TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy ký thác đường đời cho Chúa

Thứ ba - 11/05/2021 23:03 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   816
Hãy ký thác đường đời cho Chúa

Hãy ký thác đường đời cho Chúa

Người xưa thường nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Thế nhưng, đôi khi, vì một hoàn cảnh nào đó, có người, trong suốt cuộc đời của mình, để mưu sinh, họ đã phải làm rất nhiều nghề khác nhau. Và tôi là một ví dụ điển hình.

Vâng, cuối năm 1972, vì muốn có tiền để phụ thêm cho việc đóng học phí, tôi xin vào làm việc trong một ấn quán. Nói là làm việc, nhưng thực tế là học nghề. Bài học đầu tiên tôi phải học, đó là học thuộc lòng các ô chữ. Khi thuộc lòng các ô chữ, tôi được dạy cách xếp chữ. Chưa tới ba buổi học, tôi đã có thể xếp chữ thành thạo, tuy có hơi chậm. Học nghề này không khó lắm, với trình độ trung học đệ nhất cấp, lúc đó, tôi đủ sức để học kẻ táp-lô, mi bài hoặc lên khuôn bài, sửa morát.

Sau một tháng học nghề và tập sự, tôi trở thành thợ và dĩ nhiên, được lãnh lương. Tôi đã làm nghề này được ba năm thì… hỡi ơi! biến cố 30.04.1975 xảy ra, chính quyền mới (thời đó) không hoan nghênh tư nhân hành nghề ấn loát. Thế là thầy trò chúng tôi cuốn tượng, chỉ còn nước về quê cắm câu.

Tôi không có quê để về cắm câu, tôi cắm câu ngoài lề đường… bằng một ống bơm và một cái bàn vá ép. Tôi bơm vá xe đạp. Đó cũng là nghề thứ hai của tôi.

Làm nghề bơm vá xe đạp được nửa năm, thấy trong xóm nhà nhà đạp xích lô, người người đạp xích lô, cũng dễ kiếm ăn, tôi theo nghề này.

Thật vậy, với nghề này, có sức khỏe, kiên nhẫn và may mắn, chỉ cần nửa ngày đạp thì trong túi cũng rủng rỉnh được năm, sáu đồng bạc. Lúc đó, một ký gạo (giá chợ đen) là năm mươi xu, với thu nhập năm, sáu đồng quả là lớn biết chừng nào.

Thế nhưng, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Vâng, “dễ kiếm ăn” nhưng không phải lúc nào cũng là như thế. Mười ba năm đạp xích lô, dễ kiếm ăn thật, nhưng có những ngày, mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi rùng mình…

Có những ngày, bốn giờ đêm, đánh xe ra đầu ngõ, làm một “cái đen” nóng cho tỉnh ngủ, rồi bắt đầu “cuốc… cuốc… cuốc”. Đạp tới đạp lui, đạp xuôi đạp ngược chẳng thấy ai kêu. Bắt đầu “đề-pa” từ Cống Bà Xếp, đạp xuống ngã ba Ông Tạ, vòng qua Lăng Cha Cả, đánh một cua xuống nhà thờ Kỳ Đồng… tám giờ sáng, rồi chín giờ, dáo dác nhìn dòng người ngược xuôi, vẫn không thấy ai gọi “xích lô”. Chân tay bắt đầu bủn rủn, đói… khát… chưa chạy cuốc nào, tiền đâu mà ăn sáng!

Tôi “tấp” xe vào hang đá Đức Mẹ trong nhà thờ Kỳ Đồng, nhìn Mẹ, tôi chợt nhớ tới bài ca “Kìa Ai!”. Kìa ai… “Ai” đó phải chăng là tôi… là tôi đang trên chiếc xích lô “Dong duỗi đường gió bụi” với biết bao “Gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”…

Vâng, từ giấc khuya cho tới chín giờ sáng, quả là đôi vai tôi quá mệt mỏi. Tôi đạp xe về nhà, cái bụng tôi “nhao nhao lên vì đói…” Coi như hôm nay “lốc”. Lốc… đó là tiếng lóng của giới phu đạp xích lô, một cách nói để diễn tả tình trạng ế ẩm không kiếm được cuốc xe nào.

**
Nhắc tới chuyện “có những ngày, mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi rùng mình” để làm gì? Xin thưa, là bởi, nó gợi cho tôi nhớ đến một câu chuyện trong Phúc Âm thánh Luca (5, 1-11), câu chuyện nói về cuộc hải hành đánh bắt cá của ông Simon cùng các bạn của ông ta. Simon và các bạn của ông ta, đêm đó, đã làm việc hết sức có thể, quăng lưới suốt cả đêm, thế nhưng chỉ là công cốc, “lốc”… giống-như-tôi!

***

Vâng, câu chuyện đó được kể lại rằng, hôm đó, khi vầng thái dương xuất hiện ở phương đông, mọi cảnh vật vươn mình trong ánh sáng, từng đoàn thuyền đánh cá nối tiếp nhau kéo về neo đậu bên hồ Ghen-ne-xa-ret sau một đêm vật lộn với sóng gió để mưu sinh, thì ở bờ hồ người ta thấy Đức Giêsu đang đứng ở đó.

Sự xuất hiện của Đức Giêsu lập tức được loan đi rất nhanh, nhanh đến độ chẳng mấy chốc người ta thấy dân chúng đã phải chen lấn nhau mới có thể đến gần Ngài.

Dân chúng đến với Đức Giêsu với mục đích gì? Xin thưa, là để “nghe lời Thiên Chúa”.

Hôm đó, họ đến rất đông, đông đến nỗi Đức Giêsu đã phải “xuống một chiếc thuyền” và Ngài đã nói ông Simon, chủ nhân chiếc thuyền đó, “chèo thuyền ra xa bờ một chút” như một cách để tái lập lại cảnh chen lấn mất trật tự.

Con thuyền của ông Simon lập tức trở thành “tòa giảng”, trên tòa giảng, Đức Giêsu giảng dạy đám đông. Đức Giêsu không chỉ giảng dạy, bởi nếu chỉ giảng dạy thì Ngài cũng không khá hơn mấy ông kẹ Pharisiêu, là những kẻ chỉ giảng nhưng không làm.

Thật vậy, tiếng đồn về một Giêsu với những lời giảng dạy như “Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” hôm nay đã được chứng thực, rằng, Ngài thật sự là Đấng có thẩm quyền qua một phép lạ vô tiền khoáng hậu, một phép lạ đã khiến cho “tất cả mọi người có mặt ở đó đều kinh ngạc” (Lc 5, 9). Phép lạ về một mẻ-cá-lạ-lùng…

Vâng, hôm đó, sau khi giảng xong, Đức Giêsu nói với ông Simon “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4)

Chèo ra chỗ nước sâu! Ôi! Trời ạ! Cả một biển hồ, chỗ-nước-sâu là chỗ nào? Giêsu, một tay thợ mộc lại rành “ngư trường” hơn tay ngư phủ lão làng Simon sao!

Suốt cả đêm, một thời điểm rất thuận lợi cho việc đánh bắt cá, thế mà các ông vẫn “không bắt được gì cả”, giờ đây, sáng bảnh mắt rồi lại bảo ra khơi thì có nghịch lý không kia chứ!

Thế nhưng, ngư phủ Simon lại “vâng lời” anh thợ mộc Giêsu. Tại sao ư! Thưa rằng, là bởi Simon nhìn ra Đức Giêsu là một bậc Thầy, không phải là một loại “thầy dạy nghề” nhưng là bậc Thầy của quyền năng.

Chính mắt Simon chứng kiến anh thợ mộc Giêsu, chỉ một lời “ra lệnh” thế mà “bà mẹ vợ” của ông ta “đang bị sốt nặng” bỗng nhiên “cơn sốt biến mất” (Lc 4, 38-39).

Cho nên, hôm nay, mệt thì có mệt đấy, nhưng thi hành lời “ra lệnh” của Thầy Giêsu, một lần thôi, thì đã có sao!

Thế là họ ra khơi. Và phép lạ đã xảy ra… Câu chuyện được kể lại rằng, “họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5, 6).

****
Điều gì đã khiến cho ông Simon tìm được “chỗ nước sâu” trong một biển hồ rộng mênh mông bể sở như thế? Phải chăng, ông ta đã sử dụng một tấm hải đồ mang tên “Hãy ký thác”?

Vâng, nhìn qua cử chỉ của Simon, sau khi ông thấy được phép lạ tỏ tường, ông liền “sấp mặt dưới chân Đức Giêsu” thú nhận tội lỗi, ông ta còn thay đổi cách gọi Đức Giêsu từ “Thầy” qua “Lạy Chúa”, chúng ta có thể tin rằng, đúng là ông Simon cùng với các bạn chài của ông ta đã sở hữu tấm hải đồ mang tên “Hãy ký thác” và các ông đã mang ra sử dụng, để rồi các ông đã nhận ra Thầy Giêsu chính là người mà các ông cần “bỏ hết mọi sự mà theo Người”.

*****

Có người đã ví rằng “Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan”.

Đúng vậy, cuộc đời của chúng ta, quả đúng là một con thuyền và con thuyền cuộc đời của chúng ta không phải lúc nào cũng trôi đi một cách bình thản như ý muốn.

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của chúng ta phải đương đầu với bão táp của sự suy thoái kinh tế dẫn đến thất nghiệp để rồi chán nản. Có những lúc, con thuyền cuộc đời của chúng ta phải đối diện với những cơn sóng thần bệnh tật để rồi dẫn đến sự tuyệt vọng. Có những lúc, con thuyền cuộc đời của chúng ta phải chống chỏi những trận cuồng phong của mất mát, chia ly v.v.. để rồi chúng ta cứ phải “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của chúng ta cảm thấy trống vắng, một tâm hồn trống vắng, để rồi chúng ta phải tự hỏi: Tại sao tôi không có sự bình an! Tại sao tôi luôn phải bất an?

Vâng, phải chăng, con thuyền cuộc đời của chúng ta thiếu một tấm “hải đồ”? Phải chăng, trên con thuyền lữ thứ trần gian, chúng ta quên hẳn lời dặn dò của Thầy Giêsu rằng, “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không tích thu vào kho: thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em chẳng quý giá hơn sao?... Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy…”

Chúa Giêsu, trong những lần ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã nói, “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

“Hãy đến cùng Ta”. Thật vậy, chính Chúa Giêsu, Ngài sẽ là người trao cho chúng ta tấm hải đồ, một tấm hải đồ được gói gém bằng một lệnh truyền giản dị, rằng: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (x. Mt 6, 25-34)

Là một Kitô hữu, chúng ta đã đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, chúng ta đã đặt niềm tin vào tấm hải đồ của Ngài?

Nếu tin… Vâng, hãy cùng một tâm tình như vua David xưa mà “ký thác đường đời cho Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây