TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 17/09/2024 14:51 |   252
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9,18-22)

27/09/2024
Thứ sáu tuần 25 THƯỜNG NIÊN

Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục

 

t6 t25 TNb


Lc 9,18-22


ki-tô hữu và thập giá
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9,18-22)

Suy niệm: Niềm tin Ki-tô giáo trên hết và trước hết là cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô bị đóng đinh, chịu chết nhục nhã trên thập giá, rồi phục sinh khải hoàn. Đau khổ hay thập giá gắn liền với Đức Ki-tô. Vì thế, không thể nào có Đức Ki-tô mà không có thập giá, cũng như không thể chỉ có thập giá mà vắng bóng Ngài. Do đó, thập giá cũng gắn liền với đời sống người Ki-tô hữu, những người đi theo Đức Ki-tô, mang danh Ngài. Cuộc đời họ, tựa Thầy mình, không thể tránh được đau khổ. Tuy nhiên, ta thường muốn theo một Đức Ki-tô không có thập giá. Ta khó chấp nhận một Đức Ki-tô đau khổ. Không lạ gì ta cũng không chấp nhận thập giá trong đời mình. Khi gặp khó khăn thử thách, ta thường phàn nàn than trách Chúa. Thế nhưng, thập .giá là con đường Chúa Giê-su đã đi để cứu chuộc con người.

Mời Bạn: Đau khổ hay thập giá là một phần gắn liền với kiếp người, cách riêng đời người Ki-tô hữu. Mời bạn xác tín chân lý ấy, để vui lòng đón nhận thập giá, kết hợp với thập giá của Đức Ki-tô để nên giống Ngài hơn, không chỉ trong Mùa Chay, nhưng là mọi ngày.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút mỗi ngày suy nghĩ, cầu nguyện về các khó khăn thử thách của mình và gia đình, để các thập giá ấy có ý nghĩa, giá trị hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vui vẻ đón nhận thập giá, vì yêu mến Chúa Cha và chúng con. Xin cho chúng con cũng sẵn lòng đón nhận những thập giá trong đời mình, ý thức kết hợp với đau khổ của Chúa, mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Amen.

Ngày 27: Lạy Chúa! Trên đời, có ba loại việc chính: Thứ nhất: việc của bản thân: Tất cả đều do bản thân chúng con quyết định. Thứ hai: việc của người khác. Đó là việc do người khác làm chủ. Thứ ba: việc của trời đất. Đó là những việc vượt ra ngoài khả năng của chúng con. Chúng con phiền muộn phần lớn là do quên mất việc bản thân, thích quản chuyện người khác, và lo lắng thái quá những vấn đề của trời đất. Xin cho chúng con ý thức rằng: Muốn bình an tự tại, đơn giản chỉ cần lo tròn việc bản thân, không săm soi chuyện người khác, và đừng quấy nhiễu đến chuyện trời đất. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 25 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kg 2, 1b-10

“Còn một ít lâu nữa, Ta sẽ làm cho đền thờ này đầy vinh quang”.

Trích sách Tiên tri Khác-gai.

Năm thứ hai triều đại vua Ðariô, đến ngày hai mươi mốt tháng bảy, có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai mà phán rằng: “Ngươi hãy nói với Giorôbabel, con trai tướng lãnh Giuđa, là Saluthiel, nói với Giosua, con trai thượng tế Giosêđec, và với những kẻ sống sót lại trong dân rằng: “Ai trong các ngươi là kẻ sống sót lại đã nhìn thấy vinh quang thuở xưa của đền thờ này: và giờ đây các ngươi xem thấy nó thế nào? Chớ thì nó chẳng là không trước mắt các ngươi sao? Và Chúa lại phán: Hỡi Giorôbabel, giờ đây hãy can đảm. Hỡi Giosua, con trai thượng tế Giosêđêc, hãy can đảm; và toàn dân trên lãnh thổ, hãy can đảm, đây Chúa các đạo binh phán: Các ngươi hãy khởi công, vì Ta ở cùng các ngươi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Có lời Ta đã giao ước với các ngươi, khi các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, là thần linh Ta sẽ ở giữa các ngươi, nên các ngươi đừng sợ”.
Vì Chúa các đạo binh phán như thế này: “Còn ít lâu nữa, Ta sẽ khiến trời đất, biển khơi và đất cạn chuyển động. Ta cũng sẽ khiến mọi dân tộc chuyển động; và Ðấng mọi dân tộc trông đợi sẽ đến: Ta sẽ làm cho đền thờ đầy vinh quang, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vàng bạc đều là của Ta, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vinh quang đền thờ sau hết này sẽ cao trọng hơn vinh quang đền thờ trước, Chúa các đạo binh phán như vậy: trong nơi này, Ta sẽ ban hoà bình, Chúa các đạo binh phán như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 42, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Hãy cậy trông Ðức Chúa Trời, vì con còn ca tụng Chúa, Ðấng cứu thể diện và là Thiên Chúa của con (c. 5bc).

Xướng: Xin Chúa minh xét cho con, ôi Thiên Chúa, xin bênh vực quyền lợi con đối nghịch với dân vô đạo, xin cứu con khỏi tay người độc ác, điêu gian!

Xướng: Vì lạy Chúa, Chúa là sức mạnh con, cớ chi Chúa bỏ con? Cớ chi con phải sống ngậm ngùi vì bị quân thù áp bức?

Xướng: Xin chiếu giãi quang minh và chân thật của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

Xướng: Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Thiên Chúa, Thiên Chúa của con.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gv 3, 1-11

“Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng”.

Trích sách Giảng Viên.

Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.
Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu.
Xướng: Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 18-22

“Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

PHÊ-RÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC GIÊ-SU (Lc 9,18-22)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trong dân chúng có ba dư luận về Đức Giê-su: Ngài là Gio-an Tẩy Giả sống lại, là Êlia xuất hiện, hay một tiên trì thời xưa sống lại. Đại khái họ coi Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng đặc biệt là người thuộc hàng tiên tri: giảng dạy và có khả năng làm phép lạ. Riêng ông Phê-rô được ơn trên soi sáng đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Tuy thế, ông vẫn nghĩ về Đấng Ki-tô theo cách thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng Cứu Thế oai phong hiển hách. Bởi đó Đức Giê-su phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Ki-tô chịu nạn chịu chết và phục sinh.

2. Hôm nay, qua bài Tin Mừng, các môn đệ lâm vào cảnh khó tin và rất bất ngờ. Bởi vì, sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn tôn người làm vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Ngài tuyên bố những điều thật khó hiểu, làm mất hứng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Đức Giê-su là Đấng Messia như Phê-rô đã đoán chính xác. Nhưng Ngài không là Đấng Messia vinh quang như dân chúng đã mong chờ. Ngài phải là Đấng Messia đau khổ. Ngài không thống trị, Ngài chỉ phục vụ. Đức Giê-su không quan tâm chiếu rọi loại hình ảnh mà dân chúng muốn. Ngài biết Ngài có một số phận mà Thiên Chúa đã định mà Ngài phải hoàn thành, không sai sót.

3. Tiếp theo đó, Đức Giê-su đưa ra lời mời gọi mọi người chứ không riêng gì các môn đệ, là hãy theo Ngài: “Ai muốn theo Ta”. Đức Giê-su muốn khơi động lòng muốn cho những ai theo Ngài. Điều đó chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người, theo hay không theo cũng được. Tiếng Latinh dùng chữ “Si quis” (nếu ai) càng rõ nghĩa hơn: chữ “nếu” nói lên sự tự do hoàn toàn.

Nếu câu hỏi của Đức Giê-su chỉ có bấy nhiêu chữ “Nếu ai muốn theo Ta”, thì tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh: ”Con muốn… Con muốn theo Chúa”. Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời “Con muốn” sẽ giảm đi rất nhiều.

4. Có một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời cần được trả lời: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai”? Đây không phải là bài thi trắc nghiệm để biết kết quả đúng sai, cũng chẳng nhằm xem bao nhiêu phần trăm ủng hộ hay chống đối, mà là một bước để tỏ bầy, để đi vào một tương quan mới. Từ câu hỏi thăm dò xa xa, chung chung “Đám đông nói Thầy là ai”? đến câu hỏi mang tương quan cá nhân, biệt vị “còn anh em”. Câu trả lời không có chỗ cho sự hời hợt, sự giả vờ, lấy lệ, hay xã giao. Câu trả lời của ta xuất phát từ con tim, kinh nghiệm, sự hiểu biết dựa trên nền tảng đức tin, cũng như từ sự kín đáo của ơn mạc khải: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (5 phút Lời Chúa).

Hôm nay Thầy Giê-su vẫn đặt câu hỏi ấy với bạn: “Đối với con, Thầy là ai”? Bạn sẽ trả lời thế nào? Phải chăng là những gì được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hay được “vay mượn” từ người khác? “Nếu muốn trả lời Người cách xa xa, ta sẽ khám phá ra một điều làm mình chắc chắn là sự sống lại, nghĩa là sự sống phát xuất từ mầu nhiệm sự đóng đinh và sự chết… “Đối với con, Thầy là ai? Con có liên kết số mệnh con với số mệnh của Thầy không? Con có nhận rằng Thầy cần sự đau khổ của con để Thánh giá của Thầy có đầy đủ kích thước không? Nếu có, con sẽ sống” (A. Degeest).

5. Cùng với thánh Phê-rô, chúng ta hãy tuyên xưng Chúa Giê-su là Đức Ki-tô của Thiên Chúa. Tuyên xưng như thế cũng có nghĩa là tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá. Chúa Giê-su là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài đã chấp nhận đi qua con đường Thập giá để cứu rỗi con người. Tuyên xưng mầu nhiệm ấy cũng chính là để mầu nhiệp Thập giá tỏ bày trong cuộc sống chúng ta. Chính trong mầu nhiệm Đức Ki-tô, con người có thể hiểu chính mình. Do đó, để thực hiện ơn gọi Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đi lại con đường Thập giá mà Chúa đã đi qua (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện vui: Vác thập giá mình.

Vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, cha sở kêu gọi giáo dân: khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đàng Thánh giá để tưởng niệm sự chết và đau khổ của Chúa Giê-su, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu nào tượng trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc sống đang phải chịu. Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi, thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói: “Thưa cha, đây là thập giá của con”. Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng: “Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi”.

Đây là câu chuyện vui cười! Nhưng Thập giá Đức Giê-su đề cập đến không phải chỉ là bà vợ hay ông chồng. Nó không đơn thuần chỉ là một đám cưới không hạnh phúc, hay những trở ngại khó khăn đến với chúng ta ngoài ý muốn, cũng không chỉ là những điều xui xẻo, không may xẩy đến như thi rớt, bệnh tật, mất việc. Thập giá Đức Giê-su đề cập chính là  sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6,13;12,1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ và lòng ham hố danh lợi (Pl 2,21). Đó là tự làm rỗng mình đi cho Thần Khí của Thiên Chúa ngự trị, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Đó là với Đức Tin Cậy Mến chúng ta biến đổi Thập giá thành Thánh giá, đau khổ trở nên giá cứu chuộc linh hồn cho mình và cho nhân loại.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục

Ca nhập lễ

Thánh thần Chúa ngự trên tôi, vì thế Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, và chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục mọi đức tính xứng bậc tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ. Xin cho chúng con biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Vinh-sơn biết can đảm lấy cuộc sống để diễn tả các mầu nhiệm thánh nhân cử hành. Xin Chúa dùng sức mạnh của thánh lễ này làm cho chúng con cũng trở nên của lễ làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Mọi người hãy tuyên xưng lòng từ bi, và những điều kỳ diệu của Chúa đối với con cái loài người, vì Chúa đã cho người đói khát được tràn trề thiện hảo.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể bồi dưỡng chúng con. Ước gì gương bác ái thánh Vinh sơn để lại vừa khích lệ, vừa nâng đỡ chúng con. Ðể chúng con hăng hái đem Tin Mừng cho người nghèo như chính Con Một Chúa. Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Vincent de Paul qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris, được phong thánh năm 1737 và năm 1883 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên bố là bổn mạng tất cả các công việc bác ái.

“Ông Vinhsơn” (Monsieur Vincent) sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581 trong một gia đình nông dân ở Pony (nay là Saint-Vincent-de-Paul) miền Landes. Ban đầu đi chăn cừu cho cha, rồi theo học tại trường các cha dòng Phansinh ở Dax, tiếp đó học đại học ở Toulouse. Sau khi thụ phong linh mục, nhân một cuộc hải trình, Vinhsơn bị bọn cướp biển bắt bị bán cho một thợ luyện kim ở Tunis năm 1605. Được tha, cha Vinh sơn sang Roma (1607) rồi trở về Paris (1609), tại đây cha trở thành cha sở Clichy năm 1612. Chính trong giai đoạn này, cha Vinhsơn qui hồi đổi đời; chịu ảnh hưởng cha Pierre de Bérulle linh hướng, Vinhsơn khấn tận hiến cho Chúa bằng cách phục vụ người nghèo. Năm 1617, cha được chỉ định làm tuyên úy tại nhà Philippe Emmanuel ở Gondi là vị tướng coi sóc các thuyền Galères của nhà vua. Công việc tuyên úy các tù nhân chèo thuyền và các thủy thủ cũng như linh mục miền quê trên vùng Gondi càng giúp cha thấm thía nổi khổ tinh thần và vật chất của dân chúng. Năm 1619, ngài gặp thánh Francois de Sales và cũng như Pierre de Bérulle, thánh Francois cũng có ảnh hưởng đối với Vinhsơn. Lúc này nhằm tạo hữu hiệu hơn trong việc phục vụ người nghèo, cha tập hợp các “Nữ tỳ người nghèo” đầu tiên (các Nữ Tử Bác ái) và lập cho họ một qui chế. Năm 1625, cha lập Hội dòng các “Linh mục thừa sai” để truyền giáo cho người nghèo, đặc biệt là ở miền quê, và để đào tạo các linh mục tốt theo tinh thần công đồng Trente. Vì được đào tạo tại tu viện Saint-Lazare ở Paris, các thừa sai của cha cũng được gọi là Lazaristes. Tại đây cha Vinhsơn chuẩn bị cho các ứng sinh lên chức linh mục, theo yêu cầu của Đức tổng giám mục Paris. Tiếp theo, được Đức hồng y Richelieu khuyến khích, cha mở thêm các chủng viện dưới sự điều khiển của các linh mục trong dòng, để huấn luyện các chủ chăn tương lai. Năm 1633, với sự trợ giúp của thánh nữ Louise de Marillac, thánh Vinhsơn Phaolô lập dòng nữ tử bác ái có mục đích phục vụ người nghèo; dòng có một sức bậc phi thường và được phổ biến không gì sánh bằng khắp trên thế giới. Các nữ tu hồi đó mặc y như ở các tỉnh gốc gác của mình và sống trong các giáo xứ nơi họ phục vụ.

Năm 1643, cho Vinhsơn chứng kiến các chết của vua Louis XIII, và nhờ ý kiến của hoàng hậu nhiếp chính là Anne d’Autriche, cha được chỉ định làm thành viên Hội đồng lương tâm (cơ quan chỉ định các giám mục); nhờ thế cha can thiệp vào các vụ chỉ định giám mục, và cùng với hai linh mục Bérulle và Olier, Ngài xếp cho các giám mục được chỉ định thực sự là những chủ chăn tốt.

Do các dòng tu Ngài thành lập, tình yêu đối với người nghèo và sự thánh thiện linh mục, thánh Vinhsơn thực sự là khuôn mặt sáng giá nhất thế kỷ XVII và là một trong những nhà hoạt động chính trong công cuộc Phục hưng công giáo tại Pháp. Các Thư tín (khoảng hai ngàn thư) và Giáo huấn của Ngài là một nguồn quan trọng cho việc hiểu biết lịch sử dòng tu trong thế kỷ XVII.

Thánh Vinh sơn Phaolô qua đời ở Paris, thọ tám mươi tuổi, tại nhà Saint – Lazare. Xác Ngài được tôn kính tại nhà nguyện các cha Lazaristes.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày nhắc đến các trục chính trong công việc của thánh Vinhsơn là “giúp đỡ người nghèo và đào tạo linh mục”. Nơi thánh Vinhsơn phục vụ là trọng tâm của việc tông đồ, vì mục tiêu Ngài nhắm trước tiên là “khuyến khích các linh mục, giáo dân và các phụ nữ, giao trách nhiệm cho họ trong một sự phục vụ trọn vẹn những người thấp cổ bé miệng bằng cuộc sống chứng tá Phúc âm và đem cơm áo cho người không cơm ăn áo mặc”. Có thể tóm gọn chương trình của Ngài như sau: “Yêu Chúa thôi, chưa đủ, nếu tôi không thương anh em. Ưu tư, lao tâm khổ trí của tôi chính là người nghèo”. Trong một buổi đàm đạo với các chị Nữ tử Bác ái, vị thánh lập dòng giải thích thế này về việc phục vụ người nghèo: “Không phải là bỏ Chúa khi bỏ Chúa vì Chúa, nghĩa là bỏ một công việc Chúa vì một công việc khác… Các chị bỏ nguyện gẫm hay đọc sách, hoặc không giữ im lặng để đi trợ giúp một người nghèo, thì, các chị biết đấy, làm tất cả những điều đó chính là phụng sự Chúa” (phụng vụ và bài đọc). Về vấn đề đào tạo linh mục, thánh Vinhsơn ý thức tính cấp thiết của vấn đề, Ngài nói: “Giáo sỹ hư hỏng là nguyên nhân chính gây nên sa sút trong Giáo hội; linh mục thế nào thì giáo dân thế đó”.

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh rằng thánh Vinhsơn đã biết “sống phù hợp cuộc đời với các mầu nhiệm thánh Người cử hành”. Quả thật, vị tông đồ xem ơn gọi linh mục chính là sự phục vụ và một sứ mệnh: “không gì thích hợp với Giáo hội hơn một đàng là thu thập ánh sáng và sức mạnh cho linh hồn mình bằng nguyện gẫm, đọc sách trong cô tịch, để rồi sau đó chia sẻ thứ lương thực tinh thần này cho người khác.”

Lời nguyện tạ lễ khuyến khích chúng ta “loan báo Tin Mừng cho người nghèo” theo gương thánh Vinh sơn, Đấng xem Đức Giêsu trước hết là “kẻ rao giảng phúc âm cho người nghèo” (Phụng vụ bài đọc). Công đồng Vatican II nhắc chúng ta rằng ngày nay phát triển kinh tế thường dẫn tới việc khinh dễ người nghèo (Mv 63). Ước mong gương thánh Vinhsơn giúp chúng ta nghe được những tiếng kêu và đáp lại các nhu cầu của họ bằng những phương tiện thích hợp, để tạo dễ dàng khắp nơi cho công bằng, đồng thời thốt lên khắp nơi tình yêu Đức Kitô nơi người nghèo khổ (Mv 90,3).

Enzo Lodi

PHỤC VỤ NGƯỜI CÙNG KHỐN
(LỄ THÁNH VINHSƠN PHAOLÔ 27/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Vinhsơn Phaolô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Vinhsơn Phaolô linh mục mọi đức tính xứng bậc tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng khốnđào tạo hàng giáo sĩ. Xin Chúa cho chúng ta biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gátcôn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pari phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập tu hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Luy Marilắc cộng tác, người đã lập tu hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pari năm 1660.

Phục vụ người cùng khốn, như Chúa luôn từ ái một niềm, xót thương Dân Người đang bị lưu đày vì tội phản nghịch, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Trong một thị kiến hùng vĩ, Ítraen được tái thiết: đất nước được dành riêng cho một dân tộc toàn thiện chu toàn nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa một cách toàn hảo. Sự thật mới chỉ là bản phác thảo của lý tưởng này thôi, nhưng việc Thiên Chúa trở lại Đền Thờ của Người là nét đặc thù chính yếu: ơn Chúa đang tác động trong chúng ta, Nước Người đang hình thành, chương trình cứu độ của Người đang được thực hiện. Vinh quang Đức Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía Đông, và này vinh quang Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ.

Phục vụ người cùng khốn, bởi vì, chính Chúa đã tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nghèo hèn, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Vinhsơn Phaolô với các Nữ Tử Bác Ái rằng: Khi thăm nom người túng thiếu và nghèo khổ, chúng ta hãy cố gắng hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động trước những ưu tư và khốn cùng của tha nhân… Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả để hòa mình với mọi người, hầu cứu được một số người... Tôi nên mắt cho kẻ mù lòa, thành chân cho người què quặt, là cha của người nghèo túng.

Phục vụ người cùng khốn, bởi vì, cho dù, thân phận con người bọt bèo, mỏng manh, mau qua, chóng tàn, chẳng đáng chi, nhưng, Chúa hằng để tâm nhìn đến, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Giảng Viên nói: Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 143, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn. Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm? Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến, mà Chúa phải chịu nhiều đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết, để cứu độ con người? Vì loài người khốn cùng, Thiên Chúa đã muốn là người cùng khốn, chẳng còn dáng vẻ của một con người, bị coi là điên rồ, ngu dại. Người tự xưng là Đấng loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, khốn cùng. Khi yêu thương những người khốn cùng, thì Chúa cũng yêu thương cả những kẻ thương yêu họ, vì khi ai thân thiết với người nào, thì cũng yêu thương cả bạn hữu của người ấy hoặc những kẻ giúp đỡ người ấy. Thánh Vinhsơn Phaolô đã phục vụ người cùng khốnđào tạo hàng giáo sĩ, ước gì chúng ta biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Ước gì được như thế!

CHOÁNG NGỢP
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.

“Đã nhiều lần, tôi buộc phải quỳ gối, bởi tôi biết, tôi không còn nơi nào khác để đi! Sự khôn ngoan của riêng tôi và tất cả những gì tôi có, dường như không đủ cho ngày khốn quẫn. Và rồi, tình yêu Ngài phủ lấp, tôi choáng ngợp!” - Abraham Lincoln.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tình yêu Ngài phủ lấp, tôi ‘choáng ngợp!’”. Cùng với trải nghiệm của vị tổng thống - một sự trùng hợp đến thú vị - cả hai bài đọc hôm nay nói đến ‘choáng ngợp!’. Con người ‘choáng ngợp’ trước vũ trụ và càng ‘choáng ngợp’ hơn trước Đấng tạo thành nó!

Bài đọc Giảng Viên nói, “Thiên Chúa ban cho con người khả năng nhận thức về vũ trụ; tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết ý nghĩa”. Cuộc sống của nó như được chia đều giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hạnh phúc và bất hạnh! Vũ trụ của Thiên Chúa đơn giản là ‘quá lớn’ so với con người vốn ‘quá nhỏ’ để có thể nắm bắt. Thế giới đẹp đẽ nhưng ‘khá trêu ngươi’ của Thiên Chúa khiến nó ‘choáng ngợp’; vậy mà, sự thoả mãn vũ trụ cung cấp lại ‘quá ít!’. Đang khi con người được tạo ra cho vô biên, những thứ hữu biên làm sao có thể làm nó no thoả? “Ở đây không có thành phố lâu dài; chúng ta, những lữ khách đi tìm thành tương lai!”. Mục tiêu cuối cùng nằm ở chỗ khác, nơi Thiên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn!”.

Với bài Tin Mừng, khi hỏi “Dân chúng bảo Thầy là ai?”, Chúa Giêsu không quan tâm xác suất mến mộ quần chúng dành cho Ngài; Ngài quan tâm đến phúc đáp của một câu hỏi khác, “Anh em bảo Thầy là ai?”. Ngài là Thiên Chúa, Vua Trời Đất, không xuất hiện trong uy nghi, oai hùng, nhưng trong hình hài một con người, lang thang trên những nẻo đường cho phàm nhân thấy được, sờ được. Vì muốn gần con người để có thể cứu lấy con người, Ngài trở nên bình dị, nếu không nói là bình thường!

Cũng thế, ngày nay, trong Thánh Thể, Ngài đợi chúng ta đến gặp Ngài, sờ đụng Ngài. Ngài mong chúng ta đừng khoá chặt Ngài trong nhà thờ, hoặc đặt Ngài nơi cao chỉ để cung kính. Ngài muốn ở cùng, nên một với chúng ta, hầu chúng ta được ‘choáng ngợp’ khi tình yêu Ngài phủ lấp. Và qua chúng ta - nhà tạm di động của Ngài - Ngài đến với những người khác, chia sẻ hoàn cảnh của mỗi người, hầu bổ sức và đồng hành với họ.

Kính thưa Anh Chị em,

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đức Phanxicô nói, “Tại sao Chúa Giêsu đặt ra vấn đề này: Ngài là ai? “Bạn không thể biết Chúa Giêsu mà không gặp vấn đề!”. Bạn không thể biết Ngài bằng cách ngồi ở “khoang hạng nhất”, “trong sự an thân”; càng không thể biết Ngài “trong thư viện”. Chúng ta chỉ biết Chúa Giêsu trên con đường đời thường. Biết Ngài qua sách giáo lý, “chưa đủ”; phải biết Ngài bằng cách nói chuyện với Ngài trong “cầu nguyện” khi quỳ gối. Không cầu nguyện, bạn không biết Ngài. Cuối cùng, bằng cách “đi theo Ngài”, đi với Ngài trên con đường Ngài đi. Và đây là con đường mà mỗi người đều có một quyết định phải đưa ra. Như vậy, nếu biết Chúa Giêsu bằng ba ngôn ngữ này - lý trí, trái tim và hành động - bạn có thể nói, bạn biết Ngài. Bấy giờ, tình yêu Ngài phủ lấp và bạn choáng ngợp!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘choáng váng’ trước những mời mọc thế gian. Cho con ‘choáng ngợp’ trước tình yêu Chúa luôn phủ lấp và quan tâm đến từng chi tiết đời con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây