TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVI TN-B

Chủ nhật - 22/09/2024 00:29 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   273
“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”. (Mc 9, 37-42. 44. 46-47)

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVI Thường niên -Năm B

CN26TNb 2

Mc 9, 37-42. 44. 46-47
“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
        
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
        
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.
        
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVI Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

 

NẠN ĐỘC QUYỀN
(Chúa Nhật XXVI TN B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Độc quyền kinh doanh sản xuất, độc quyền phân phối, buôn bán, độc quyền lãnh đạo đất nước, độc quyền làm việc thiện, độc quyền phụ trách công tác giáo dục… Con người xưa lẫn nay đều dễ vướng vào chước cám dỗ độc quyền. Khi đã nắm độc quyền dù ở lãnh vực nào đi nữa thì vị thế, vai trò của chúng ta là như bất khả xâm phạm, chưa kể trong nhiều lãnh vực, khi đã được độc quyền thì lợi ích của chúng ta luôn được bảo đảm. Đằng sau những thứ độc quyền ấy, có một thứ độc quyền chủ yếu chi phối tất cả, đó là độc quyền chân lý, nghĩa là chỉ riêng mình ta mới đúng và như thế những ai khác ta hay ngược với ta đều là sai lạc.
        
Xưa dân Do Thái đúc con bò vàng trong hoang địa không phải là muốn bỏ Thiên Chúa để tôn thờ sản phẩm do tay mình làm nên. Nhưng thực ra họ muốn làm một cái bệ, cái ngai bằng hình con bò để Thiên Chúa ngự. Từ đây khi họ đem cái ngai hình con bò ấy đi đâu thì buộc Thiên Chúa phải đi theo đấy. Thế là họ đã nắm được Thiên Chúa, thần của các thần, chúa của các chúa, nghĩa là họ đã độc quyền được Đấng toàn năng.
        
Cám dỗ độc quyền còn thể hiện nơi các sinh hoạt của con người dưới nhiều hình thức như thuốc gia truyền, môn võ bí truyền, nhãn hiệu, thương hiệu, bằng sáng chế, phát minh… Có nhiều thứ độc quyền xem ra hữu lý nhằm để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, quyền tác giả… Tuy nhiên từ việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng người ta cũng dễ dàng bị cám dỗ ganh tương đố kỵ và tìm cách loại trừ những ai có quyền lợi tương đồng như mình bằng nhiều hình thức.
        
Khi Đức Chúa ban Thần khí cho cả những người không đến Lều Hội Ngộ, Giosuê đã xin Môsê ngăn cấm họ. Giosuê đã ngỡ ngàng trước câu trả lời Môsê: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần khí của Người trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11, 29). Chắc chắn Môsê muốn nhắc bảo Giosuê rằng chớ nên độc quyền ân ban của Đức Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn tự do như gió trời, muốn thổi đâu thì thổi (x.Ga 3,8).
        
Người hành xử bằng sự độc đoán, độc quyền, chuyên chế vốn thường canh cánh trong lòng nỗi lo sợ kẻ khác tranh quyền, tranh lợi. Nguyên việc người ta như mình hay ngang hàng với mình họ cũng không chịu nổi huống là qua mặt mình hay hơn mình. Lòng ganh tương, đố kỵ xui khiến chúng ta tìm đủ lý do, đủ mọi cách thế để kìm hãm tha nhân, dìm kẻ khác xuống hoặc ít ra là ngăn cản không cho người ta phát triển hay tiến lên. Thánh Giacôbê khẳng định “Ở đâu có ganh tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gc 3,16). Điều xấu xa, tồi tệ nhất đó là cả người ganh tương và người bị đố kỵ, cả hai đều bị hạn chế phát triển và khó có thể làm được sự gì tốt đẹp cách đúng nghĩa.
        
“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Ngài Gioan nêu một lý do xem ra có phần hữu lý. Nhưng đằng sau hai từ chúng ta, không biết thầy Giêsu có được bao nhiêu phần, nhưng phần của tập thể nhóm Mười Hai và cách riêng phần của ngài Gioan thì không nhỏ. Ẩn sâu dưới sự độc quyền chính là sự kiêu ngạo, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Đã từng có thời, Kitô hữu chúng ta cũng rơi tình trạng độc quyền chân lý. Chỉ có chúng ta, người Công Giáo mới nắm được sự thật, còn ngoài ra đều là tà đạo hay lạc đạo. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng ghê sợ mà lịch sử đã minh chứng mà đáng kể là những cuộc chiến tranh, những sự đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác… Đã sám hối và thú lỗi cách minh nhiên, thì chúng tin chắc rằng trong tương lai sẽ chẳng còn xuất hiện những bước chân của đoàn quân thập tự hay các phiên tòa xử người dị giáo.
        
Kitô hữu tin rằng muốn được hạnh phúc đích thực và trường tồn thì phải qua Chúa Kitô, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x.Ga 14,6). Thế mà Chúa Giêsu đã nói với Gioan: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40). Lời khẳng định của Người giúp ta xác quyết rằng cho dù chân lý là duy nhất nhưng vẫn có đó nhiều ngõ lối để tiếp cận. Hạnh phúc Nước Trời chỉ có một, nhưng Thiên Chúa có nhiều cách thế để ban chính mình cho nhân loại mọi thời và mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu trong chuyện dụ ngôn ngày thế mạt đã minh họa sự thật này. Ngay cả những người tự nhận là khi sinh thời đâu có biết Người, thế mà họ cũng “ủng hộ” Người, nghĩa là tiếp bước theo Người và sống cho Người, để rồi đáng được hưởng phúc muôn đời (x.Mt 25, 31-46).
        
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một trong những chước cám dỗ mà ta cần xin Chúa cứu đỡ, đó là mặc cảm tự tôn. Tự tôn là một hình thái của kiêu ngạo. Khi mặc cảm tự tôn được hỗ trợ bằng chút thế, chút lực thì người ta sẽ tìm cách giữ độc quyền trong hành động và sẽ độc đoán trong phán quyết. Độc quyền, độc đoán là một lối sống, một cung cách hành xử của kẻ độc tài và hệ quả tất yếu là những hành vi độc ác. “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Lịch sử cho thấy chưa từng có kẻ độc tài nào đem lại điều tốt đẹp cho con người, cho xã hội, mà toàn là những sự xấu xa, tồi tệ, vì đã là kẻ độc tài thì ít nhiều cũng là người ác độc. Dù rằng vẫn có một vài ý kiến không đồng thuận, nhưng người ta cũng thấy có lý phần nào khi gần đây đã đưa lên phim ảnh để gợi lên sự tương đồng giữa nhà độc tài Hitler với nạn dịch chết người HIV- AIDS. Dù chưa phải là tuyệt đối nhưng đa số các chính khách trên thế giới đều xem Chủ nghĩa Cộng sản là một thảm họa của nhân loại vì nó góp phần dệt xây chế độ độc tôn, độc quyền.
        
Xin được lưu ý điều này: cầu nguyện không phải là bắt Chúa làm theo ý chúng ta, nhưng để chúng ta nhận biết ý Chúa mà nỗ lực thực hiện. Nạn “độc quyền” là một trong những nguyên nhân làm cho con người sa ngã và nhân loại sẽ lầm than trong sự băng hoại nhiều phương diện. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một hình thái độc tôn, độc quyền. Thời gian gần đây, Đức Phanxicô và Hồng Y Bộ trưởng Bộ Giáo Sĩ cũng đã thú nhận rằng nó là một nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều điều băng hoại trong Giáo Hội. Ngoài việc cảnh giác và khử trừ sự độc tôn, độc tài nơi bản thân, thì bạn, tôi, chúng ta cần làm gì để hạn chế và tiến dần đến chỗ loại bỏ những hình thái độc quyền, độc tôn trong Giáo Hội và những cơ chế độc tài phi nhân, bất chính ngoài xã hội? Hãy chặt chúng đi! Hãy móc chúng đi! Đây là mệnh lệnh mang tính sống còn, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho những kẻ bé mọn là những người luôn được Thiên Chúa ưu ái.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây