TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Đa Minh Và Việc "Củng Cố Sự Hiệp Thông"

Thứ năm - 08/08/2024 02:06 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   1749
Ngược dòng lịch sử Hội thánh Công Giáo, chúng ta bắt gặp nhiều gương mặt tiêu biểu với những đóng góp lớn lao cho Giáo hội. Họ là thầy dạy và trước hết là những chứng nhân đích thực, sống động, phản ánh tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Thánh Đa Minh – tổ phụ Dòng Anh Em Giảng Thuyết, được biết đến như một bông hoa hồng ngọc ngà khiết tịnh, một vì sao sáng của nhân loại. Ngài được mệnh danh “ánh sáng Giáo hội” (O Lumen Ecclesiae), cuộc đời ngài là bó đuốc thiêng luôn rực sáng niềm hi vọng đã giúp nhiều người tìm được niềm tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa trong đêm tối cuộc đời. Chúng ta tự hỏi yếu tố nào nơi con người vị thánh tổ phụ đã giúp ngài làm nên những điều kỳ diệu đó.
Thánh Đa Minh Và Việc "Củng Cố Sự Hiệp Thông"
 
THÁNH ĐA MINH VÀ VIỆC “CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG

Mỗi sáng,  tôi vẫn đọc báo và gặp nhan nhản những mẩu tin về những vụ thảm sát, những nỗi bất hạnh khổ đau của biết bao con người đang ngụp lặn trong cuộc sống mưu sinh. Đọc, rồi tranh luận, rồi lên án, rồi chỉ trích và rồi thôi. Ngày nào cũng có những mầu tin như vậy riết rồi xem như chuyện bình thường, chuyện tất nhiên. Elie Wiesel nói “Trái ngược với niềm tin không hẳn là sự chối đạo, mà là sự hời hợt”. Làm sao tôi lại nghĩ rằng mình là một người sống hời hợt, khi mỗi ngày tôi vẫn tham dự Thánh lễ, đọc kinh đầy đủ? Dẫu vậy mà, có khi vì không trầy trật với cuộc sống mưu sinh, áp lực với miếng cơm manh áo, không cọ xát đụng chạm đến những đau khổ ngoài xã hội mà tôi ít hơn những trăn trở, trắc ẩn về con người, về những vỡ vụn có thật nơi từng mảnh đời ngoài kia. Dẫu rằng có lúc lòng trắc ẩn tưởng chừng như sâu sắc và mãnh liệt nhưng liệu rằng nó có đủ chân thành để làm khóe mắt cay, để lòng thắt lại? Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót đã nói: “Lòng thương xót chính là con đường mà nó gắn Thiên Chúa và con người lại với nhau”.

Thế nhưng, phải chăng vì ít tiếp xúc với xã hội ngoài kia mà tâm hồn tôi trở nên “an nhiên”. Nói như vậy có lẽ tôi đang biện hộ cho chính mình về một đời sống thiếu sự suy tư, chiêm nghiệm; một đời sống thiếu chiều sâu trong tương quan với Chúa cũng như với tha nhân. Thật vậy, mẫu gươnng của Thánh Đa Minh giúp tôi có một môi trường tuyệt vời để suy tư về lòng trắc ẩn, xót thương nơi Chúa Giêsu dành cho con người yếu đuối khổ đau. Qua sự gắn bó mật thiết với Người, tâm hồn được nuôi dưỡng ngập tràn cảm xúc, nhạy bén trước nỗi đau của nhân loại.

Đôi nét về Thánh Đa Minh

Ngược dòng lịch sử Hội thánh Công Giáo, chúng ta bắt gặp nhiều gương mặt tiêu biểu với những đóng góp lớn lao cho Giáo hội. Họ là thầy dạy và trước hết là những chứng nhân đích thực, sống động, phản ánh tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Thánh Đa Minh – tổ phụ Dòng Anh Em Giảng Thuyết, được biết đến như một bông hoa hồng ngọc ngà khiết tịnh, một vì sao sáng của nhân loại. Ngài được mệnh danh “ánh sáng Giáo hội” (O Lumen Ecclesiae), cuộc đời ngài là bó đuốc thiêng luôn rực sáng niềm hi vọng đã giúp nhiều người tìm được niềm tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa trong đêm tối cuộc đời. Chúng ta tự hỏi yếu tố nào nơi con người vị thánh tổ phụ đã giúp ngài làm nên những điều kỳ diệu đó.

Thánh Đa Minh sinh năm 1170 tại Caleruega, miền Castile cổ, Tây Ban Nha. Một câu chuyện thú vị được Cha Giôđanô Saxonia (Tổng quyền kế vị cha Đa Minh) ghi chép về giấc mơ của bà Gioanna (thân mẫu thánh Đa Minh): Trong giấc mơ, bà đã thấy một con chó nhỏ trong lòng bà, ngậm bó đuốc cháy rực, soi khắp thế gian khi được sinh ra. Giấc mơ kì lạ đó được bà giải thích là chỉ về người con bà sẽ sinh, và tiếng nói của người sẽ được cả thế giới nghe đến. Người chính là Đa Minh, được bà đặt tên theo một vị thánh Dòng Biển Đức[1]. Đó thật là một giấc mơ đẹp tiên báo về sứ mạng của thánh Đa Minh.

Sau khi theo học tại Palencia, năm 1197, ngài được thụ phong linh mục và trở thành Kinh sĩ nhà thờ chính tòa Osma thuộc Castile, sau đó được bổ nhiệm là phó bề trên Kinh sĩ đoàn vào năm 1202.[2] Trong hành trình tới Đan Mạch cùng với Đức Cha Diego để sắp xếp hôn nhân cho hoàng tử Castile, khi đi qua miền nam nước Pháp, ngài đã chứng kiến cảnh hỗn độn do lạc giáo Albigeois gây nên cho Giáo hội. Quả thế, vào cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII, Giáo hội gặp nhiều khó khăn, lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng xuất phát từ nhiều phía. Sự gia tăng dân số ở mức cao trào và tiến trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày một rõ rệt trong xã hội Châu Âu. Đời sống xa hoa chạy theo chủ nghĩa vật chất, tham vọng quyền lực và yếu kém tri thức của hàng giáo sĩ khiến họ rời xa Tin Mừng, tạo nên sự xa cách với dân chúng. Cùng với đó là sự nổi dậy của quân Hồi giáo và nhất là sự xuất hiện tràn lan các nhóm lạc giáo, v.v…

Có thể nói thánh Đa Minh là người tiên phong mở lối cho một hình thái tu trì mới trong Giáo hội theo nếp sống vừa chiêm niệm, hành khất và giảng thuyết. Trước đó, chỉ có hình thái ẩn tu và đan tu hoặc được tổ chức theo Kinh sĩ đoàn nhưng vẫn mang tính đan tu. Ý tưởng mới lạ của cha Đa Minh khởi đi từ thực trạng rối ren trong hàng ngũ giáo sĩ, sự hoành hành mà các nhóm lạc giáo lúc gây ra lúc bấy giờ; và được gợi hứng từ sứ vụ giảng thuyết của các Tông Đồ ngày xưa. Hành khất để rao giảng Lời Chúa, thông truyền đức tin Kitô giáo theo khuôn mẫu các Tông Đồ, đó là một sứ mạng!. Từ đó cha Đa Minh hình thành một phương thế mới, xây dựng thành một nếp sống mới mà sau này thánh Tôma Aquinô đã đúc kết trong một câu nói thời danh, được xem như là khẩu hiệu của Dòng: “Chiêm niệm và trao cho người khác điều mình chiêm niệm – Contemplari et contemplata aliis tradere.”

Thánh Đa Minh và việc “củng cố sự hiệp thông”

Một trong những điểm nổi bật nơi Cha thánh là theo đuổi con đường hiệp nhất với tinh thần bất bạo động. Trong khi hàng giáo sĩ thời bấy giờ, ngay cả Đức Giáo Hoàng có chủ trương đối phó với những nhóm lạc giáo bằng sức mạnh bạo lực, thì thánh Đa Minh lại khởi xướng một cách thế rao giảng chân lí Tin Mừng và hoán cải những người lạc giáo với một đường hướng khác. Cha đã không tham gia hay ủng hộ phong trào “Thập Tự chinh” để thu phục hay chống lại những người theo lạc giáo, nhưng Ngài đã hiện diện giữa những anh em lạc giáo, lắng nghe và thấu cảm nhu cầu của họ, sống khó nghèo theo Tin Mừng như chính những người lạc giáo chủ trương, chia sẻ thức ăn và giảng dạy Lời Chúa cho họ với sự thân thiện đầy lòng yêu thương, dần dần cha Đa Minh đã cảm hóa và thuyết phục họ quay trở lại với đức tin chân chính hiệp thông với Giáo hội mẹ.

Cha Đa Minh đã sống Lời trước khi giảng thuyết Lời cho người khác. Từ thuở thiếu thời, cha vốn yêu thích nghiền ngẫm Kinh Thánh. Theo cách nói của các thánh giáo phụ thì ngài đã “uống sữa Kinh Thánh”, chìm đắm trong Lời Chúa như được mô tả như trong một bức tượng chúng ta thường thấy về ngài. Ngài rất say mê học hỏi, yêu mến Lời Chúa nồng nàn nên luôn mang theo sách Tin Mừng Matthêu và các thư của thánh Phaolô bên mình. Cha Đa Minh đã chọn “Lời Chúa” để làm “Thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt và ghê tởm những chuyện bất công” (Kn 1,5). Là con người của học hỏi nên dường như cha Đa Minh cũng là con người thực tế, nói theo cách nói của người đời: “Nói có sách, mách có chứng”. Cuộc sống ngài không chỉ là giới hạn nơi tòa giảng, trong những trang sách nhưng đã được thể hiện nơi chính cách sống của ngài. Quả vậy, cha Đa Minh đã tin những Lời cha đọc, dạy những điều cha tin và thực hành những điều cha dạy  với lòng yêu mến nồng nàn và khiêm tốn học hỏi. thánh Đa Minh đã thật sự sống đúng với tinh thần Đức Giêsu muốn nơi các môn đệ khi Người sai các ông đi. Thánh nhân đã khéo léo kết hợp mối bận tâm huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu vào việc huấn luyện nhà giảng thuyết Đa Minh để làm cho hạt giống Tin Mừng không ngừng triển nở trong mọi chiều kích nơi cộng đoàn những người tu sĩ Đa Minh, nhất là tạo sự đồng tâm nhất trí nơi anh em. Tinh thần đồng tâm nhất trí chính là lời giảng hùng hồn nhất bởi vì nó mang tính khả tín cho sứ vụ: “Làm sao anh em có thể rao giảng tình yêu của Thiên Chúa mà lại không cùng với anh em kiến tạo cộng đoàn?”[3] Thánh Đa Minh luôn có nỗi bận tâm đối với tính đặc thù này vì Người biết mọi công việc của Dòng đều tùy thuộc vào sự đồng tâm nhất trí của tất cả anh em. Người biết rằng, không có gì tốt hơn đời sống hiệp nhất, và nhờ đời sống này, anh em sẽ có thể “cùng nhau bảo vệ niềm tin, cùng nhau thi hành bổn phận của đức tin, cùng nhau kiên trì cầu nguyện, cùng nhau dấn thân phục vụ Lời, cùng nhau giảng, cùng nhau chiêm niệm, cùng nhau thực thi những công việc bác ái và cùng nhau làm việc”[4].

Ôi niềm hi vọng lạ lùng

“O Spem miram quam dedisti mortis hora te flentibus…”.

Sau mỗi giờ Kinh Tối, các tu sĩ Đa Minh, sau khi hát ca kính Đức Mẹ, đều nhớ đến vị Tổ phụ của mình hãy nhớ lại lời hứa xưa, nhớ lại niềm hy vọng lạ lùng mà cha đã “ban cho anh em giây phút li trần”. Và lời hứa đó là gì? Việc thực thi gia sản tinh thần của Thánh nhân nơi các môn đồ và những hoa trái trổ sinh, chúng ta đều đang thấy.  Noi gương vị tổ phụ và để gìn giữ công trình độc đáo của ngài, cộng đoàn Đa Minh qua các thế hệ đã luôn và sẽ mãi lựa chọn con đường của sự đối thoại trong khi kiến tạo tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Việc đối thoại trong cộng đoàn không nhằm xác định người nào đúng, và do đó, người đó sẽ thắng; việc đối thoại đượm tình huynh đệ hướng đến điều cao cả hơn, là giúp mỗi anh em trong cộng đoàn cùng với nhau phân định đâu mới là điều mà thiện ích của cộng đoàn đang đòi hỏi. Kinh nghiệm đối thoại của thánh Đa Minh còn cho thấy, đối thoại cần nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Đôi khi, đối thoại không mang lại sự hiệu quả trong công việc, nhưng lại được con người. Đối thoại như thế mới là đối thoại huynh đệ, là đối thoại cứu độ. Có lẽ, thật đẹp khi việc đối thoại này được nêu lại và nhấn mạnh trong bối cảnh Giáo Hội đang sống trong năm “củng cố sự hiệp thông”. Chúng ta chỉ có thể hiệp thông, hiệp nhất với nhau thực sự khi biết đối thoại.

Lạy Thánh Đa Minh, xin cầu cho chúng con!
                                                                                                                                                                                                               Đức Hữu
 

[1] Donald J. Goergen, O.P., Chuyện về một nhà giảng thuyết.
[2] Richard T.A Murphy, O.P., Đa Minh – Vị thánh vượt thời gian.
 

 
[3] Công vụ Tổng hội Bolonia 2016, số 67.
[4] Guy Bedouelle & Alain Quilici, Anh em giảng thuyết hay Anh em Đa Minh (Học viện Đa Minh, 2005), tr. 209.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây