TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa nhật XXVI Thường Niên -Năm B

Thứ ba - 24/09/2024 22:57 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   370
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”. (Mc 9, 37-42. 44. 46-47)

Chúa nhật tuần lễ 26 thường niên năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN26TNb a3


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 9, 37-42. 44. 46-47)

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVI Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
 

 

Suy niệm

Trong cuộc sống với nhiều áp lực, con người cần những phút giây nghỉ ngơi, cần những lời động viên tích cực, cần những sức mạnh nội lực có khả năng lan tỏa, tất cả giúp giảm bớt sức nặng của cuộc sống, đem lại những niềm vui nho nhỏ nhưng hạnh phúc cho cuộc đời. Gương sáng, là một việc làm xem ra rất tầm thường, nhưng có khả năng lan tỏa lớn và đem lại sức mạnh nội lực phi thường, giúp con người tìm thấy giá trị cuộc sống và giá trị của con người. Lời Chúa tuần lễ 26 thường niên năm B, mời gọi người tín hữu Kitô hãy cố gắng thực hiện những gương sáng tầm thường, nhưng có khả năng lan tỏa cho mọi người, mọi thế hệ trong xã hội hôm nay. Để có thể thực hiện được những việc làm tích cực, cần một điểm xuất phát thật vững chắc và một động lực mạnh mẽ, đó là sức mạnh thiêng liêng của Lời Chúa và chứng từ sống động của Con Thiên Chúa khi hiện diện giữa nhân loại.

Bên cạnh những gương sáng có thể thay đổi suy nghĩ và thái độ sống của con người, có những khía cạnh khác từ cuộc sống cũng thay đổi suy nghĩ và thái độ sống con người nhưng theo hướng không tích cực, đó là tính ghen tuông, ích kỷ. Gio-suê là một vị tướng giỏi của Môi-sen, nhưng khi thấy thần khí Chúa ngự xuống trên những người không được chọn, ông muốn loại trừ khỏi cộng đoàn: “Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy. Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp.” Thay vì đón nhận, những người có trách nhiệm muốn loại trừ những ai đang giúp đỡ cộng đoàn vì họ đang nổi bật khía cạnh này hay việc làm nọ, tính ích kỷ đang ngấm ngầm phá vỡ nền tảng cơ bản của cộng đoàn, của gia đình và xứ đạo.

Làm người là một ơn gọi, sống với nhau trong hiện tại là một ơn ban, mọi thứ chung quanh chỉ là phương tiện, vừa giúp mình vừa giúp người. Và đó là những hạt muối mặn đang ướp cho đời. Gương sáng được lan tỏa từ những hành động đẹp, từ những việc làm đáng yêu, vì thế, thánh Gia-cô-bê trong thư mục vụ đã nhắc nhở con cái hãy biết sống quảng đại, biết chia sẻ và biết quan tâm lẫn nhau: “Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh”. Nhiều lúc con người quên đi một điều căn bản là Thiên Chúa trao cho mình trách vụ quản lý tài sản, quản lý môi trường, quản lý thiên nhiên và quản lý chính mình nữa, do đó không thiếu những lúc mình đã loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời và ngồi vào chiếc ghế quyền lực đó, để phán xét tha nhân và loại trừ chính đồng loại của mình.

Tính ích kỷ và kiêu căng là di chứng của căn bệnh nguyên thủy loài người. Từ những di chứng đó, tình người dễ bị tổn thương, tình cộng đoàn dễ bị rạn nứt và tình huynh đệ thiêng liêng dễ bị loại trừ. Đức Giêsu đã nhắc các môn đệ đừng để mình trở thành môn đệ của di chứng kiêu căng và ích kỷ, nhưng hãy là môn đệ của Con Thiên Chúa tình yêu: “Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”. Chính môn đệ Chúa là Gioan cũng vô tình rơi vào cạm by của Satan là tự phụ với bản thân và loại trừ tha nhân. Đó là một trong những mối tội đầu gây ra những nỗi phiền muộn cho anh chị em mình. Lời đề nghị xem ra dứt khoát của Thầy như là một đòi hỏi của Tin mừng, đừng để mình chân ngoài dài hơn chân trong, đừng để tật xấu làm chủ những suy nghĩ và tính toán trong tương quan tình người: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục”.

Gương sáng khởi đi từ lòng quảng đại của con người, khi con người có một cái tâm sáng, một trái tim sẵn sàng mở ra và trao ban, họ sẵn lòng chia sẻ, sẵn lòng cho luôn cả những gì đang cần thiết họ hôm nay, kể cả mạng sống, từ tấm lòng quảng đại, con người sẵn sàng đón nhận tha nhân, không chỉ đón nhận con người nhưng còn đón nhận cả những tật xấu và những khiếm khuyết của họ. Đó là một hình ảnh đẹp của người môn đệ Đức Giêsu đúng nghĩa. Gương sáng còn là một công cụ để xoa dịu những nỗi đau tâm hồn của con người khi việc làm tốt sẽ lôi kéo họ ra khỏi sự hận thù. Gương sáng còn giúp con người loại bỏ chiến tranh, loại bỏ đói kém và khổ đau từ bệnh tật hay thiên tai. Chiều sâu nội tâm của con người cũng được thêu dệt từ những gương sáng, ngay cả cuộc đời các thánh nhân cũng được dệt từ những gương sáng. Thiên Chúa đang mời gọi con cái Ngài hãy sống với nhau bằng tình người, là những gương sáng tầm thường hàng ngày, để góp lại trở nên một lời chứng sống động và chân thành.

Sự ích kỷ và hận thù của con người có phải khởi đi từ chủ nghĩa cá nhân, thích hưởng thụ và tiêu thụ không? luôn tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu và mọi phương tiện trong cuộc sống, mà quên đi sự hiện diện của tha nhân bên cạnh. Ích kỷ như là cái khóa đóng mọi cánh cửa cuộc đời đang mở ra với tha nhân, ích kỷ còn là cái vỏ ốc chôn kín những giá trị của một con người, khi họ mang trong mình tính xã hội và tình huynh đệ cộng đoàn. Hận thù sẽ là cánh tay nối dài của ích kỷ vì không đạt được mục đích và tham vọng. Khi không tìm được phương tiện để đi tới mục đích, con người mang trong mình tính sợ hãi, sợ thua thiệt, sợ mất ảnh hưởng, sợ mất uy tín và sợ bị lệ thuộc, do đó, họ sẵn sàng tìm mọi kế sách để vươn lên, để chiếm đoạt và để sở hữu, bất chấp tình đồng loại hay tình làng nghĩa xóm trong một xứ đạo.

Thiên Chúa đang nhắc nhở Giáo hội qua vị Cha chung hãy cùng nhau xoa dịu những nỗi hận thù về sở hữu tài nguyên, nỗi hận thù về khác biệt màu da, nỗi hận thù về tôn giáo, nỗi hận thù về khác biệt túi tiền, tất cả phải đặt giá trị con người trên hết, phải đặt giá trị về sự hiện hữu của con người trên mọi thứ trong cuộc sống. Đó mới thực sự là gương sáng của nhân loại hôm nay để lại cho thế hệ hậu sinh. Có cộng tác để xoa dịu những nỗi đau do hận thù, lòng người sẽ vơi dần đi tính ích kỷ, sự khép kín và chủ nghĩa cá nhân sẽ bị đẩy lùi, tất cả cho một mái ấm gia đình nhân loại, tất cả cho một cộng đồng những người khôn ngoan và thông minh, tất cả cho một đại gia đình của Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu và là chúa tể con người và vũ trụ.

Lạy Chúa, chứng kiến những nỗi đau xé lòng của con người đến từ tội lỗi và sự chết, Con Thiên Chúa đã cúi xuống sống bên cạnh con người, để chia sẻ và xoa dịu những vết thương đó, xin giúp chúng con biết nhận ra những dấu chỉ xoa dịu của Chúa trong cuộc đời của mình, để chung tay xoa dịu những vết thương lòng của tha nhân. Chúa không mong các môn đệ của mình sống trong sự ích kỷ, hẹp hòi và hận thù, xin đưa chúng con ra khỏi tình trạng đó mỗi khi cái tôi ích kỷ điều khiển trái tim và khối óc mỗi người, để chúng con luôn là khí cụ của sự bình an và hạnh phúc đích thực, luôn biết cộng tác với nhau, đem sức mạnh của Tin mừng cứu độ đến cho mọi người. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây