TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chút tản mạn về Khánh Nhật Truyền Giáo

Chủ nhật - 20/10/2024 09:23 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   124
Truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội, nếu Giáo hội không làm việc truyền giáo thì Giáo hội tự đánh mất chính mình.
Chút tản mạn về Khánh Nhật Truyền Giáo

CHÚT TẢN MẠN VỀ TRUYỀN GIÁO


Tự bản chất Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo cho nên từ thuở ban sơ cho đến ngày tận thế, Giáo Hội không thể nào đánh mất bản chất của mình.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, trải qua bao nhiêu nổi trôi của lịch sử, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội có lúc thành công và có những có không thành công, có lúc mỹ mãn nhưng cũng có lúc còn nhiều suy tư. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, sứ mạng truyền giáo cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời cuộc, của văn hoá, của kinh tế, của chính trị.

Một vài khái niệm về từ ngữ

Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, một trong những vấn đề thần học có ảnh hưởng không nhỏ đến giáo luật là xác định lại ý nghĩa của hoạt động truyền giáo. Trong tiếng Việt, từ “truyền giáo” có nghĩa là truyền bá đạo giáo; có lẽ không ai đặt vấn nạn. Nhưng trong các ngôn ngữ Âu châu, từ “missio” đã gây ra khá nhiều cuộc tranh luận. Theo nguyên ngữ, missio có nghĩa là sự sai phái (gửi đi, phái đi). Thần học cổ truyền áp dụng vào việc Đức Kitô được Chúa Cha sai đến thế gian (Ga 10,36; Lc 4,18) cũng như Chúa Thánh Thần được sai đến với Giáo hội (Ga 14,16); kế đó, nó cũng được áp dụng cho Giáo hội. Nói cách khác, tất cả các hoạt động của Giáo hội đều được Đức Kitô sai đi mang Tin mừng cho thế gian (Ga 20,21). Nói cách khác, tất cả các hoạt động của Giáo hội đều mang tính cách “Truyền giáo”. Thế nhưng từ thế kỷ 16, từ missio bị hạn hẹp lại mang tính cách “truyền giáo”. Một đàng thì được dùng vào việc giảng đại phúc (mission populaire), để lôi kéo các người tội lỗi nguội lạnh trở lại (Dòng do thánh Vinhsơn Phaolô đã lập ra mang danh xưng là "Congregatio Missionis"). Đàng khác, thì được áp dụng vào việc giảng Tin mừng cho người ngoại đạo (missio “ad gentes”, mission étrangère), thí dụ như Hội Thừa sai Paris (Mission étrangère de Paris) được thành lập để đi giảng đạo tại Á và Phi châu. Dù theo nghĩa nào đi nữa, thì “missio” không còn bao trùm hết tất cả hoạt động của Giáo hội, nhưng được dành cho hoạt động chuyên biệt ở nơi khô đạo hay chưa có đạo[1].

Đàng khác, từ missionarius trong tiếng La tinh thường được dịch ra Việt ngữ là “nhà truyền giáo”, nghĩa là người làm việc truyền giáo. Tuy nhiên, còn có một từ nữa súc tích hơn, đó là: “thừa sai”. Như chúng ta đã biết, nguyên gốc của danh từ “missio” trong La ngữ có nghĩa là: sự sai phái, gửi, cử đi làm công tác gì đó. Hơn thế nữa, không những tiếng “thừa sai” dịch sát với nguyên ngữ La tinh hơn, lại còn sát với nội dung nữa. Thực vậy, tuy rằng hết mọi tín hữu đều có bổn phận tham gia vào công cuộc truyền giáo (do đó đều đáng gọi là “nhà truyền giáo”), nhưng theo nghĩa chuyên môn, để mang danh là nhà truyền giáo, thì không những là phải dấn thân trọn vẹn cho công tác đó nhưng còn phải được nhà chức trách của Giáo hội sai đi.

Dưới khía cạnh pháp lý, giáo luật đã định nghĩa nhà truyền giáo như sau: Các nhà thừa sai, - tức là những người được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội sai đi làm việc truyền giáo (qui a competenti auctoritate ecclesiastica ad opus missionale explendum mittuntur)[2] -, có thể được tuyển chọn từ các người bản xứ hay không, hoặc giáo sĩ triều, hoặc các phần tử thuộc Hội dòng tận hiến hay tu đoàn tông đồ, hoặc các giáo dân. Mặc dù bộ giáo luật đã mở rộng quan điểm thần học về thừa sai, chúng ta không thể phủ nhận vai trò nổi bật của các linh mục, vì một lý do dễ hiểu: mục tiêu của công tác truyền giáo là tiến tới việc thành lập Giáo hội địa phương; thế nhưng không thể có Giáo hội địa phương nếu thiếu Bí tích Thánh Thể, mà linh mục là thừa tác. Ngoài việc cử hành bí tích, linh mục thừa sai còn đứng ra quy tụ cộng đoàn, phối hợp các công tác.

Giáo hội và hoạt động truyền giáo

Bản chất của hoạt động truyền giáo theo nghĩa chặt được trình bày ở số 6 của Sắc lệnh Ad Gentes, và được bộ giáo luật thu gọn lại:  

Việc truyền giáo chính danh nhằm thiết lập Giáo hội giữa các dân tộc và các sắc dân, nơi Giáo hội chưa bén rễ. Mục tiêu ấy được thực thi cách chính yếu bằng việc Thiếu Giáo hội sai những người ở các tân Giáo hội được thiết lập toàn vẹn, nghĩa là có đủ nhân lực riêng và phương tiện để tự mình đảm nhiệm công việc truyền bá Phúc âm[3].

Truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội, nếu Giáo hội không làm việc truyền giáo thì Giáo hội tự đánh mất chính mình. Vì vậy, mỗi phần tử trong Giáo hội: giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, hay giáo dân đều phải truyền giáo, hăng say ra đi loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ trước khi về trời: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15), để làm cho danh Chúa được cả sáng, nước Chúa mau trị đến, ý Chúa được thể hiện khắp mọi nơi.

Vậy làm sao chúng ta có thể truyền giáo cho con người hôm nay? Để trả lời câu hỏi này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói đến ba cách thức truyền giáo[4]: thứ nhất là cử hành phụng vụ. Nghĩa là truyền giáo bằng việc cử hành cách bí tích, đọc kinh, cầu nguyện hằng này. Bởi lẽ, Dân Chúa được hình thành nhờ việc cử hành và tham dự các bí tích. Mỗi người chúng ta được mời gọi mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật đến tham dự thánh lễ và cử hành các bí tích, đọc kinh cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Qua việc tham dự phụng vụ, chúng ta gặp gỡ và sống thân tình với Chúa Kitô, nhờ đó, chúng ta được Lời Chúa và Thánh Thể nuôi dưỡng. Một người Kitô hữu đích thực là một người siêng năng tham dự các bí tích. Không thể là Kitô hữu nếu ngày Chúa Nhật họ không đến nhà thờ.

Cách thức thứ hai là rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Truyền giáo là loan báo Lời Chúa. Ngày hôm nay chúng ta cần phải ra đi và chia sẻ Tin Mừng cho những người xung quanh chúng ta. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm Đức Tin của mình cho những người khác. Chúng ta có thể kể chuyện về Thiên Chúa, về Chúa Kitô cho người khác nghe. Chúng ta có thể làm được điều này trong mọi hoàn cảnh, khi gặp gỡ, khi điện thoại, khi thăm viếng, khi đi đường, khi ở nhà hoặc khi làm việc. Tất cả là cơ hội để chúng ta rao giảng Lời Chúa, nói chuyện về Chúa cho người khác.

Cách thức thứ ba đó là sống chứng tá bằng đời sống bái ái. Truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái của mỗi người chúng ta. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúng ta giúp đỡ họ, an ủi họ. Qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất.

Như thế, trong cả ba cách thức trên chúng ta đều có thể áp dụng để truyền giáo cho bất cứ ai mà gặp gỡ. Chúng ta hãy mạnh dạn truyền giáo, đừng sợ hãi, đừng ngần ngại, bởi vì, có Chúa Thánh Thần đến đồng hành và nâng đỡ chúng ta như Người đã đến và ban sức mạnh cho các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,10-20). Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, từ những người nhát đảm, sợ sệt, họ trở thành những người mạnh mẽ, can đảm và hăng say loan báo Tin Mừng, họ có những quyền năng như chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, làm phép lạ… (x. Mc 16,15-20). Tất cả là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Bởi vì Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc loan báo Tin Mừng.

Đàng khác, giáo luật đề cập đến hoạt động truyền giáo mang tính chính danh, chúng ta còn gặp thấy một khái niệm rộng hơn về hoạt động truyền giáo:

Bởi vì toàn thể Giáo hội có tính cách truyền giáo từ bản tính và việc truyền bá Phúc âm là nhiệm vụ nền tảng của dân Chúa, cho nên tất cả mọi tín hữu hãy ý thức trách nhiệm ấy và phải chu toàn phần việc của mình trong công cuộc truyền giáo.   [5]

Điều 781 vừa nói, dựa vào nền tảng đạo lý của Ad Gentes và truyền giáo (tota Ecclesia sua est missionarin) và việc rao truyền Phúc âm là nhiệm vụ nền tảng của dân Chúa (opusevangelizationis habendum est fundamentale officium populi Dei). Nói thế có nghĩa là hoạt động truyền giáo không thể giới hạn vào những công tác thực hiện ở những vùng ngoại đạo, nhưng bao trùm toàn thể hoạt động của Giáo hội theo nghĩa chặt và nghĩa phổ quát. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes[6] đã cho biết rằng tuy Giáo hội lãnh nhận một sứ mạng truyền giáo duy nhất từ Đức Kitô, nhưng việc thực thi sứ mạng đó mang những dạng thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh của dân cư. Đến lượt đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio, đã giải thích những chiều kích khác nhau của hoạt động truyền giáo của Giáo hội như thế này[7]:

Vấn đề về tính cách đa diện nơi các hoạt động trong cùng một sứ mệnh truyền giáo duy nhất của Giáo Hội không thuộc về bản chất của sứ mệnh truyền giáo, mà là do bởi tính cách khác nhau nơi hoàn cảnh thực hiện việc truyền giáo[8]. Nhìn vào thế giới hôm nay, bằng quan điểm của việc truyền bá phúc âm hóa, chúng ta có thể phân biệt ba trường hợp.

Trường hợp thứ nhất được hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm tới, đó là các dân tộc, các nhóm người và các tương quan văn hóa xã hội chưa biết đến Chúa Kitô cùng Phúc Âm của Người, hay còn thiếu những cộng đồng Kitô hữu đủ trưởng thành để có thể hiện thực đức tin trong môi trường sống của họ, cũng như để loan báo đức tin của họ cho những nhóm người khác. Đây là việc truyền giáo ad gentes theo đúng nghĩa của từ ngữ[9].

Trường hợp thứ hai là những cộng đồng Kitô hữu được thiết lập đầy đủ và vững chắc. Họ hăng say với đức tin và  sống đời Kitô hữu của mình. Họ làm chứng cho Phúc Âm nơi hoàn cảnh sống của mình và cảm thấy cần phải dấn thân cho việc truyền giáo chung. Giáo Hội thực hiện hoạt động và việc mục vụ chăm sóc tín hữu của mình nơi những cộng đoàn này.

Trường hợp thứ ba là trường hợp ở giữa, đặc biệt là trường hợp ở nơi những xứ sở có gốc gác Kitô giáo lâu đời, đôi khi ở cả những Giáo Hội không lâu đời như vậy, là những nơi hết thảy các nhóm người lãnh nhận phép rửa đã mất đi cảm quan sống động của đức tin, thậm chí không còn coi mình là phần tử của Giáo Hội nữa, và sống một cuộc đời xa biệt hẳn với Chúa Kitô cũng như với Phúc Âm của Người. Điều cần phải làm trong trường hợp này đó là “việc tân truyền bá phúc âm hóa” hay “việc tái truyền bá phúc âm hóa” vậy.

Lạy Chúa, Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, xin hãy nhìn đến cánh đồng đầy lúa chín và đoái thương sai thợ gặt đến rao giảng phúc âm cho muôn loài, để dân Chúa được lời hằng sống qui tụ và được thần lực các bí tích thúc đẩy, biết tiến bước trên đường cứu độ và bác ái.[10]

Đức Hữu


[1] Phan Tấn Thành, Giải thích Giáo luật, tập IV, trang 89 - 90

[2] Bộ Giáo luật 1983, số 784

[3] Bộ Giáo luật 1983, số 786

[4] https://giaoxutoronto.com/vietcatholic/truyen-giao-su-mang-cua-moi-nguoi-kito-huu/ Truy cập lúc 7h45, ngày 19.10.2024

[5] Bộ Giáo luật 1983, số 781

[6] Công đồng Vatican II, sắc lệng Ad Gentes, số 5 - 6

[7] Thánh Gioan Phaolo II, thông điệp Redemptoris Missio, số 33

[8] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội -  Ad Gentes, đoạn 6

[9] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội -  Ad Gentes, đoạn 6

[10] Lời tổng nguyện chúa nhật lễ khánh nhật truyền giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây