Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 28/10/2024 10:43 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
194
Khi đọc kinh Kính Mừng chúng ta dâng lời chào lên Mẹ Maria, xin Mẹ đến hiện diện giữa chúng ta và dâng lời khẩn nguyên của chúng ta lên Con Mẹ như xưa Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12) hay cùng với các tông đồ cầu nguyện trong ngày lễ Hiện Xuống (Cv 1,42-14; 2,1-13).
Niềm Vui Mỗi Ngày “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.” Thánh Vịnh 37,4
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
Kinh Kính Mừng - NVMN
Trên con đường phục vụ của người Kitô hữu có nhiều niềm vui và cũng có nhiều tự vấn.
Trong Thánh lễ Giai đoạn I của khóa Giáo lý Dự tòng có nghi thức trao sách Thánh Kinh và tràng Chuỗi Mân Côi.
Để bảo đảm ai cũng thuộc kinh Kính Mừng, một lời kinh rất quen thuộc của việc đọc Kinh Mân côi, tôi đã trực tiếp khảo từng anh chị.
Một qui định nhỏ nhỏ là từ nay cho đến hết khóa học, mỗi đêm mọi người đều đọc một Kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho mình và cầu nguyện cho nhau.
Kinh Kính Mừng
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”
Bản Latinh với tựa đề Ave Maria
“Ave Maria, gratia plena, Dominus tecum. Benedicta tu trong mulieribus, et benedictus fructus ventris tui, Iesus. Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc, et trong hora mortis nostrae. Amen.”
Lời kinh Kính Mừng gồm hai phần. Phần thứ nhất xuất phát từ Thánh Kinh với lời chào của thiên thần Gáprien khi truyền tin cho Mẹ Maria mang thai Chúa Giêsu: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28) và lời của bà Êlisabét vui mừng kêu lớn tiếng khi vừa nghe tin Mẹ Maria đến thăm bà: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1, 42).
Phần sau của lời kinh chính là lời của Giáo Hội tuyên xưng mầu nhiệm Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội đang tha thiết xin Mẹ luôn chuyển cầu và nhớ đến con cái của Mẹ đang còn lữ thứ trần gian.
GLHTCG trong các số 2676 – 2677 dạy như sau:
2676 Cả hai hướng cầu nguyện với Đức Maria được nổi bật trong kinh Kính Mừng : “Kính Mừng Maria”: Kinh Kính Mừng mở đầu bằng lời chào của thiên thần Gáprien. Qua lời sứ thần, chính Thiên Chúa chào Đức Maria. Chúng ta lặp lại lời Thiên Chúa nói với người nữ tỳ hèn mọn (Lc 1,48) và hân hoan vì niềm vui Thiên Chúa tìm được nơi Đức Maria (Xp 3,17b).
“Bà đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”: Hai lời chào của thiên thần bổ túc cho nhau. Đức Maria đầy ân sủng vì “Chúa ở cùng bà”. Ân sủng cao quý nhất nơi Mẹ chính là sự hiện diện của Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng. “Mừng vui lên... thiếu nữ Giêrusalem... Đức Chúa ở với ngươi”( Xp 3,14.17a ). Vì Chúa đến ở cùng Mẹ, nên Mẹ là hiện thân của thiếu nữ Xion, là khám Giao Ước, nơi vinh quang Đức Chúa ngự trị. Đức Maria là “nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại” ( Kh 21,3 ). “Đầy ơn phúc”, Mẹ đã tận hiến cho Đấng đến ở cùng Mẹ và Mẹ sắp trao Người lại cho thế giới.
“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Sau lời chào của thiên thần, chúng ta lặp lại lời của bà Êlisabét. “Được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Lc 1,41), bà Êlisabét là người đầu tiên trong chuỗi người muôn thế hệ tuyên xưng Đức Maria là người diễm phúc (Lc 1,48): “diễm phúc vì đã tin...”( Lc 1,45 ). Đức Maria “có phúc lạ hơn mọi người nữ” vì Mẹ đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện. Nhờ tin, ông Ápraham đã trở nên lời chúc phúc cho “mọi dân tộc trên mặt đất” ( St 12,3 ). Nhờ tin, Đức Maria trở nên Mẹ của các tín hữu; nhờ Mẹ, mọi dân tộc trên mặt đất nhận được Đấng là chính phúc lành của Thiên Chúa : “Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ”.
2677“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...” Cùng với bà Êlisabét chúng ta sửng sốt : “Bởi đâu tôi được hân hạnh thân mẫu Chúa tôi đến viếng thăm như vậy?” (Lc 1,43). Vì Mẹ đã đem đến cho chúng ta Đức Giêsu Con của Mẹ, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta: chúng ta có thể phó thác cho Mẹ mọi nỗi âu lo và mọi lời cầu khẩn. Mẹ cầu nguyện cho chúng ta như Mẹ đã cầu nguyện cho chính bản thân : “Xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Khi nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp, chúng ta cùng với Mẹ phó thác cho Thánh Ý Thiên Chúa: “Nguyện cho ý Cha thể hiện”. “Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” : Khi xin Mẹ cầu thay nguyện giúp, chúng ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi khốn cùng và kêu cầu đến “Mẹ từ bi nhân ái”, Mẹ Rất Thánh. Chúng ta trao phó cho Mẹ cuộc đời ta “khi này”, trong giây phút hiện tại này. Lòng tín thác này còn trải dài đến tận “giờ lâm tử”. Xin Mẹ hiện diện trong giờ phút đó như ngày xưa lúc Con của Mẹ chết trên thập giá. Giờ chúng ta qua đời, ước mong Mẹ đón nhận chúng ta là con cái và dẫn đưa đến cùng Đức Giêsu Con của Mẹ trong nước Thiên Đàng.
Khi đọc kinh Kính Mừng chúng ta dâng lời chào lên Mẹ Maria, xin Mẹ đến hiện diện giữa chúng ta và dâng lời khẩn nguyên của chúng ta lên Con Mẹ như xưa Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12) hay cùng với các tông đồ cầu nguyện trong ngày lễ Hiện Xuống (Cv 1,42-14; 2,1-13).
Được cứu nhờ đọc kinh Kính Mừng
Có 2 thằng bạn bợm nhậu, ăn chơi trác táng, thường rủ nhau la cà đến chốn bình khang. một tên là Richard. Một hôm, 2 đứa rủ nhau đến chơi tại nhà một con điếm. Sau khi ăn nhậu và thoả mãn thú vui xác thịt. Richard về nhà trước, để thằng bạn ở lại một mình về sau. Loạng choạng về đến nhà, chưa kịp cởi quần áo, đã lăn ra ngủ. Nhưng Richard nhớ lại hôm nay chưa đọc kinh Kình Mừng, kinh mà mẹ đã dạy từ khi còn nhỏ. Richard cố gắng ngồi dạy đọc cho xong. Vì quá say sưa, cho nên ngủ như vùi. Tỉnh giấc, chàng nghe có tiếng gõ cửa rất mạnh. Chưa kịp ra mở, thì chàng sửng sốt thấy thằng bạn đứng sững trước mặt, với bộ mặt biến dạng, trông rất ghê gớm.
Richard kêu lên: Ai đây? – Tao là bạn của mày, không nhớ à! – Sao hình thù mày ghê gớm quá! – Khốn thân tao, vừa ra khỏi nhà con điếm, tao bị thằng quỷ chặn lại bóp cổ. Xác tao còn nằm sóng sượt ngoài phố, nhưng linh hồn tao đã bị quăng xuống hỏa ngục. Còn mày, tao bảo cho biết, nhờ Đức Mẹ đồng trinh gìn giữ mày, nhờ có mấy kinh Kính Mừng mày đọc hằng ngày, mà được thoát khỏi nanh vuốt quỷ dữ. Nói rồi hắn mở áo ngoài ra, lửa bốc cháy ngùn ngụt, khét lẹt mùi diêm sinh. Rồi hắn biến mất.
Richard vội vàng sấp mình xuống đất, ăn năn thống hối các tội mình đã phạm từ xưa. Đức Mẹ đã cứu mình khỏi bị chết trong tay quỷ dữ là nhờ quyền lực của kinh Kính Mừng. Từ đó chàng quyết chí cải tạo cuộc đời, sống đạo đức thánh thiện. Bỗng chốc nghe tiếng chuông báo hiệu hát kinh sớm mai trong tu viện thánh Phanxicô . Chàng biết là có ơn Chúa kêu gọi. Richard lập tức xin vào dòng tu, và trình bày mọi sự việc cho các thày dòng. Hai cha dòng liền đến quan sát hiện trường. Và qủa thật, xác của bạn chàng bị bóp cổ cháy đen như hòn than. Richard đã xin vào dòng thánh Phanxicô, sống cuộc đời hết sức thánh thiện. Được cử đi giảng đạo ở Ấn Độ, rồi qua Nhật Bản. Bị án thiêu sinh, được phúc tử đạo. Năm 1867, Hội thánh đã tôn phong chân phước cho Richard, tức là chân phước Richard de Hamme-sur-hawre.
Mỗi tối đọc một kinh, chỉ một kinh thôi. Thế mà các anh chị cũng quên. Ngay cả tôi nhiều lúc cũng quên.