TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phải phục vụ như Chúa

Thứ sáu - 18/10/2024 20:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   241
“Vì (Thầy) đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Chúa Nhật XXIX – TN – B
Phải phục vụ như Chúa

 

tbd 191024a


Tham vọng là gì? Theo Wiktionary định nghĩa, “Tham vọng là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt quá xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được.” Chính vì khó-có-thể-đạt-được, thế nên, với những ai có tham vọng, người đó “có thể bất chấp mọi cách để đạt được mục tiêu, kể cả việc làm hại đến lợi ích của người khác.” (nguồn: internet).

Nói tới tham vọng, một blogger ẩn danh, có thể nói vị này là một người bảo thủ, đã nói một cách mạnh mẽ rằng: “Trong nhiều nền văn hóa phương Đông, tham vọng được coi là một điều ác vì nó trói buộc chúng ta vào việc theo đuổi những phù phiếm của thế gian, khiến chúng ta xa rời đời sống tâm linh và những thành quả như là đức hạnh, trí tuệ và sự tĩnh lặng.”

Tại sao lại nói tham-vọng-được-coi-là-một-điều-ác? Thưa, ác là bởi, đã “tham” thì tất nhiên tham vọng đó “không lành mạnh”. Thế nào là tham vọng không lành mạnh? Thưa, cũng qua lời vị blogger ẩn danh (nói trên), thì “đó là sự phấn đấu thái quá hoặc hỗn loạn để đạt được điều đó.”

Có tham vọng lành mạnh, không? Thưa, có… “đó là một sự phấn đấu có cân nhắc”.

Tuy vậy, tham vọng dù không lành mạnh hay lành mạnh, nó vẫn bị coi như là một căn bệnh nguy hiểm cho sự sống còn của nhân loại. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này.

Thật vậy, suốt chiều dài lịch sử nhân loại, có không ít những vị vua chúa hoặc lãnh tụ, khi nuôi trong lòng mình tham vọng không lành mạnh, đại loại như muốn bá chủ thế giới, muốn bành trướng thế lực v.v… họ sẵn sàng biến tham vọng đó thành sự thật bằng cách gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu.

Có những vị khi nuôi tham vọng không lành mạnh, đại loại như muốn làm vua, làm tổng thống, làm chủ tịch v.v… họ đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn, nhẹ thì gian lận bầu cử, mạnh hơn một chút thì đảo chánh, mạnh hơn nữa thì thủ tiêu đối phương.

Còn “tham vọng lành mạnh” ư! Thưa, tham vọng dù là có cân nhắc, dù chỉ là để làm cho cuộc sống của mình tốt hơn, ví dụ như phấn đấu làm tốt mọi việc được giao phó, để mong được thăng quan tiến chức, hoặc nói theo cách nói của cụ Nguyễn Công Trứ, rằng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”, thì điều đó cũng không làm cho cuộc sống của con người an bình, hạnh phúc.

Tại sao? Thưa, dễ hiểu thôi, sự ganh tị sẽ xảy ra, sự tức tối sẽ bộc phát, những lời mỉa mai sẽ được thổi bùng lên, và cuối cùng đó là thù oán. “Cái thằng con bà bán xôi đầu hẻm, thế mà cũng học đòi thi vào y khoa!” Hoặc, “Con cái thằng trung sĩ quèn cho đi tu là để ăn bám Giáo Hội”. Sự thật là thế đó. Dù tham vọng của con bà bán xôi, hay con cái thằng trung sĩ chỉ là những tham vọng lành mạnh.

Xưa, Nhóm Mười Hai là những môn đệ của Đức Giê-su, cũng có những tham vọng riêng của mình. Mặc dù, những tham vọng của các ông cũng chỉ là những tham vọng bình thường trong một cuộc sống bình thường.

Vâng, các ông chỉ muốn biết “xem ai là người lớn hơn cả”! Ấy thế mà, nó đã bùng nổ giữa các ông một cuộc “cãi nhau” kịch liệt.

Rồi, khi tông đồ Gia-cô-bê và Gio-an công khai hóa tham vọng mình, rằng hai ông muốn được: “một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”, thì ngay lập tức những vị môn đệ còn lại “đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an”.

Đức Giê-su, khi biết được những tham vọng của các ông, rất ôn hòa, Ngài nói: “Các anh không biết các anh xin gì!” Và, nhân dịp này, Ngài đã dạy cho cả Nhóm Mười Hai một bài học sâu sắc. Chi tiết bài học này được ghi trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 10, 35-45).

**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, chúng ta được biết: “Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gặp Đức Giê-su và nói: Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.

Chúng-con-muốn… Vâng, với lời khẩn khoản như thế, có thể nói rằng, lòng tin vào Thầy Giê-su của hai vị môn đệ này rất đáng để chúng ta noi theo.

Tại sao lại đáng noi theo! Thưa, vì Đức Giê-su đã có lần nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được… Vì hễ ai xin thì nhận được.” Nay, tin vào lời Thầy mình nói, nên hai vị môn đệ này đã đến xin Thầy, vậy nên rất đáng noi theo, thì có gì sai!

Trở lại với khung cảnh Thầy và trò bên nhau. Hôm ấy, sau khi nghe hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin điều “chúng con sắp xin đây”, Đức Giê-su liền hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”

Nếu… nếu hôm nay, Chúa Giê-su hỏi chúng ta câu hỏi này, chúng ta sẽ xin gì? Vâng, có lẽ và chắc hẳn là vậy, rằng điều chúng ta xin Chúa, mỗi người mỗi khác, tùy theo hoàn cảnh của mình, phải không, thưa quý vị!

Còn ông Gia-cô-bê và ông Gio-an, hôm ấy, đã thưa với Đức Giê-su rằng: “Xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (x.Mc 10, 37).
Lời xin của “hai người con ông Dê-bê-đê” có làm cho chúng ta khó chịu! Riêng nhóm mười môn đệ còn lại, thánh sử Mác-cô cho biết: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và Gio-an” (Mc 10, 41).

Đức Giê-su không tức tối và như đã nói ở trên, Ngài dạy cho cả Nhóm Mười Hai một bài học sâu sắc.

***
Mở đầu cho bài học, Đức Giê-su truyền bảo: “Các anh không biết các anh xin gì!” Nghe đây! Vâng, Ngài tiếp tục cất tiếng nói với các ông, rằng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích, lời tuyên phán này, ngụ ý “diễn tả bằng hình ảnh những đau khổ và cái chết” mà Đức Giê-su sẽ gánh chịu. Nói rõ hơn, sự đau khổ mà Ngài phải chịu, cũng là sự đau khổ mà các ông sẽ phải chịu. Và trước đau khổ đó, các ông có sẵn sàng đón nhận không?

Can đảm thật. Cả Nhóm Mười Hai đáp: “Thưa được”.

Không được cũng phải được. Bởi vì, hôm ấy, Đức Giê-su nói tiếp: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”.

Còn việc bên ngồi bên tả hay bên hữu ư! Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.

Cuối cùng, để cho mười hai môn đệ không còn nhìn nhau bằng ánh mắt “hình viên đạn”, Đức Giê-su tiếp lời truyền dạy, rằng: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người”. (x.Mc 10, 43-44).

Quan điểm của người đời cho rằng, giá trị của một con người thường được dựa trên quyền lực, địa vị và tiếng tăm. Nhưng, với Đức Giê-su, điều có giá trị và đáng quý nhất của một con người, đó hướng tới những người khác và phục vụ người ta.

Xưa… các môn đệ quên chăng lời Đức Giê-su đã truyền dạy “Giữa kẻ ngồi ăn và người phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ”!? (x.Lc 22, 27).

Vâng, có thể là các môn đệ đã quên lời Thầy. Thế nên, hôm ấy, Đức Giê-su lớn tiếng nói, nói rất rõ ràng với các ông rằng: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy.”

“Anh em hãy làm như Thầy. Anh em hãy học cùng Thầy.” Có lẽ, có lẽ Đức Giê-su đã nói như thế trước khi Ngài kết thúc bài dạy của mình, rằng: “Vì (Thầy) đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45).

****
Lời truyền dạy (nêu trên) của Đức Giê-su đã được minh chứng qua các “gương lành” mà Ngài đã thực hiện.

Gương lành mà Chúa Giê-su đã thực hiện là gì! Thưa đó là: “Chúa Giê-su, con Thiên Chúa hằng sống, đã từ bỏ ngai vị trên trời để trở thành một trong chúng ta. Người đã từ chối tất cả những gì ‘thế tục này ham muốn’. Khiêm nhường đến như vậy là vì Người đang nghĩ, không phải tới chính mình, mà tới chúng ta.”

Lm.Charles E.Miller có lời chia sẻ của mình như thế. Và, rồi ngài Lm. có lời dạy rằng: “Người mang lấy xác thịt phàm nhân hầu có thể trở nên Tư Tế, Đấng Cứu Độ chúng ta. Đấng ta có thể tin tưởng quay sang cầu xin thương xót và bênh đỡ trong lúc ngặt nghèo.”

Lời dạy của ngài Lm. là thế. Thế nên, trong lúc ngặt nghèo, không gì tốt hơn là chúng ta hãy tìm đến Đức Giê-su, như xưa kia hai tông đồ Gia-cô-bê và Gio-an đã tìm đến, và thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, chúng con muốn Chúa thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.

Điều-chúng-ta-sắp-xin, nên chăng đó là chúng ta hãy “ước trông một điều, đêm ngày tôi khấn xin, là cho tôi được vui sống trong nhà Chúa trọn đời”!?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy biết rằng: được-vui-sống-trong-nhà-Chúa-trọn-đời chẳng phải là được-ngồi-bên-hữu-ngồi-bên-tả Chúa sao!

Nếu chúng ta muốn được-ngồi-bên-hữu-ngồi-bên-tả Chúa! Dễ thôi! Hãy thực hiện những gì Đức Giê-su đã truyền dạy. Điều Đức Giê-su đã truyền dạy, chúng ta biết rồi: “Thầy đến… là để phục vụ.”

Chúa Giê-su đã đến thế gian này và Ngài đã phục vụ. Và chúng ta cũng đã có mặt ở thế gian này. Ở thế gian này trong vai trò là môn đệ của Chúa. Do vậy, chúng ta cũng: Phải phục vụ như Chúa.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây