TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CHÚA TRỖI DẬY THẬT RỒI

Thứ tư - 12/05/2021 07:04 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   645
CHÚA TRỖI DẬY THẬT RỒI

Chúa Nhật III – PS – A

CHÚA TRỖI DẬY THẬT RỒI

“Chúa trỗi dậy thật rồi”. Vâng, đó là một trong những niềm tin quan trọng nhất của người Ki-tô hữu. Chúa-trỗi-dậy-thật-rồi chính là nguyên lý sống còn cho Hội Thánh Chúa Ki-tô. “Chúa trỗi dậy thật rồi” chính là sự vẹn toàn của chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho con người.

Với chúng ta hôm nay, thật đơn sơ và giản dị khi tuyên xưng niềm tin này. Thế nhưng, với nhóm mười một tông đồ cũng như nhóm bảy mươi hai môn đệ xưa, để tin vào niềm tin đó, lại là một sự thách đố lớn đối với họ.

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (04.05.2014) qua câu chuyện “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau” sẽ cho chúng ta thấy các ngài đã phải vượt qua sự thách đố đó như thế nào.

**
Câu chuyện được kể lại rằng: Trên một con đường làng, có hai người lữ khách bước đi bên nhau. Hai người lữ khách đó, một người tên là Cơ-lê-ô-pát và người kia là bạn đồng môn. Họ là hai trong số những người môn đệ đã theo Đức Giêsu.

Theo Đức Giêsu, họ hy vọng một ngày kia, chính Thầy mình sẽ đem lại cho đất nước, cho gia đình, cho dân tộc một nền hòa bình, một sự giải thoát, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.

Làm sao không tin tưởng như thế cho được. Chính Thầy Giêsu đã sai họ ra đi rao giảng cho mọi người rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9). Hơn nữa, nằm trong nhóm bảy mươi hai môn đệ, họ đã nhìn thấy quyền năng của Thầy Giêsu, một thứ quyền năng mà chỉ cần “nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục”. (Lc 10,17).

Vì thế, ba năm trời “nằm gai nếm mật” cùng Thầy cũng là ba năm các ông mong đợi cho “Triều Đại” ấy mau đến. Hy vọng một khi Thầy Giêsu lên ngôi Vua, tệ lắm các ông cũng được một ghế trong nội các chính phủ!

Than ôi! sự việc lại không như mong muốn. Thê thảm quá! Hai người môn đệ không thể hiểu nổi một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát! Thầy Giêsu đã chết, chết trên thập giá, đã bị táng xác, bước qua ngày thứ ba rồi. Thế là chấm hết! Thế là “mộng vàng tan mây”!

Mang tâm trạng “chẳng còn chi… chẳng còn chi… ngoài con tim héo”, hai người môn đệ, với “vẻ mặt buồn rầu”, với trái tim khắc khoải sầu thương “về những sự việc vừa mới xảy ra” cho Thầy Giêsu, họ trở về làng quê.

Con đường trở về làng chừng mười một cây số, ngày ra đi cảm thấy hăng hái làm sao! Than ôi! Hôm nay, sự hăng hái đó mất đi, thay vào là hình ảnh hai tấm thân “nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”.

Hôm đó, đang khi hai môn đệ chìm trong tâm trạng “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường” thì bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện. Ngài “tiến đến gần và cùng đồng hành với các ông” (Lc 24, 15).

Dù đã cố gắng lục lại trí nhớ, nhưng các ông vẫn không sao “nhận ra Người”. Không nhận ra, nhưng hai môn đệ vẫn coi người khách lạ như một người bạn đồng hành.

Thế là ba người cùng đi với nhau. Họ trò chuyện với Người-khách-lạ về ông Giêsu người Na-da-rét. Họ tỏ vẻ buồn bực vì Thầy của mình “là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”; thế mà… “thế mà các thượng tế và thủ lãnh (Do Thái) đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá”.

Trước sự buồn bã, thất vọng, nghi nan, ngờ vực của hai người môn đệ, Người-khách-lạ cất tiếng nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”.

Vâng, người ta thường nói “trước lạ sau quen”. Hôm ấy, quả đúng là khi được mời ở lại “vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” thì “Người khách lạ” không còn xa lạ đối với hai môn đệ.

Và như đã có một sự thân quen, trong bữa ăn tối, khi Người khách lạ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho” các ông, qua cử chỉ bẻ bánh, chuyện kể rằng: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.

Tiếc thay! Đức Giê-su, sau đó, như một sự thách đố “Người lại biến mất”. Dù vậy, hai người môn đệ đã có thể vượt qua sự thách đố đó và hai ông đã “quay trở lại Giê-ru-sa-lem gặp nhóm Mười Một”.

Và khi gặp nhóm mười một, hai người môn đệ đã “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35).

***

Câu chuyện hai môn đệ trên làng Em-mau được chép trong Tin Mừng Thánh Luca (24, 13-35).

Vâng, đọc lại câu chuyện này, chúng ta như được trở lại làng Em-mau xưa. Trở lại Em-mau xưa , để thấy rằng, cuộc đời mỗi chúng ta đang sống, đường đời mà chúng ta đang đi, cũng sẽ phải đương đầu với những nỗi buồn bực, chán nản và thất vọng như hai môn đệ xưa.

Cũng sẽ có những lúc “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Cũng sẽ có những lúc ta chán nản và thất vọng khi phải đối diện với những nỗi buồn đắng cay đến độ dẫn tới chán chường và tuyệt vọng.

Nỗi buồn đó có thể là sự mất mát một người cha, một người mẹ, hay có thể là một “người em gái tôi thương”.

Nỗi buồn đó có thể chỉ vì chàng lỡ một thoáng đời-buồn-vui, nên nàng đành phải cất bước “sang ngang”.

Nỗi buồn đó có thể là một cơn hoạn nạn, một căn bệnh hiểm nghèo, một rủi ro trong kinh doanh, một thất bại trên thương trường.

Còn rất nhiều nỗi buồn vây quanh đường đời ta, mưa nhiều cũng buồn, nắng quá cũng buồn.v.v… và v.v… buồn!

Vâng, người ta thường nói “nỗi buồn càng dấu kín, càng thêm buồn khổ”.

Hai môn đệ trên đường Emmau, họ đã không dấu kín nỗi buồn. Họ “trò chuyện và bàn tán” với nhau. Họ trải lòng ra với Đức Giêsu, và hơn hết, họ cùng đồng bàn với Ngài.

Chính vì thế, với chúng ta hôm nay, chúng ta cũng phải “trò chuyện và bàn tán” với nhau. Và cách tốt nhất, đó là, hãy đi đến nhà thờ, một con đường Em-mau mới, để “trò chuyện và bàn tán” với Chúa.

Đến nhà thờ, ta sẽ nói với Chúa về những nỗi buồn bực của ta. Nơi nhà thờ, vị Linh Mục, như là hiện thân của Đức Giêsu Phục Sinh, ngài sẽ giải toả nỗi buồn bực của ta qua việc “giải thích Kinh Thánh” cho chúng ta nghe, qua những bài giảng trong Thánh lễ.

Đừng quên rằng, lòng-hai-môn-đệ-đã-bừng-cháy-lên sau khi hai ông đã được nghe Đức Giêsu Phục Sinh “nói chuyện và giải thích Kinh Thánh” (Lc 24, 32).

Thật vậy, nếu chúng ta “nghe Lời Chúa” và “mở rộng lòng đón nhận ân sủng Chúa Thánh Linh, như xưa kia hai môn đệ trên làng Em-mau đã đón nhận, có phần chắc, đường đời ta, sẽ chẳng bao giờ phải đối diện với những nỗi buồn đắng cay, đắng cay đến độ dẫn tới chán chường và tuyệt vọng!

Nếu chúng ta “nghe Lời Chúa” và “mở rộng lòng đón nhận ân sủng Chúa Thánh Linh, sẽ chẳng bao giờ chúng ta, mới “chiều hôm nao tiếng hát bay cao. Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chúng sống trọn đời”, nhưng chỉ vì một thoáng “đời mất vui khi đã vẹn câu thề” chúng ta lại sẵn sàng huỷ lời giao ước “sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”!.

Với chúng ta hôm nay, thế nào “trải lòng ra với Đức Giêsu?” Phải chăng, đó chính là lúc chúng ta “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng” về những tội lỗi mình đã phạm?

Thưa, đúng vậy. Có nỗi buồn, không ít người, không cảm thấy buồn, đó là buồn cho tội lỗi của mình. Đây là một việc rất hệ trọng. Hệ trọng là bởi chính tội lỗi ngăn cản đức tin, và một khi đức tin bị ngăn cản, chúng ta không thể nhận ra đâu là dấu chỉ của Chúa, đâu là chương trình của Chúa.

Cuối cùng, với chúng ta hôm nay, “Đồng bàn với Đức Giêsu”. Vâng, đó chính là lúc chúng ta đi đến bàn Tiệc Thánh Thể, nơi sẽ cho chúng ta kiện toàn đức tin, đức cậy và đức mến.

Đừng quên, hai môn đệ trên đường Em-mau “đã nhận ra Chúa thể nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, …35).

****
“Chúa trỗi dậy thật rồi”. Xưa, vào ngày thứ nhất, “ngày Chúa trỗi dậy” năm ấy, Kinh Thánh thuật rằng “bà Maria Mác-đa-la, đứng ở ngoài gần bên mộ, mà khóc” (Ga 20, 11). Nay, vẫn thấy, không ít người trong chúng ta “cũng khóc”.

Vâng, “…Giữa cuộc đời, đi qua phận người, ai mà không từng rơi lệ! Có những giọt nước mắt lặng thầm, chảy ngược vào tim, có tiếng khóc nức nở, ai oán! Khóc là một biểu hiện trạng thái của tình cảm, người ta khóc vì hạnh phúc, vì đau khổ, vì oan khiên, vì nghịch cảnh, khóc mà vẫn nghe được tiếng Chúa gọi như Maria Macdala (Ga 20,11-18) (thì cũng nên khóc). Bởi đó không phải tiếng khóc than, nhưng là tiếng khóc thì thầm của nguyện cầu, tiếng khóc xua tan đau khổ, dẫn đến hạnh phúc!”. (lời chia sẻ của Tùng Trang - một blogger Công Giáo).

Chính vì thế, đừng để tiếng khóc của ta át hẳn tiếng Chúa gọi ta. Và cũng đừng “chăm chăm nhìn” vào nỗi thống khổ trên đường đời của ta. Bởi như thế, làm sao chúng ta có thể thấy “Chúa trỗi dậy thật rồi” (Lc 24, 34)

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây