TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phục Vụ: thước đo niềm tin

Thứ năm - 13/05/2021 00:35 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   781
Phục Vụ: thước đo niềm tin

Chúa Nhật XXIX – TN – B

“Phục Vụ”: thước đo niềm tin của mình

Kinh Thánh cho biết Đức Giê-su ba lần loan báo việc Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem chịu tử nạn và ba ngày sau sẽ Phục Sinh.

Với chúng ta hôm nay, có lẽ không ai lại không biết tầm quan trọng của lời loan báo này. Thế nhưng, với các môn đệ xưa, thì khác. Chỉ cần nghe hai chữ “lên Giê-ru-sa-lem”, nỗi lòng các ông lại dâng trào những ưu tư, những băn khoăn, những trăn trở, rất đời thường.

Vâng, thật là những suy nghĩ rất đời thường, khi nỗi lòng anh cả Phêrô đã băn khoăn, với lần loan báo thứ nhất, rằng: tại sao Thầy lại chịu nộp mình, để rồi ông “trách” Đức Giê-su khiến cho Ngài đã lớn tiếng trách lại ông, rằng: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Lần loan báo thứ hai, thật đáng tiếc! Mười hai người môn đệ không ai hiểu lời loan báo đó. Không hiểu, nhưng lại sợ không dám hỏi Thầy mình. Ngược lại, nỗi lòng các ông bùng lên sự trăn trở, rằng: “ai là người lớn hơn cả!” Trước nỗi trăn trở này, Đức Giê-su đã dạy các ông một bài học, rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc 9, 35).

Với lần thứ ba, lời loan báo của Đức Giê-su vẫn như chỉ là tiếng vọng trong sa mạc. Trước một biến cố quan trọng như thế, thế mà trong số các ông lại chỉ nghĩ đến những khát vọng rất đời thường. Thầy “lên Giê-ru-sa-lem” để làm gì, các môn đệ không một chút băn khoăn trăn trở. Các ông chỉ trăn trở băn khoăn về quyền lợi, quyền lực, chức vụ và rằng ai sẽ là người “ngồi chiếu nhất”.

Ai sẽ là người ngồi chiếu nhất ư! Trước nỗi ưu tư này, Đức Giê-su đã dạy cho các ông một bài học. Bài học này được chép lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 10, 35-45)

**
Vâng, chuyện xảy ra vào hôm Đức Giê-su cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Hôm đó, cũng là lần thứ ba, Ngài loan báo với các môn đệ, rằng: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp... sẽ bị đánh đòn và giết chết... Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (x.Mc 10, 33-34).

Ba lần loan báo “Con Người sẽ bị nộp”, thế mà các ông vẫn “chẳng hiểu gì cả”. Thế nhưng, có một điều, các ông lại hiểu. Tiêu biểu là hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an. Họ là người am hiểu nhất. Hai ông hiểu rằng: “Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” chính là lúc Thầy mình “được vinh quang”.

Chính vì thế, hai ông mon men đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.

Hai ông xin gì? Thưa, hai ông nói lên khát vọng của mình với Đức Giê-su, rằng: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.

Ôi! không thể phủ nhận lời cầu xin này có “hơi hướng” đầy tham vọng và nó đã làm cho “mười môn đệ kia đâm ra tức tối”.

Tuy thánh sử Máccô không nói chi tiết về sự tức tối của các ông như thế nào, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng, mười hai ông môn đệ, ông nào cũng muốn ngồi chiếu nhất trong thiên hạ.
Phần Đức Giêsu, có phần chắc, nỗi khát vọng của anh em nhà Dêbêđê lại chính là nỗi thất vọng của Ngài.

Ba năm theo Thầy Giê-su, nghe biết bao nhiêu lời giảng dạy của Ngài, chẳng lẽ các ông quên lời Đức Giê-su đã tuyên dạy: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” hay sao? (x.Mt 5, 6).

Để được “ngồi bên hữu hay ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” ư! Đức Giê-su nói: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Chén Thầy sắp uống… Phép rửa Thầy sắp chịu… Vâng, nó như là lời nhắc nhở cho hai ông, rằng: đó chính là sự đau khổ mà Đức Giêsu sắp phải chịu. Và trước đau khổ đó, hai ông có sẵn sàng đón nhận không?

Nói tắt một lời, phải qua đau khổ mới vào vinh quang.

Hôm đó, thay cho lời hứa ban, Đức Giê-su nói với cho các môn đệ, rằng: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. (x.Mc 10, …40).

Cuối cùng, để cho mười hai môn đệ không còn nhìn nhau bằng ánh mắt “hình viên đạn đồng”; Đức Giê-su nói với các ông, rằng: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người”.

***
Đức Giê-su đã thực thi đúng như những gì Ngài đã nói. Trong bữa Tiệc Ly, chuyện kể rằng: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (x.Ga 13, 4-5)

Ôi! Có hình ảnh nào nói lên tinh thần phục vụ đẹp như hình ảnh này. Và còn đẹp hơn thế nữa, đó là hình ảnh “Người vác thập giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá”... Ngài đã chết ở đó... một cái chết “làm giá chuộc muôn người”

Thế còn các môn đệ, sau này, có thực thi đúng những gì Đức Giê-su đã dạy? Thưa có, một trong hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê đã chết bởi bàn tay vua Hê-rô-đê A-gríp-pa, như một điển hình. (x. Cv 12, 2)

Về cái chết của tông đồ Gia-cô-bê, tác giả Nguyễn Ngọc Thế - SJ, trong một bài viết, đã có lời chia sẻ: “Các ông sống tinh thần dấn thân dám hy sinh như Ngài, dám can đảm bỏ tất cả mọi sự, bỏ cả chính mình, để vác thánh giá theo Giêsu, và cùng chia sẻ chén đắng cùng phép rửa với Ngài. Đây chính là chiều sâu của tiếng gọi Giêsu, mà Mác-cô đã nhắc đến trong 3,14: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người.”

Ở với Người để chia sẻ một tình bạn tri kỷ, để chia sẻ một bàn ăn mỗi ngày, để chính các ông học hỏi, chiêm ngắm Giêsu, Thầy mình và sau đó bắt chước Thầy sống dấn thân cho Tin Mừng, cho tình yêu và cho Nước Trời.

Sự dấn thân này, và chia sẻ tình bạn với Giêsu đạt tới cao điểm, khi các ông cùng bước đi với Đức Kitô trên con đường thập tự.” (nguồn: internet)

****
Và bây giờ là đối với chúng ta. Là một Ki-tô hữu, chúng ta đã sống tinh thần phục vụ như Đức Giê-su đã truyền dạy, hay chưa!

Có lẽ, chúng ta sẽ nghe được nhiều tiếng xầm xì, rằng “Ôi! Thật khó để mà sống tinh thần phục vụ như Đức Giê-su đã truyền dạy”. Tại sao? Phải chăng vì “những nỗi yếu hèn của chúng ta?”

Nếu đúng là vậy, tạ ơn Chúa, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái có lời chia sẻ với chúng ta, rằng: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta…” (Dt 4, 15)

Vâng, Chúa Giê-su biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, Ngài biết “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” là một nan đề lớn đối với chúng ta.

Thế nhưng, “hiến” sự-nhẫn-nhục, lòng-nhân-hậu, lòng-từ-tâm, sự-trung-tín, sự-hiền-hòa, sự-tiết-độ v.v… thì, chẳng lẽ chúng ta không thể làm được hay sao?

Hãy thử tưởng tượng, khi chúng ta “hiến” những điều nêu trên, điều gì sẽ xảy ra?

Phải chăng là, chúng ta biết để tâm đến nhu cầu của người khác, của cộng đoàn, từ đó chúng ta sẵn sàng sống tinh thần phục vụ một cách nhưng không? Thưa, đúng vậy.

Hãy thử tưởng tượng thêm một lần nữa, nếu chúng ta “hiến” những điều nêu trên, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là, chúng ta đủ dũng cảm để cất lên lời nguyện với Đức Giê-su, rằng: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”?

Về điều này, thánh Phanxicô Asisi đã làm được. Và gần đây, chắc hẳn chúng ta chưa quên mẹ Têrêsa Calcutta, bà ta cũng đã làm được. Vâng, đó là nhờ bà ta đã dám tự hạ mình xuống “làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường”.

Làm những sự bình thường, như: một nụ cười, một lời cảm ơn, hay một lời xin lỗi, chẳng hạn, chẳng lẽ chúng ta không làm được hay sao? Chẳng lẽ chúng ta lại đổ lỗi cho những yếu hèn của chúng ta?

Vâng, con người là một thọ tạo đầy yếu đuối, chính vì thế, hãy nghe lời khuyên của tác giả sách Do Thái mà “mạnh dạn tiến lại gần Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”! (Dt 4, 16).

Với “ơn trợ giúp” có thể chúng ta chưa thể hành động như Đức cha Jean Cassaigne, vị cha hiền của người sắc tộc thiểu số và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy, Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh, nhưng chẳng lẽ chúng ta không thể trở thành một người láng giềng thân thiết của mọi người, một người chồng biết yêu thương vợ, một người vợ dám phục tùng chồng, hơn thế nữa không ngại ngùng “làm người phục vụ anh em” sao!..

Nét đẹp của Ki-tô giáo, theo lời Lm Jude Siciliano, OP. chia sẻ thì: “...không thể đo lường bằng những thành công bên ngoài: Nhà thờ to, tín hữu đông, rước sách rầm rộ, được vua quan và thiên hạ kính nể...”.

Đúng vậy, tại Châu Âu có biết bao nhà thờ rất đẹp, rất lớn... thế nhưng, cộng đoàn tham dự tại đó lại tỷ lệ nghịch so với sự to lớn của ngôi thánh đường.

Có một linh mục tâm sự rằng: Tôi làm chánh xứ mấy chục năm, chưa bao giờ thu phục được một người theo đạo. Vậy mà, khi nhà xứ thành lập một phòng khám bệnh từ thiện, cứ một vài tháng lại có “lai rai” vài người đến xin theo đạo.

Điều này nói lên điều gì? Thưa, nó củng cố thêm rằng: điều vĩ đại của Ki-tô giáo, không chỉ là Thánh giá Chúa Kitô, mà còn là cung cách phục vụ tha nhân một cách nhưng không.

Hãy nhớ, trước khi thực hiện điều vĩ đại chết trên thập giá tại đồi Golgotha, Đức Giêsu đã công bố một thông điệp rằng “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Thế nên, là một Ki-tô hữu, đừng quên, “phục vụ” chính là thước đo niềm tin của mình.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây