TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mạn bàn việc truyền giáo tại Việt Nam

Thứ năm - 17/10/2024 06:53 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   164
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20)

Mạn bàn việc truyền giáo tại Việt Nam

tbd 171024a


Một hiện thực của giáo hội Công giáo Việt Nam: Giữ đạo thì xem ra khá kỹ, khá nghiêm, còn truyền giáo thì hình như bị xem nhẹ nếu không muốn nói là xao nhãng không chỉ ở một vài nơi mà có thể là tại nhiều giáo phận. Kết thúc năm thánh truyền giáo 2004, Văn phòng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã từng làm bản thống kê về các hoạt động truyền giáo và con số người tòng giáo trên toàn quốc và đã kết luận: “Qua những số liệu trên chúng con thấy rằng kết quả của Năm Thánh Truyền giáo vừa qua còn hạn chế, chưa gây được ý thức truyền giáo cho nhiều người, số người theo đạo còn thấp, số người lớn được rửa tội năm vừa qua chưa được 30.000 người, những hoạt động xã hội còn ít… (Hiệp Thông số 26-27- trang 118). Trong số chưa được 30.000 người trên thử hỏi có được bao nhiêu người vào Công giáo không vì lý do hôn nhân?

Nhiều lý do để bào chữa được đưa ra nào là bà con quá gắn bó với truyền thống tổ tiên và còn hiểu lầm rằng theo Công giáo là bỏ ông bỏ bà; nào là các tôn giáo khác chẳng hạn như Phật giáo đã bám rễ sâu trong lòng người dân; nào là một số người vì vô tri mà hiểu lầm hoặc cố tình xuyên tạc đạo Công giáo là phản khoa học, là dính dáng với đế quốc… Những lý do được đưa ra thường mang tính khách quan, nghĩa là phía người ngoài Công giáo. Còn các lý do về phía chủ quan tức là người Công giáo thì có lẽ chưa được phân tích nhiều và đầy đủ.


Có người biện bạch rằng truyền giáo hiện nay chủ yếu là Phúc Âm hoá, nghĩa là làm dậy men Tin Mừng môi trường sống. Điều này hẳn không sai nhưng có lẽ chưa đủ. Khi truyền dạy các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20), thì chắc chắn Chúa Kitô không chỉ muốn người ta được “dậy men Tin Mừng” mà con muốn quy tụ mọi người vào một ràn chiên, nghĩa là mọi người được vào làm con cái Thiên Chúa trong một cộng đoàn cụ thể, để sống tình huynh đệ, được hưởng nhận ân lộc thánh thiêng qua Lời Chúa và các Bí tích… Không dám mạn bàn đến những lý do thần học cao siêu, chỉ xin có một vài nhận định qua các dữ kiện thực tiễn của giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Phải chăng các chương trình cũng như hoạt động truyền giáo chưa được quan tâm đúng mức? Xét trên bình diện các giáo phận thì có thể nói rằng ngoại trừ một vài giáo phận vùng cao, có nhiều anh chị em sắc tộc, thì vẫn có đó nhiều giáo phận chưa đặt nặng công cuộc truyền giáo, cụ thể là qua các chương trình và hành động cụ thể mang tính ưu tiên, liên tục và lâu dài. Cũng có thể là do hoàn cảnh lịch sử, do những luật lệ xã hội bất cập và còn tồn tại tính hạn chế tôn giáo (lại đổ lỗi cho khách quan), nên giáo hội Việt Nam, đặc biệt là các đấng bậc có trách nhiệm đã một thời gian khá dài chỉ loay hoay lo chuyện giữ đạo hơn là truyền đạo. Khi thời thế có vẻ “dễ thở” hơn một chút thì xứ xứ, dòng tu dòng tu, giáo phận giáo phận lại chăm chú chuyện củng cố nội bộ, xây dựng cơ sở vật chất hoặc tự bằng lòng với những cuộc “lễ lạc - rước xách” hay “hội nghị” này nọ mang tính hoành tráng bên ngoài. Những hoạt động này dẫu sao cũng đem lại chút khích lệ cho tín hữu giáo dân, nhưng hình như chỉ mang tính “lưu hành nội bộ”. Xin đừng quên rằng các hoạt động “hoành tráng” bên ngoài có khi lại trở nên nguyên cớ nảy sinh sự hiểu lầm, lòng ganh tương đố kỵ nơi anh chị em lương dân và bà con khác đạo.

Sẽ là bất cập hay thái quá và chắc chắn là không thể chính xác khi nhận định đúng sai, hợp lý hay không về chương trình của các đấng bậc hữu trách. Thế nhưng cần nhìn nhận một thực tế, đó là đang còn tồn tại cái tâm lý tự mãn chen lẫn sự tự ti nơi cả hàng mục tử lẫn đàn chiên Công giáo Việt
Nam.

Tâm lý tự mãn: Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn mà còn giữ được các sinh hoạt tôn giáo là tốt rồi. So với thời gian trước đây, đặc biệt sau năm 1975, thì hôm nay các cơ sở thờ tự, các sơ sở tôn giáo như là nhà thờ, chủng viện, dòng tu được xây cất to lớn, hiện đại là tốt rồi. Vì nhu cầu sinh kế, tín hữu giáo dân tủa đi nhiều nơi và đã hình thành thêm nhiều giáo họ, giáo xứ mới. Con số người gia nhập các hội dòng, các chủng viện trên dưới mười năm trước đây đã tăng vọt, cho dù hiện nay như có chững lại, nhưng xét về con số tuyệt đối thì khó có nơi nào bì, nhất là so với các nước Âu – Mỹ. Các đại hội tại nơi này hay linh địa kia vẫn diễn ra cách “hoành tráng” cả về số lượng người tham dự lẫn quy mô tổ chức. Nhiều cuộc lễ như tấn phong giám mục, truyền chức linh mục, khấn dòng, kỷ niệm ngân khánh, kim khánh, lễ tạ ơn… vẫn diễn ra với mật độ quá dày đến nỗi nếu ta có chút vai vế hay chút liên hệ mà tham dự thì dù vắt chân lên cổ cũng không thể xuể và dĩ nhiên là sẽ bỏ bê nhiều công việc bổn phận khác.

Mình đâu có chủ động, tình thế là vậy, chắc Chúa sẽ thông cảm. Thời giờ khít rịt, nhiều khi phải chạy sô. Được mặt này thì mất mặt kia. Việc đi đến với anh em lương dân, với bà con khác đạo có bị chểnh mảng đôi chút thì chịu vậy. Ai lại không muốn chu toàn nghĩa vụ truyền giáo, nhưng lực bất tòng tâm! Và biết đâu những việc mình đang làm cũng là truyền giáo rồi vậy? Thiếu vắng hồn tông đồ thì khi hoàn cảnh đổi thay như trường hợp dịch bệnh đang xảy ra thì đa số đều co cụm trong sự thụ động trên mức bình thường. Đang có nhiều nơi theo Nghị Quyết 128 của Chính Phủ thì được xếp vào vùng cam, vùng vàng thậm chí là vùng xanh thế mà cửa nhà thờ vẫn im ỉm đóng. Mục tử thì quá thận trọng (không dám xét đoán là sợ hãi), bằng lòng với việc dâng Lễ riêng hay với một vài người tham dự. Ngoài ra các việc phục vụ khác như “ngồi tòa”, thăm viếng chăm sóc người già, kẻ đau yếu… thì tự cho phép tạm ngưng. Tín hữu giáo dân thì an tâm vì không buộc tham dự Thánh Lễ trực tiếp. Có online rồi, dù đôi khi “theo dõi” hay tham dự cách chiếu lệ hoặc giả có quên thì chẳng “lấy làm điều”. Có nhiều người trong những vùng ít bị giãn cách, nhà thờ vẫn mở cửa, thế mà họ vẫn đi chợ, gặp gỡ bạn bè giao lưu… nhưng đến nhà thờ thì lại sợ bị nhiễm virus Corona! Không cảm nhận sự cần thiết của ân sủng và Lời Chân Lý thì không thể có thao thức chia sẻ cho tha nhân. Một hình thức đức tin, một lề lối sống đạo thiếu nền tảng đã phô bày rõ nét.

Mặc cảm tự ti: Trong khi bà con tín hữu giáo dân hồ hởi có khi là hãnh diện qua các lễ hội “trong khuôn viên cơ sở thờ tự”, trong khi các mục tử lại tự hài lòng về những tổ chức “đình đám và cả hoành tráng” dịp này dịp kia… thì vẫn còn đó tâm lý tự ti nơi các thành phần dân Chúa khi ra ngoài xã hội. Cụ thể như sau:

Các em học sinh, sinh viên công giáo chưa mạnh dạn tỏ bày căn tính Công giáo của mình nơi môi trường học đường. Các công viên chức thì sao đây? Đã từng thử làm thống kê với khoảng trên hai trăm thầy cô giáo, thì biết được sự thật này: đa số quý thầy cô còn ngần ngại tỏ lộ căn tính Công giáo của mình nơi môi trường học đường. Những vị trong ngành giáo dục với mặt bằng tri thức không kém chút nào, với chức năng và công việc cao quý và đáng trân trọng mà vẫn còn tồn tại biểu hiện mặc cảm tự ti thì những người ở các ngành, các lãnh vực khác chắc sẽ không khá hơn bao nhiêu. Vậy chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân của các hiện tượng trên. Trước nhiều chính sách phòng chống dịch bệnh của nước nhà dù không dám quả quyết là có khi còn thiếu khoa học nhưng phải khẳng định là còn quá bất công với các sinh hoạt tôn giáo, Thế nhưng hình như chưa thấy các đấng bậc vị cao chức trọng lên tiếng góp ý cách chân thành và thẳng thắn.

Một hình thức “tốt đời –đẹp đạo”: Đã là con dân đất Việt thì không xa lạ gì cụm từ “tốt đời – đẹp đạo”. Đây là cụm từ mà chính quyền Việt
Nam đã không ngừng tuyên truyền và chắc chắn có hậu ý đằng sau. Một khi đã không còn tính thuyết phục và hữu hiệu với chủ trương và chính sách xem “tôn giáo là thuốc phiện”, vì hai từ thuốc phiện dễ gây phản cảm, thì người ta muốn biến niềm tin tôn giáo, đúng hơn là các sinh hoạt tôn giáo trở thành một mảng văn hóa nghệ thuật, cho dù có thể ở cấp độ cao nào đó. Người ta muốn biến sinh hoạt tôn giáo thành một hình thức lễ hội hay một nghệ thuật giải trí, giải tâm mang tính phụ thêm cho các sinh hoạt khác của cuộc nhân sinh cũng như thể thao, hội họa, điện ảnh… Như thế niềm tin tôn giáo của người dân sẽ bị giới hạn nơi các sinh hoạt tôn giáo và rồi sẽ ít có liên hệ đến cuộc sống đời thường.

Mưa dầm, thấm sâu. Đời sống đạo của Kitô hữu Việt
Nam vì thế cũng dường như bị giới hạn nơi các hình thức “kinh, lễ, rước xách”. Khi trở về với đời thường, người ta sao thì tôi vậy. Lắm khi người ta làm bậy, tôi làm thinh mà có khi cũng làm theo. Cuộc sống vì thế như bị tách hai phần, phần đời và phần đạo khá rõ rệt và ít có liên hệ đến nhau. Cái phần đạo dường như ít mang tính nhu cầu nghĩa là cần thiết liên lỷ cho cuôc sống, ngoại trừ những khi gặp nghịch cảnh hay tai ương họan nạn. Niềm tin tôn giáo, qua các sinh hoạt bên ngoài như trên đã trở thành một phần phụ thêm cho người có tín ngưỡng và vì thế nó mang tính vị kỷ. Và khi tính vị kỷ chen vào thì nhu cầu chia sẻ, yêu cầu truyền giáo sẽ ít đi và có khi là không còn, vì các hình thức lễ lạc, hội hè, rước xách như đã đáp ứng nhu cầu vị kỷ ấy.

Một phép thử tinh thần truyền giáo: Hoàn cảnh dịch bệnh và cung cách phòng chống dịch lộng quyền: Tình cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang xảy ra thì hầu như ai cũng nắm khá rõ nhờ phương tiện thông tin hiện đại ngày nay. Tuy nhiên cách thế phòng chống dịch bệnh của từng quốc gia, từng vùng miền thì có đó rất nhiều người chưa nhận ra sự khác biệt. Bên cạnh đó nạn lạm quyền, lộng quyền của giới hữu trách nơi này nơi kia xem ra khá phổ biến khi mà thời thế gặp cảnh họan nạn, nhiễu nhương. Dẫu cho thời gian gần đây các hoạt động từ thiện cũng như tình nguyện của các tôn giáo đã được Chính Quyền xã hội nhìn nhận trong sự tôn trọng cách nào đó. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều lãnh đạo xã hội tận dụng dịp dịch bệnh này để hạ phẩm các sinh hoạt tôn giáo. Nhu cầu tâm linh bị giáng xuống hàng nhu cầu không thiết yếu thua xa các loại hình văn hóa nghệ thuật, chẳng hạn các quy định của thành phố Ban Mê Thuột về chính sách phòng chống dịch ngày 29/11/2021 vừa qua (cho phép một số sinh hoạt văn hóa nghệ thuật hoạt động, chẳng hạn rạp chiếu phim được phục vụ với số người không quá 50% công suất, trong khi đó lại cấm mọi sinh hoạt tôn giáo).

Tình cảnh dịch bệnh lại làm lộ rõ tinh thần truyền giáo của nhiều Đấng bậc nơi này nơi kia. Đã có đó dăm bảy giáo phận vẫn miệt mài hoạt động với các thánh Lễ truyền chức linh mục, thuyên chuyển nhân sự dù phải chịu nhiều sự hạn chế. Nhưng còn đó nhiều giáo phận xem ra tự hài lòng với hình thức Thánh Lễ trực tuyến, tĩnh tâm trực tuyến, còn ngoài ra thì nhiều sự như đóng băng. Cẩn trọng là tốt, nhưng quá “cầu toàn” là một hình thái thiếu dấn thân. Đã yêu thì cần có đó một chút “liều”. Sợ nguy hiểm hoặc cố tránh né điều bất trắc thì không thể nào sống tinh thần truyền giáo.

Không ai có thể trao ban điều mình không có: Thử hỏi có được bao nhiêu Kitô hữu Việt Nam, từ người giáo dân đến hàng tu sĩ, linh mục, giám mục xác tín rằng niềm tin Kitô chính là lẽ sống của mình, là kim chỉ nam chi phối, đúng hơn là hướng dẫn mọi hành vi, mọi chương trình hoạt động của mình? Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta cần xem xét các hành vi, các chương trình hoạt động và việc làm của chúng ta mang tính Kitô được bao nhiêu phần trăm. Chúng ta có chân nhận hồng ân đức tin như là kho tàng vô giá chôn dấu trong ruộng hay như viên ngọc quý để rồi sẵn sàng bán đi tất cả hầu chiếm hữu cho kỳ được chưa? (x.Mt 13,44-46).

Sự thường tốt thì khoe, xấu thì che. Một khi vẫn còn mặc cảm tự ti một cách nào đó về căn tính Công giáo của mình thì chúng ta phải đấm ngực thú nhận mình chưa trân trọng, chưa quý trọng cách đúng đắn và đầy đủ hồng ân đức tin đã lãnh nhận. Chúng ta hãnh diện và tôn vinh các bậc cha ông anh hùng tử đạo là điều chính đáng và phải đạo. Thế nhưng khi nỗ lực làm cho dòng máu ấy tươi thắm theo dòng thời gian bằng chính cuộc sống không quản ngại gian nguy của chúng ta thì đẹp lòng cha ông hơn nhiều. Chắc chắn đã từng có đó nhiều vị thánh tử đạo không phải trả giá bằng cái chết công khai mà chỉ bằng những hy sinh cách này cách khác vì danh Chúa Kitô (vì công lý, vì sự thật, vì tinh yêu…).

Nếu giáo hội Việt
Nam có càng nhiều vị thánh tử đạo bằng hình thức này hay hình thức khác thì công cuộc truyền giáo sẽ phát triển không ngừng. “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm phát sinh người có đạo.” Câu nói của Tertulianô là một chân lý mà các vị mục tử hàng đầu trong giáo hội thường nhắc đi nhắc lại. Có thể nói không sợ sai lầm rằng sống tinh thần tử đạo là phương thế truyền giáo tốt đẹp và hữu hiệu hơn nhiều chiến dịch với khẩu hiệu, bích chương hoành tráng bên ngoài.

Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1Cr 9,16). Một thực tế mà chúng ta phải đón nhận như lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép…” (Lc 10,3-4). Thế mà chúng ta lại thích được sai đi với mũ áo, gậy gộc, trống kèn, rước xách đón đưa. Đã có tinh thần truyền giáo thì luôn có đó những việc nên làm và phải làm dù khi thuận tiện hay lúc gặp khó khăn (x.2Tm 4,2).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây