TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ Chúa Ba Ngôi

Thứ năm - 13/05/2021 22:10 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   923
Lễ Chúa Ba Ngôi

Lễ Chúa Ba Ngôi

Ba Ngôi - Mầu Nhiệm Tình Yêu

“Trời xanh ơi hỡi trời xanh. Hãy thuật lại vinh quang của Chúa. Tầng không vút cao muôn trùng hãy loan truyền những việc Ngài làm. Ngày và đêm hãy truyền nhau những kỳ công siêu việt bao la. Chúa đã thương ban cho đời làm bằng chứng tình yêu quang lâm.

Vinh quang Chúa chói ngời. Vinh quang Chúa cao vời, con tin kính tôn thờ mình Ngài. Tôn vinh Chúa muôn loài tri ân Chúa muôn đời. Có ai uy quyền bằng Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Đây là trích đoạn của nhạc phẩm “Vinh Quang Chúa”. Và, mỗi khi nghe tác phẩm này, có lẽ không ai trong chúng ta lại không trầm trồ khen rằng, quả là một bài thánh ca, ca ngợi “Thiên Chúa Ba Ngôi” tuyệt hảo nhất.

Thiên Chúa Ba Ngôi nghĩa là sao? Thưa, Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Chỉ có một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Theo cách nhìn của con người, một số người đã diễn tả “Một Chúa Ba Ngôi” theo nhiều cách thế khác nhau. Có người đã so sánh Ba Ngôi Thiên Chúa giống như H2O, tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá), và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là H2O.

Lại có người đem quả trứng ra so sánh. Trứng có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng. Và họ cũng không quên hình ảnh về mặt trời nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời.

Tuy nhiên, tất cả những so sánh đó cũng chỉ là những diễn tả môt cách khập khiễng về “Ba Ngôi Thiên Chúa”. Trong thế giới hạn hẹp con người đang sống, thật khó để mà diễn tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong Kinh Thánh không có danh từ “ba ngôi”, danh từ này được các nhà thần học đặt ra, đặt ra để diễn tả Thiên Chúa là Đấng “khởi nguồn” của mọi sự.

Thật vậy, không thấy Kinh Thánh định nghĩa Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, bởi vì, mầu nhiệm Thiên Chúa không mạc khải bằng hình thức theo con số, nhưng là do các sự kiện đã xẩy ra để diễn tả về Thiên Chúa.

Do Thái giáo nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất” (x.Đnl.6, 4). Ngài là Người Cha và là Chúa của dân tộc Israel (Tv 67, 6; Is 63, 16). Cựu ước không mạc khải cách minh nhiên Thiên Chúa có Ba Ngôi.

Tuy nhiên, qua Tân Ước, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dần được tỏ hiện. Dấu chỉ rõ nét nhất về Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải hôm Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan.

Câu chuyện đã được chép lại rằng: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Nếu dấu chỉ này, chỉ một mình Gioan Tẩy Giả thấy, như lời ông đã làm chứng rằng “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực” thì vẫn còn đó những lời giảng dạy của Đức Giêsu về một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Một lần nọ, Ngài đã nói: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15).

Trước giờ ra đi chịu chết, những lời từ biệt của Đức Giêsu lại như là những lời mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi lại ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy, và Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 16, …17).

Cuối cùng là, sau khi Phục Sinh, trên một ngọn núi ở Galilê, nơi Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ đến. Một lần nữa, lời tuyên phán của Đức Giêsu đến với các môn đệ, có khác gì như một lời mạc khải về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vâng, Ngài đã tuyên phán rằng “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (Mt 28, 18-19).

**

Kinh Thánh cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu”. Mà, Chúa là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình. Yêu là cho đi và yêu cũng là đón nhận. Trong tình yêu phải có người yêu và người được yêu. Nói cách khác, tình yêu phải có điểm xuất phát và điểm hội tụ.

Chính vì thế, dưới đôi mắt của thánh Augustin, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa đã được ngài diễn tả rất chí tình. Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm xuất phát của tình yêu. Chúa Con là điểm hội tụ của tình yêu. Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết hai chiều của tình yêu.

Thiên Chúa Ba Ngôi không giữ “kè kè” tình yêu cho riêng mình. Tin Mừng theo thánh Gio-an cho ta thấy rõ nét tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là một tình yêu trao ban và tận hiến.

Thật vậy, Tin Mừng thánh Gio-an có ghi rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (của Người)”. Vâng, yêu như vậy quả đúng là một “tình yêu sáng tạo”. Và, tình yêu sáng tạo này đã được biến thành tình yêu trao ban, trao ban cho con người “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Xưa, cũng xuất phát từ tình yêu sáng tạo, Thiên Chúa đã sáng tạo con người “theo hình ảnh Người”. Và nay, Người “…sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Vâng Con-của-Người chính là điểm “hội tụ của tình yêu”, để từ đây tỏ lộ ra “tình yêu cứu độ”.

Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh cho biết, rằng: “Người nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”.

Khi chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ đón nhận được sự nhân hậu, từ bi, giàu nhân nghĩa và thành tín của Người.

Khi chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là lúc chúng ta đặt niềm tin vào Đấng Tình Yêu, Người đã “sáng tạo và ban ơn cứu rỗi” cho chúng ta.

Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta cất tiếng nguyện, rằng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen”

***

Có lẽ, không ai trong chúng ta lại không (mỗi ngày), làm dấu thánh giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Vâng, đây cũng là một cách chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm tình yêu, như điều chúng ta được biết.

Tuy nhiên, tuyên xưng là một chuyện, vấn đề là, chúng ta có sống trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không? Nói rõ hơn, chúng ta có sống trong “mầu nhiệm tình yêu” không?

Không sống trong mầu nhiệm tình yêu, có khác nào chúng ta còn xa lạ với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật thế, hãy nghe lời tông đồ Gio-an cảnh báo: “Ai không yêu thương thì không ở trong Thiên Chúa” (x.1Ga 4, 8)

Đừng quên, Đức Giê-su cũng có lời truyền dạy, rằng “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy; là anh em có lòng yêu thương nhau” (x.Ga 13, 35)

Thánh Gioan lập lại điều này một cách mạnh mẽ hơn, rằng “Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta và tình yêu của Người mới nên hoàn hảo”. (x.1Ga 4, 12)

Cho nên, chúng ta cần phải tự hỏi lòng mình rằng, tình yêu thương của tôi, đối với gia đình, đối với tha nhân, có đủ để “Thiên Chúa ở lại trong chúng ta và (để) tình yêu của Người nên hoàn hảo”?...

Bởi, chỉ khi Chúa ở trong ta và tình yêu của Người (qua ta) trở nên hoàn hảo, lúc đó, chúng ta mới có thể làm “Sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Nói cách khác, lúc đó, lời nguyện “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” của chúng ta mới trở thành “lời nguyện của tình yêu”. Và, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mới được gọi là “Mầu Nhiệm Tình Yêu”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây