TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mời Người ở lại với chúng con

Thứ năm - 27/05/2021 02:55 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   858



Chúa Nhật III – PS – A


Mời Người ở lại với chúng con

Đức Giêsu Phục Sinh chính là trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo. Đức Giê-su Phục Sinh còn được xem là sự toàn vẹn chương trình cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã hứa ban.

Người Ki-tô hữu hôm nay, trước sự Phục Sinh của Đức Giê-su, toàn thể cộng đoàn không ngần ngại cất tiếng hô vang, trong những Thánh lễ vào ngày Chúa Nhật, rằng: “Người đã sống lại như lời Thánh Kinh”.

Thế nhưng, với các môn đệ xưa, niềm tin vào sự Phục Sinh của Đức Giê-su, không phải một sớm một chiều. Niềm tin của các ông, có thể nói, đó là một niềm tin tiệm tiến. Khởi đầu là việc được nhìn thấy Ngài hiện đến, tiếp đến là cùng đồng hành với Ngài, rồi đến việc được mở trí hiểu Kinh Thánh, cuối cùng là được đồng bàn với Ngài.

Vâng, câu chuyện “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau”, được ghi trong Tin Mừng thánh Luca, như một bức họa vẽ lên cuộc hành trình tiệm tiến đi về niềm tin của các ông.

**

Thánh sử Luca mở đầu câu chuyện như sau: “Hôm đó, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau”. Ngôi làng này được biết là “cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số”.

Tuy thánh sử không nói hai người này thuộc nhóm nào, nhưng chúng ta có thể đoán rằng: họ thuộc nhóm bảy mươi hai, một nhóm đã có lần được Đức Giê-su sai đi rao giảng Tin Mừng.

Trên cuộc hành trình về Emmau, hai người môn đệ này “trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra”. Vài hôm trước, Giê-ru-sa-lem vừa xảy ra một biến cố ngoài sức tưởng tượng của họ. Và hôm nay, khi “đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ”.
 
Là chính Đức Giê-su, thế nhưng, chẳng hiểu vì sao “mắt họ bị ngăn cản, không nhận ra Người”.

Về phần Đức Giê-su, Ngài đã không tỏ lộ điều gì ngoài việc hỏi hai ông, rằng: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?”.

Vâng, mang vẻ mặt buồn rầu, một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát đã trả lời rằng: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”.

“Chuyện gì vậy?” – làm như thể là một người không biết gì, Đức Giê-su đã hỏi lại hai ông như thế.

Và, như lời cụ Nguyễn Du nói: “Được lời như cởi tấm lòng”. Hôm ấy, họ thao thao bất tuyệt thưa với Đức Giê-su rằng: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét, Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá”.

Mang tâm trạng buồn buồn với chán chường, họ nói tiếp: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel”.

Và, như lời Kinh Thánh nói: “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”. Hôm ấy, ông Cơ-lê-ô-pát nói lên nỗi khắc khoải của mình với Đức Giê-su, rằng: “Những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”.

“Nay là ngày thứ ba rồi… Thật ra…” Vâng, hôm ấy, hai môn đệ tiếp tục “cởi tấm lòng” mình bằng những lời than vãn với Đức Giê-su, rằng: “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.

***

“Còn chính Người…” cho tới bây giờ có ai thấy đâu! Thế có buồn không kia chứ! Vâng, một danh nhân Pháp có nói: “Nỗi buồn bay đi trên đôi cánh của thời gian”.

Hôm ấy, mười một cây số đường dài, cộng với những câu chuyện trao đổi giữa Đức Giê-su và hai môn đệ đã tạo ra “đôi cánh của thời gian”, nỗi buồn của hai ông đã được đôi cánh đó mang ra khỏi tâm hồn mình.

Vâng, “buồn mà chi…” hai ông ơi! Mà, nếu có buồn thì hãy buồn vì hai ông chẳng hiểu gì cả! Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”.

Chuyện được kể tiếp rằng: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-se và tất cả các ngôn sứ, Đức Giê-su giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”.

Trong tất cả Sách Thánh. Vâng, chỉ có thế, hai người môn đệ không còn cảm thấy “nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”. Và chỉ nhờ thế, hôm ấy, “khi trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” hai ông mời Đức Giê-su “ở lại với chúng tôi”.

Đức Giê-su đã “ở lại với họ”. Và, “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ”. Qua cử chỉ này, chuyện kể rằng: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.

Thế nhưng, muộn mất rồi! Đức Giê-su, sau đó, “Người lại biến mất”. Để lấy lại một chút an ủi, hai môn đệ bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

Không để ngọn lửa đang bừng cháy đó tàn lụi, chuyển kể rằng: “ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem gặp Nhóm Mười Một”.

Và khi gặp nhóm mười một , hai người môn đệ đã “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (x.Lc 24, 35).

****

Chúng ta vừa nghe lại câu chuyện “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau”. Vâng, quả là một câu chuyện “mẫu mực” cho đời sống đức tin của chúng ta, hôm nay.

Tại sao lại coi là mẫu mực? Thưa, là bởi, cuộc đời mà chúng ta đang sống, đường đời mà chúng ta đang đi, “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có cả sương mù và giá lạnh” (Louis Evely).

Sẽ có lúc “sương mù” phủ kín đời ta. Sẽ có lúc “giá lạnh” tàn phá hồn ta.

Sương mù đó, có thể là một rủi ro trong kinh doanh, có thể là một thất bại trên tình trường, có thể là một hoạn nạn bởi thiên tai và cũng có thể là một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, đại loại như đại dịch corona virus, mà hôm nay toàn thế giới đang phải gánh chịu.

Giá lạnh đó, có thể là một sự bất công, một sự lừa dối, một sự phản bội, một sự bất trung, bất tín v.v… Mới ngày nào “quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”, ta hy vọng rằng, rồi đây, gia đình của ta sẽ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng, có giá lạnh không kia chứ! Chỉ vì một thoáng “đời buồn vui”, vậy mà “người ta lại bỏ con rồi, Chúa ơi!”.

Rất… rất nhiều sương mù và giá lạnh vây quanh cuộc đời ta, đeo bám suốt con đường đời ta đi.

Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ làm gì để xóa tan những thảm họa đó? Cứ để nó trên đôi vai mình “nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài!” Hay chúng ta sẽ trải lòng ra với Đức Giê-su!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy tin rằng, hôm nay, Đức Giê-su vẫn đang ở với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Ngài vẫn đi bên ta và sẵn sàng “lắng nghe” những gì chúng ta muốn nói với Ngài.

Đức Giê-su vẫn đến với ta, không hỏi ta, nhưng là mời gọi ta: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 3, 20).

Điều quan trọng đó là chúng ta có sẵn sàng cất tiếng mời Ngài, như hai môn đệ xưa đã cất tiếng mời, rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi”.

*****

“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”.

Vâng, thật là vậy. Thế giới chúng ta đang sống “sắp tàn” rồi. Thảm họa vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành. Tiếp đến là gì… phải chăng là đói kém? Rồi chiến tranh… Thì đây, là biển đông và biển hoa đông đang dậy sóng! Rồi vịnh Ba Tư, tất cả đôi bên đều đã được lệnh sẵn sàng nã pháo v.v…

Hãy nhìn, hãy nhìn những sự kiện nêu trên, như là “dấu chỉ thời đại”. Những dấu chỉ đã được cảnh báo trong Kinh Thánh và đã được chính Đức Giê-su cảnh báo rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao đến từ trời” (x.Lc 21, 10-11).

Hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao đến từ trời như thế nào, chúng ta không biết. Nhưng, điều chúng ta đang biết, đó là “ôn dịch” và sẽ biết đó là “đói kém”.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, không phải để chúng ta “buồn rầu”, nhưng là để chúng ta, hãy cùng với hai môn đệ xưa, cất tiếng khẩn nguyện với Đức Giê-su Phục Sinh, rằng: Mời ông ở lại với chúng tôi.

Vâng, như lời Kinh Thánh khẳng định: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Thế nên, đừng chần chờ gì nữa, ngay hôm nay, chúng ta hãy cất tiếng khẩn nguyện, nguyện rằng: “Mời Chúa ở lại với chúng con”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây