TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự Thương khó của Chúa Giê-su theo thánh Gio-an

Thứ hai - 07/03/2022 09:10 |   1427
Câu chuyện thương khó của thánh Gio-an đem tất cả chúng ta ra xét xử và đưa ra một phán quyết giải phóng chúng ta khỏi những xiềng xích sâu xa nhất của minh.
Sự Thương khó của Chúa Giê-su theo thánh Gio-an

Sự Thương khó của Chúa Giê-su theo thánh Gio-an


 

 

Ronald Rolheiser, 2011-04-16

Mỗi năm vào ngày thứ sáu Tuần thánh, giáo hội chúng ta đều đọc Sự thương khó của Chúa Giê-su theo thánh Gio-an. Như chúng ta biết, phúc âm của thánh Gio-an viết sau các phúc âm khác, có lẽ khoảng bảy mươi năm sau khi Chúa Giê-su chết, các năm tháng này đã cho thánh Gio-an nhiều thì giờ chiêm nghiệm về cái chết của Chúa Giê-su, nêu bật lên một số khía cạnh mà các phúc âm khác không nêu rõ bằng. Những khía cạnh đặc biệt đó là gì?

Lời kể của thánh Gio-an về cái chết của Chúa Giê-su nhấn mạnh đến cuộc xét xử. Phần lớn tập trung vào cuộc xét xử chúa Giê-su và phán quyết cuối cùng là lên án tử hình. Nhưng nó được viết một cách tài tình. Gio-an viết về cuộc xét xử chúa Giê-su theo một cách mà, trong khi Chúa Giê-su là người đang bị xử tội, thì tất cả các người khác đều đang bị xét xử ngoại trừ Ngài. Phi-la-tô đang bị xét xử, các nhà cầm quyền Do Thái đang bị xét xử, các vị tông đồ và môn đệ của Giê-su đang bị xét xử, đám đông đứng xem xử tội đang bị xét xử, và chúng ta những người nghe câu chuyện này bị xét xử. Riêng một mình Chúa Giê-su là không bị xét xử, dù cuộc xử tội của Người là cuộc xử tội của mọi người khác. Vì vậy mà khi Phi-la-tô hỏi Chúa Giê-su: Sự thật là gì? Thì sự im lặng của Chúa Giê-su đã đưa Phi-la-tô ra xét xử bằng cách ném lại sự im lặng cho chính ông, sự thật của chính ông. Với chúng ta cũng vậy.

Tiếp theo, thánh Gio-an nhấn mạnh vào thiên tính của Chúa Giê-su trong câu chuyện về sự Thương khó của Ngài. Như chúng ta biết, phúc âm của thánh Gio-an nhấn mạnh về sự hiện hữu-trước của Chúa Giê-su với thiên tính của Người nhiều hơn là nhân tính. Điều này soi sáng trong toàn bộ câu chuyện: Trong phúc âm thánh Gio-an, Chúa Giê-su dù đang bị đóng đinh trên thập giá nhưng Người luôn luôn chủ động. Người không hề e sợ, không tỏ vẻ yếu đuối, mang thập giá của chính mình, chết một cách thanh thản và được chôn như một vị vua (với dầu thơm và dầu lô hội, áo liệm ướp hương nhu). Giê-su của thánh Gio-an không cần bất kỳ ông Simon vùng Cyrene nào mang giúp thánh giá, cũng không hề khóc lóc trong đau đớn và bị bỏ rơi. Thánh Gio-an viết sự Thương khó của Chúa từ góc độ thiên tính của Ngài.

Sau đó thánh Gio-an sử dụng một số hình ảnh có tác động mạnh để giúp nhấn mạnh những điểm này.

Thánh nhân viết Giu-đa và quân lính đến bắt giữ Giê-su mang theo “đèn lồng và đuốc.” Người định nêu một nét khôi hài mạnh mẽ như sau: Giê-su là ánh sáng của thế gian và  không thể không nhận thấy nét khôi hài ở đây, những kẻ chống đối người, những kẻ đến tìm người mà phải tự dẫn đường bằng thứ ánh sáng nhân tạo yếu ớt – đèn lồng và đuốc. Bên cạnh những điều khác, điều này cho thấy bọn họ yêu thích bóng tối hơn ánh sáng và họ biết những gì họ đang làm chỉ làm được ban đêm vì nếu làm dưới ánh sáng mặt trời, chuyện này sẽ bị phơi bày một cách nhục nhã. Những thế lực chống đối Chúa cần phải có lớp che đậy là bóng đêm và ánh sáng nhân tạo.

Kế đó, vào cuối cuộc xét xử, Phi-la-tô đưa Giê-su ra trước đám đông và hỏi họ có muốn công nhận Người là vua của họ hay không. Bọn họ đáp lại: “Chúng tôi không có vua nào, trừ Xê-da!” Về mặt lịch sử, đối với người theo đạo Do Thái, nói như vậy vào thời Chúa Giê-su là giống như chối bỏ hy vọng của họ về đấng thiên sai. Điều này cũng đúng với chúng ta: Bất cứ khi nào chúng ta không thừa nhận quyền năng của Chúa nơi con người đang bị đóng đinh trên thập giá kia, chúng ta đang chối bỏ hy vọng cứu rỗi của chính mình và công nhận quyền năng của thế gian này, đối với chúng ta, là thực tại sâu sắc nhất.

Ngoài ra, câu chuyện thương khó của thánh Gio-an nhấn mạnh Chúa Giê-su bị kết án tử hình vào chính ngọ, chính cái giờ trước ngưỡng cửa của lễ Vượt Qua khi các thầy tư tế trong nhà thờ bắt đầu giết cừu tế lễ. Rõ ràng có thể suy luận ra: Giê-su chính là con cừu tế lễ thật sự đã chết để chịu tội.

Cuối cùng, trong câu chuyện về sự thương khó của thánh Gio-an, sau khi Chúa Giê-su chết, binh lính đến và lấy mũi giáo đâm mạn sườn Người. Ngay lập tức máu và nước chảy ra. Đây là hình ảnh giàu ý nghĩa: Trước hết, nó tượng trưng cho sự ra đời. Khi đứa trẻ chào đời, máu và nước đều chảy ra. Đối với thánh Gio-an, cái chết của chúa Giê-su là sự chào đời của một điều gì đó mới mẻ trong đời sống chúng ta. Đó là điều gì?

Các Ki-tô hữu đôi khi quá vội vàng coi hình ảnh này là ngụ ý về các bí tích của lễ Rửa tội và Thánh thể, dòng máu chảy là tượng trưng cho Thánh thể và dòng nước tượng trưng cho Rửa tội. Có thể điều này thật sự có ý nghĩa, nhưng trước hết có một điều còn quan trọng căn bản hơn hình ảnh đó: Máu tượng trưng cho dòng sự sống trong chúng ta. Nước vừa xoa dịu cơn khát vừa rửa sạch bụi bặm khỏi thân thể chúng ta. Điều mà thánh Gio-an muốn nói qua hình ảnh này là những người chứng kiến cái chết của chúa Giê-su nhận ngay lập tức tình thương mà Giê-su đã thể hiện qua việc chết theo cách đó đã tạo ra một nguồn năng lượng và tự do mới trong cuộc đời của họ. Họ cảm thấy vừa có một nguồn năng lượng vừa là một sự gột rửa, máu và nước, tuôn chảy từ cái chết của Giê-su. Cốt yếu, họ cảm thấy một quyền năng chảy từ cái chết của người vào cuộc đời họ giúp họ sống bớt sợ hơn, ít mặc cảm tội lỗi hơn, nhiều niềm vui hơn, và nhiều ý nghĩa hơn. Điều này vẫn còn đúng với chúng ta ngày nay.

Câu chuyện thương khó của thánh Gio-an đem tất cả chúng ta ra xét xử và đưa ra một phán quyết giải phóng chúng ta khỏi những xiềng xích sâu xa nhất của minh.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2017/12/02/su-thuong-kho-cua-chua-gie-su-theo-thanh-gio-an/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây