TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một ước mơ: Số Thánh Tử Đạo giảm dần

Thứ bảy - 16/11/2024 08:12 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   110
Các mối phúc kiện toàn các lời hứa này, bằng cách không còn chỉ hướng đến việc thừa hưởng một mảnh đất nữa, nhưng là hướng đến Nước Trời.” (GLCG số 1716)

MỘT ƯỚC MƠ: SỐ THÁNH TỬ ĐẠO GIẢM DẦN
(Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam)

các thánh TĐVN

 

Nhân dịp tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, có vị giám mục Hàn Quốc nói với một giám mục Việt Nam rằng: “chúc mừng giáo hội Việt Nam đã có số thánh Tử Đạo được tôn phong (117 vị) nhiều hơn số thánh tử đạo nước chúng tôi (103 vị). Xem ra vua quan nước chúng tôi ngày xưa hiền lành hơn”. Một lời dí dỏm vừa phản ảnh một sự thật của lịch sử vừa khơi gợi cho chúng ta nhiều vấn đề nan giải. Một cái phúc lại được dệt xây bằng một hay nhiều cái hoạ ư? Để có được những vị Thánh Tử đạo thì dường như phải đánh đổi bằng sự hiện hữu của nhiều người có nhiều quyền mà “không hiền lành” ư?

Thế thì chúng ta giải thích thế nào về mối phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,10-12; x.Lc 6,22). Giáo hội khẳng định: “Các mối phúc là trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Việc công bố các mối phúc là lặp lại lời hứa đã được ban cho dân Chúa chọn khởi từ tổ phụ Abraham. Các mối phúc kiện toàn các lời hứa này, bằng cách không còn chỉ hướng đến việc thừa hưởng một mảnh đất nữa, nhưng là hướng đến Nước Trời.” (GLCG số 1716) Như thế hạnh phúc thật được loan báo nằm ở vế sau, đó là Thiên Chúa, là Nước Trời chứ không phải ở vế trước là sự khó nghèo, hiền lành, sầu khổ hay sự bị bách hại… Như thế để đạt hạnh phúc thật thì có hàng trăm hàng vạn nẻo đường. Sự kiện mỗi thánh mỗi vẻ như trăm hoa đua nở cho chúng ta xác tín điều này.

Thử hỏi rằng lòng các thánh tử đạo có muốn cháu con phải chịu cảnh bách hại như tiên tổ chăng? Dĩ nhiên là không rồi. Chúa Kitô tự nguyện trở nên nghèo hèn để chúng ta được nên sang giàu. Người tự nguyện đổ máu đào ra để chúng ta được sống và sống dồi dào. Chúa Kitô không hề muốn chúng ta phải chịu khốn khổ, phải chịu bắt bớ, chịu bách hại. Chẳng có người cha nào lại nhẫn tâm muốn con cái phải lâm cảnh khổ, chẳng có người anh nào lại muốn đàn em phải chịu cảnh truân chuyên, chẳng có người thầy nào lại muốn môn sinh phải bị bách hại. Ngay đêm Tiệc Ly chính Chúa Kitô đã nài xin Chúa Cha gìn giữ những kẻ Chúa Cha ban cho Người và trong vườn dầu Người đã can thiệp để các môn đệ khỏi bị bắt giữ (x.Ga 18,8).

Một hiện thực cần thú nhận rằng lắm khi chúng ta hô hào tha nhân, đòi hỏi người này người kia can đảm vác thập giá và thậm chí là chịu tử đạo còn chính chúng ta thì lại ngần ngại chịu hy sinh. Phải khẳng định rằng vị trí và vai trò của những vị tử đạo vẫn mãi cần thiết cho nhân loại nói chung và cho giáo hội nói riêng. Tuy nhiên theo thiển ý thì nên phát huy tinh thần tử đạo trong đời sống Kitô hữu hơn là mong có nhiều người tử đạo theo nghĩa hẹp. Thập giá mà Chúa Kitô muốn mỗi người chúng ta vác lấy để theo chân Người đó là những hy sinh khi muốn sống đạo yêu thương đến cùng, khi can đảm bảo vệ công lý, khi mạnh dạn rao truyền chân lý… Những hy sinh ấy được Chúa Kitô nói rõ đó là sự từ bỏ chính mình, nghĩa là từ bỏ những gì mang tính vị kỷ.

“Thầy mang lửa xuống thế gian và Thầy mong mỏi cho lửa ấy được cháy lên” (x.Lc 12,49). Đây là ngọn lửa tình yêu vị tha, ngọn lửa làm bừng sáng tình hiệp thông, liên đới và cũng chính là ánh sáng chân lý cứu độ. Để ngọn lửa này cháy lên thì ắt phải chịu “một phép rửa” đó là sự bỏ mình, hy sinh cái tôi ích kỷ vương đầy tham sân si. Một ước mơ nho nhỏ đó là số các thánh tử đạo ngày càng giảm dần nghĩa là số những người cao chức, nhiều quyền “không hiền lành” ngày càng ít đi. Cảnh thái bình thịnh trị mở ra, hoà bình và công lý được thực thi, người người biết yêu thương nhau trong sự tôn trọng cái khác biệt của nhau. Số thánh tử đạo giảm dần nhưng tinh thần tử đạo ngày càng phát triển. Vì yêu, chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi gian khổ và hy sinh như là điều phải vượt qua. Hiểu được điều này thì chúng ta mới cảm nhận được sự nhẹ nhàng và êm ái của cái ách Tin mừng, của cái gánh bác ái là yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (x.Mt 11,28-30).

Xin đừng hô hào hay đòi hỏi tha nhân chịu tử đạo thay mình. Xin hãy góp một chút hy sinh trong hoàn cảnh và khả năng của mình để làm chứng cho công lý, cho tình yêu, cho sự thật được triển nở. Xin hãy góp một chút nỗ lực hy sinh để giúp những người quyền cao chức trọng ngày càng “hiền lành” hơn, công minh và liêm chính hơn. Và nếu cần thì hãy sẵn sàng tìm cách đưa những người cố tình “không chịu hiền”, hành xử cách độc quyền, độc đoán xuống khỏi chức vụ cao họ đang đảm nhận. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thái độ hy sinh ở đây phải đượm tinh thần các thánh tử đạo đó là đón nhận hy sinh trong an bình, thanh thản, không mang hận thù, oán ghét. Xin tri ân các anh hùng tử đạo cha ông tiên tổ. Nhưng xin các Ngài cầu bàu cùng Thiên Chúa cho cháu con thoát khỏi cảnh khổ luỵ các Ngài đã đi qua. Phận cháu con nguyện một lòng phát huy tinh thần “chứng nhân” của các bậc tiền nhân bằng tình yêu thuơng phục vụ tha nhân không ngần ngại “hy sinh-bỏ mình” cho đến cùng. Sống tinh thần “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” chính là một trong những cách thế vừa làm rạng r gia phong vừa tỏ lòng hiếu đạo với tổ tiên ông bà, những đấng đã đổ máu đào ra làm hạt giống trổ sinh cây đức tin cho đoàn cháu con.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây