TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chính anh em

Thứ năm - 13/05/2021 04:09 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   582
Chính anh em

Lễ Mình Máu Chúa Ki-tô

Chính anh em

Đức Giê-su từng nói: “Tôi đến là để chiên được sống và sống dồi dào”. Thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần, khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến, Ngài không khỏi “chạnh lòng thương xót” và đã thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt”.

Đức Giê-su không chỉ nói, Ngài đã hành động, hành động như một vị chủ chăn nhân lành. Câu chuyện xảy ra tại Bét-xai-đa, nơi Đức Giê-su cùng nhóm mười hai dự định nghỉ ngơi sau những ngày ra đi vào “các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh”, như một điển hình.

**

Câu chuyện được kể rằng: Hôm đó, khi biết Đức Giê-su và các môn đệ đến Bét-xai-đa, không rõ vì cớ gì mà nhiều người biết, thế là người này rỉ tai người kia, và kết quả là có rất đông người “đi theo Người”.

Nhìn họ đến với mình, Đức Giê-su không khỏi chạnh lòng thương xót, thế nên, “Người tiếp đón họ”. Và cũng như bao lần khác, Ngài “nói với họ về Nước Thiên Chúa”, đồng thời “chữa lành những ai cần được chữa” (x.Lc 9, 11)

Cứ sự thường, tới đây, mọi người giải tán ra về. Còn hôm nay, có vẻ như đám đông dân chúng không bận tâm, họ vẫn cứ thản nhiên quây quần bên Đức Giê-su.

Trong khi đó, nhóm mười hai bắt đầu hốt hoảng… Không hốt hoảng sao được. Số lượng người đi theo Đức Giê-su hôm đó, theo các môn đệ thống kê, khoảng năm ngàn người. Mà lại, “ngày đã bắt đầu tàn rồi”.

Vấn đề bây giờ thật khẩn cấp. Đó là ẩm thực… “Năm ngàn người đàn ông” chứ có ít ỏi gì.

Chính vì thế các ông “gợi ý” với ông Thầy của mình rằng nên giải tán đám đông này bằng cách “Hãy để họ vào các làng mạc và nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn”.

Các môn đệ chưa kịp dứt lời thì Đức Giêsu nói một cách quyết liệt rằng: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13).

Ôi! tệ thật… Chỉ có “vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”, thế mà Thầy mình lại bảo “chính anh em” làm công việc “cứu đói”, thì có phải là đội đá vá trời!

Vâng, hôm đó, trong khi các môn đệ đang lúng túng vì số lương thực quá ít ỏi, thì, Đức Giê-su rất bình thản, Ngài: “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9, 16).

Vâng lời Thầy, các ông dọn ra… sau khi các ông “bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”.

Câu chuyện kể tiếp rằng: “Mọi người đều ăn, và ai nấy đều no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”. (Lc 9,17).

Vâng, hôm đó, các ông… các ông đã thấy rõ “năng lực và quyền phép” của Thầy mình.

***

Phải chăng Đức Giêsu dùng năng lực và quyền phép biến hóa năm chiếc bánh và hai con cá chỉ với ý nghĩ là để nuôi năm ngàn người ăn trên lãnh vực “thuộc thể”!

Thưa không, bởi nếu chỉ có thế thì cũng chẳng khác gì phép lạ manna xưa thời Mosê “đã ăn… và đã chết”.

Nhớ, bốn mươi ngày trong hoang địa, ăn chay và cầu nguyện, và sau đó là cảm thấy đói, thế nhưng, Đức Giê-su vẫn không bị Satan cám dỗ về cái ăn. Trái lại, Ngài đã cho tên cám dỗ thấy (và bây giờ là mỗi chúng ta), thiếu ăn phần thuộc thể không quan trọng bằng thiếu ăn phần thuộc linh. Thế nên, Ngài đã truyền dạy: “Đã có lời chép rằng: Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Đức Giêsu, khi thực hiện phép lạ này, Ngài như muốn chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ, để sau này ngay tại bàn tiệc trong lễ Vượt Qua, các ông hiểu được ý nghĩa của việc “hóa Bánh” một tấm bánh mang đến sự sống đời đời.

Thật vậy, tại nơi bữa tiệc Vượt Qua. Cũng vẫn là những cử chỉ quen thuộc. Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy…” (Mt 26, 26).

Giờ đây, bánh không còn là bánh nữa. Nhưng là “Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Cũng vậy, rượu không còn là rượu. Nhưng là “Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.

Một Giao Ước mới được lập ra. “Cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (x.Lc 22,18).

Và đó là lý do, hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Mình Máu Chúa Ki-tô.

Cho nên, thật là sai lầm khi một số người cho rằng Bí Tích Thánh Thể là do Giáo Hội tự nghĩ ra.

“Bí tích Thánh Thể không do Giáo Hội, không do bất cứ ai bịa ra. Chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.

Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55).

Ngay cả khi Đức Giêsu biết rõ ràng, rằng: Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.” (trích bài giảng của Lm. Giuse Đinh lập Liễm)

****

Trở lại với câu chuyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều. Dù câu chuyện đã xảy ra hơn hai ngàn năm, là một Ki-tô hữu, hãy nhớ rằng, nó vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta.

Nói rõ hơn, lời Đức Giê-su nói với các môn đệ xưa: “Chính anh em hãy cho họ ăn”, cũng là lời Ngài nói với chúng ta, hôm nay.

“Họ” là ai? Thưa, đó là những người “ngồi quanh đây trán in vết nhăn”. Không phải năm ngàn người. Không phải bốn ngàn người, mà là rất nhiều triệu… triệu người Việt Nam chúng ta.

Họ đang nhăn nhó vì vẫn chưa được chúng ta bảo ngồi lại “thành từng nhóm năm mươi người”. Họ vẫn còn lang thang rên rỉ ở vỉa hè, ở xó chợ. Họ đói khát sự công bằng và bác ái. Họ đói khát chân lý và sự thật. Họ đói khát sự sống đời đời. Họ đói khát lời Đức Chúa Trời. Nói tắt một lời họ đói khát “Tình Yêu Thương Của Thiên Chúa”.

Ai sẽ cho họ ăn? Thưa, có phần chắc, nếu Đức Giê-su hiện đến, Ngài sẽ nói: “Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Thật vậy, chính chúng ta phải là nhà sản xuất ra những loại lương thực “bác ái, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, trung tín, tiết độ”, là những loại lương thực có thể thỏa mãn những cơn đói, nêu trên.

Hãy tin, Đức Giê-su, qua việc ban ơn Chúa Thánh Thần, Ngài vẫn luôn đồng hành với chúng ta trong chương trình “thỏa lấp những cơn đói” của thời đại.

“Họ” còn là ai? Thưa, gần nhất, đó là những người con, người cháu của chúng ta.

Vâng, có thể nói rằng, chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến một thế hệ trẻ tăng trưởng chiều cao thể xác một cách bất thường, nhưng lại “lùn tâm linh – thiểu năng tâm hồn”, một cách tệ hại.

Vì sao? Phải chăng, vì họ quá dư thừa một thứ “man-na ăn vào rồi cũng chết”, nhưng lại thiếu một thứ “lương thực thường tồn” đem lại sự sống đời đời”?

Thưa, đúng vậy. Chúng ta quá quan tâm đến thể xác con em mình. Chúng ta không tiếc rẻ tiền bạc, thời gian lo cho con em mình phát triển tài năng, học thức. Đó là điều tốt. Thế nhưng, một con người thiểu năng tâm hồn cũng như lùn tâm linh, có phần chắc, xã hội cũng như Giáo Hội, chỉ rặt những con người, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. (Việt Nam, thời xã nghĩa hôm nay, như một minh chứng điển hình).

Trách nhiệm thuộc về ai, nếu không phải là chính chúng ta!

Thế nên, việc của chúng ta hôm nay, đó là hãy đưa con em mình đến nơi chúng có thể nhận lãnh lương thực thường tồn.

Nơi đó là nơi nào? Thưa, nhà thờ. Nơi mà, mỗi ngày có một thánh lễ sẽ được cử hành.

Hãy nhớ rằng: Thánh Lễ là một phần không thể thiếu trong đời sống đức tin Công Giáo. Như, con người cần lương thực nuôi phần thuộc thể. Người Ki-tô hữu cũng cần lương thực nuôi phần thuộc linh. Mà, lương thực nuôi phần thuộc linh kiếm ở đâu, nếu không là ở trong thánh lễ!

Trong thánh lễ, có hai “món ăn” người tín hữu sẽ được nhận lãnh để nuôi dưỡng phần thuộc linh. Đó là món ăn “Lời Chúa” qua phần phụng vụ Lời Chúa, và món ăn “Mình Máu Thánh Chúa” nơi bàn Tiệc Thánh Thể.

Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: tôi đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với con em của tôi?

Vâng, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, hôm nay, Đức Giêsu, qua các Linh Mục, Ngài vẫn “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho…”.

Ai sẽ là người được trao cho… Ai sẽ làm nhiệm vụ “dọn ra cho đám đông”? Thưa, chính chúng ta.

Chính chúng ta. Đó là lệnh truyền của Đức Giê-su: “Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Vâng, Chính anh em…

Petrus.Tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây