TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Thứ hai - 11/04/2022 18:51 |   1989
Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su. (Mt 26,14-16)

13/04/2022
THỨ TƯ TUẦN THÁNH

 

t4 tuanthanh

Mt 26,14-25

NGƯỜI BÁN RẺ THIÊN CHÚA
Bấy giờ, một trong nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thương tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
(Mt 26,14-16)

Suy niệm: Chẳng biết ma xui quỉ khiến thế nào mà Giu-đa lại nảy ra ý định đen tối - phản Thầy - mà chỉ để đánh đổi lấy 30 đồng bạc, là giá bán một tên nô lệ. Chẳng bõ bèn gì với số tiền chỉ bằng 1/10 bình bạch ngọc đầy dầu thơm kia! Và càng rẻ mạt nếu Giu-đa muốn lấy số tiền đó để bù lỗ ba năm trời theo Chúa chẳng nên cơm cháo gì! Thế mới hiểu mọi thứ tham lam (danh vọng, quyền lực, tiền bạc, lạc thú…) rốt cuộc xô người ta tới chỗ tuyệt vọng và vì thế, họ sẵn sàng bán rẻ tất cả, bán rẻ tình yêu, bán rẻ lương tâm, bán rẻ cả Thiên Chúa!

Mời Bạn: Thật là thảm kịch! Đành rằng ai cũng có thể sai lầm, thậm chí còn nặng nề hơn, như Phê-rô, Phao-lô, hay các môn đệ khác… Nhưng Giu-đa đã kết thúc thảm kịch bằng thảm kịch: ông không tin rằng Con Thiên Chúa có thể đền bù, có thể chuyển những sai lầm chết người đó thành hồng ân cứu độ cho muôn người.

Chia sẻ: So sánh trường hợp của Giu-đa với việc Phê-rô chối Thầy để hiểu thế nào là lòng ăn năn tội đích thực.

Sống Lời Chúa: Đừng như Giu-đa không dám đối diện với thập giá, trái lại mỗi khi thấy mình sa ngã lỗi lầm, hãy nhìn lên Đức Ki-tô trên thánh giá để hiểu rằng mình đã được thứ tha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, Chúa đã yêu đến nỗi chịu khổ hình thập giá thì còn tội lỗi nào mà Chúa không thể thứ tha. Xin cho con mỗi khi lỗi lầm, biết nhìn lên thánh giá Chúa, để con được lòng ăn năn tội nên.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Ca nhập lễ

Khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quì gối xuống: Vì Chúa đã tự hạ mình vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá, vì thế Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để giải thoát chúng con khỏi quyền lực ác thần. Xin cho chúng con hưởng nhờ mọi ơn phúc bởi mầu nhiệm phục sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 50, 4-9a

“Tôi đã không che mặt tránh những người chửi mắng, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải thẹn thùng”.

(Bài ca thứ ba của người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 21bcd-22. 31 và 33-34

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, đây là lúc biểu lộ tình thương

Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người con cùng một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con.

Xướng: Con mong chờ người cảm thương, nhưng không có, mong chờ người an ủi, nhưng chẳng thấy đâu. Cơm con ăn, chúng pha mật đắng, con khát, thì chúng cho uống dấm chua.

Xướng: Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Ngài bị bắt cầm tù.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Kính lạy Vua chúng con, chỉ có Ngài là Ðấng thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.

PHÚC ÂM: Mt 26, 14-25

“Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”

Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lay Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin đoái nhận của lễ chúng con dâng, để tưởng nhớ Ðức Giêsu đã chịu khổ hình. Xin cho chúng con biết đem lòng mến yêu tha thiết thông phần vào cuộc thương khó của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng thương khó II

Ca hiệp lễ

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn để tuyên xưng Ðức Giêsu đã chịu chết. Xin cho chúng con vững vàng tin tưởng rằng: Chúa đã ban sự sống muôn đời cho chúng con nhờ cuộc thương khó của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

“THƯA THẦY CÓ PHẢI CON KHÔNG?” (Mt 26, 14-25)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống, không ai thoát được đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều loại đau khổ. Đau khổ nhất vẫn là sự phản bội của chính người mà chúng ta đã từng ra tay nâng đỡ…!

Hôm nay, thánh sử Mátthêu cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của ngay học trò Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: “Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?” Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

Nếu các môn đệ khác khi hỏi cùng câu hỏi như Giuđa, thì trong tâm hồn của các ông là lo lắng, buồn rầu và đau đớn, còn Giuđa thì không, bởi hắn đã dùng hình thức này nhằm đánh lạc hướng để mọi người không còn nghi ngờ về hành vi bỉ ổi của hắn và để hắn dễ bề hành động. Chính vì thế mà làm cho Đức Giêsu trong tư cách là người thi ân giáng phúc, là thầy, là Thiên Chúa càng thêm đau khổ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta những bài học sau:

Trước tiên, chúng ta hãy xác định rõ mục đích của cuộc đời mình, đó là đi tìm hạnh phúc chứ không phải danh, lợi, thú, để rồi vỡ mộng như Giuđa khi xưa mà dẫn đến thất vọng và lựa chọn hành vi phản thầy.

Thứ hai, tin và theo Chúa không có nghĩa là thoát khỏi đau khổ, nhưng điều quan trọng là thấy được ý nghĩa, giá trị của khổ đau.

Thứ ba, khi chọn Chúa là gia nghiệp, lý tưởng, chúng ta chỉ thấy được hạnh phúc sau khi đã hoàn thành hành trình theo Ngài trên dương thế mà thôi. Họa hiếm mới có được ân phúc này khi còn bình sinh.

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được căn tính và mục đích của cuộc đời, từ đó biết hiệu chỉnh lương tâm và những lựa chọn sao cho phù hợp với vai trò môn đệ của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết mặc lấy tâm tình của mười một môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, đừng như Giuđa, mà làm cho Chúa phải đau buồn. Amen.
 

TÍNH THIỆN
(Thứ Tư Tuần Thánh – Mt 26,14-25) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Để làm nổi rõ điểm sáng của bức tranh, các họa sĩ thường tạo một vài mảng tối bên cạnh. Chắc hẳn mẹ Giáo hội muốn làm bừng sáng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm khổ nạn – phục sinh của Chúa Kitô nên hai ngày đầu trong Tuần Thánh (thứ Ba và thứ Tư) cho đoàn tín hữu nghe trích đọc các bài Tin Mừng tường thuật sự yếu hèn, phản bội của các tông đồ, cách riêng của Giuđa và Phêrô (x. Ga 13,21-33.36-38 và Mt 26,14-25). Sự bất trung của Phêrô thì chỉ “bị” nói đến một lần trong Tin Mừng ngày thứ Ba, còn sự phản bội của Giuđa thì lại “bị” nói đến hai lần trong Tin Mừng cả hai ngày. Dù rằng đã bị Chúa Giêsu buồn phiền than: “thà nó đừng sinh ra thì hơn”, vẫn xin có cái nhìn về tông đồ Giuđa theo chiều kích “nhân chi sơ tính bản thiện”. Giáo hội Công giáo luôn khẳng định rằng bản tính nhân loại của con người dù có bị tội lỗi làm hoen ố nhưng không mất nét căn bản là tính thiện.

1. Sự sa ngã hay tội lỗi của một người không chỉ do bản thân đương sự nhưng thường có đó nhiều yếu tố khách quan tạo thành. Hẳn ít nhiều chúng ta hiểu rằng sự phản bội của Giuđa xuất phát bởi sự tham lam. Cũng như các bạn đồng môn, khi theo Thầy Giêsu thì Giuđa mong muốn được đổi đời với quyền cao chức trọng khi Thầy thành công trong việc giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Không phải một sớm một chiều mà sự tham lam lên đến đỉnh điểm tạo nên sự phản bội mà cần có khoảng thời gian tích lũy. Có thể nói chính việc bớt xén tiền chung của Giuđa, ông tông đồ được giao giữ quỹ của tập thể đã làm cho lòng tham của ông tăng dần và đến cái điểm phản bội đó là nộp Thầy để “bắt” Thầy phải ra tay làm cách mạng.

Việc bớt xén tiền chung của Giuđa có thể qua mặt được Chúa Giêsu nhưng hầu chắc không thể qua mặt được các bạn đồng môn. Nhiều chủng sinh và đệ tử thẳng thắn với tôi rằng có thể qua mặt bề trên chứ làm sao qua mặt được các bạn cùng lớp. Không hiểu sao các vị còn lại không thấy ai “dằn mặt” hay “cảnh cáo” Giuđa. Có người suy rằng rất có thể Giuđa đã “đấm mõm” các bạn bằng những chầu nhậu ngoài lề nhờ vào phần bòn rút của chung. Không có dữ liệu để khẳng định điều này, tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận thái độ sống kiểu “vô can”, “mặc kệ nó”, “đèn nhà ai nấy rạng” của mười một người bạn của Giuđa là có đó.

2. Nét lương thiện của kẻ phản bội: Hành vi phản bội quả là xấu xa và thật đáng trách. Người phản bội thường là có chủ ý và có chương trình hành động cụ thể. Tin Mừng tường thuật rõ là Giuđa có ý định nộp Thầy và trước Lễ Vượt Qua ông đã đến gặp các Thượng Tế bàn bạc kế hoạch trao nộp Thầy với cái giá một tháng công (ba mươi đồng). Những tưởng rằng dù có nộp thì Thầy vẫn bình yên vì Thầy có quyền năng. Chắc chắn đám binh lính sẽ một phen kinh hoàng và dân chúng đang tụ họp đông đảo trong dịp Lễ sẽ hồ hởi suy tôn Thầy làm vua. Giuđa tin chắc cái mũ “ô sa” (mũ quan) sắp ở trong tay mình. Đây là lý do khiến cho Giuđa cố tình kiên quyết thực hiện ý đồ của mình dù cho Chúa Giêsu đã thẳng mặt nói rằng “chính con là kẻ sắp nộp Thầy” (x.Mt 26,25).

Giuđa có ngờ đâu Thầy lại giơ tay chịu trói và bị bắt đi. Nhờ tính thiện nơi ông vẫn còn, ông đã hối hận và can đảm nhìn nhận công khai tội lỗi của mình: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27,4). Và ông đã ném trả số bạc bán Thầy vào Đền Thờ. Còn lương thiện thì sẽ biết vượt qua sự sĩ diện. Thẳng thắn, công khai nhìn nhận tội lỗi mình đã phạm là một trong những nét thiện của tính người. Có thể vì quá ngã lòng mà Giuđa đi thắt cổ tự tử như Tin Mừng Matthêu tường thuật hay là nhảy từ trên thành xuống vỡ bụng lòi ruột ra như lời thánh Phêrô nói trong sách Công vụ Tông đồ. Biết đâu cũng có thể vì quá thất vọng và buồn đau mà Giuđa đã sẩy chân ngã từ trên thành xuống (x.Mt 27,5; Cv 1,17-18). Chúng ta không chắc chắn về dữ kiện này nhưng dẫu sao đi nữa thì tính lương thiện của tội nhân Giuđa đáng cho chúng ta hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa trên tông đồ này.

Các dữ kiện liên quan đến sự phản bội của tông đồ Giuđa khiến chúng ta cần cẩn trọng với những việc nhỏ vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10). Trước sự sa ngã hay lỗi lầm nào đó của anh em, chúng ta cũng cần xét xem sự liên đới của chúng ta như thế nào. Có thể vì lý do nào đó mà chúng ta sống kiểu “vô can” không? Và hơn nữa xin cho chúng ta biết gìn giữ được tính thiện. Biết lương thiện một chút thì sẽ không cố chấp hoặc hành xử kiểu “cả vú lấp miệng em” mà chân thành trong khiêm nhu nhìn nhận sai trái hoặc lầm lỗi của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây