Chúng ta phải làm gì đây?
Hai tuần của Mùa Vọng đã trôi qua, hôm nay (16/12/2012) toàn thể Giáo Hội bắt đầu bước vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng. Có thể nói, tuần thứ ba của Mùa Vọng là một tuần rất bận rộn đối với các vị linh mục chánh xứ. Ngoài việc đôn đốc các thành viên trong giáo xứ làm hang đá, trang trí nhà thờ hay tập dợt diễn nguyện thánh ca, các vị linh mục còn phải chuẩn bị cho những buổi tĩnh tâm giảng phòng và nhất là ngồi tòa giải tội cho tín hữu.
Với những buổi tĩnh tâm giảng phòng và giải tội, có lẽ nhiều người trong chúng ta ít đi vào chiều sâu của nó mà chỉ tham dự và thực hiện một cách chiếu lệ như là một sự bắt buộc phải làm.
Thế nhưng, nếu chúng ta tham dự những buổi tĩnh tâm giảng phòng và giải tội với một tâm hồn “sám hối trở về”, quả thật đó là lúc nó gợi cho ta nhớ đến cội nguồn của lịch sử cứu độ, nơi Chúa Giêsu đã giáng trần, nơi dân Israel xưa kia đã lũ lượt kéo đến để nghe về một Đấng cứu độ muôn dân, nơi từng đoàn người lũ lượt kéo về sông Giodan sám hối thú tội để được ơn tha tội.
**
Vâng, ngày đó, nếu được phép gọi đó là “Mùa Vọng thứ nhất” của lịch sử cứu độ. Bên bờ sông Giodan là một rừng người, họ từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giodan tụ tập lại đó. Họ đến vì nghe nói rằng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan”.
Ông Gioan là ai? Thưa rằng, vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời Phongxio Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit, Lysania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế…”, ông Gioan đã xuất hiện như một chứng nhân sau nhiều năm sống trong hoang địa, sống đời sống đơn sơ và giản dị: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3, 4).
Người chứng nhân Gioan đã nói với mọi người rằng, “hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3, 3).
Những cảnh báo thẳng thắn của ông như những “phát búa”, như những “nhát rìu” chém thẳng vào tận tâm can, tận đáy lòng, tận thâm tâm từng người. Nó đã đặt mỗi người trước một lựa chọn, hoặc là: “Hãy sinh những hoa quả xứng đáng với lòng sám hối” hoặc phải đối diện với: “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Lc 3, 8).
***
Vâng, và họ đã chọn lựa.
Đã hằng bao ngàn năm, họ trông ngóng “Đấng Mesia” nay lại được ông Gioan công bố rằng “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” thì quả là một Tin Mừng cho họ.
Dòng sông Giodan dậy sóng nhưng không phải sóng nước mà là một làn sóng người “lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa” hòa theo âm vang của những lởi hỏi han rằng “Chúng tôi phải làm gì đây?”
****
“Chúng tôi phải làm gì đây?”
Đối với chúng ta hôm nay, nên chăng, câu hỏi này phải được sửa là “Chúng ta phải làm gì đây?”
Xin thưa, đúng vậy. Chúng ta phải làm gì đây?
Vâng, hai tuần liền, Phụng Vụ Lời Chúa, đều nhắc đến Gioan Tiền Hô. Nhắc đến Gioan Tiền Hô, Giáo Hội muốn đưa ra câu trả lời cho chúng ta rằng, điều “chúng ta phải làm” chính là những điều Gioan Tiền Hô bảo làm.
Gioan Tiền Hô bào làm gì ư!
Đây! Hãy tự hỏi lòng mình rằng, đã biết bao lần chúng ta cất tiếng reo vang “Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn nhân trần” và nói với bàn dân thiên hạ rằng “Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than” thế nhưng, đã được mấy lần chúng ta xóa kiếp lầm than, cho một người thật sự lầm than, bằng việc “có hai áo… chia cho người không có… có gì ăn thì cũng làm như vậy”?
Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta trở về dòng sông Giodan năm xưa, trở về dòng sông Giodan không phải để ngồi đó nhìn “thuyền ai lờ lững trôi suôi dòng” nhưng là để cùng Gioan Tiền Hô nhìn lại “con thuyền cuộc đời” của chúng ta.
Con thuyền cuộc đời của chúng ta, sau bao mùa NOEL, đã chất chứa những gì?
Phải chăng là sự vô cảm, sự lãnh đạm trước những nỗi khổ đau, trước sự nghèo túng, trước sự áp bức, trước nỗi bất công… những thứ mà ông Gioan xếp vào loại “nòi rắn độc” không thể tránh khỏi “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”?
Hay, con thuyền cuộc đời của chúng ta đang chuyên chở một tâm hồn độ lượng, một tấm lòng nhân ái, không “tham lam vơ vét…” không “đòi hỏi quá mức ấn định” không “hà hiếp ai” không “tống tiền người ta” và “an phận với số lương của mình”?
Vâng, chính chúng ta phải có câu trả lời.
Giờ đây, chúng ta hãy trở lại dòng sông Giodan năm xưa. Hãy nhìn xem, có rất nhiều người “lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa”. Còn chúng ta hôm nay? Con thuyền cuộc đời của chúng ta đã “cập bến Giodan-Giáo Hội” bằng Bí Tích Thanh Tẩy?
Nếu chúng ta đã cập bến, đừng quên, trong bài “giảng phòng” ông Gioan đã nói: “Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối”.
Vâng, hoa quả xứng với lòng sám hối, như lời thánh Phaolô nói, đó là, một đời sống “sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi”. Ngài nói tiếp rằng, là “những gì là chân thật cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì anh em hãy để ý… hãy đem ra thực hành” (Pl 4, 8-9).
Nếu… nếu chúng ta “để ý” đến những gì thánh Gioan Tiền Hô và thánh Phaolô đã khuyên răn và “đem ra thực hành”… Vâng, đó chính là câu trả lời cho câu hỏi “Chúng ta phải làm gì đây?”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn