Thiên Chúa: Đấng từ bi và nhân hậu
Ba tuần của Mùa Chay đã trôi qua. Hôm nay, bắt đầu Chúa Nhật tuần thứ tư. Với tuần thứ tư, có thể nói, đây là tuần lễ cao điểm của Mùa Chay. Lịch tĩnh tâm đã được phổ biến, chủ đề cho những bài giảng phòng đã được niêm yết, và cuối cùng, trong nhà thờ bắt đầu xuất hiện từng đoàn người lũ lượt tiến về tòa cáo giải để biểu lộ lòng “sám hối, trở về và thú tội”.
Nhìn hình ảnh vị linh mục ngồi và hình ảnh người tín hữu quỳ gối thú nhận những tội đã phạm, nó gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh người cha và người con hoang đàng, được nói tới trong một dụ ngôn và được chính Đức Giêsu kể trong những ngày Ngài còn tại thế. Đó là “Dụ ngôn người cha nhân hậu”.
**
Lý do gì khiến Đức Giêsu kể dụ ngôn này? Thưa, chuyện là thế này. Một lần nọ, có một số người thu thuế và các người tội lỗi lui tới với Đức Giêsu. Sự kiện này lọt vào đôi mắt cú vọ của những người Pharisêu và các kinh sư.
Theo luật lệ Do thái, những người thu thuế và tội lỗi bị tách ra khỏi cộng đồng tôn giáo và xã hội. Thế mà, hôm đó, Đức Giêsu “lại ăn uống với chúng”, thấy được chuyện này, những “ông kẹ” Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau về Người rằng “Ông này đón tiếp phường tội lỗi…” (Lc 15, 2)
Tiếng xầm xì, chắc hẳn, đến tai Đức Giêsu. Và để xóa tan những lời xầm xì đó, Người đã kể ba dụ ngôn, như ba gáo nước lạnh tạt vào khuôn mặt u mê của họ, để họ chấm dứt ngay thói xấu chỉ nhìn “cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7,3).
Đúng. Họ chỉ thấy cái rác-tội-lỗi nơi người thu thuế, mà không thấy cái-xà-gồ-trách-nhiệm của mình. Lẽ ra, là một Phariseu, là một kinh sư, người được cho là am hiểu Kinh Thánh, họ phải có trách nhiệm “giảng dạy” cho phường-tội-lỗi nhận biết Thiên Chúa là ai!...
Hôm đó, quả thật, Đức Giêsu có tiếp một số người được cho là tội lỗi, nhưng, cái đám “phường tội lỗi” đó đến với Đức Giêsu là “để nghe Người giảng”…
Đức Giêsu đã giảng điều gì? Xin thưa, qua ba dụ ngôn “Con chiên bị mất – Đồng bạc bị đánh mất” và đặc biệt là “Dụ ngôn người cha nhân hậu”, Ngài đã gửi đến cho mọi người một thông điệp rằng, “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 103, 8-10)
***
Thật vậy, với dụ ngôn người cha nhân hậu, ngay khi bước vào đầu câu chuyện, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy “sự nhân hậu của Thiên Chúa”, qua hình ảnh người cha, như thế nào.
Chuyện kể rằng, “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng”.
Theo luật Do Thái, việc đòi chia gia tài, mà người đòi lại là “con thứ” trong gia đình, thì quả đó là một hành động hiếm thấy, nếu không muốn nói là phạm luật. (x. Đnl 21, 17). Ấy vậy mà, người cha trong dụ ngôn, vẫn tỏ lòng “nhân hậu” làm theo đúng lời yêu cầu của người con thứ, ông đã “chia của cải cho hai con”.
Người con thứ, sau khi được chia, đã “thu gom tất cả rồi trẩy đi phương xa... sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”.
Thảm hại thay! “khi anh ta ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra nạn đói”. Túng thiếu, ở đợ, đói... Anh ta “ước ao lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho ăn”... Chìm trong tủi nhục, anh ta nhớ lại những ngày “cơm dư gạo thừa” bên cha của mình. Và rồi anh ta đi đến một quyết định “đi về cùng cha”.
Còn người cha, tiếp nối sự nhân hậu, đó chính là sự “đại lượng”. Sự đại lượng của người cha như một chai thuốc tẩy cực mạnh, tẩy hết hình ảnh ngông cuồng, trịch thượng của người con thứ. Sự đại lượng của người cha được biểu lộ qua hành động, ngay khi thấy người con “còn ở đàng xa”, người cha đã “chạy ra ôm cổ anh ta hôn lấy hôn để”.
Chai thuốc tẩy mang nhãn hiệu “sự đại lượng” của người cha đã tẩy con tim “tục lụy yếu đuối” của người con thứ, trở thành con tim “lòng sầu thống hối” trong nức nở nghẹn ngào, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”.
Sự nhân hậu và đại lượng của người cha, đã biến tâm hồn cô đơn buồn nản của ông trở thành một tâm hồn “chan chứa tình thương”, với tình thương đó, ông đã “không nỡ với người con như người con đáng tội và không trả cho người con theo lỗi của người con”, ông đã tuôn đổ tình thương của mình qua việc gọi các đầy tớ “mau mau đem áo đẹp ra mặc cho cậu ta, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu...”
Không dừng ở đó, ông còn “bắt một con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng”.
Ai... ai dám phủ nhận, Thiên Chúa, qua hình ảnh người cha trong dụ ngôn, “Là Đấng từ bi và nhân hậu”!
****
Qua dụ ngôn này, chúng ta có thể nhận thấy, lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa được ban cho mọi người một cách nhưng không. Thiên Chúa không nhìn đến “công đức” của con người, nhưng Thiên Chúa nhìn đến sự “hồi tâm và hối cải”.
Người con thứ trong dụ ngôn đã không có được một việc làm nào được gọi là “lành thánh” ngoại trừ việc “sống phóng đãng”, nhưng nhờ anh ta “hồi tâm và đi về”, một dấu chỉ của “sám hối và hoán cải”, cho nên anh ta mới có thể nhận được một cách nhưng không lòng từ bi và nhân hậu của người cha.
Thánh Phaolô, sau này, đã khẳng định rằng “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (2 Cor 5, 18). Và thánh nhân nhấn mạnh “Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2, 8).
*****
Dụ ngôn người cha nhân hậu, tuy chỉ là một câu chuyện hư cấu, nhưng, ai dám phủ nhận rằng, những nhân vật trong dụ ngôn, lúc này lúc khác, lại chính là con người chúng ta hôm nay.
Thật vậy, trong từng giai đoạn của đời người, rất có thể, có lúc, chúng ta là người con thứ đầy kiêu hãnh và mạnh mẽ, với một gia tài là học vấn và kiến thức, sẵn sàng rời bỏ mái ấm gia đình Kitô giáo, tìm đến những vùng đất xa lạ, để phung phí giá trị của tự do, để khước từ niềm tin truyền thống, để buông mình vào đam mê và dục vọng, để háo hức tìm kiếm chủ thuyết mới, những chủ thuyết chỉ sản sinh bạo lực lẫn hận thù, để lớn tiếng hô hào tự do luyến ái, tự do phò lựa chọn, tự do thờ quấy và phù phép v.v…
Rất có thể, có lúc, chúng ta chính là người con cả mang nặng trong tâm hồn tính ganh tị, hẹp hòi, chỉ vì thiếu cái “lẩu dê” để “ăn mừng với bạn bè” mà đã nổi giận khước từ “không chịu vào nhà” cha.
Vâng, chỉ là một chút suy tư. Điều quan trọng hơn, đó là, sau khi đọc xong dụ ngôn người cha nhân hậu, có điều gì tác động lên tâm hồn của chúng ta?
Nhà thần học người Hà Lan Henri Nouwen, sau khi thưởng thức họa phẩm The Return of the Prodigal Son của Rembrandt, (họa phẩm diễn tả ba nhân vật trong dụ ngôn, người con thứ tức là đứa con hoang đàng, người anh cả đang giận dữ, người luôn tự hào về phẩm hạnh của mình, và người cha với khuôn mặt yêu thương), thú nhận, chính tác phẩm này đã tác động phần nào cuộc hành trình tâm linh của ông.
Ông đã để lại một lời khuyên rằng, “tất cả mọi người Kitô hữu, kể cả ông, luôn phải chiến đấu để được giải thoát khỏi những ‘sự yếu đuối’ cố hữu thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hy sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ” (nguồn: internet).
Còn Trần Duy Nhiên! Vâng, sau khi nghe linh mục Hoàng Đắc Ánh đọc dụ ngôn “người cha nhân hậu”, vị cố giáo sư đã thú nhận rằng, “Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi. Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: ‘Lạy Cha xin Cha tha tội cho con…’. Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng… Nước mắt cứ chực trào. Lâu thật lâu, tôi nghe: ‘Cha tha tội cho con…’ và tôi oà lên khóc…”
Sự yếu đuối, đó là hậu quả của nguyên tội, nhưng sự hồi tâm, sám hối trở về và thú tội chính là ân sủng của Thiên Chúa và là phương cách để chúng ta nhìn nhận “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn