TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kiện toàn hóa lề luật

Thứ năm - 13/05/2021 21:33 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   740
Kiện toàn hóa lề luật

Chúa Nhật VI – TN – A

Hãy kiện toàn hóa lề luật

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Na-da-rét, Đức Giê-su bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Theo Kinh Thánh ghi lại, thì, những lời giảng dạy của Ngài đã làm cho “Thiên hạ sửng sốt… vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.

Chính những lời nhận định như thế, đã làm cho các kinh sư cùng nhóm Phariseu căm ghét Đức Giê-su. Vì thế, họ luôn rình rập tìm cách bôi nhọ, vu khống , chỉ trích Ngài. Và điều họ thường rình rập Ngài và các môn đệ đó là việc thực thi lề luật.

Có lần, khi nhìn thấy các môn đệ “dùng bữa với bàn tay không tinh sạch”, các vị kinh sư liền lớn tiếng chỉ trích Đức Giê-su: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với bàn tay không tinh sạch?”

Lại một lần khác, trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

Có thể nói tắt một lời, “lề luật” là cái cớ để họ bắt bẻ Đức Giê-su. Mà, Đức Giê-su nào có khuyến khích các môn đệ vi phạm lề luật? Ngược lại, Ngài đã đưa ra nhiều lời truyền dạy, không phải để đả phá nhưng là để “kiện toàn lề luật”. Những lời truyền dạy này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**

Thật vậy, Tin Mừng thánh Mat-thêu ghi lại rằng: Một ngày nọ, sau khi truyền dạy cho các môn đệ phải là “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”, Đức Giê-su lớn tiếng nói với các ông rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môse hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

Đức Giê-su kiện toàn lề luật như thế nào? Thưa, rất kinh ngạc, cổ kim chưa ai thấy vậy bao giờ.

Hôm ấy, Ngài tuyên bố: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt”.

Rất quyết liệt, hôm ấy Ngài còn đưa ra lời truyền dạy khiến ai nghe qua cũng phải giật mình: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết; ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (x.Mt 5, 28).

***

Kiện toàn lề luật kiểu này, có quá khắt khe? Thưa không, trái lại, lời truyền dạy nêu trên có thể ví như một cái hàng rào điện tử ngăn chặn những tên đặc công mang những trái bom điêu ngoa, xảo trá, tà dâm, lẳng lơ, v.v… tấn công vào thẳng trung tâm “não bộ” của chúng ta.

Thật vậy, đôi mắt, như chúng ta thường nói: là cửa sổ tâm hồn. Nó chính là “tiền đồn” để ngăn cản hoặc tiếp đón những gì là tốt đẹp cũng như những gì là xấu xa. Còn cái miệng, đừng quên, người xưa có nói: “cái miệng hại cái thân”.

Với đôi mắt, bài học của bà Eva còn đó. Đôi mắt bà đã “thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt”… “Thấy và trông” để rồi “bà hái trái cây mà ăn...” Và kết quả là: Ôi! Lạy Chúa! “Con rắn... con rắn đã lừa con”...

Cũng với đôi mắt, Vua David đã “nhìn trộm” một người đàn bà đang tắm… Rồi chuyện gì đã xảy ra! Thưa, “thèm muốn”… thèm muốn rồi “Vua David sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm-với-nàng...”. Và tệ thật nàng-có-thai!!!...

Chính vì thế, đừng ngạc nhiên khi Chúa Giê-su đưa ra lời phán truyền mạnh mẽ, rằng: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5, 29).

Còn “cái miệng” ư! Kinh Thánh chép rằng: “Phúc thay kẻ không ăn nói lỡ lầm”. Không ăn nói lỡ lầm thì sẽ “không vấp ngã về lời nói”, không vấp ngã về lời nói, “ấy là người hoàn hảo, có khả năng làm chủ được toàn thân” (Gc 3,2).

“Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (x.Tv 145,8). Thế nên, đừng ngạc nhiên khi Đức Giê-su có thêm lời đòi hỏi “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

“Liệu ta có phải hiểu theo từng lời từng chữ những gì Đức Giê-su dạy không? Liệu ta có phải bỏ dở thánh lễ, đi tìm người mình đã xúc phạm, hầu có thể tiến hành ngay việc làm hòa?”.

Đó là những câu hỏi đã được Lm. Charles. E. Miller đưa ra và đồng thời ngài có lời khuyên, rằng: “Bước đầu tiên chúng ta phải làm là cầu xin ơn hòa giải, rồi dốc lòng tìm kiếm sự tha thứ”.

Tại sao phải “Cầu xin ơn hòa giải, rồi dốc lòng tìm kiếm sự tha thứ”? Thưa, là bởi, khi chúng ta “hòa giải và tha thứ”, điều đó nói lên rằng, chúng ta đang tiếp tục thực hiện sứ mạng của Đức Giê-su, sứ mạng kiện toàn lề luật, luật “mến Chúa yêu người”, mà Ngài đã truyền dạy.

Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến luật ly dị.

Đã có không ít người cho rằng, làm thế nào để kiện toàn những lề luật này? Xin thưa, trước hết là hãy có “tâm tình yêu thương”, bởi vì như lời Kinh Thánh dạy: “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại…” (Rm 13, 10).

Đúng vậy, một khi đã “yêu người như chính mình vậy” có phần chắc, chẳng ai lại “giận anh em mình... mắng anh em mình... chửi anh em mình” (Mt 5, 22). Một khi chúng ta yêu-người-như-chính-mình-vậy, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “làm hại” anh em mình.

Cũng nằm trong sự yêu thương. Một khi mọi người đã thật sự “yêu người lân cận như chính mình” thì có ai dám qua hàng xóm láng giềng cướp của giết người!? Một khi người chồng hay người vợ thật sự yêu-thương-nhau-như-chính-mình thì làm gì có chuyện “rẫy vợ”!

Vâng, Đức Giê-su đã kiện toàn lề luật. Và, hôm nay, chúng ta chính là những người tiếp nối sứ mạng của Ngài. Nói cách khác, trong một thế giới có cả một “rừng luật” nhưng lại toàn là thứ “luật rừng”, những thứ luật chỉ đem đến sự bất công, đem đến sự chết chóc (luật phá thai), đem đến sự đổ vỡ gia đình (luật cho phép ly dị) v.v…, là một Ki-tô hữu, chính chúng ta phải là những người “kiện toàn hóa” những lề luật Đức Giê-su đã truyền dạy.

Không cần ở đâu xa, mà hãy kiện toàn ở ngay chính trong gia đình mỗi chúng ta. Làm như thế, chúng ta được gì? Thưa, có phần chắc, gia đình chúng ta: “anh em hoà thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu” và cuối cùng là “láng giềng thân thiết”.

Vâng, vì một Giáo Hội với “Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình”…Vì một Xã Hội với “Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình”… Và vì chúng ta phải “ăn ở công chính hơn người đời”… thế nên, ngay hôm nay, chúng ta hãy kiện toàn hóa lề luật Chúa ban.

“Hãy kiện toàn hóa lề luật Chúa ban”, tại sao không, nhỉ!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây