ dàng nhận thấy rằng những điều mình cầu xin cho mình hoặc cho những gì liên hệ tới mình thật nhiều và thật ưu tiên. Mời bạn ghi nhớ thái độ của Đức Giê-su luôn sống trong tư thế người con yêu dấu của Chúa Cha trước tiên trong lời cầu nguyện.

Sống Lời Chúa: Bất cứ bạn định cầu xin Chúa điều gì, bạn hãy bắt đầu bằng kinh Lạy Cha.

Cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con ngyện danh cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

Ngày 9: Lạy Mẹ Mân Côi! Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Hài Nhi ở Bêlem trong Năm Sự Vui, xin cho chúng con cũng khao khát đón nhận, bảo vệ, cổ võ sự sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên toàn thế giới; Khi bước theo Đức Kitô trong các Mầu Nhiệm Sáng, xin cho chúng con cũng kiên quyết làm chứng cho các mối phúc của Người trong đời sống của mình; Khi ngắm nhìn Đức Kitô vác Thập Giá và chịu đóng đinh trong Mầu Nhiệm Thương, xin cho chúng con cũng nhận thấy mình phải hành động như ông Simon thành Xyrênê, đưa vai nâng đỡ những anh chị em đang quằn quại đau đớn và thất vọng ê chề; Khi chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Kitô Phục Sinh và của Mẹ, Nữ Vương Thiên Đàng, xin cho chúng con cũng khao khát làm cho thế giới này đẹp hơn, công bằng hơn, và tương hợp sít sao hơn với kế hoạch của Thiên Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ Tư tuần 27 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 4, 1-11

“Ngươi buồn bực vì dây dưa, chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn sao?”

Trích sách Tiên tri Giona.

Ông Giona buồn bực quá sức và giận dữ, ông cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chớ thì chẳng phải như lời con đã cầu xin khi con còn ở quê nhà con sao? Bởi đó con lo trốn sang Tharsê: vì con biết Chúa là Thiên Chúa khoan nhân, từ bi, nhẫn nhục, đầy tình thương và tha thứ tội ác. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cất linh hồn con ra khỏi con, vì thà con chết còn hơn là sống”. Chúa liền hỏi rằng: “Ngươi có nghĩ là ngươi giận đúng không?”

Ông Giona ra khỏi thành phố và ngồi ở phía đông thành phố; ông tự dựng một cái lều, và ngồi dưới bóng nó, chờ xem biến cố sẽ xảy ra trong thành. Chúa là Thiên Chúa khiến một dây dưa mọc lên khỏi đầu ông Giona, rợp bóng trên đầu ông, che mát cho ông (vì ông mệt mỏi); nhờ dây dưa đó, ông Giona rất hân hoan vui mừng. Sáng sớm hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn dây dưa, và nó ra khô héo. Khi mặt trời mọc lên, Chúa khiến cơn gió nóng thổi lên và mặt trời giọi xuống đầu ông Giona, ông nóng nực và xin cho mình chết mà rằng: “Thà con chết đi còn hơn là sống”.

Chúa phán cùng ông Giona rằng: “Ngươi có nghĩ ngươi giận vì dây dưa là đúng không?” Ông thưa: “Ðúng, con giận cho đến chết (đi được!)” Chúa phán: “Ngươi buồn bực vì dây dưa mà ngươi không mất công vun trồng, không làm cho nó mọc lên, đêm nay nó mọc lên và đêm sau nó khô héo. Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 85, 3-4. 5-6. 9-10

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung

Xướng: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, xin thương con, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giầu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

Xướng: Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm nên những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 2, 1-2. 7-14

“Các đấng đã nhận biết ơn đã ban cho tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, mười bốn năm sau, tôi lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba và có đem Titô theo. Tôi đã theo ơn mạc khải mà lên đó, và tôi đã trình bày với các đấng đó về Tin Mừng mà tôi rao giảng nơi các dân ngoại, tôi bàn hỏi riêng với những bậc vị vọng, vì e rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng.

Trái lại, khi các đấng ấy thấy rằng tôi được uỷ nhiệm rao giảng Tin Mừng cho người không chịu cắt bì, cũng như đã uỷ nhiệm cho Phêrô rao giảng cho những người đã chịu cắt bì, (vì Ðấng đã ban cho Phêrô làm Tông đồ cho những người đã chịu cắt bì, cũng đã ban cho tôi làm Tông đồ lo cho các dân ngoại), và khi đã nhận biết ơn đã ban cho tôi, thì Giacôbê, Kêpha và Gioan, là những vị được kể như cột trụ, đã bắt tay tôi và Barnaba, tỏ tình thông hảo. Thế là chúng tôi đi sang các dân ngoại, còn các đấng thì đi đến với những người đã chịu cắt bì. Bấy giờ chúng tôi chỉ còn phải nhớ đến những người nghèo khổ, và đó là chính điều tôi đã định tâm thi hành.

Nhưng khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã phản đối ông ngay trước mặt, vì ông làm điều không phải. Vì chưng trước khi mấy người bên Giacôbê đến, thì ông vẫn dùng bữa với những người dân ngoại, nhưng khi những người ấy đến, thì ông lẩn lút và tự lánh mặt đi, bởi sợ những người thuộc giới cắt bì. Những người Do-thái khác đều giả hình như ông, thậm chí cả Barnaba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ. Nhưng khi thấy họ không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng, tôi đã nói với Kêpha trước mặt mọi người rằng: “Nếu ông là Do-thái, mà còn sống theo thói người dân ngoại, chứ không theo thói người Do-thái, thì lẽ nào ông bắt ép người dân ngoại phải theo thói người Do-thái sao?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! 

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 1-4

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:

“Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA DẠY CÁC MÔN ĐỆ KINH LẠY CHA (Lc 11,1-4)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Thời Chúa Giê-su, mỗi nhóm tín ngưỡng có một bài kinh riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giê-su sắp dạy cũng là đặc trưng của Ki-tô giáo. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất được chính Chúa Giê-su dạy cho chúng ta. Còn gì hạnh phúc bằng khi chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha. Khi đã ở trong tương quan Cha – con, thì trước hết, chúng ta phải nghĩ đến danh Cha và Nước Cha. Còn nhu cầu của chính chúng ta chắc chắn Cha chúng ta sẽ lo liệu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải trình bày lên Cha  sự thiếu thốn mọi mặt của chúng ta trong sự khiêm tốn và phó thác.

2. Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin  và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay, môn đệ xin với Thầy Giê-su dạy cách cầu nguyện, và Người đã dạy các môn đệ một mẫu cầu nguyện tuyệt hảo mà chúng ta gọi là Kinh Lạy Cha.

Cả hai thánh sử Mát-thêu và Lu-ca đều ghi lại Kinh Lạy Cha, nhưng kinh Lạy Cha của thánh Lu-ca ngắn hơn và ít hơn hai điều. Nhưng cả hai đều nhằm tới những điều căn bản nhất về tâm tình cầu nguyện mà Chúa Giê-su dạy chúng ta.

3. Thánh Lu-ca đặt kinh Lạy Cha sau lời xin của các môn đệ “xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như Gio-an đã dạy môn đệ mình”. Như thế Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giê-su đã nhằm đáp ứng yêu cầu của các môn đệ có một bài kinh đặc biệt cho nhóm theo Chúa Giê-su. Khởi đầu, Chúa Giê-su dạy ta  xưng Thiên Chúa là “Cha” rõ ràng đây là một nét khác biệt với các tôn giáo khác. Mỗi khi chúng ta đọc hai tiếng “Lạy Cha”, chúng ta cảm thấy lòng đầy vui sướng, hạnh phúc và hy vọng để cầu nguyện tâm sự với Thiên Chúa của mình. Kinh Lạy Cha, mẫu gương của những lời cầu nguyện, chúng ta phải ý thức rằng lời cầu nguyện đích thực cần phải được qui hướng về Thiên Chúa. Cầu nguyện là thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải để xin ơn này hay ơn kia cho bản thân (5 phút Lời Chúa).

4. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy các Tông đồ gọi Thiên Chúa là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân tộc Do thái: Trong Cựu ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do thái gọi Thiên Chúa là Cha: Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày xưa cũng gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do thái là Abba, mà Chúa Giê-su dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của người Do thái trong Cựu Ước. Đó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miệng con trẻ gọi cha mình. Như thế, tiếng Cha trong kinh Lạy Cha là nền tảng mạc khải  của Chúa Giê-su và là lời tuyên tín của Công đoàn Giáo hội do Chúa Giê-su thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa (Mỗi ngày một tin vui).

5. Trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, có rất nhiều môn phái: Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang… Mỗi môn phái có những đặc trưng khác nhau thể hiện qua cách suy nghĩ, chiêu thức tấn công, phòng thủ, phương pháp luyện tập nội công… Các thành viên trong mỗi môn phái đều thực hành lối sống và nét đặc trưng của môn phái mình. Nhìn lối sống của họ, người ngoài có thể nhận ra họ thuộc môn phái nào.

Ông Gio-an Tẩy Giả có các môn đệ của mình. Họ học theo cách suy nghĩ, cầu nguyện, cư xử, hành động của ông. Nhìn lối sống của họ,  người ngoài có thể nhận biết là môn đệ của Gio-an Tẩy Giả.

Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng có nhiều môn đệ. Các ông cũng muốn học theo cách sống, lối suy nghĩ, hành động, nói năng của Chúa Giê-su. Hôm nay, họ xin Người dạy họ cầu nguyện. Đáp lại mong ước chính đáng và đúng đắn của họ, Chúa Giê-su đã dạy họ Kinh Lạy Cha.

6. Truyện: Lạy Cha chúng con…

Có một Giám mục trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm một bà lão. Người ta nói  bà là tấm gương cho cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám mục hỏi:

– Bà thường đọc sách đạo đức nào nhất?

– Thưa Đức Cha, con không biết đọc – bà cụ trả lời. Nghe thế vị Giám mục hỏi: “Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà”? Thấy vị Giám mục muốn biết bí quyết của mình, bà thật thà thưa:

– Tại sao thế? – Bà cụ thưa: “Tại vì khi bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con… con không hiểu tại sao Chúa có thể tốt lành đến mức cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi Ngài là Cha. Điều đó làm con bật khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được”. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám mục khuyến khích:

– À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện giá trị bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục cầu nguyện theo câu đó nhé!

HIỆP NHẤT TRONG KHÁC BIỆT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.

“Kitô giáo ở thế kỷ thứ nhất phát triển rất mạnh! Bằng chứng là nhiều người đã đổi thay tính bạo lực và độc tài của mình. Họ bị khuất phục bởi sự kiên định trong đức tin của những người theo đạo Kitô; bởi sự nhẫn nhịn phi thường của các Kitô hữu bị lừa dối; bởi sự trung thực nơi những người mà họ giao thương. Và nhất là bởi sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những vị lãnh đạo các giáo đoàn!” - Sử gia Justin.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận định của Justin. Đặc biệt là sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những con người lãnh đạo Hội Thánh sơ khai, những con người phải “đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” - Thánh Vịnh đáp ca.

Sau 14 năm, Phaolô lên Giêrusalem - bài đọc một. Mục đích là để các nhà lãnh đạo tại đây - Phêrô, Giacôbê và Gioan - biết cách ông rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại. Phaolô gặp các ngài vì biết có nhiều người tại Giêrusalem phản đối mạnh mẽ việc chấp nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Lý do, “vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích”. Phaolô muốn bảo đảm rằng, việc rao giảng của mình phù hợp với giáo lý của ‘Hội Thánh Mẹ’. Không phải nghi ngờ tính đúng đắn của những gì mình làm, nhưng Phaolô lo lắng rằng, các giáo đoàn mới được thành lập cần giữ liên lạc với Hội Thánh Mẹ.

Các tông đồ tại Giêrusalem đã hoàn toàn ủng hộ ông. Họ nhận ra rằng, Phaolô được kêu gọi để rao giảng cho những người ‘không chịu cắt bì’ như Phêrô được kêu gọi để rao giảng cho những người ‘đã chịu cắt bì’. Phêrô và Phaolô, dẫu mỗi người rao giảng Phúc Âm trong các lĩnh vực khác nhau và có thể có những bất đồng cụ thể, nhưng họ vẫn ‘hiệp nhất trong khác biệt’; để sau đó, cả hai cùng chịu tử đạo vì danh Chúa Kitô.

Căn bản nhất, các tông đồ đã hiệp nhất với nhau trong đức tin. Điều này được tìm thấy trong Kinh Tin Kính hoặc Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy hôm nay. Họ hiệp nhất để kiến tạo không gian cho Vương Quốc, “Danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến!”; hiệp nhất trong cầu nguyện và hoạt động để có của ăn cho mọi người, “Cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy!”; hiệp nhất trong việc nhìn nhận mình là tội nhân trước Chúa và sẵn lòng tha thứ cho người khác, “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con!”; và hiệp nhất để mạnh mẽ đương đầu với các thế lực sự ác, “Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Ngày nay, công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn có những thách đố cần thảo luận và tranh luận. Sẽ luôn có những căng thẳng giữa cái được gọi là ‘đôi cánh thể chế’ và ‘đôi cánh tiên tri’. Chúng ta cần ‘thể chế’ với tư cách là những người bảo tồn tính chính thống, truyền thống và tính liên tục; nhưng cũng cần đôi cánh ‘tiên tri’ để khơi lên những thích ứng với các nhu cầu vốn thay đổi trong một thế giới liên tục thay đổi. Không thay đổi có nghĩa là ‘chết’; thay đổi quá nhiều đồng nghĩa với ‘tha hoá’. Vì thế, vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng, vì Thánh Thần là tác nhân duy nhất giữ cho Hội Thánh luôn ‘hiệp nhất trong khác biệt’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để những khác biệt làm con nên xa lạ. Cho con biết trân trọng sự đa dạng trong khác biệt hầu xây dựng một Hội Thánh luôn hiệp nhất yêu thương!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây