TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ta đã thấy gì?

Thứ sáu - 14/05/2021 05:08 | Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện |   730
Ta đã thấy gì?

TA ĐÃ THẤY GÌ?

Bài đọc trích thư Ephesô 5,21-33 (Thứ tư tuần 30 TN) mô tả một linh đạo cho đời  sống gia đình, nhưng dường như hơi lạc điệu với suy nghĩ của con người hiện đại. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta chứng kiến nhiều người trải qua thảm cảnh gia đình, không bút nào tả xiết.

Thánh Phaolô nói:

Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.

Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ, cũng giống như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh.

Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chinh Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.

Vậy người làm chồng hãy yêu vợ như chinh minh, còn vợ thì hãy kinh sợ chồng.


Lời khuyên của Thánh Phaolô tưởng chừng như đơn giản và đẹp như một áng thơ: “chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu Hội Thánh, vợ hãy kính sợ chồng (tùng phục chồng trong mọi sự)”. Nhưng nếu các gia đinh Kitô hữu sống được những lời trên, thì sẽ có muôn muôn cặp gia đình được phong thánh và có lẽ nhân loại đã trở lại đạo hết mà không cần đến các nhà truyền giáo!
 

Nhưng thực trạng các gia đình lại khác xa những lời khuyên của Thánh Phaolô. Trong thế giới hiện đại, sự chung thủy trong hôn nhân cũng là một thách thức lớn, đến độ các thiệp cưới bây giờ, người ta rất ngại ghi câu Kinh Thánh: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”, và thay vào câu khác nhẹ nhàng hơn: “Nguyện Chúa chúc phúc cho tình yêu của chúng con, hôm nay và mãi mãi”.
 

Tôi đã thấy những người chồng vợ mất sớm, chán chường cuộc sống, thường rơi vào thói nghiện rượu. Tôi đã thấy những người vợ bị chồng đánh cho bầm mặt mũi vì không cung cấp tiền cho mình đánh bạc. Tôi tự hỏi: tại sao họ chấp nhận bị hành hạ mà không kêu cầu luật pháp trừng trị chồng mình? – Có lẽ là vì nghĩ đến con cái và vẫn nuôi hy vọng chồng mình thay đổi. Tôi đã thấy những người chồng bị vợ bỏ để chạy theo một mối tình khác, để lại một gia đình tan tác và những đứa con lạc lõng. Tôi vẫn thường nghĩ: thật là một đại họa cho người bị vợ hay chồng bỏ, một gánh nặng thể lý và tổn thương tâm lý.

Nhìn những cảnh gia đinh tan vỡ, nhiều người đưa ra một kết luận: vợ chồng muốn hòa thuận thì phải biết chịu đựng nhau, vì ai cũng có tật này tật nọ. Còn Thánh Phaolô, chỉ trong một đoạn văn thôi, Ngài đã dùng đến 2 lần chữ ‘kính sợ’: “Vì lòng kính sợ Chúa, vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau; vợ hãy kính sợ chồng”.  Kính sợ thì khác với sợ hãi. Khi nói về nhân đức thờ phượng, Chúa dạy chúng ta phải ‘kính sợ Đức Chúa Trời’ chứ không phải là ‘sợ hãi Ngài’. Sự kính sợ mang yếu tố tự nguyện và tôn kính, còn sợ hãi mang yếu tố bị ép buộc và thụ động. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường dùng bạo lực để dọa nạt nhau và làm cho nhau sợ hãi, ngay cả trong gia đình.

Thánh Phaolô dạy: VÌ LÒNG KÍNH SỢ ĐỨC KITÔ, VỢ CHỒNG HÃY TÙNG PHỤC LẪN NHAU. Thánh nhân không muốn nói đến trật tự và cách vận hành của gia đình mà muốn nói đến  một con đường nên thánh của gia đình Kitô hữu là HÃY SỐNG THEO LỜI DẠY CỦA TIN MỪNG VÀ THEO SỰ THÚC ĐẨY CỦA THẦN KHÍ. Nói cách khác, mỗi người hãy điều chỉnh đời mình để thực hành các nhân đức Kitô giáo như: công bình, bác ái, tha thứ, nhẫn nhục, khiêm tốn, tôn trọng sự thật … thì bỗng dưng gia đinh êm ấm. Còn nếu một trong hai người rơi vào đam mê tội lỗi nào đó như ngoại tình, dối trá, cờ bạc, nghiện ngập, đua đòi … thì làm gì còn sự kính trọng và tuân phục (Submit) lẫn nhau nữa.

Khi chứng kiến sự tan rã của các gia đinh, người ta thường nêu lên những lý do: thời gian tìm hiểu không kỹ và học giáo lý sơ sài, không có kỹ năng sống … nên nảy sinh ‘những bất đồng không thể hàn gắn’. Những chuẩn bị cho các bạn trẻ là rất cần thiết và cũng tránh được nhiều cuộc tình đổ vỡ. Nhưng lý do thực sự gây nên sự đổ vỡ của các gia đình là 'lòng đạo bị sa sút', là do một trong hai người hoặc cả hai người đã biến chất, sống theo lối sống ích kỷ của mình nên gạt phăng người kia ra khỏi vòng tay yêu thương. Lòng kính sợ Chúa được hiểu nôm na là lòng tin, lòng cậy và lòng mến, là việc việc tuân giữ Lời Chúa. Thực ra chẳng ai dò được lòng người, dù có tìm hiểu kỹ bao nhiêu, vì cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình hơn là một thực tại tĩnh để ta chọn lựa. Thử nhìn lại cuộc sống hôn nhân của những bậc cha ông chúng ta ngày xưa: cha mẹ dàn xếp cả, vậy mà cứ sống với nhau đến đầu bạc răng long! Tất cả là vì họ có lòng đạo đức, yêu mến Chúa và yêu tha nhân như chính mình.

 


Vậy nên, ĐẦU MỐI KHÔN NGOAN LÀ LÒNG KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI. Vợ chồng hãy khuyến khích nhau sống đạo: đạo trong nhà thờ và đạo trong cuộc đời. Hãy điều chỉnh những khuynh hướng ngoại giáo đang len lỏi vào những câu chuyện được bàn luận trong gia đình và hãy tập cầu  nguyện chung với nhau. Và một điều nữa cũng rất quan trọng là vợ chồng hãy luôn cầu nguyện cho nhau: biết bằng lòng với cuộc sống, biết đón nhận nhau và biết nỗ lực tìm kiếm sự trọn lành.

Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây