TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Các Thánh Tử Đạo và Hành trình khởi đi từ lý trí

Thứ năm - 14/11/2024 23:36 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   280
Tử đạo là một hành vi của nhân đức mạnh bạo và cốt yếu của đức mạnh bạo là lướt thắng sự sợ sệt hơn là kiềm chế sự liều lĩnh.
Các Thánh Tử Đạo và Hành trình khởi đi từ lý trí
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VÀ HÀNH TRÌNH KHỞI ĐI TỪ LÝ TRÍ


Hôm nay, Giáo Hội Việt Nam hân hoan mừng kính các Thánh Tử đạo, những người đã đổ máu đào trên mảnh đất hình chữ S này để làm chứng cho Đức Tin. Phần chúng ta, các thế hệ con cháu, chúng ta không dừng lại ở việc tôn vinh các Ngài trong những cử hành Phụng vụ, mà cần noi theo các Ngài hầu tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Đức Tin mà cha anh đã nung nấu. Ngọn lửa ấy được khởi đi từ lòng trung tín cùng với sự can đảm. Sự can đảm của họ không phát xuất thuần túy từ một thái độ liều lĩnh bốc đồng nhưng là kết quả của sự kết hợp giữa lý trí, tình yêu và ân sủng.

Vậy đâu là những yếu tố mà các vị tử đạo xưa được Giáo Hội nhìn nhận và tôn vinh?

Sự hiện diện của lý trí

Chẳng phải vì thế mà từ xưa, những người tự ý tìm kiếm cái chết như là cách để minh chứng cho đức tin bị xem là một hành vi thiếu lý trí, bị Giáo hội nghiêm cấm[1]. Nhìn lên mẫu gương của các Thánh tử đạo, chúng ta thấy họ không mảy may sợ hãi. Tuy nhiên, trước khi đi đến chóp đỉnh của Đức Tin là tử đạo thì họ cũng được lý trí mách bảo họ phải trốn chạy[2]. Việc tìm cách trốn chạy để bảo vệ mạng sống mình thì khôn ngoan hơn việc liều lĩnh lao đầu vào cái chết để chứng minh sự anh hùng của bản thân. Sự tử đạo của các ngài luôn khởi đi từ một lý trí biết phân định và suy xét thận trọng. Chắc hẳn mỗi chúng ta không ai là không biết câu chuyện chối Thầy của Phêrô.“Dẫu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35) và sau đó lại chối Thầy tới ba lần? Chẳng phải vì sự mù quáng của niềm tin tôn giáo mà bao kẻ cuồng tín đã sẵn sàng ôm bom lao mình vào các nhà thờ, các trường học,… với một ảo tường rằng họ đang tử vì đạo? Bởi thế, không phải cứ một hành vi liều lĩnh xông vào cái chết với lý do tôn giáo thì lại được ca ngợi và tuyên dương như một hành vi tử đạo.

Trong tích về các Thánh tử đạo, Thánh Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đa minh Đạt là những minh chứng hùng hồn hầu cho chúng ta sáng tỏ luận điểm này. Mùa xuân 1839, giáo hữu cả vùng Lục Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định bị truy bắt gắt gao. Tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh truyền cho binh lính đạp lên Thánh Giá. Nhiều người lính Công giáo có cả Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể và Đinh Văn Đạt đã nhắm mắt chấp nhận đạp lên ảnh Chúa. Nhưng lòng người lính cảm thấy áy náy, lương tâm cắn rứt vì tội bỏ đạo. Cả ba người lính nhất tâm thống hối, và cả ba (ông Huy, ông Thể và ông Đạt) cùng trở lại công đường Nam Định để xin tuyên xưng đức tin Công giáo: “Bẩm quan lớn, mấy ngày trước, chúng tôi đã trót dại chối bỏ đạo Chúa. Nay chúng tôi hồi tâm, xin trả tiền lại cho quan, để tôn thờ Chúa thật lòng”[3].

Nếu chỉ dựa vào lý trí đơn thuần thì sẽ không có hành vi tử đạo. Tử đạo là một hành vi của nhân đức mạnh bạo và cốt yếu của đức mạnh bạo là lướt thắng sự sợ sệt hơn là kiềm chế sự liều lĩnh[4]. Hành vi tử đạo, tuy phải khởi đi từ lý trí, nhưng phải chẳng đó mới chỉ là khởi tấu cho bản hùng ca được các vị tử đạo tấu lên?

Tiếng nói của tình yêu

Nếu chỉ dùng lý trí để quyết định cách hành xử trước các cuộc bách hại thì hẳn máu đào đổ ra làm chứng cho đức tin sẽ không nhiều như vậy. Phải có một động lực nào đấy thúc đẩy người ta, dù biết rằng bảo vệ mạng sống là điều đúng đắn và hợp lý nhưng vẫn xả thân. Nếu chỉ dùng lý trí phán đoán, đức tin dễ bị lung lay, đặc biệt khi đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chỉ cần bước qua thập giá, tôi sẽ thoát khỏi những cực hình đau đớn. Chỉ cần bước qua thập giá, tôi sẽ được sống. Tại sao tôi phải đổi mạng sống còn sờ sờ ngay đây cho một sự sống mơ hồ mai sau? Đức Kitô có hiện ra và bảo đảm cho tôi sự sống vĩnh cửu không? Không có gì cả. Chỉ có một lời giải thích cho sự can trường này dù các ngài phải sống trong sợ hãi, đó là tình yêu. Chính tình yêu mới là động lực thúc đẩy các ngài dám hiên ngang làm chứng cho đức tin vì lòng mến Chúa[5]“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Khi nhìnvào bản văn Phụng vụ các Thánh tử đạo Việt Nam, ta thấy một điều “khác thường”  khi bài đọc chỉ nói đến niềm vui. Đặc biệt là lời Thánh vịnh 125: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan”

Theo cái nhìn thông thường, làm sao có thế tấu lên được những lời ca vui mừng này khi mà trong gần 300 năm chịu bách hại, người Công giáo Việt Nam đã phải trải qua bao là thử thách: Nào là gông cùm, tù tội, xiềng xích…. Với 53 sắc chỉ cấm đạo trải dài qua 6 triều vua, hơn 130.000 tín hữu đã phải hi sinh mạng sống vì niềm tin của mình.

Không chỉ Giáo hội tại Việt Nam mà trong suốt dọc dài lịch sử của mình, Giáo hội luôn phải đương đầu với muôn vàn thử thách. Các Kitô hữu thời tiên khởi tại Giêrusalem đã sớm phải đối diện với những cấm cách và bách hại, nhưng các ngài không hề tỏ ra sợ hãi. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại rằng  dù bị giới chức Do Thái đe doạ, sỉ nhục, các chứng nhân của Đức Kitô khi vừa bước ra khỏi hội đường, lòng dạ các ngài đã hân hoan vì “được coi là xứng đáng chịu khổ hình vì danh Đức Giê-su” (Cv 5, 41).

Cũng tinh thần ấy, các thánh Tử Đạo Việt Nam – cha ông chúng ta đã anh dũng hiên ngang tiến ra pháp trường, sẵn sàng chấp nhận những cực hình, các ngài cảm thấy hãnh diện vì được chịu đau khổ vì danh Chúa như trường hợp của Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc:

Lạc rầy đã rõ chốn quân quan
Bút chép thơ này gửi thở than
Lòng nhớ bạn non còn vất vả
Dạ thương khách chạy chưa yên hàn.

 
Đông qua tiết lại thời Xuân đến
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên đàng.


Các vị tử đạo tuy sống ở những giai đoạn khác nhau, với bậc sống khác nhau, công việc và địa vị xã hội khác nhau. Về bậc sống, các vị phần đông là giáo dân, số ít hơn là giám mục, linh mục, thầy giảng. Về địa vị xã hội, có những vị đang giữ những chức vụ cao trong triều đình thời bấy giờ như trường hợp của thánh Micae Hồ Đình Hy là một quan thái bộc. Các ngài đã yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Người, và vì yêu mến Thiên Chúa, các ngài yêu mên người lân cận như chính mình[6]. Điều này khác hẳn với những kẻ liều chết vì niềm tin tôn giáo, vì đại nghĩa mà thiếu đức ái. Họ có thể chịu chết trong khi vẫn nguyền rủa, oán hận kẻ thù; họ có thể liều chết vì một mục đích thiếu cao thượng nào đó hay do sự bốc đồng của bản thân. Ngay cả khi cái chết có vì một nghĩa cử cao quý nhưng nếu không có đức ái, đó không phải là hành vi đẹp lòng Chúa[7].

Ân sủng rợp bóng

Để thực sự trở nên một hành vi làm chứng cho đức tin, việc tử đạo, một mặt khởi phát từ con người, mặt khác phải do ân sủng của Thiên Chúa tác động. Và ân sủng mới là điều quan trọng hơn cả, nếu không, ta sẽ ngộ nhận, và vướng vào lối lập luận của phái Ngộ giáo và Pelagio, khi cho rằng, chỉ cần con người yêu mến và nỗ lực nhiều là đã có thể nên thánh và đạt được sự sống đời đời. Giáo hội dạy, chỉ có ân sủng mới có thể làm cho con người được nên công chính và được cứu độ, chứ bản thân con người không thể tự mình đạt được[8]. Chính ân sủng của Thiên Chúa “kiện toàn chính linh hồn để nó có khả năng sống với Thiên Chúa và hành động vì tình yêu của Ngài”[9].

Ân sủng của Thiên Chúa giúp người tín hữu lựa chọn sống cho Đức Giêsu, dù thế gian cho đó là điều điên rồ. Thánh Phaolô xác quyết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23). Ân sủng, do đó, “đưa chúng ta vào sự thân mật của sự sống Chúa Ba Ngôi[10]”. Nhưng để ân sủng có thể hoạt động hiệu quả, người tín hữu phải tự do đáp trả. Như thế, hành vi tử đạo, trong tư cách là một chứng tá đức tin, phải có sự cộng tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và sự tự do của con người.

Nhưng làm sao một tín hữu có thể lãnh nhận ân sủng khi họ phân định, lựa chọn và quyết định đón nhận phúc tử đạo? Trước hết, để đón nhận ân sủng cách trọn vẹn, con người phải chuẩn bị. Chỉ riêng sự chuẩn bị ấy đã là “một công trình của ân sủng[11]”, và sự chuẩn bị này có nền tảng từ việc con người, tự bản tính, luôn quy hướng về Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã ban cho con người lý trí, để con người nhận biết Thiên Chúa nơi công trình tạo dựng, và ý chí, để con người luôn hướng mình tới điều thiện hoàn hảo nhất[12].

Như thế, việc chuẩn bị đón nhận ân sủng được thực hiện nơi việc con người rèn luyện lý trí và ý chí. Điều này cũng có nghĩa, các vị tử đạo khi phải suy xét thiệt hơn của việc lẩn tránh hay đối mặt với quan quyền, các vị cũng được ân sủng tác động, chứ đó không đơn thuần là sự hoạt động của lý trí và ý chí. Nhưng điều cốt yếu nhất chính là sự khao khát nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Thực tế cho thấy, các vị tử đạo vẫn luôn cầu nguyện, dù khi đang lẩn trốn hay khi đứng ở pháp trường. Nhờ cầu nguyện, các ngài có thể lắng nghe và nhận biết thánh ý của Thiên Chúa cách rõ ràng hơn cả. Những cuộc bách hại thảm khốc bao giờ cũng vượt quá sức chịu đựng của con người. Nhiều người đã không chịu được sự khốc liệt đó mà đã chối bỏ đức tin. Còn đối với những tín hữu nào, tuy chưa đủ can đảm đối mặt với quan quyền thế gian, thì ân sủng vẫn hoạt động hiệu quả nơi họ. Vì họ đã không bỏ Chúa, vẫn kiên trì gìn giữ và thông truyền đức tin cho người khác. Đó đã là việc họ tự do đáp trả lời mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu rồi. Và ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ mạnh mẽ nhất nơi lời cầu nguyện của các ngài trước khi các ngài chịu hành hình. Sau khi đã suy xét bằng lý trí, vì yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội, thậm chí yêu mến cả những kẻ bách hại mình, được ân sủng tác động, các ngài can đảm và tự do đón nhận phúc tử đạo. Lúc đó, nhờ ân sủng và sự tự do đáp trả từ phía con người, mà chính họ được Thiên Chúa trao cho triều thiên vinh hiển[13]

Nhìn vào cộng đoàn tín hữu tiên khởi, khi đối mặt với hiểm nguy, cộng đoàn này “không cố gắng phân tích xem phải phản ứng ra sao, tìm các chiến thuật nào, phải tự bảo vệ hay dùng biện pháp nào”, tức họ không chỉ cậy dựa vào lý trí, nhưng họ cậy nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa và “bắt đầu cầu nguyện[14]”. Ân sủng, được trao ban nơi các Bí tích, được củng cố và nên dồi dào qua việc cầu nguyện và sống theo lề luật, còn trao ban cho con người niềm hy vọng vào sự sống đời sau, dù cho họ có gặp hiểm nguy thế nào. “Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rm 5,3-4).

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng[15].
 
 Đức Hữu

[1] x. Phan Tấn Thành, “Chứng tá và Tử đạo: Từ chứng tá đến tử đạo – Từ tử đạo đến chứng tá”, Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11-2018), tr. 72.
[2] Tin Mừng Mátthêu đã thuật lại việc Đức Giêsu  đã từng lẩn trốn không dưới một lần. Đầu tiên, sau khi biết tin ông Gioan Tẩy Giả bị bắt, Đức Giêsu đã lánh qua miền Galilê (x. Mt 4,1-13). Kế đó, khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, Người đã lánh vào một nơi hoang vắng (x. Mt 14,13-14). Hai trình thuật ấy nói lên điều gì? Phải chăng, Đức Giêsu sợ Hêrôđê? Không hẳn, nếu vì sợ thì Người sau đó đã chẳng dám công khai rao giảng Tin Mừng để rồi cuối cùng tự nguyện nộp mình chịu chết. Nhiều nhà chú giải cho rằng việc lánh đi khỏi quyền lực tàn bạo đang gia tăng lúc bấy giờ thể hiện sự thận trọng của Đức Giêsu. Người biết rằng, con đường của Người cũng giống như Gioan, là làm chứng cho sự thật, nên việc liều lĩnh xông vào chỗ nguy hiểm không phải là một hành vi khôn ngoan. Người biết rằng, sẽ có ngày Người phải chết, nhưng khi giờ của Người vẫn chưa tới, Người phải sống để tiếp tục loan báo Tin Mừng, vì giảng dạy cũng là một nhiệm vụ cần phải chu toàn. Việc lẩn trốn khỏi sự tàn bạo của kẻ thù sẽ giúp Người có tự do để làm những gì cần làm mà không phải bận tâm tới việc bị bắt hay bị bách hại. Như thế, Đức Giêsu dù đến thế gian để chết thay cho nhân loại, nhưng chặng đường dẫn đến cái chết trên Thập Tự là một hành trình mà mỗi bước đi đều được tính toán cẩn thận.
[4] x. Phan Tấn Thành, “Chứng tá và Tử đạo: Từ chứng tá đến tử đạo – Từ tử đạo đến chứng tá”, Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11-2018), tr. 72.
[5] https://thinhviendaminh.net/tu-dao-ly-tri-tinh-yeu-va-an-sung/ truy cập lúc 8h18’, ngày 15.11.2024
[6]GLHTCG, số 1822.
[7] x. Phan Tấn Thành, “Chứng tá và Tử đạo: Từ chứng tá đến tử đạo – Từ tử đạo đến chứng tá”Thời sự Thần học số 82 – Chứng nhân, Trung tâm Học vấn Đa Minh, tháng 11-2018, tr.56
[8] GLHTCG, số 1996.
[9] GLHTCG, số 1999.
[10] GLHTCG, số 1997.
[11] GLHTCG, số 2001.
[12].GLHTCG, số 1704.
[13] https://thinhviendaminh.net/tu-dao-ly-tri-tinh-yeu-va-an-sung/ truy cập lúc 8h40’, ngày 15.11.2024
[14] Biển Đức XVI, Cầu nguyện, Dg. Giuse Phan Văn Phi, O.Cist (Đồng Nai: Đồng Nai, 2019), tr. 266.
[15] Lời tổng nguyện lễ các thánh tử đạo Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây