TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tháng các linh hồn: Một chút gì để nhớ

Chủ nhật - 26/11/2023 09:01 | Tác giả bài viết: Lm. Antôn Trần Xuân  Sang, SVD |   433
Hôm nay đã là những ngày cuối cùng của tháng 11, tháng các linh hồn. Những ngày qua chúng tôi có nhiều sự kiện đặc biệt tại nước Paraguay là đất nước tôi đã xem như là quốc gia thứ II của mình
Tháng các linh hồn: Một chút gì để nhớ
 

Hôm nay đã là những ngày cuối cùng của tháng 11, tháng các linh hồn. Những ngày qua chúng tôi có nhiều sự kiện đặc biệt tại nước Paraguay là đất nước tôi đã xem như là quốc gia thứ II của mình dù có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Vì chúng tôi đã đính ước với quốc gia này trong ngày chúng tôi nhận thánh giá truyền giáo nên chúng tôi phải cố gắng sống và yêu qúy nó như là khế ước của một cuộc hôn nhân.

Vậy mà… thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, bây giờ tôi đã làm việc trong môi trường đào tạo để huấn luyện các nhà truyền giáo trong tương lai. Tôi có dịp ngồi lại ngẫm nghĩ những công việc và những gì xảy ra trong quá khứ để gợi lại một chút gì để nhớ, để thương.

Những năm đầu cuộc sống truyền giáo ở đây, tôi đã gặp biết bao cơn sóng gió và thử thách, nào là ngôn ngữ, thức ăn, thời tiết… và có một lần thập tử nhất sinh phải nằm ba tuần trong phòng cấp cứu. Có những lúc mình phục vụ mà dường như chẳng ai thèm dòm ngó hay tỏ lòng biết ơn mình. Những lúc ấy tôi đã muốn bỏ cuộc và quay về quê hương của mình để nếu có chết thì cũng được gần bên những người thân và đồng hương của mình. Có lẽ những năm đầu tiên ấy, tôi chưa cảm nghiệm và chưa “yêu” người “tình truyền giáo” của mình, chưa thật sự hiểu công việc và cam kết của mình nên đã có những ý nghĩ tiêu cực ấy.

 

Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có cuộc họp Đào tạo liên vùng bao gồm các Bề trên và các nhà Đào tạo thuộc các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Cuộc họp này nhằm để định hướng về việc huấn luyện, vì những năm gần đây ở các nước Âu châu và châu Mỹ Latinh đang có sự khủng hoảng ơn gọi trầm trọng. Chính vì thế, các vị Bề trên và các nhà Đào tạo thuộc các nước có cùng văn hóa, ngôn ngữ giống nhau muốn hình thành các Liên Chủng Viện Quốc tế hay các Trung Tâm Đào Tạo Ơn Gọi liên quốc gia để vừa tiết kiệm được nhân lực và kinh tế và cũng để có thể hợp tác với nhau trong những vấn đề quốc tế nữa.
 

Trong những ngày hội họp đó chúng tôi được nghe những vị linh mục đồng nhiệm chia sẻ về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của từng quốc gia mà họ đang làm việc. Chúng tôi cũng được nghe những kinh nghiệm truyền giáo của từng người trước khi được bầu làm Bề trên hay được bổ nhiệm làm việc trong công tác huấn luyện. Nếu so với người Á châu và người Việt thì chúng tôi cũng không đến nỗi nhỏ con lắm, nhưng nếu so với những người Âu châu và châu Mỹ Latinh thì chúng tôi là người thấp bé nhất. Tuy nhiên, đó không phải là điều gì to tát mà hệ tại ở chỗ là chúng tôi hiểu nhau và làm việc rất ăn ý với nhau.

Một trong những cậu chuyện mà tôi rất thích khi một anh em linh mục người Ấn độ đang làm việc ở Colombia kể chúng tôi nghe. Trong những năm đầu cha được sai đến thì cha làm việc ở một giáo xứ toàn dân đầu gấu bên ấy. Cha kể rằng chỗ giáo xứ cha ở toàn là dân nghiện ngập, cướp bóc và đâm chém xảy ra như cơm bữa. Một buổi tối khi cha đang ở nhà một mình và chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng động bên nhà dưới. Cha vội chạy xuống xem thì thấy hai tên cướp đang dở mái ngói trèo xuống nhà định cướp. Vừa thấy cha, chúng vội rút dao định đâm để tẩu thoát. Cha khá bình tĩnh và cũng chạy lại cầm con dao phay thật lớn và nói với bọn cướp: “Nếu tụi bay muốn đâm tao thì nhào vô coi thử đứa nào chết!”. Bọn cướp nghe vậy cũng hoảng hồn vì biết không dễ gì ăn hiếp ông cố đạo có vẻ bạo lực và không sợ chết này nên vội bỏ đi. Mấy ngày sau chúng quay lại gặp ông cha và hứa từ đó trở đi sẽ không đi cướp nữa nhưng nếu cha có việc gì làm thì cho chúng làm để có thể đổi nghề. Cũng từ đó ông cha này đã tạo nhiều việc làm cho xóm đạo đó và cũng bớt đi tệ nạn cướp bóc và đâm chém. Ngay cả cảnh sát và chính quyền cũng ngạc nhiên khi biết tin này. Qua đó, tôi cũng thấy rằng không phải lúc nào “nhu cũng thắng cương” nhưng đôi lúc cũng phải tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn trước những sự kiện mà xem ra khó giải quyết. Chính lúc đó Thiên Chúa sẽ ra tay để giúp chúng ta.

Rạng sáng ngày 31/10 vừa qua, đúng ngày tôi kỷ niệm thụ phong linh mục, cha Bề trên ở đây có nhờ tôi đi đón một anh em linh mục người Việt. Người anh em này  được đào tạo và thụ phong linh mục bên Chicago, Hoa Kỳ vào tháng 5 năm nay và có bài sai truyền giáo bên Paraguay. Ngài từng thực tập mục vụ hơn 2 năm ở quốc gia láng giềng Argentina nên khả năng tiếp thu tiếng Tây Ban Nha khá tốt. Sau khi chịu chức linh mục tại Hoa Kỳ, vị linh mục trẻ này cũng về Việt Nam nơi từng chôn nhau cắt rốn để dâng lễ tạ ơn và vinh quy bái tổ. Khi được hỏi là tại sao lại chọn Paraguay hay Argentina mà không chọn một quốc gia khác để làm việc truyền giáo vì ở các nước Nam Mỹ có hơn 90% dân số Công giáo? Người anh em linh mục trẻ này trả lời rằng, lý do chọn Paraguay vì hơn 2 năm ở Argentina anh đã chứng kiến việc tham dự dự thánh lễ Chúa nhật của những quốc gia được xem là Công giáo toàn tòng này chỉ có vỏn vẹn mấy người. Anh muốn làm một cái gì đó theo lời mời gọi của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “Tân Phúc Âm Hóa và Tái truyền giảng Tin Mừng” cho những người được xem là Công giáo mà không thực hành Công giáo. Xin chào mừng người anh em. Như vậy là hiện giờ ở Paraguay có 3 anh em linh mục Việt Nam thuộc Dòng Ngôi Lời và 4 Tu Sĩ trẻ Dòng Don Bosco. Lẽ ra một anh em linh mục nữa từ Việt Nam đã phải qua đây từ lâu vì có bài sai hơn 2 năm qua. Nhưng có lẽ vì ngài chưa dám dấn thân hoặc thích ở lại Việt Nam để được tận hưởng thêm những vinh quang trần thế vì ở Việt Nam hay ở các xứ có người Việt mình thì linh mục được được chăm sóc khá chu đáo. Đó cũng là một lựa chọn.
 

Dù tôi sinh ra và được rửa tội ở Giáo xứ Đồng Tiến- Sài Gòn. Nhưng do thời cuộc sau biến cố 1975, gia đình chúng tôi bị đẩy lên vùng kinh tế mới và từ đó chúng tôi lớn lên và gắn bó với giáo xứ mới này. Ngày chịu chức linh mục là ngày 31/10 cùng với 6 anh em thuộc các tỉnh khác nhau nên chúng tôi chia nhau khác ngày để tất cả cùng nhau hiện diện trong thánh lễ mở tay như là một khởi đầu của sự hiệp thông. Nhìn những bức hình chụp chung với các linh mục trong ngày lễ mở tay cách đây không lâu nhưng hiện giờ nhiều người không còn nữa, trong đó có những người mà mình rất thân. Vẫn biết cuộc sống tạm bợ này nay còn mai mất nhưng khi nghe tin một người nào đó mà mình thân, mình quen biết ra đi là mắt lại cay cay. Chúa nhật rồi có một người quen ở Đức quốc báo tin xin tôi cầu nguyện cho mẹ anh vừa qua đời ở Việt Nam. Anh không thể về thọ tang mẹ vì chưa xin phép được và nghe giọng anh nghẹn ngào dù anh đã gần 60. Nghe nhắc đến mẹ làm chúng tôi cũng chợt buồn vì mẹ mình cũng đang đau nặng có lúc tỉnh, lúc mê không biết khi nào Chúa gọi về. Nhớ lại những câu ca dao về cha mẹ mà lòng chợt nhói đau nếu ngày nào đó mình không còn cha mẹ “Còn cha còn mẹ thì hơn; Không cha, mất mẹ như đờn đứt dây!”. Cũng đôi tay linh mục này chúng tôi đã từng cử hành biết bao thánh lễ, trong đó có lễ rửa tội, lễ rước Chúa lần đầu, lễ cưới… và lễ an táng cho biết bao người nhưng không biết chúng tôi có được diễm phúc để gặp cha mẹ mình lần cuối để làm tròn chữ hiếu hay không!

Tháng 11 - Tháng Các Linh Hồn, xin dành những giây phút đặc biệt trong dịp kỷ niệm lễ mở tay để cầu cho những người thân yêu đã qua đời. Xin Chúa tha thứ những tội lỗi của những người thân chúng con còn thiếu sót khi ở trần gian và cho các ngài sớm được hưởng hạnh phúc muôn đời trong Vương Quốc Vĩnh Cửu của Ngài. Amen.                                                                                          

 

Paraguay, Tháng các linh hồn
Lm. Antôn Trần Xuân  Sang, SVD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây