TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dõi tìm Đấng lòng tôi yêu dấu

Thứ hai - 22/07/2024 21:40 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   1244
Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ thánh Maria Mađalêna, một Vị Thánh đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nâng lễ nhớ Thánh nữ thành lễ kính.
Dõi tìm Đấng lòng tôi yêu dấu
DÕI TÌM ĐẤNG LÒNG TÔI YÊU DẤU

Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ thánh Maria Mađalêna[1], một Vị Thánh đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nâng lễ nhớ Thánh nữ thành lễ kính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận tầm quan trọng của Thánh nữ như là “apostolorum apostola  - Tông đồ của các Tông đồ”.

Trong nhiều thế kỷ đầu của Giáo hội, người ta vẫn xem Maria Mađalêna là người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu ban ơn tha thứ khi xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau[2] hay cô Maria Bêtania, chị em của Mácta và Lazarô. Nhưng đến năm 1969, tức sau 4 năm Công đồng Vaticanô II bế mạc, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã tách biệt ba người phụ nữ này qua Sách lễ Rôma. Vì không được giải thích rõ ràng nên trước đây người ta vẫn thường nhận thánh nữ Maria Mađalêna là bổn mạng của những người phụ nữ tội lỗi nhưng biết hoán cải, và cả những người bán nước hoa và găng tay nữa. Do bị nhầm lẫn suốt một thời gian dài như vậy cho nên đến ngày nay vẫn không ít người nhầm lẫn Maria Mađalêna với hai người phụ nữ trên.

Theo Kinh Thánh, thánh nữ Maria Mađalêna chính là người được Chúa Giêsu “giải thoát khỏi bảy quỷ”, sau đó đã cùng với Người và các Tông Đồ đi “rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa[3]. Cụm từ được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ diễn tả bà mắc phải nhiều tội tầy trời, nhiều tội to lớn. Được yêu nhiều, bà phải đáp trả nhiều. Do đó, bà có mặt dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria và Thánh Gioan. Bà đã ngồi trước mộ Chúa Giêsu cùng với bà Maria vơ ông Clêophas. Thánh nhân đã được Chúa biến đổi cuộc đời nên đã quyết tâm dâng mình phục vụ và gắn bó với Người trong sứ vụ Cứu Độ. Điều này được minh chứng trong các trình thuật Tin Mừng về những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, theo đó Maria Mađalêna luôn là người đứng đầu danh sách[4]. Không chỉ vậy, trong giờ phút ê chề, đau thương nhất của Đức Kitô trên núi Sọ, khi mà các môn đệ đã bỏ đi hết chỉ còn lại mẹ Người, Gioan và và một vài phụ nữ đứng gần bên Thánh giá, trong đó có Maria Mađalêna [5]. Chính trong lúc này, Maria Mađalêna đã cho thấy lòng trung thành và niềm yêu mến nồng nhiệt đối với Đức Giêsu. Chị hăng hái, nhiệt thành, can đảm đi theo Chúa đến cùng dù đã tận mắt chứng kiến cái chết đau thương của Người, ngay cả trong lúc những người thân tình với Chúa nhất là các tông đồ cũng đã bỏ trốn hết. Chính vì vậy thánh nhân đã được Thiên Chúa ân ban cách đặc biệt qua việc trở thành người đầu tiên đón nhận Tin Mừng Phục Sinh. Thật vậy, thánh nhân đã tới mộ khi trời còn tối, tại đó người đã khóc khi thấy mộ trống và đã can đảm than hỏi “người giữ mồ” về cái xác của Chúa Giêsu. Chắc hẳn thánh nhân chẳng thể ngờ rằng mình đang đứng đối diện với Đấng Phục Sinh và sắp được trao cho một sứ vụ lớn lao. Qua đây, Maria Mađalêna cho ta thấy người chính là đại diện cho một tâm hồn đi tìm Chúa giữa đêm tối đức tin. Và thật ngỡ ngàng, Chúa đã soi sáng Tin Mừng Phục Sinh cho người và trao cho người nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ấy cho các Tông đồ, để từ đây các Tông đồ trở thành chứng nhân của Chúa Phục Sinh.

Thánh Maria Mađalêna là chứng nhân đầu tiên của việc Chúa sống lại, và là người loan báo Tin mừng ấy cho các Tông đồ. Trên núi Sọ, thánh Máccô viết: “Nhưng cũng có mấy người phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trng đó có bà Maria Mađalêna, bà Maria Mẹ các ông Giacôbê thứ và Gioxết, cùng bà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa.Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem,cũng có mặt tại đó[6] .Việc các người phụ nữ có mặt trên cuộc hành trình đi lên núi Sọ của Chúa Giêsu , nói lên lòng đạo đức, thánh thiện, nhiệt thành và đồng thời biểu lộ sự can đảm, anh hùng của giới phụ nữ.Các bà không sợ nguy hiểm, không nhát đảm, không thối lui dù rằng các bà biết Thầy mình sẽ phải chết…Tính anh hùng của các người phụ nữ, đặc biệt của Thánh nữ Maria Mađalêna cho chúng ta hay Mađalêna đã được Chúa yêu nhiều, bà hết lòng đáp lại tình yêu vô biên của Chúa. Tội của Thánh nữ lớn lao thật nhưng Tình Thương của Chúa còn to lớn hơn gấp bội, khiến Thánh nữ hết lòng vì Chúa. Ngài không sơ bị bắt bớ, bỏ tù, giết chết nhưng như lời Thánh Phaolô nói : “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”[7]. Thánh nữ đã có mặt trên mọi nẻo đường Chúa đi. Thánh nữ Maria Mađalêna là người phụ nữ đầu tiên được Chúa Giêsu phục sinh cho biết Ngài đã sống lại [8]. Chính vì yêu nhiều, đáp trả tình thương vô biên của Chúa, Thánh nữ Maria Mađalêna đã được Chúa hiện ra đầu tiên khi Ngài từ cõi chết sống lại và chính Chúa phục sinh trao cho Thánh nữ sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ và nhiều người[9].

Đàng khác, sách Diễm Ca[10] cũng mở ra cho chúng ta một hướng nhìn để cùng cảm nhận với chị thánh, khi viết “Suốt đêm trường tôi tìm người lòng tôi yêu dấu …. Các anh có thấy chăng người lòng tôi yêu dấu ?”.[11] Câu này trong sách Diễm Ca đã có thể diễn tả nỗi niềm khắc khoải của Maria Mađalêna. Chị đã khắc khỏai đi tìm Ngài, Đấng đã đi tìm chị và phục hồi cho chị tất cả những gì là cao quý nhất trong phẩm giá của một con người. Cuôc đời của chị sẽ chỉ trở nên trọn vẹn khi có Ngài. Đấng ấy, Đấng mà chị đang khắc khoải kiếm tìm, đã bị chôn vùi trong nấm mộ như chị đã biết. Nhưng tình yêu đã không ngăn được người phụ nữ chân yếu tay mềm kia lên đường tìm kiếm Ngài, với khát mong là được nhìn thấy Ngài, cho dẫu là một thân xác đã bị chôn vùi trong mộ. “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây…”[12]. Dẫu biết Chúa đã được mai táng trong mồ, dẫu biết Chúa đã chết thật, và dẫu biết rằng tảng đá lấp cửa mồ quá to, nhưng Maria vẫn đến. Cái khắc khoải tìm “người lòng tôi yêu dấu” đã đưa Maria lên đường đi tìm Ngài.

Với Têrêsa, thánh nữ Maria Mađalêna là một biểu trưng cho thái độ táo bạo, “hỗn hào” và thậm chí là “bất kính” mà Thiên Chúa cho phép các tội nhân được quyền có để đến trước mặt Người. Chị thánh hoàn toàn bị lôi cuốn bởi sự can đảm của chị Maria Mađalêna khi nàng bước vào căn nhà trước sự chứng kiến của toàn thể mọi người nơi Chúa Giêsu đang dùng bữa, mà hầu hết bọn họ đều khinh thường nàng ra mặt. Nơi hành vi ngoại thường này, Têrêsa nhìn thấy hành vi của một tội nhân hoàn toàn tin ưởng rằng mình sẽ được đón nhận. Thánh nữ phá vỡ những cánh cửa của Lề luật, nơi xem nàng như một kẻ bị ruồng bỏ, ô uế, ngăn cản nàng sà vào vòng tay thương xót của Thiên Chúa. Hành vi của Maria Mađalêna chứng tỏ cho chúng ta rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mạnh dạn đến với Chúa. Những tai tiếng mà nàng có không đủ sức để cản ngăn hay làm cho Maria Mađalêna chùn bước. Có thể nói, sự mạnh mẽ và can đảm lạ lùng của Maria Mađalêna khi đến với Chúa Giêsu đã làm tan chảy trái tim của Người. Và có lẽ, nguyên nhân lớn nhất khiến những người theo Chúa Giêsu thiếu can đảm chính là sự nhận thức về tội lỗi của mình. Trong khi đó, chân phước Julian thành Norwich hàng thế kỉ trước cho chúng ta biết được rằng, “khi chúng ta quy phục Thiên Chúa tình thương, kể cả những tội lỗi của ta cũng trở nên niềm vinh dự. Vì đối với những người mà Chúa yêu, Ngài xem tội lỗi như một nỗi thống khổ mà ta phải chịu, và vì tình yêu quá đỗi lớn lao của mình, Ngài chẳng vì thế mà trách tội bao giờ.”

Thế đó, tâm hồn Maria tràn đầy lòng mến cho Chúa Giêsu, thế giới trong bà là Chúa Giêsu. Cảm nhận của bà là cảm nhận Giêsu, nó sống động và tràn đầy đến mức như điều mà nhà thơ Tagore đã mong ước: “Chỉ mong tôi thôi chẳng còn chi, cho tôi gọi Người: là tất cả của tôi. Chỉ mong tôi thôi chẳng còn chi, cho tôi gọi Người: là tất cả của tôi. Chỉ mong tôi thôi chẳng còn chi, để cảm thấy Người ở mọi chốn mọi nơi. Đến với Người trong mọi thứ mọi điều, và sẵn sàng dâng hiến, dâng trọn tình tôi”[13]. Hẳn là đối với Maria thì niềm mong ước đó đã một lần là hiện thực, đã một lần có Thầy Giêsu trọn vẹn là lẽ sống, là tình yêu và “là tất cả”. Và dĩ nhiên, Maria cũng nghĩ “Người”, Đấng bao trùm toàn bộ tâm hồn và cuộc đời bà, Đấng ấy, khi chỉ cần xưng “Người” thôi, ai cũng biết bà đang muốn nói về ai.

Thánh nữ Maria Mađalêna đã tiến thẳng đến với Chúa Giêsu và ngồi phía sau Người, bất chấp những ánh nhìn khinh miệt từ những khách dự tiệc, “Ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”[14] Thánh nữ Maria Mađalêna ý thức một cách rõ ràng sự khước từ và không chấp nhận của những người có mặt, nhưng nàng quả là can đảm. Chính điều này khiến người chủ nhà ông Simôn, người Pharisêu và những người khác tức giận. Tất cả cảm thấy bị xúc phạm, ngoại trừ một người. Chỉ riêng Chúa Giêsu là không khiến chị Maria Mađalêna phải nản lòng. Chính “sự táo bạo đáng kinh ngạc” này chính là điều làm tan chảy trái tim Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là chủ thể trung tâm mà thánh Maria Mađalêna hướng về, nàng chẳng những không màng đến sự khinh miệt của những thực khách mà thậm chí nàng cũng chẳng bận tâm đến tình trạng tội lỗi của mình. Bản năng của Maria Mađalêna giúp nàng nhận biết rằng Trái Tim Tình Yêu này sẽ đón nhận nàng. Đây chính là điều làm cho lòng nàng không còn sợ hãi.

Tội lỗi của Maria Mađalêna gọi là “Felix Culpa – Tội hồng phúc”. Bởi vì, Maria Mađalêna – khi dũng cảm bước vào trước mặt quan khách, cúi xuống rửa chân cho vị thầy mà chị ngưỡng mộ, vị thầy mà lần đầu tiên chị được chạm vào – cảm nghiệm một cách rõ ràng tình yêu sâu thẳm và lòng thương xót vô bờ phát xuất từ thánh tâm của Chúa Giêsu. Và dù cho chị có tội lỗi thế nào đi chăng nữa, trái tim đầy ắp yêu thương ấy luôn sẵn sàng, không chỉ để tha thứ mà thôi, nhưng còn để đổ tràn vào lòng chị ân sủng dạt dào của Người.

“Sống Tình Yêu là xóa tan sợ hãi
Xóa tan đi mọi vương vấn lỗi lầm
Tích tắc thôi tình yêu đốt sạch lâng
Tội lỗi con, chẳng còn hơi tì vết.”[15]

Cùng thánh nữ Maria Mađalêna, dõi tìm Đấng lòng ta yêu dấu. Uớc mong, mỗi chúng ta cũng hãy thổn thức với Người yêu dấu, trong nguyện cầu, tâm tư ước vọng của chúng ta. Để như xưa Ngài đã Phục sinh thánh nữ Maria Mađalêna, xin Ngài cũng ban cho chúng ta mỗi người sức sống mới. Để hồn an xác mạnh, chúng ta mỗi người cùng với thánh nữ Maria Mađalêna có đủ sức thưa lên: Rapbuni – Lạy Thầy; và một lần nữa chúng ta lại cảm nhận: “cho tôi gọi Người là tất cả của tôi.”
Đức Hữu
 
 

[1] Maria Mađalêna (tiếng Hy Lạp: Μαρία ἡ Μαγδαληνή) hay Maria Mácđala(tiếng Anh: Mary Magdalene, Mary of Magdala), cũng gọi là Bà Mađalêna, phiên âm Hán Việt: Mai Đệ Liên, được cả Tân Ước quy điển và Tân Ước ngụy thư miêu tả là một người phụ nữ theo Chúa Giêsu. Bà cũng được Công giáo Rôma và Chính Thống giáo Đông phương xem là thánh với ngày lễ mừng vào 22 tháng 7. Tên của bà có nghĩa là "Maria của thành Magdala", một thị trấn nhỏ ở Galilea nằm bên bờ tây của hồ Tiberias. Cuộc đời của bà vẫn còn là đề tài gây tranh luận. (Trích: bách khoa toàn thư mở của thế giới).

Cũng nên biết thêm, Mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna đã được một vài tác giả khai thác và dựng thành truyện. Từ tiếng nức nở của Maria Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu trong vở nhạc kịch nổi tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70, đến chuyện Đức Giêsu bị đóng đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con, trong truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis. Gần đây nhất là cuốn Mật mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người, dù câu chuyện giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.
[2] Lc 7, 36-50
[3] Lc 8, 1-2
[4] Lc 8, 2; Mc 15, 47; Mt 27,56
[5] Ga 19, 25
[6] Mc 15, 40-41.
[7]2 Cr 5, 14
[8] Mc 16, 9
[9] x.Mc 16, 10 ; Ga 20, 17
[10] Xin xem thêm: https://dongducba.net/nang-cua-sach-diem-ca/
[11] Dc 3, 1-4
[12] Mc 16,3
[13] Lời bài hát “Chỉ mong tôi – Ns. Ân Đức”
[14]Dt 4,16
[15] Bài thơ số 17, Sống Tình Yêu, của Têrêsa Hài đồng Giêsu viết về Thánh Maria Mađalêna

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây