TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta hãy tin

Thứ năm - 27/05/2021 02:51 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   672



Chúa Nhật II – PS – A


Chúng ta hãy tin

Trong thánh lễ vào những Chúa Nhật hằng tuần, sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, toàn thể cộng đoàn đồng thanh tuyên xưng đức tin qua việc đọc kinh tin kính.

Đọc kinh tin kính nhưng chúng ta có thật sự “tin” những điều kinh tin kính truyền dạy? Chúng ta có thật sự “tin” rằng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh?”

Vâng, với chúng ta hôm nay, không khó để có câu trả lời, phải không, thưa quý vị! Thế nhưng, với các vị tông đồ xưa, niềm tin Đức Giê-su – “Người sống lại như lời Thánh Kinh”, không phải là một sớm một chiều. Đã có một vị tông đồ nói lên quan điểm của mình, rằng “thấy mới tin”. Người đó chính là tông đồ Tô-ma. Câu chuyện về người tông đồ này được thánh sử Gio-an ghi lại như sau:

**
Câu chuyện xảy ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Tuy thánh sử Gio-an không ghi lại, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, đó là một buổi chiều đầy âu lo nơi các môn đệ.

Tại sao lại cho rằng các ông âu lo? Thưa là bởi, trước đây, trước lúc Đức Giê-su chịu khổ nạn, Ngài đã nói với các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”.

Ba-ngày-sau-khi-bị-giết-chết… Chúa ơi! bây giờ là “chiều ngày thứ nhất”… chiều ngày thứ nhất rồi… lời phán hứa của Thầy bao giờ mới ứng nghiệm đây!

Hồi sáng, hai người môn đệ là Phê-rô và Gio-an có ra mộ, điều hai ông thấy chỉ là “ngôi mộ trống”, xác Thầy đâu, hai ông không biết. Một lúc sau bà Maria Mác-đa-la lại loan báo rằng: “Tôi đã thấy Chúa”.

Tin tốt đấy! Thế nhưng, tốt hơn nữa, Thầy ơi! sao Thầy không cho chúng con “thấy Ngài”? Chỉ… chỉ là một chút tưởng tượng, nhưng chúng ta vẫn có thể nghĩ nhóm Mười Một các ông, mong muốn như thế.

Và, như người ta thường nói: “cầu được ước thấy”. Hôm ấy ước mong của các môn đệ đã được toại nguyện.

Vâng, hôm ấy, mặc dù “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín”, thế nhưng, bất chấp có sự ngăn cách như thế, thánh sử Gio-an cho biết: “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông…” (x.Ga 20, …19).

Chỉ có mười người, thiếu vắng một người. Mười con người đó, với mười đôi mắt rực sáng lên trong sự ngỡ ngàng. Thầy Giêsu đó ư! Đúng, Giêsu người Nazareth, chứ không là ai khác.

Trong giây phút lịch sử đầy linh thiêng, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bình an cho anh em”. Nói xong “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”.

Một niềm hân hoan khôn tả bừng lên nơi các ông. Chuyện kể rằng: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa”.

Vâng, hôm ấy, các môn đệ đã thật sự thấy Chúa, một Chúa Giê-su “sống lại như lời Thánh Kinh”, một Chúa Giê-su đã ban cho các ông sự “Bình An”, và quan trọng hơn cả, đó là các ông đã được “nhận lấy Thánh Thần”.

***
Thật đáng tiếc cho Tô-ma! Hôm ấy, ông ta vắng mặt.

“Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Mười tông đồ diễm phúc của Nhóm Mười Hai đã nói lại với Tô-ma, như thế. Tuy lời chứng là của mười người, thế nhưng, nó lại không có giá trị trước một tông đồ Tô-ma, một Tô-ma quan niệm rằng: “Bách văn bất như nhất kiến - Trăm nghe không bằng một thấy”.

Hôm đó, Tô-ma đã lớn tiếng nói với các bạn đồng môn của mình, rằng “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (x.Ga 20, 25).

Thế rồi, tám ngày sau, cũng giống như lần trước, mặc cho “Các cửa còn đóng kín, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”.

Hôm ấy, không phải là mười, nhưng là mười một người, nghĩa là: “có cả ông Tô-ma ở đó…” (x.Ga 20, 26).

Khi nhìn thấy Đức Giê-su, ông Tô-ma làm gì nhỉ! Thưa, ông ta chưa kịp phản ứng gì, thì Đức Giê-su đã bảo với ông ta rằng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (x.Ga 20, 27).

Tô-ma, hôm ấy, không biện hộ gì cả. Nhìn Thầy Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, với tất cả dấu tích của cuộc khổ hình, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của ông. Kìa là một Giê-su, một Đức Giê-su Phục Sinh rõ mồn một trước đôi mắt ông.

Và rồi, không một chút chần chờ, ông đã cất tiếng thưa với Đức Giê-su rằng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

***
Không hiểu từ bao giờ, cứ mỗi khi nhắc đến Tô-ma, người ta thường nói, ông là kẻ “cứng lòng tin”. Có người còn phong cho ông là “ông tổ” chủ nghĩa thực chứng. Có phải thế không nhỉ? Hay, tất cả mười môn đệ còn lại đều cứng lòng như ông?

Bằng chứng đâu? Thưa, đây. Hãy nhìn xem, đâu chỉ có mình Tô-ma cứng lòng tin. Còn đó là cả nhóm mười người trong họ, dù đã nghe bà Maria Mác-đa-la nói “(Chúa) đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin”, kia mà! (x.Mc 16, 11).

Dẫu sao, việc cứng lòng tin của Tô-ma cũng chẳng có gì là đáng trách. Ông ta muốn dùng “thị giác” hơn là “thích giác” để biểu lộ lòng tin của mình.

Đức tin khác với “cả tin”. Đức tin không thể dựa vào “cảm xúc”. Cảm xúc có thể đến và đi. Còn cả tin thì sao nhỉ! Thưa, rất nguy hiểm, bởi nó có thể làm cho chúng ta có một đức tin mù quáng.

Thần học gia Paul Tillich nói: “sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh”. Thế nên, sự hoài nghi chín chắn của tông đồ Tô-ma có gì phải đáng trách!

Dầu sao, chúng ta cũng phải cảm ơn Tô-ma khi ngài có nhu cầu “nhìn sự thật” hơn là “nghe sự thật”, bởi nhờ đó, hôm nay, chúng ta được Đức Giêsu ưu ái tặng thêm một lời chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (x.Ga 20, …29).

****
Hôm nay, chúng ta bước qua tuần bát nhật Phục Sinh. Trong tuần bát nhật, hầu như ngày nào chúng ta cũng được nghe những bài Tin Mừng nói đến việc Đức Giê-su Phục Sinh.

Đặc biệt hơn cả, đó là những bài được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ. Tại sao lại gọi là “đặc biệt”? Thưa, qua những trình thuật này, chúng ta được nhìn thấy sự trưởng thành đức tin vào Đức Giê-su Phục Sinh của các tông đồ. Nói cách khác, các tông đồ đã thật sự “gặp” Đức Giê-su Phục Sinh.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta tự hỏi: Tôi cũng đã “gặp” Đức Giê-su Phục Sinh? Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, tưởng chúng ta cũng cần biết, muốn được gặp Đức Giê-su Phục Sinh ư! Hãy tham dự “Bàn Tiệc Thánh Thể”. Muốn gặp Đức Giê-su Phục Sinh ư! Hãy lắng nghe Lời Chúa qua Thánh Kinh, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa trong mỗi thánh lễ hằng ngày, hằng tuần.

Hình ảnh tuyệt đẹp nhất, một hình ảnh mà chúng ta hãy xem đó như là mẫu mực, để được gặp Đức Giê-su Phục Sinh và nhận được sự “Bình An của Ngài”, đó chính là hình ảnh cộng đoàn tiên khởi “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

Lm Charles E. Miller gọi sự hiệp thông của các tín hữu xưa là một “ngày đại hội”, ngài Miller có lời khuyên, rằng: “Anh chị em không được vắng mặt tại ngày đại hội này, như tông đồ Tô-ma tại buổi họp đầu tiên của các môn đệ”.

Đừng bao giờ hỏi tông đồ Tô-ma lý do nào ngài đã “vắng mặt” vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, vì đó là điều không còn cần thiết.

Nếu có hỏi, hãy hỏi mỗi chúng ta hôm nay, rằng: lý do nào khiến chúng ta “vắng mặt” trong ngày Lễ Chúa Nhật? Lý do gì nhỉ? Phải chăng là vì đại dịch corona virus xuất phát từ thành phố Wuhan ở Hoa lục, đã làm cho chúng ta vắng mặt trong “ngày đại hội này”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, chính lúc này, chính hoàn cảnh này, chúng ta lại càng cần gặp Đức Giê-su Phục Sinh, gặp để Ngài ban Bình An, như xưa, mỗi lần đến với các môn đệ, Ngài đều nói: “Bình An cho anh em”.

Hôm nay, trước việc phải “giãn cách xã hội” vì đại dịch corona virus, Thánh Lễ trực tuyến chính là phương cách giúp chúng ta gặp Đức Giê-su Phục Sinh.

Nếu, xưa kia, dẫu cho “nơi ở của các môn đệ, các cửa đều đóng kín” thế mà Đức Giê-su Phục Sinh vẫn có thể “đến, đứng giữa các ông”, thì hôm nay cũng vậy, khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến, dù giữa chúng ta và Đức Giê-su Phục Sinh phải “cách nhau bởi một màn hình”, há lẽ Ngài không thể “đến, đứng giữa nhà chúng ta” sao!

Thế nên, hãy tin, tin rằng, dù là thánh lễ trực tuyến, qua linh mục chủ tế, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn tiếp tục cất tiếng nói với chúng ta, rằng: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”.

Vấn đề là đừng… chúng ta đừng bao giờ tham dự thánh lễ trực tuyến như một khán giả xem một game show vớ vẩn nào đó, đại loại như game mang tên dấu mặt, dấu mũi… gì gì đó v.v…

Đức Giê-su không “dấu mặt” trong thánh lễ trực tuyến, miễn là chúng ta tham dự với tất cả niềm tin: “tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện” (x.kinh sấp mình).

Cuối cùng, hãy tin rằng, corona virus phát xuất từ Wuhan, không bao giờ có thể ngăn cách Đức Giê-su Phục Sinh đến với chúng ta.

Chúa Thánh Thần đã ban ơn cho Giáo Hội toàn cầu có nhiều sáng kiến để đem đến cho chúng ta Đức Giê-su Phục Sinh. Giáo Hội Panama như một điển hình.

Những ngày qua, truyền thông trên internet có đưa tin, rằng: Tổng Giám mục Panama Jose Domingo Ulloa đã ban phước lành ngày Chúa Nhật Lễ Lá (Palm Sunday) từ máy bay trực thăng, trong bối cảnh đại dịch virus corona buộc các nhà thờ phải đóng cửa.

Buổi lễ truyền thống trên thường được thực hiện trong nhà thờ. Các linh mục rảy nước thánh lên những chiếc lá cọ do giáo dân mang đến. Nhưng lần này, Tổng Giám mục Jose Domingo Ulloa đã bay qua thủ đô trong một chiếc trực thăng, còn người dân đặt những chiếc lá trên ban công và bậc cửa của ngôi nhà.

Tổng Giám mục Ulloa đeo khẩu trang màu trắng, cử hành Thánh lễ tại căn cứ không quân Howard của Panama trước khi bay qua những con đường và vùng ngoại ô trống vắng của thành phố cùng hai linh mục. Ông cầm trong tay bức tượng của Thánh Santa Maria La Antigua, vị Thánh bảo trợ Panama, với hy vọng Thánh sẽ “bảo vệ đất nước khỏi dịch bệnh”. (nguồn: internet)
(xem thêm: https://www.youtube.com/watch?v=dVKzEOfCt5E).

Quá đủ… quả đủ để chúng ta thấy rằng, Đức Giê-su Phục Sinh – Ngài vẫn đang “đến, đứng giữa nhà chúng ta”. Vâng, Ngài vẫn đang nói: “Bình an cho các con”. Vấn đề còn lại của chúng ta là: “Hãy tin”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây