TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CHỌN AI, MẸ HAY VỢ?

Thứ năm - 13/05/2021 04:03 |   624
CHỌN AI, MẸ HAY VỢ?

CHỌN AI, MẸ HAY VỢ?

Ngồi nghĩ lại sau gần một năm xa mẹ, tôi thấy bồi hồi xúc động và cảm thấy thấm thía thân phận của một kẻ mồ côi. Mãi mãi tôi sẽ không bao giờ còn có mẹ, nhìn thấy mẹ, và nghe tiếng mẹ, lý do, mẹ tôi nay đã ra người thiên cổ. Chính vì vậy, mà mới đây trong một buổi gặp gỡ, khi nghe người bạn đưa ra một tiền đề tranh luận: “Giữa cha mẹ, vợ, và con, khi cần chọn một bạn chọn ai?” tôi tự nhiên thấy có một động lực thôi thúc cần phải viết lên để cho thấy rằng lý luận này rất thiếu nhân văn, chủ quan và làm mất đi giá trị, hình ảnh đẹp của tình mẫu tử, tình phu phụ, cũng như tình phụ tử.

Tư tưởng chọn mẹ, chọn vợ, hoặc chọn con tuy đã cũ lắm rồi, ai trong chúng ta cũng đã một lần được nghe nói đến và có lẽ cũng đã tham dự vào những cuộc tranh luận về đề tài này. Đối với những người đặt nặng hoặc coi trọng chữ hiếu thì việc chọn mẹ là một quyết định đúng. Họ cho rằng vợ chết có vợ khác, ngay cả khi bị vợ bỏ người ta cũng có thể kiếm được vợ khác, nhưng mẹ chết thì không có mẹ nào khác.

Với những người quan tâm đến chữ tình, thì chọn vợ là điều quan trọng. Mẹ già rồi đàng nào cũng sẽ qua đi, còn vợ thì phải sống với mình cho đến mãn đời. Vợ chồng đầu gối tay ấp. Hơn nữa, chính Chúa cũng đã phán bảo: “Đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một” (Sáng Thế 2:24). Lại nữa, trong lời thề hôn phối, hai kẻ yêu nhau phải gắn bó với nhau khi vui cũng như khi buồn, lúc mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau… Do đó, lúc chơi vơi giữa dòng nước cuốn, thì sự gắn bó, đòi hỏi ấy càng trở nên mãnh liệt cho quyết định “chọn vợ”.

Nhưng đối với tình mẫu tử thì hầu như các bà sẽ chọn con. Bởi vì dù có phải hy sinh tính mạng, người mẹ, đa số cũng không thể bỏ quên con mình. “Nước mắt chảy xuôi”. Dĩ nhiên, những đứa con được sinh ra vào đời là do tình yêu cha mẹ và do ân sủng của Thượng Đế nên dù gì đi nữa người cha, người mẹ cũng sẵn sàng hy sinh vì con mình. Mẹ chết vì tương lai của con, như Khái Hưng đã viết trong cuốn “Anh phải sống” rất đau lòng nhưng cũng đầy tình phu phụ, tình mẫu tử của một người vợ sẵn sàng hy sinh để chồng được sống mà nuôi con. Sau khi đã nhắc tên những đứa con, nàng liền buông tay chồng để cho dòng nước cuốn trôi nàng!

Ai cũng có những quan niệm, suy nghĩ và cái nhìn riêng tư. Kẻ chọn mẹ, người chọn vợ, người khác chọn con. Khi ý kiến đã đến hồi gây cấn, có người đã dùng đến thế giá của vài linh mục để biện minh và cho rằng khi cần quyết định sự chọn lựa giữa cha mẹ và vợ, người chồng phải chọn vợ, vì căn cứ vào lời Chúa…

Thật ra, ý kiến của một vài linh mục không phải là những tín điều, và là sự khôn ngoan bất biến. Nhưng ý kiến đó cũng chỉ mang tính cách lý thuyết và gợi ý. Ở một nghĩa nào đó, nhiều linh mục không có cái kinh nghiệm thiết thực về tình yêu cha mẹ, tình yêu vợ chồng, và tình yêu con cái. Bởi vì, họ là những người đã lìa xa gia đình có khi còn rất trẻ để theo đuổi một mục đích khác, một cuộc sống khác. Đời sống như vậy dĩ nhiên phần nào ảnh hưởng đến tình cảm, mặc dù họ vẫn yêu cha mẹ nhưng không phản ảnh đầy đủ kinh nghiệm của những người con ngày ngày sống gần gũi với cha mẹ. Ca do Việt Nam có câu: “Xa mặt cách lòng”. Họ cũng là những người không có kinh nghiệm về yêu đương, về những gắn bó tình cảm, kể cả tình yêu sinh lý vợ chồng, nên chọn lựa của họ có thể là quá lý tưởng, hoặc không thực tế. Sau cùng, họ không có cái cảm giác và hạnh phúc của một người làm cha mẹ nên tầm nhìn của họ về con cái cũng phần nào phiến diện, nếu không muốn nói là lý thuyết.

Như vậy thì chọn ai, bỏ ai?

Cá nhân tôi, tôi không lựa chọn mẹ, vợ hoặc con. Thử hỏi trong khi một gia đình đang chèo thuyền dong chơi trên một dòng sông bất ngờ thuyền bị lật thì phản ứng đầu tiên là gì? Là giơ tay ra mà chộp được ai thì cứu sống người đó. Trong những trường hợp như thế phản ứng tự nhiên sẽ thay thế cho lý trí, vì còn giờ đâu mà suy nghĩ xem mình phải cứu ai, bỏ ai. Mà dù có cứu ai, có bỏ ai thì người ấy cũng là ruột thịt của mình. Nỡ lòng nào mà suy nghĩ, lựa chọn!

Ngoài ra, giữa mẹ, vợ và con, người ta không được dùng từ “chọn”. Dùng từ này đối với cha mẹ là bất xứng, và không thực tế. Thử hỏi có ai trên cõi đời này được chọn lựa người cha hoặc người mẹ mình bao giờ. Mà dù không được quyền chọn lựa, nhưng tình cảm cha con, mẹ con vốn đã là một tình cảm thiêng liêng nên sự gắn bó, thân thiết không cho phép người con chọn cho mẹ mình sống hay chọn để cha mình chết.

Người đời có thể chọn vợ, chọn chồng, chọn người yêu. Nhưng từ ngữ chọn ở đây cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Đúng hơn là sự đáp trả của tiếng gọi của con tim. Và sau khi hai con tim đáp lại tiếng gọi của nhau, thì tình yêu như một phép mầu đã biến họ trở nên một xương và một thịt. Đã là một, thì không ai lại đang tâm chọn bỏ vợ hay chọn bỏ chồng trong những lúc thập tử nhất sinh. Sự chọn lựa này cũng đồng nghĩa với việc tự ý cắt đôi thân mình, bỏ đi một nửa và giữ lại một nửa. Một điều mà không bao giờ xảy ra trong thực tế.

Sau cùng cả cha lẫn mẹ đều mong muốn có những người con, nhưng họ cũng không được phép hoặc có phép chọn những đứa con theo ý mình. Con cái đến với cha mẹ là do kết quả của tình yêu, và là một món quà của Thượng Đế ban cho. Như vậy, nếu cha mẹ không có quyền chọn lựa, thì cũng không có quyền bỏ đi.

Tóm lại, chọn lựa là một từ không thích hợp và không tương xứng với tình yêu, với thứ tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ với con cái, giữ vợ chồng với nhau mà ngôn ngữ tự nhiên không thể định nghĩa, phân tích một cách đầy đủ được. Và do đó, cũng không thể đem cân, đo, đong, đếm được. Vì thế, trong những hoàn cảnh xảy ra có ảnh hưởng đến những tình cảm thiêng liêng này, sự chọn lựa đúng nhất là theo bản năng sinh tồn và khả năng có thể dựa trên mỗi hoàn cảnh. Trong những lúc như vậy, không nên dừng lại ở lý luận, phân tích, hoặc giải đoán theo lý trí. Thí dụ, giữa mẹ, vợ và con khi gặp tai nạn mình có thể cứu ai được, và ai trong những người thuận tiện nhất, thích hợp nhất đối với khả năng, hoàn cảnh lúc bấy giờ. Hoặc nếu khả năng, tình thế cho phép, thì cứu người nào gần với mình nhất, rồi tùy khả năng, hoàn cảnh cứu người kế tiếp.

Mẹ, vợ, hoặc con phải cứu ai và chọn lựa ai? Có lẽ chúng ta không nên dùng những lý luận này vào những lối giải thích chủ quan vì làm như vậy sẽ đem lại sự tủi nhục, đau đớn cho cha mẹ là người đã cưu mang, sinh thành và dưỡng dục mình. Nó cũng làm cho người mà bây giờ đã trở thành nửa thân thể, nửa cuộc sống, và nửa hạnh phúc của đời mình phải đau lòng nhìn thấy sự vô cảm, sự coi thường tình yêu mà người đó đã dành cho mình. Và cũng làm cho người con mà mình đã sinh ra trong hạnh phúc, trong vui mừng, và cũng là máu thịt của chính mình phải cảm thấy bị coi thường như một đồ vật cho một lựa chọn.

Trên tất cả, tình yêu chính là yếu tố cho quyết định, và cũng chính tình yêu sẽ tăng thêm sức mạnh, sự khôn ngoan để ta biết phải làm gì trong những lúc như vậy. Những lý luận thuộc phạm vi lý trí chỉ là một mớ lý thuyết vô bổ mà mục đích của nó không đem lại gì ngoài sự buồn lòng cho những người mà chúng ta đem ra so sánh và chọn lựa.

Ngày Hiền Mẫu
8 tháng 5 năm 2016

Trần Mỹ Duyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây